Sách Khác
Vua Pasenadi (Ba-tư-nặc)

Vua Pasenadi (Ba-tư-nặc)

Tác giả: Thích Chân Tính
Mục lục
Xem thêm
IV - 37. KINH CHUYỆN GIẤC MỘNG LỚN (Tiền thân Mahasupina)

37. KINH CHUYỆN GIẤC MỘNG LỚN

(Tiền thân Mahasupina)

(Kinh số 77, Phẩm Varana, Chương 1, Tập 4, Tiểu bộ kinh)

Câu chuyện này được bậc đạo sư kể trong khi trú tại Jetavana về mười sáu giấc mộng kỳ bí. Tương truyền, vào khoảng canh năm, đêm gần mãn, vua Pasenadi nước Kosala đang ngủ say suốt đêm lại mơ mười sáu giấc mộng lạ lùng khiến vua kinh hãi tỉnh dậy và lo ngại về những điềm xấu có thể xảy đến cho mình. Vua sợ chết đến nỗi không cử động được, mà cứ nằm trùm chăn trên long sàng. Bấy giờ, khi trời gần sáng, các vị Bà-la-môn tế sư đến yết kiến vua và cung kính đảnh lễ, vấn an vua có được ngon giấc chăng.

- Này các quốc sư, làm sao trẫm ngủ ngon giấc được vì đúng lúc tảng sáng, trẫm mơ thấy mười sáu giấc mơ thật kỳ bí, và trẫm kinh hoàng từ đó! Này các quốc sư, thử nói cho trẫm biết ý nghĩa những giấc mơ này.

- Tâu đại vương, chúng thần sẽ phán đoán khi nghe chuyện.

Thế rồi vua kể cho nghe các giấc mơ và hỏi những cảnh kia báo trước tai hoạ gì cho mình chăng.

Các vị Bà-la-môn đều nắm chặt bàn tay lại. Nhà vua hỏi:

- Này các quốc sư, sao nắm tay lại thế?

- Tâu đại vương, vì chính toàn ác mộng cả.

Vua hỏi:

- Vậy chuyện gì sẽ xảy ra?

- Tâu đại vương, một trong ba đại nạn sẽ xảy ra làm hại vương quyền, tính mạng cùng tài sản của đại vương.

- Vậy có cách gì cứu chữa được chăng?

- Hiển nhiên những giấc mộng này báo trước những điều hiểm nguy khó mà cứu vãn được; tuy thế, chúng thần quyết tìm phương cách đối trị chúng. Nếu không thì việc học hành thông thái, uyên bác của chúng thần để làm gì chứ?

- Vậy chư vị hiền khanh định làm gì để tránh tai hoạ đó?

- Tâu đại vương, ở bất kỳ ngã tư đường nào, chúng thần cũng xin lập tế đàn cúng bái cả.

Nhà vua trong lúc lo sợ, vội kêu lên:

- Này các hiền khanh, tính mạng trẫm trong tay chư vị, xin hãy mau mau hành sự cho trẫm được bình an.

Các Bà-la-môn như mở cờ trong bụng, nghĩ thầm: “Thế là những số tiền kếch sù, thực phẩm ê hề đủ loại sắp về tay ta rồi!”

Và họ trấn an vua, rồi cùng lui về. Ngoài kinh thành, họ đào hố tế lễ và thu góp cả đàn súc vật bốn chân, lựa giống toàn hảo, không tỳ vết bệnh tật và vô số chim muông. Song họ vẫn thấy còn thiếu nhiều thứ quá, nên cứ lui tới cung điện đòi thức nọ thức kia mãi. Thời bấy giờ, những việc làm không thoát khỏi tầm mắt của hoàng hậu Mallika, bà bèn đến yết kiến vua và hỏi việc gì khiến các Bà-la-môn cứ đến gặp vua mãi vậy.

Vua phán bảo:

- Trẫm thèm được như ái khanh, thật con rắn đã chui vào tai, mà ái khanh chẳng biết gì cả.

- Tâu đại vương, ngài phán bảo điều gì đấy?

- Ôi, trẫm đã mơ thấy những giấc mộng thật xui xẻo! Các vị Bà-la-môn kia bảo rằng chúng báo trước một trong ba đại hoạ, nên các vị ấy nôn nóng dâng lễ tế đàn để tránh tai ương đó, vì thế chư vị đến đây hoài.

- Song đại vương đã thỉnh ý vị Bà-la-môn tối thượng của loài người và chư thiên chưa?

- “Này ái khanh, hãy cho trẫm biết vị đó là ai vậy?” Nhà vua hỏi.

- Thế đại vương không biết vị đạo sư Bà-la-môn tối thượng của thế gian, bậc toàn tri, thanh tịnh, vô cấu ấy chăng? Ngài là đức Thế Tôn. Dĩ nhiên Ngài sẽ hiểu rõ các giấc mộng của đại vương, xin đại vương hãy đến yết kiến Ngài và hỏi cho rõ.

Nhà vua đáp:

- Này ái hậu, vậy thì trẫm sẽ đi ngay.

Thế là vua liền ngự đến tinh xá, đảnh lễ bậc đạo sư và ngồi xuống.

- “Có việc gì khiến đại vương đến đây từ sáng tinh mơ thế này?” Bậc đạo sư hỏi bằng giọng êm dịu.

