Vua Pasenadi (Ba-tư-nặc)
41. KINH CHUYỆN CÔNG ĐỨC
(Tiền thân Guna)
(Kinh số 157, Phẩm Dalha, Chương 2, Tập 5, Tiểu bộ kinh)
Câu chuyện này, khi trú ở Jetavana, bậc đạo sư kể về tôn giả Ananda đã nhận được một ngàn tấm y. Câu chuyện trưởng lão Ananda thuyết pháp trong nội cung vua Pasenadi đã được nói đến ở Tiền thân Mahasara (Kinh số 92, Tiểu bộ kinh). Khi trưởng lão đang thuyết pháp trong nội cung vua, một ngàn tấm y đáng giá mỗi tấm một ngàn đồng tiền vàng được đem đến dâng vua. Vua lấy năm trăm tấm, và cho các cung phi năm trăm tấm. Tất cả cung phi để các tấm y một bên, và hôm sau đem cúng cho trưởng lão Ananda, còn mình đắp tấm y cũ, đi đến chỗ nhà vua dùng điểm tâm. Vua hỏi:
- Ta có ban cho các nàng các tấm y đáng giá mỗi tấm một ngàn đồng tiền vàng, sao các nàng không đắp?
- Thưa đại vương, chúng thần thiếp đã cúng các tấm y cho trưởng lão.
- Trưởng lão Ananda đã nhận tất cả sao?
- Thưa đại vương, vâng.
- Bậc Chánh Ðẳng Giác chỉ cho phép ba y, ta nghĩ rằng trưởng lão Ananda tính chuyện buôn bán vải, nên mới nhận quá nhiều y như vậy.
Nhà vua tức giận trưởng lão ấy, ăn điểm tâm xong, liền đi đến tinh xá, vào phòng trưởng lão, đảnh lễ, ngồi xuống rồi hỏi:
- Thưa tôn giả, các nữ nhân trong cung của trẫm có đến học pháp hay nghe pháp với tôn giả không?
- Thưa đại vương, có. Các nữ nhân ghi nhận và nghe những gì họ đáng nghe.
- Thế nào, họ chỉ nghe pháp hay họ cúng dường cho tôn giả các thượng y và hạ y?
- Thưa đại vương, hôm nay họ đã cúng năm trăm y đáng giá một ngàn đồng tiền mỗi tấm.
- Tôn giả có nhận tất cả không?
- Thưa đại vương, có.
- Thưa tôn giả, nhưng bậc đạo sư chỉ cho phép nhận ba y thôi?
- Vâng, thưa đại vương. Thế Tôn cho phép mỗi Tỷ-kheo chỉ sử dụng ba y, nhưng không ngăn cấm nhận lấy những gì được cúng dường. Do vậy, tôi nhận lấy các tấm y để cho những vị khác đang mang y mòn cũ.
- Nhưng khi các Tỷ-kheo ấy nhận các tấm y từ tôn giả, họ sẽ làm gì với những tấm y cũ?
- Với các tấm y cũ, họ sẽ làm thượng y.
- Với các thượng y cũ, họ sẽ làm gì?
- Họ sẽ làm tấm nệm.
- Với những tấm nệm cũ, họ sẽ làm gì?
- Họ sẽ làm tấm thảm trải đất.
- Với những tấm thảm trải đất cũ, họ sẽ làm gì?
- Họ sẽ làm khăn lau chân.
- Với khăn lau chân cũ, họ sẽ làm gì?
- Thưa đại vương, họ không được phép phí phạm đồ tín thí cúng dường. Do vậy, họ lấy dao cắt nhỏ các khăn lau chân cũ, trộn với bùn, đất và làm thành vôi hồ để làm nhà cửa.
- Thưa tôn giả, ngay cả khăn lau chân được cúng dường cho tôn giả cũng không được huỷ hoại?
- Vâng, thưa đại vương, chúng tôi không huỷ hoại đồ cúng dường cho chúng tôi. Chúng đều được sử dụng.
Vua bằng lòng hoan hỷ, mang năm trăm tấm y còn lại được cất trong cung cúng dường trưởng lão. Rồi vua nghe lời tuỳ hỷ công đức, đảnh lễ trưởng lão, thân hướng về phía hữu, và ra đi.
Trưởng lão cúng năm trăm tấm y nhận được lần đầu cho các vị có y đã cũ kỹ. Nhưng số Tỷ-kheo đồng trú với trưởng lão là khoảng độ năm trăm. Một trong các vị này là một Tỷ-kheo trẻ tuổi, hầu hạ trưởng lão nhiều việc, quét phòng, múc nước, dọn dẹp đồ ăn, đem tăm đánh răng, nước rửa mặt, dọn dẹp sạch sẽ nhà vệ sinh, đem nước nóng đến các phòng ở, và làm các công việc cần khác, như bóp tay, bóp chân, đấm lưng.