Nhà vua đáp:

- Bạch Thế Tôn! Lúc gần tảng sáng, trẫm đã mơ mười sáu giấc mộng kỳ bí khiến trẫm kinh hoàng và kể lại cho các vị Bà-la-môn nghe. Các vị ấy bảo giấc mộng kia báo trước điềm dữ, vậy để tránh tai hoạ xảy ra, chư vị ấy phải dâng lễ tế đàn ở bất kỳ ngã tư đường nào. Và chư vị ấy bận rộn chuẩn bị tế lễ, trong khi nhiều sinh vật lo sợ cái chết đang kề trước mắt. Song, bạch Thế Tôn, xin hãy cho biết những gì sẽ xảy ra từ những giấc mộng kia, Thế Tôn là bậc tối thượng của chư thiên và loài người, bậc toàn trí về mọi việc hiện tại, quá khứ và vị lai.

- Thật vậy, này đại vương, không có ai ngoài ta có thể nói đúng ý nghĩa các giấc mộng của đại vương và những gì sẽ xảy ra sau đó. Ta sẽ nói. Vậy trước tiên ngài hãy kể cho ta nghe những giấc mộng xuất hiện ra sao.

- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.

Vua đáp và lập tức đưa ra bản liệt kê này, theo thứ tự các giấc mộng xuất hiện:

Trước bò đực, cây con,

Sau bò cái, bê non,

Ngựa, bát vàng, sơn cẩu,

Bình nước, hồ sen trong,

Cơm sống, chiên đàn quý,

Bầu bí lặn xuống dòng.

Ðá to thì trôi nổi,

Nhái bén, ễnh ương cùng

Xé tan bầy rắn hổ,

Quạ lại có tuỳ tùng

Chính bầy hoàng nga đẹp,

Chó sói sợ dê rừng!

Như vậy, bạch Thế Tôn, trẫm đã mơ thấy những giấc mơ này nghĩa là thế nào?

- Hình như có bốn con bò đực, sắc đen tuyền từ bốn hướng chạy vào sân chầu với vẻ muốn đánh nhau, dân chúng đổ xô đến xem đấu bò, họp thành một đám đông, nhưng bầy bò chỉ giương oai múa võ, gầm thét ầm ĩ rồi cuối cùng bỏ đi chứ không đánh nhau. Ðó là giấc mơ đầu của trẫm. Nó báo trước điều gì sẽ xảy ra chăng?

- Này đại vương, giấc mơ ấy không có hậu quả gì ngay trong thời đại vương hay trong thời của ta đâu. Mà sau này, vào thời kỳ vua chúa xan tham, bất công, khi dân chúng không theo chánh pháp, thế giới đảo điên, việc thiện suy giảm và điều ác đồng thời tăng trưởng. Trong những ngày thế giới điêu tàn ấy, sẽ không có mưa từ trời rơi xuống, gió không thổi, mùa màng cây cỏ khô héo, nạn đói nổi lên trên địa cầu. Rồi mây sẽ kéo đến từ góc trời như thể sắp mưa, khiến dân chúng vội vã, trước tiên là mang vào nhà mọi thứ thóc lúa, hoa màu mà phụ nữ đã đem phơi nắng vì sợ ướt hết. Sau đó đám đàn ông đem xẻng, thúng... đi đắp đê. Bầu trời như thể có dấu hiệu mưa tới, sấm nổ ầm ầm, chớp loé sáng loà xé mây, nhưng rồi cũng như bầy bò trong giấc mơ nọ không đánh nhau thì mây kia cũng sẽ tan nhanh và mưa chẳng đến. Những việc nọ mà các Bà-la-môn bảo ngài làm chỉ cốt để sinh lợi cho họ thôi.

Khi bậc đạo sư đã nói xong giấc mộng này, Ngài bảo:

- Ðại vương hãy kể cho ta nghe giấc mộng thứ hai.

Vua đáp:

- Bạch Thế Tôn, giấc mộng thứ hai của trẫm như vầy: Hình như có những bụi cây con từ dưới đất trồi lên, khi chúng chỉ mới cao chừng vài tấc thì chúng đã đơm hoa kết trái. Ðó là giấc mộng thứ hai, và chuyện gì sẽ xảy ra từ đây chăng?

- Này đại vương, giấc mộng này sẽ thành hiện thực vào thời thế giới này suy đồi và con người yểu mệnh. Trong thời vị lai, dục vọng sẽ rất mãnh liệt, có những bọn con gái rất non trẻ đi đến sống chung với bọn đàn ông và rồi cũng theo lề lối đàn bà, chúng sẽ thụ thai và sinh con cái. Hoa quả kia tượng trưng cho con cái của chúng. Nhưng đại vương chẳng có gì phải lo sợ cả. Ðại vương hãy nói cho ta nghe giấc mộng thứ ba đi.

- Bạch Thế Tôn, hình như trẫm mơ thấy bầy bò cái bú sữa con mà chúng vừa sinh ra trong một ngày thôi. Ðó là giấc mộng thứ ba. Vậy điều gì sẽ xảy ra chăng?

- Giấc mơ này, thưa đại vương, chỉ thành hiện thực trong thời vị lai, khi những người già không còn được kính trọng nữa. Trong thời ấy, con người ở đời không tỏ lòng kính trọng cha mẹ mình hay nhạc phụ, nhạc mẫu. Chính con cháu sẽ cai quản tài sản gia đình, và nếu họ muốn, họ sẽ cho cha mẹ thức ăn, áo mặc, còn nếu không thích thì họ sẽ cất hết các quà biếu ấy lại. Lúc ấy đám người già sống thiếu thốn và lệ thuộc vào bọn con cháu, tuỳ theo ân huệ ban bố của con cháu mình, giống như bò cái bú sữa bò con vừa mới sinh một ngày! Nhưng đại vương chẳng cần phải lo sợ gì cả. Hãy kể cho ta nghe giấc mộng thứ tư đi.

- Bạch Thế Tôn, hình như trẫm thấy người ta mở dây buộc đàn bò lực lưỡng, mạnh bạo ra, rồi đem đàn bò con bắt kéo xe, và chúng không đủ sức mang gánh nặng đặt lên đầu chúng, nên không chịu đi, chỉ đứng yên, khiến xe cộ không chạy được trên đường sá. Ðó là giấc mộng thứ tư của trẫm, và việc gì sẽ xảy ra chăng?

- Giấc mộng này, thưa đại vương, cũng chẳng thành hiện thực mãi cho đến ngày vị lai, thời có các vua chúa bất minh. Trong thời vị lai ấy, các vua chúa xan tham, bất chánh không có lòng tôn kính các bậc trưởng thượng thông thái, am hiểu luật pháp cổ kim, đa mưu túc kế, thành thạo việc đời, nên vua không bổ nhiệm vào pháp đình những vị phán quan thông minh, uyên bác về luật vua phép nước. Chẳng những thế, bọn vua chúa ấy quý trọng những người quá non trẻ, ngu si và chỉ định chúng vào những chức chủ toạ toà án. Ðám người này vừa ngu dốt việc triều chính, vừa kém cỏi không thể vận dụng kiến thức vào thực hành, nên không đủ sức mang nổi trách nhiệm cao cả của chúng hoặc trị dân trị nước, mà sẽ làm nghiêng ngả giềng mối quốc sự vì thiếu năng lực tài ba. Do đó, những bậc cao niên trưởng thượng thông thái kia, dù đầy đủ tài năng đương đầu với mọi trở lực gian lao, vẫn nhớ rõ là họ đã bị bỏ rơi như thế nào rồi, nên sẽ từ chối giúp sức và bảo: “Ðây không phải là việc của chúng ta, chúng ta là người ngoài cuộc, cứ để cho bọn trẻ nội bộ lo liệu”. Từ đó, các vị ấy đứng tách rời ra, và cảnh suy tàn sẽ vây hãm đám vua chúa kia từ mọi phía. Chuyện ấy cũng giống như dây thắng đem buộc vào bầy bò con chưa đủ sức kéo xe nặng nề, chứ không phải buộc vào đàn bò kéo xe lực lưỡng từ xưa, chính bọn chúng đã thừa khả năng đảm đang việc ấy. Tuy vậy, đại vương chẳng có gì phải sợ hãi cả. Hãy kể tiếp giấc mộng thứ năm đi.

- Bạch Thế Tôn, hình như trẫm mơ thấy một con ngựa có cái mồm cả hai bên, thức ăn được bỏ vào cả hai bên, nên nó ăn luôn cả hai mồm cùng một lúc, đó là giấc mộng thứ năm. Vậy việc gì sẽ xảy ra chăng?

- Giấc mộng này cũng chỉ thành hiện thực trong tương lai, thời kỳ các vua chúa ngu si, bất chánh bổ nhiệm bọn người tham lam, bất chánh làm phán quan. Bọn người hèn hạ này là một bọn ngu si, khinh chê điều thiện, sẽ nhận tiền của hối lộ từ cả hai bên trong lúc chúng ngồi ghế xét xử, chúng sẽ nhét đầy túi tham với cách nhũng lạm cả hai phía này, chẳng khác nào con ngựa ăn cỏ cả hai mồm cùng một lúc. Tuy thế, đại vương chẳng có gì phải lo sợ chuyện đó cả. Hãy kể tiếp giấc mộng thứ sáu.

- Bạch Thế Tôn, hình như trẫm thấy người ta cầm một cái bát vàng sáng loáng đáng giá trăm ngàn đồng tiền, lại đưa ra mời một con chó rừng già nua tiểu tiện vào đấy. Và trẫm thấy con vật kia đã làm như vậy. Ðó là giấc mộng thứ sáu. Việc gì sẽ xảy ra chăng?

- Giấc mộng này cũng chỉ thành hiện thực trong tương lai, khi các vua chúa, dù xuất thân từ dòng dõi hoàng tộc, lại không tin dùng các vương tôn công tử quý phái từ xưa, mà đem ban chức tước cho bọn hạ đẳng, khiến đám quý tộc phải sa sút, nghèo hèn và đám cùng đinh lên ngôi cao trọng. Sau đó, những danh gia vọng tộc bị quẫn bách, bần cùng phải cố tìm kế mưu sinh bằng cách nương tựa vào đám người trưởng giả mới lên và đem con gái mình gả cho chúng. Như vậy mối nhân duyên kết hợp bầy tiểu thư đài các với đám tục tử hạ lưu có khác gì việc con chó rừng già tiểu tiện vào cái bát vàng kia! Tuy thế, đại vương chẳng có gì phải lo ngại cả. Hãy kể tiếp giấc mộng thứ bảy đi.