Trưởng lão lấy năm trăm tấm vải được nhận lần sau đem cho Tỷ-kheo ấy, vì xứng đáng với tất cả sự hầu hạ giúp đỡ cho mình. Tỷ-kheo này chia tất cả tấm vải ấy cho những vị đồng sự với mình. Như vậy, tất cả Tỷ-kheo đều nhận các tấm vải cúng dường. Họ cắt những tấm vải ấy rồi nhuộm vàng như bông kanikara. Họ đến bậc đạo sư đảnh lễ, ngồi xuống một bên và thưa:
- Bạch Thế Tôn, một thánh đệ tử đã chứng quả Dự lưu có phải là một người nhìn mặt để bố thí không?
- Này các Tỷ-kheo, một thánh đệ tử không phải là một người nhìn mặt để bố thí.
- Bạch Thế Tôn, giáo thọ sư chúng con, vị trưởng lão Chưởng khố chánh pháp đã đem năm trăm tấm vải trị giá một ngàn đồng tiền vàng mỗi tấm cho một Tỷ-kheo trẻ tuổi, và vị ấy đem chia các tấm vải đã nhận cho chúng con.
- Này các Tỷ-kheo, Ananda không phải là người nhìn mặt để bố thí. Tỷ-kheo thị giả ấy đã giúp đỡ thầy mình nhiều. Do vậy, vì hầu hạ, vì công đức, vì thích ứng đối với người đã hầu hạ mình nên vị ấy đã làm như vậy để giúp đỡ lại những ai đã giúp đỡ, vị ấy cho như vậy để báo đáp trả ân. Các bậc hiền trí thời xưa cũng đã giúp đỡ lại những ai đã giúp đỡ mình.
Nói vậy xong, theo lời yêu cầu của các Tỷ-kheo ấy, bậc đạo sư kể câu chuyện quá khứ.
***
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Baranas, Bồ-tát sanh ra làm con sư tử sống trong một hang núi. Xung quanh chân núi ấy, có một hồ nước lớn bao bọc. Trên một mảnh đất nổi lên của hồ nước, đất bùn dày đặc, cỏ mọc xanh mềm và trên đám bùn ấy, các loài thỏ, nai v.v... và các con vật nhanh nhẹn khác qua lại để ăn cỏ. Ngày hôm ấy, có một con nai đi qua lại ăn cỏ. Ở đấy, sư tử muốn ăn thịt con nai, từ trên núi nhảy xuống, với sức nhanh của mình, nó nhảy tới. Con nai hoảng sợ kêu lớn tiếng rồi bỏ chạy, sư tử không có thể chạy mau hơn và rơi trên mặt bùn, bị lún xuống, không đứng dậy được, vì bốn chân đâm sâu như cây cột, bảy ngày đứng như vậy không ăn không uống gì.
Một con chó rừng đi tìm mồi, chợt thấy sư tử, liền hoảng sợ chạy trốn. Nhưng sư tử kêu nó lại:
- Này bạn chó rừng, chớ chạy, ta nay bị mắc dính trong bùn. Hãy cứu ta sống.
Chó rừng đi đến gần sư tử và nói:
- Nếu tôi kéo ngài lên, tôi sợ rằng ngài sẽ ăn thịt tôi!
- Chớ sợ, ta sẽ không ăn thịt ngươi. Trái lại ta sẽ phục vụ, giúp đỡ người rất nhiều. Hãy tìm một phương tiện kéo ta lên.
Chó rừng chấp nhận lời hứa, liền bới đất bùn xung quanh bốn chân sư tử, đào bốn mương nước ở đó, dẫn nước chảy vào làm cho đất bùn mềm. Khi ấy chó rừng bò dưới bụng sư tử và nói:
- Hãy cố gắng lên, thưa ngài.
Rồi dùng cái đầu húc cái bụng sư tử lên. Sư tử vận hết sức mạnh, vươn lên khỏi bùn, nhảy lên đứng trên đất cứng. Sư tử nghỉ ngơi một lát rồi đi xuống hồ, rửa sạch bùn. Tắm xong, nó giết một con trâu và với những nanh ngoạm sâu vào thịt trâu, nó xé thịt ra đặt một số thịt trước mặt chó rừng:
- Này bạn hãy ăn đi!
Sau khi chó rừng ăn, sư tử mới ăn. Rồi chó rừng cất giữ lại một miếng thịt.
- Này bạn giữ miếng thịt để làm gì?