- Bạch Thế Tôn, có một kẻ đan sợi dây thừng, trong khi vừa đan, nó lại vừa thả dây này xuống chân, dưới ghế ngồi khi ấy có một con chó cái rừng đói mồi, nên cứ ăn mãi sợi dây thừng kia mà người ấy chẳng hề biết. Ðó là giấc mơ thứ bảy mà trẫm đã thấy. Việc gì sẽ xảy ra chăng?

- Giấc mộng này cũng không thành hiện thực cho tới thời vị lai, khi ấy đám nữ nhân đầy tham dục chạy theo bọn đàn ông và rượu nồng, ngọc ngà, trang sức vàng bạc, lê bước khắp nẻo đường thọ hưởng mọi lạc thú trần gian. Trong lối sống phóng đãng, hoang phí kia, chúng cũng say sưa bên men rượu nồng cùng bọn tình nhân, chúng cứ phô trương đủ thứ vòng hoa, sáp thơm thật bóng lộn, chẳng còn quan tâm đến việc tề gia nội trợ dù cấp bách đến đâu đi nữa, chúng chỉ suốt ngày chờ đợi bọn tình nhân, cứ nhìn qua khe hở cao tít ở ngoài vách tường quanh nhà; chúng lại đem hết thóc giống để dành gieo hạt ngày sau ra giã làm bột, cốt để ăn chơi thoả thích. Bằng mọi cách trên, chúng lấy hết kho thóc lúa do công lao của chồng chúng làm ra trên đồng ruộng, chúng xâu xé tài sản của bọn đàn ông khốn khổ kia, có khác gì con chó rừng đói mồi dưới chân ghế cứ gặm hết đoạn dây thừng trong lúc người ấy đang kết dây lại. Tuy vậy, đại vương chẳng có gì phải sợ hãi cả. Hãy kể giấc mộng thứ tám của đại vương đi.

- Bạch Thế Tôn, hình như trẫm thấy tại hoàng môn có một bình lớn đầy nước tận miệng, ở giữa một số bình trống không. Rồi từ bốn phương có bốn dòng người gồm cả bốn giai cấp Sát-đế-lỵ, Bà-la-môn, Phệ-xá và Thủ-đà liên tục mang nước trong các bình đất đến đổ vào chiếc bình lớn kia, làm nước tràn chảy hết ra ngoài. Tuy vậy, họ vẫn cứ đổ mãi nước vào bình đã tràn ấy, mà chẳng có người nào thèm liếc mắt tới những bình trống trơn cả. Ðó là giấc mộng thứ tám của trẫm. Xin cho biết có việc gì xảy ra chăng?

- Giấc mộng này cũng chẳng thành hiện thực cho tới thời vị lai. Khi ấy thế giới sẽ suy tàn, vương quốc trở thành kiệt quệ, vua chúa sẽ nghèo khó và sinh thói xan tham, người giàu nhất trong đám vua chúa cũng không thể có nhiều hơn một trăm ngàn đồng tiền trong kho. Trong lúc túng quẫn, bọn vua chúa này bắt toàn dân ra sức làm việc cho họ; vì thế, để phụng sự vua, dân chúng bỏ hết công việc riêng của mình, đi gieo hạt lúa, đậu, trông coi gặt hái, đập giã và cất vào công khố; để phụng sự vua, dân chúng phải trồng mía làm đường, nấu mật; để phụng sự vua, dân chúng phải trồng vườn hoa, vườn trái và thu hoạch hoa màu. Khi thu hoạch đủ loại sản phẩm, dân chúng đem chứa đầy vào các kho tích trữ của vua chúa đến tràn lan, mà chẳng khác gì đổ tràn các bình đã đầy và chẳng quan tâm những bình trống rỗng. Tuy nhiên, đại vương chẳng có gì phải lo sợ vì việc ấy cả. Hãy kể cho ta nghe giấc mộng thứ chín.

- Bạch Thế Tôn, hình như trẫm thấy một hồ sâu có bờ cao bao quanh mọc đầy năm loại hoa sen. Từ bốn phía hồ các loài vật hai chân, bốn chân kéo đến từng đàn để uống nước. Chính giữa hồ thì nước sâu lại đục ngầu như quấy bùn, nhưng nước lại trong trẻo, lấp lánh ở các bờ hồ, nơi đủ loại súc vật bước xuống uống ăn. Ðó là giấc mộng thứ chín của trẫm. Chuyện gì sẽ xảy ra từ điềm ấy chăng?

- Giấc mộng này cũng chỉ thành hiện thực ở thời tương lai. Thời ấy vua chúa trở thành bất công, cai trị theo ý muốn và sở thích riêng của mình, nên không xử án theo công lý. Bọn vua chúa này thèm khát vàng bạc và gia tăng việc nhận hối lộ, họ không tỏ lòng thương xót, yêu mến dân chúng mình, mà lại tàn ác, vơ vét của cải bằng cách chà đạp bọn bề tôi như ép mía và đánh thuế dân đến độ đồng xu chẳng còn dính túi. Vì không thể nào trả nổi sưu thuế đè nặng trên lưng, dân chúng khắp thị thành, làng mạc sẽ bỏ trốn, tìm nơi trú ẩn ở các vùng biên địa của xứ sở nên trung tâm của tổ quốc trở thành chốn hoang vu, trong khi vùng biên địa lại đông đúc dân chúng. Chuyện ấy cũng giống như nước giữa hồ vẩn đục, còn ở bờ hồ lại trong trẻo. Tuy vậy, đại vương chẳng có gì phải lo sợ gì việc ấy cả, hãy kể cho ta nghe giấc mộng thứ mười.

- Bạch Thế Tôn, hình như trẫm thấy cơm sôi trong nồi mà không được trộn cho đều. Vì không được khuấy đều, nên nồi gạo giống như được chia ra ba phần rõ rệt theo ba giai đoạn nấu cơm: phần thì nhão nhoẹt, phần thì sống sượng, phần thì vừa chín thật ngon lành! Ðó là giấc mộng thứ mười của trẫm. Việc gì sẽ xảy ra từ điềm ấy chăng?

- Giấc mộng này cũng chẳng thành sự thật cho đến thời vị lai. Thời ấy vua chúa bất công, dân chúng dưới quyền cũng trở thành bất chánh, các Bà-la-môn, gia chủ, thị dân, nông dân cũng thế; đúng vậy, dân chúng đều thành ra bất chánh cả, ngay cả những Bà-la-môn thông thái. Kế đó là các thần linh hộ trì chúng, những thần linh mà chúng thường dâng tế lễ, như thần cây cối, thần giữa không gian, cũng trở thành bất chánh luôn, ngay cả gió thổi qua quốc độ của các hôn quân này cũng trở thành cuồng phong hỗn loạn, làm rung chuyển các đền đài trên thiên giới, khiến chư thần trên đó phẫn nộ, không cho mưa rơi xuống; hoặc là, nếu có mưa đi nữa cũng chẳng rơi đều khắp quốc độ cùng một lúc, cũng chẳng có những cơn mưa dông lớn tốt lành tưới đều trên các vùng đất cày cấy gieo hạt để giúp dân chúng đang cơn túng quẫn. Vì thế, trong một quốc gia rộng lớn, trong mỗi thôn làng, hồ, ao, mưa không rơi xuống cùng một lúc trong cùng một phạm vi; nếu mưa ở phần trên, thì không mưa ở phần dưới, nơi này mùa màng bị hư hại nặng vì úng thuỷ, nơi kia lại khô cằn vì hạn hán, nơi khác nữa lại thịnh vượng nhờ những cơn mưa thuận gió hoà đều đặn. Thế là mùa màng trong cùng một quốc độ - như cơm trong một nồi - sẽ không giống nhau. Tuy thế, đại vương không có gì phải lo sợ vì chuyện đó cả. Hãy kể cho ta nghe giấc mộng thứ mười một đi.

- Bạch Thế Tôn, hình như trẫm thấy bơ tươi được đem đi đổi lấy gỗ chiên đàn quý trị giá cả một trăm ngàn đồng tiền. Ðó là giấc mộng thứ mười một. Có điều gì xảy ra từ đó chăng?

- Giấc mộng này cũng không thành hiện thực cho đến thời vị lai, ngày mà giáo pháp của ta suy tàn. Vào thời đó, nhiều Tỷ-kheo tham lam, vô tàm vô quý sẽ xuất hiện, chỉ vì miếng cơm manh áo mà chúng thuyết giảng chính giáo pháp ta đã truyền bá cốt để tận diệt dục tham! Do chúng từ bỏ giáo hội chỉ vì lợi dưỡng tấm thân và đứng vào hàng ngũ của bọn tà giáo, nên chúng không thể giảng chánh pháp đưa đến Niết bàn. Không, chúng chỉ suy nghĩ, trong lúc giảng pháp, làm sao dùng đủ lời lẽ hoa mỹ và giọng nói ngọt ngào để dụ dỗ quần chúng đem cho chúng thực phẩm, y phục đắt tiền cùng các thứ đại loại như thế và chỉ chuyên tâm đến lợi dưỡng cúng dường. Có những kẻ ngồi ở đại lộ, góc đường, hoàng môn... cúi mình xuống giảng pháp vì tiền, vì các đồng tiền lớn nhỏ. Và trong khi chúng đem bán rẻ giáo pháp đưa đến Niết bàn vô giá để đổi lấy thực phẩm, y phục, vàng bạc thì chúng có khác gì kẻ đem đổi gỗ chiên đàn đáng giá trăm ngàn đồng để lấy thứ bơ tươi kia? Tuy thế, đại vương chẳng có gì phải lo sợ chuyện ấy cả, hãy kể giấc mộng thứ mười hai cho ta nghe.

- Bạch Thế Tôn, trẫm thấy dây bí bầu rỗng ruột lại chìm xuống nước. Vậy có điều gì sẽ xảy ra chăng?

- Giấc mộng này cũng không thành hiện thực cho đến thời vị lai có vua chúa bất công, thế giới điên đảo. Thời ấy vua chúa không quý trọng những người dòng dõi quý tộc mà chỉ ưu đãi bọn hạ đẳng, nên bọn này sẽ thành ra những chúa tể quyền cao chức trọng trong khi đám quý tộc phải bị dìm xuống cảnh nghèo khổ. Cũng vậy ở chốn triều đình, ở cung môn, tại sảnh đường hay toà án chỉ có lời nói của bọn hạ đẳng - mà xác lập vững vàng, như thể chìm tận đáy nước. Ngay trong tứ sự cúng dường: thực phẩm, y phục, sàng toạ, dược liệu cũng vậy, chỉ ý kiến của kẻ ác dục, suy đồi được xem là có quyền định đoạt chứ không phải ý kiến của các Tỷ-kheo biết thiểu dục trí túc. Chuyện như thế khắp nơi chẳng khác gì cảnh dây bầu bí rỗng ruột lại chìm. Tuy vậy, đại vương không có gì phải lo sợ chuyện đó cả. Hãy kể giấc mộng thứ mười ba cho ta nghe.

Khi ấy nhà vua nói:

- Bạch Thế Tôn, hình như trẫm thấy những tảng đá lớn bằng ngôi nhà, lại nổi bồng bềnh như thuyền bè trên nước. Vậy việc gì sẽ xảy ra chăng?

- Giấc mộng này cũng không thành sự thật cho tới thời vị lai như ta đã nói trên. Thời ấy, vua chúa bất công, tận dụng đám người hạ đẳng, chúng sẽ trở thành các chúa tể đầy quyền lực trong lúc đám người quý tộc sa sút, nghèo khổ. Người ta không còn tôn sùng quý tộc, mà chỉ tôn sùng bọn mới giàu sang thôi. Lúc vua lâm triều, trong phòng họp cơ mật, hay ở chốn pháp đình, lời nói của các vị quý tộc tinh thông luật pháp - chính các tảng đá lớn tượng trưng cho hạng người này - lại trôi giạt bồng bềnh, chứ không lắng sâu vào tâm tư mọi người. Khi các vị này cất tiếng thì bọn trưởng giả mới nổi sẽ cười nhạo khinh bỉ, bảo nhau: “Các tên kia đang nói gì thế?” Cũng vậy, trong các hội chúng Tỷ-kheo, giống như đã nói trên đây, người ta không biết kính trọng những bậc tối thắng giữa hàng Sa-môn, nên lời nói của các vị này không lắng đọng lại, mà chỉ trôi dật dờ đi mất, chẳng khác nào các tảng đá nổi bồng bềnh trên mặt nước. Tuy nhiên, đại vương không có gì phải sợ hãi chuyện ấy cả. Hãy kể tiếp giấc mộng thứ mười bốn cho ta nghe.

- Bạch Thế Tôn, hình như trẫm thấy những con nhái bén chẳng lớn hơn những cánh hoa bé tí teo, lại nhanh nhẹn săn bắt những con rắn khổng lồ, cắn xé chúng ra từng khúc như các ngó sen và nhai ngấu nghiến chúng trong chốc lát là xong. Việc gì sẽ xảy ra chăng?

- Giấc mộng này cũng chẳng thành sự thực cho tới thời vị lai, như những việc trước ta đã nói, thời thế giới suy tàn. Lúc ấy tham ái của bọn nam nhân nổi lên quá mãnh liệt, dục vọng quá nồng nàn đến độ chúng trở thành lũ nô lệ cho bọn hầu thiếp còn trẻ con. Trong nhà, từ những kẻ tôi tớ, làm công, trâu bò, heo gà, vàng bạc, cho đến mọi vật khác đều tuỳ thuộc đám thê thiếp định đoạt. Giả sử người chồng khốn khổ kia hỏi xem tiền bạc, áo quần để ở đâu, liền được đáp rằng nó ở đâu kệ nó, chàng ta phải lo chuyện mình đi, đừng hỏi han lôi thôi về việc gì trong nhà “vợ chàng ta” cả! Rồi sau đó bằng mọi cách, bọn thê thiếp kia dùng lời lẽ mạ lỵ, khinh chê, châm chọc để đàn áp và đô hộ các người chồng như bầy nô lệ, tôi tớ, như vậy chẳng khác gì lũ nhái bén, chẳng lớn hơn cái hoa tí xíu, lại nuốt chửng rắn hổ mang! Tuy nhiên, ngài chẳng có gì phải lo lắng về việc đó cả. Hãy nói cho ta nghe giấc mộng thứ mười lăm.

- Bạch Thế Tôn, hình như trẫm thấy một con quạ đồng quê, đầy đủ mười ác hạnh, lại được một đoàn tuỳ tùng gồm toàn chim quý hộ tống, những con chim này màu lông vàng ánh, thường được đặt tên là Kim nga vương giả. Việc gì sẽ xảy ra chăng?

- Giấc mộng này, thưa đại vương, cũng không thành tựu cho đến thời vị lai, thời đại các quốc vương suy thoái. Ðó là thời xuất hiện những vị vua chẳng hiểu biết gì về võ thuật, voi, ngựa, và lại hèn nhát khi ra trận, vì sợ bị truất phế hay tống xuất ra khỏi vương quốc, nên chúng đưa những bọn cận vệ, hầu tắm, hớt tóc, đại loại như thế lên nắm quyền thay vì đưa nhóm người quý tộc lên. Như vậy, đám người này không được hưởng ơn vua lộc nước, nên không đủ sức cấp dưỡng cho mình, đành phải cam chịu hạ mình chầu hầu bọn trưởng giả mới, giống như chim quạ được đám Kim nga vương giả theo hầu. Tuy thế, đại vương không có gì phải lo sợ về điều ấy cả. Hãy kể giấc mộng thứ mười sáu cho ta.

- Xưa nay, chính loài hổ báo săn bắt sơn dương, nhưng hình như trẫm mơ thấy sơn dương săn bắt hổ báo và xé xác ăn rau ráu. Trong lúc vừa thấy bóng bầy dê từ đàn xa bầy chó sói hoảng hốt chạy trốn và lập tức giấu mình vào bụi rậm. Ðó là giấc mơ của trẫm. Việc gì sẽ xảy ra chăng?

- Giấc mộng này, thưa đại vương, cũng không thành hiện thực cho đến thời vị lai, thời vua chúa bất minh cai trị. Thời ấy, bọn hạ đẳng được nắm quyền cao chức trọng và được nhiều ân sủng của vua chúa, trong lúc đám quý tộc sa vào cảnh bần cùng tối tăm. Vì có được nhiều thế lực trong toà án do ân sủng của vua ban, bọn mới giàu sang này đòi tước đoạt quyền tư hữu đất đai, y phục, và mọi tài sản do tổ tiên để lại của đám quý tộc xưa. Khi đám người này cố bênh vực cho quyền lợi của họ trước toà án, liền bị đám hầu cận thân tín của vua lấy gậy gộc đánh đập, nắm cổ quẳng ra ngoài với lời thô bỉ, đại khái là: “Liệu thần hồn đấy, bọn ngu si kia! Sao? Các ngươi muốn tranh giành với chúng ta ư? Ðức vua sẽ biết được sự hỗn láo của các ngươi, rồi chúng ta sẽ sai chặt tay chân của các ngươi ra và trừng phạt thích đáng cả lũ!” Sau đó, đám người quý tộc kinh hoảng nhận ra rằng tài sản của họ nay đã trở thành tài sản của đám người thống trị mới quá khắc nghiệt kia, nên phải yêu cầu bọn mới được ân sủng này nhận lấy tài sản của họ. Rồi họ vội vã về nhà trốn tránh trong nỗi lo âu, sợ hãi. Cũng vậy, các ác Tỷ-kheo tha hồ khủng bố, tiêu diệt các Tỷ-kheo hiền thiện, xứng đáng, cho đến khi những người này không thấy còn ai bảo vệ mình nữa, đành phải trốn vào rừng sâu. Như vậy, sự đàn áp hội chúng quý tộc và thiện Tỷ-kheo cũng giống như bầy chó sói bị bầy dê hăm doạ. Tuy nhiên, ngài không có gì phải sợ hãi chuyện ấy cả. Vì giấc mộng này cũng chỉ liên hệ đến thời tương lai mà thôi.

Như vậy, không phải vì chân lý hay lòng yêu mến đại vương khiến cho các Bà-la-môn tiên đoán như cách họ đã nói với đại vương đâu. Ðó chỉ là lòng tham muốn lợi dưỡng, cái tri thức được nuôi dưỡng bởi tham dục làm cho họ thốt ra những lời nói đem mối lợi phần mình mà thôi.

Như vậy, bậc đạo sư đã thuyết giảng ý nghĩa của mười sáu giấc mộng lớn trên xong, và Ngài nói thêm:

- Này đại vương, ngài không phải là người đầu tiên nằm mộng như thế; mà ngày xưa, các vua chúa cũng từng mơ thấy những giấc mộng này, và cũng như giờ đây, các Bà-la-môn tìm thấy những cớ đó để dâng lễ tế đàn; vì việc này, theo lời thỉnh cầu của người hiền thiện và có trí, Bồ-tát đã được tham vấn, và các giấc mộng đã được các bậc hiền trí ngày xưa giải thích giống hệt như cách chúng được giải thích giờ đây.

Nói vậy xong, theo lời thỉnh cầu của vua, Ngài kể một câu chuyện quá khứ.

***

Một thuở nọ, khi vua Brahmadatta trị vì Baranas, Bồ-tát thọ sanh làm một Bà-la-môn ở một quốc độ phương Bắc. Khi đến tuổi trưởng thành, Ngài từ giã thế tục, sống đời ẩn sĩ. Ngài đạt được các thắng trí và các thiền chứng, an trú tại vùng Tuyết Sơn (Hy Mã Lạp Sơn) với thiền lạc thanh tịnh.

Ngày ấy, cũng như trên, vua Brahmadatta mơ những giấc mơ này tại thành Baranas, và tham vấn ý kiến các Bà-la-môn liên hệ vấn đề và các Bà-la-môn cũng như hiện nay, khởi sự việc tế đàn. Trong đám ấy, một thanh niên Bà-la-môn có trí, thông thái, là đệ tử của vị tế sư của hoàng tộc, thưa với thầy mình:

- Bạch sư phụ, sư phụ đã dạy con ba tập thánh điển Vệ-đà. Vậy không có kinh nào bảo rằng việc giết một sinh vật không đem lại đời sống cho một sinh vật khác sao?

- Này đồ đệ, việc này sẽ đem lại nhiều tiền cho chúng ta, vô số tiền đấy. Hình như con chỉ mong đừng hao tốn công khố của đức vua thôi ư?

Thanh niên Bà-la-môn nói:

- Bạch sư phụ, vậy xin sư phụ cứ làm theo ý mình. Về phần con, con còn ở lại đây với sư phụ để làm gì kia chứ?

Nói vậy xong thầy từ giã thầy mình và đi đến ngự viên của hoàng gia.

Cùng ngày đó, Bồ-tát biết hết việc này, Ngài nghĩ thầm: “Giả sử hôm nay ta viếng cõi trần, ta sẽ giải thoát cho nhiều sinh vật khỏi cảnh giam cầm ấy ngay”. Thế rồi Ngài du hành qua không gian, giáng hạ tại ngự viên kia, Ngài an toạ và chiếu sáng như một bức tượng bằng vàng trên thạch bàn dành cho đại lễ. Thanh niên Bà-la-môn đến gần, đảnh lễ Ngài và ngồi xuống một bên với vẻ thân hữu. Cuộc đàm đạo êm thấm diễn ra, và Bồ-tát hỏi thanh niên Bà-la-môn có nghĩ là vua này cai trị đúng pháp chăng.

Thanh niên đáp:

- Thưa tôn giả, đức vua vốn là người chân chính, song các Bà-la-môn đã làm cho ngài thiên về ác hạnh. Khi được vua hỏi ý kiến về mười sáu giấc mộng lớn mà ngài vừa thấy, các Bà-la-môn liền chụp ngay cơ hội đó để đòi tế đàn và bảo hành động tức thì. Vậy thưa tôn giả, nếu tôn giả vui lòng đến giải thích cho vua hiểu rõ ý nghĩa thật sự của các giấc mộng ấy và thế là giải cứu được vô số sinh linh khỏi nỗi kinh hoàng vì chết chóc, chẳng phải là một việc thiện lành đó chăng?

- Nhưng này nam tử, ta không biết vua, mà vua cũng chẳng biết ta. Tuy vậy, nếu vua muốn đến đây hỏi ta, ta sẽ nói cho vua nghe.

Thanh niên Bà-la-môn đáp:

- Thưa tôn giả, con sẽ đi rước đức vua đến đây. Chỉ xin tôn giả vui lòng ngồi đợi đây một lát cho đến khi con trở lại.

Sau khi được Bồ-tát nhận lời, chàng đến bệ kiến vua và tâu:

- Trong ngự viên vừa có một ẩn sĩ phi hành qua không gian và giáng hạ, vị này bảo có thể giải thích các giấc mộng của đại vương, kính mong đại vương kể lại các giấc mộng này cho vị ẩn sĩ ấy được chăng?

Khi vua nghe việc này, liền lập tức cùng đoàn tuỳ tùng đến ngự viên. Vừa đảnh lễ vị ẩn sĩ, vua ngồi xuống bên Ngài và hỏi có thật là Ngài hiểu rõ việc gì sẽ xảy ra từ những giấc mộng ấy chăng. Bồ-tát đáp:

- Dĩ nhiên là đúng vậy. Nhưng trước hết hãy kể cho ta nghe những giấc mộng của đại vương.

- Bạch tôn giả, trẫm xin sẵn sàng, vua đáp và bắt đầu kể như sau:

Trước bò đực, cây con,

Sau bò cái, bê con,

Ngựa, bát vàng, sơn cẩu,

Bình nước, hồ sen trong,

Cơm sống, chiên đàn quý,

Bầu bí lặn xuống dòng,

Ðá to thì trôi nổi,

Nhái bén, ễnh ương cùng

Xé tan bầy rắn hổ,

Quạ có đám tuỳ tùng

Là bầy hoàng nga đẹp;

Chó sói sợ dê rừng!

Và kế đó vua kể các giấc mộng giống như vua Pasenadi đã kể trên.

Bậc đại sĩ bảo:

- Thôi đủ rồi, đại vương không có gì phải sợ hãi về việc này cả.

Sau khi trấn an nhà vua xong và giải thoát cho đám sinh vật kia khỏi bị giam giữ, Bồ-tát liền trụ trên không, khuyến giáo vua và an trú vua vào ngũ giới rồi kết luận với những lời này:

- Thưa đại vương, từ nay về sau đại vương đừng cộng tác với các Bà-la-môn trong việc giết súc vật để tế đàn.

Sau khi thuyết giảng xong, Bồ-tát du hành qua không gian để trở lại nơi trú ngụ của Ngài. Còn nhà vua, chấp trì lời dạy đã được nghe, chuyên sống đời bố thí, cùng làm nhiều thiện sự công đức khác và khi mạng chung đi theo nghiệp của mình.

***

Khi chấm dứt pháp thoại này, bậc đạo sư bảo:

- Đại vương không có gì phải sợ các giấc mộng ấy cả. Vậy hãy huỷ bỏ việc tế đàn đi.

Sau khi bảo vua huỷ bỏ việc tế đàn và giải cứu vô số sinh linh, Ngài kết hợp hai câu chuyện và nhận diện tiền thân:

- Vào thời ấy Ananda là vua, Sariputta (Xá-lợi-phất) là thanh niên Bà-la-môn và ta là vị ẩn sĩ ấy.

Sách cùng thể loại
Kinh Nhật Tụng
Kinh Nhật Tụng
Chùa Hoằng Pháp
Kinh Trường Thọ Diệt Tội
Kinh Trường Thọ Diệt Tội
Người Dịch:
Thánh Đức Và Sự Linh Ứng của Bồ - Tát Địa Tạng
Thánh Đức Và Sự Linh Ứng của Bồ - Tát Địa Tạng
Nhiều tác giả
Tây Phương An Lạc Tập
Tây Phương An Lạc Tập
Đại Sư Đạo Xước
Những Câu Chuyện Về Nhân Quả
Những Câu Chuyện Về Nhân Quả
Thích Tâm Thuận
Niệm Phật Thoát Sanh Tử
Niệm Phật Thoát Sanh Tử
Thích Nữ Tuệ Uyển