Chó rừng trả lời:
- Có bạn gái giữ nhà cho tôi, miếng thịt này dành cho nàng.
Sư tử nói:
- Ðược lắm, hãy lấy đi.
Rồi sư tử cũng lấy một miếng thịt cho vợ mình. Cả hai cùng đứng trên chóp núi và đồng ý sẽ về chỗ ở của hai bạn gái. Nói xong, sư tử đi đến đấy, đem thịt cho sư tử cái và chó rừng cái, rồi cùng nói:
- Bắt đầu từ nay, ta sẽ săn sóc các nàng.
Sau đó, sư tử đưa cả hai vợ chồng chó rừng vào chỗ ở của mình, để chúng ở tại một hang khác gần cửa hang của mình.
Từ đó trở đi, khi đi săn mồi, sư tử để sư tử cái và chó rừng cái ở lại, còn mình đi với chó rừng đực, giết chết nhiều loại thú. Cả hai ăn thịt ngay tại chỗ, rồi đem về hai phần cho hai con cái ăn. Như vậy, thời gian qua, sư tử cái sanh hai đứa con. Chó rừng cái cũng vậy. Tất cả bọn chúng sống hoà hợp với nhau. Một hôm, sử tử cái suy nghĩ: “Con sư tử này quá thương yêu chó rừng cái và các chó rừng nhỏ. Có thể nó có gian tình với chó rừng cái. Do đó, nó mới luyến ái như vậy. Vậy ta hãy hành hạ con chó rừng này, làm cho nó hoảng sợ, và bỏ trốn đi.”
Trong khi sư tử đem chó rừng đi săn mồi, sư tử cái bắt đầu hành hạ, làm cho chó rừng cái hoảng sợ:
- Tại sao ngươi cứ ở đây? Tại sao không đi nơi khác?
Các sư tử con cũng làm cho các chó rừng con hoảng sợ như vậy. Chó rừng cái nói lại với chồng sự việc này:
- Rõ ràng sư tử muốn ám chỉ chúng ta đã ở đây quá lâu. Nay mai sư tử giết chúng ta. Vậy ta hãy trở về hang cũ đã sống trước kia.
Chó rừng gặp sư tử đực và thưa:
- Thưa ngài, chúng tôi đã ở với ngài quá lâu. Ai ở lâu cũng làm mất sự lưu luyến. Trong khi chúng ta đi săn mồi, sư tử cái hành hạ và doạ nạt vợ tôi và nói: “Sao các ngươi ở chỗ này, hãy trốn đi!” Các sư tử con cũng doạ các chó rừng con như vậy. Nếu ai không ưa bạn láng giềng thì nên bảo họ đi làm ăn chỗ khác chứ hành hạ như vầy có ích gì?
Sau khi nói vậy, chó rừng đọc bài kệ đầu:
Muốn gì làm cho được,
Là thường pháp kẻ mạnh,
Con cái rống, tôi biết,
Trước tôi nương, nay sợ.
Nghe chó rừng nói, sư tử bảo vợ:
- Này hiền thê, trong thời ấy ta đi săn mồi bị kẹt trong bùn đến ngày thứ bảy..., ta mới về với hai vợ chồng chó rừng này. Hiền thê có nhớ không?
- Vâng, tôi có nhớ.
- Hiền thê có biết lý do nào sau bảy ngày ta mới về không?
- Thưa chàng, tôi không biết.
- Này hiền thê, ta nhảy vồ bắt một con nai, bị dính mắc vào bùn, không thể ra khỏi chỗ ấy được. Trong bảy ngày ấy, ta đứng đó, không ăn uống gì. Ta đã nhờ con chó rừng này cứu sống. Con này là bạn của ta, đã cứu mạng sống ta. Bạn nào có khả năng trung kiên trong tình bạn, bạn ấy không yếu hay nhỏ. Bắt đầu từ nay, hiền thê chớ có khinh thường như vậy đối với bạn ta, vợ bạn ta, các con bạn ta.
Rồi con sư tử nói bài kệ thứ hai:
Dù nhỏ bé, yếu đuối,
Vẫn kiên trì tình bạn,
Chính bà con thân thích,
Này vợ răng nanh ta!
Chớ khinh miệt bạn ấy,
Chính con chó rừng này
Ðã cho ta mạng sống.
Sư tử cái nghe lời chồng, giảng hoà với gia đình chó rừng, và từ đấy về sau, sống hoà thuận với chó rừng cái và các con của nó. Các sư tử con chơi giỡn với các con chó rừng con. Khi cha mẹ qua đời, chúng không chấm dứt tình bạn, vẫn sống hoan hỷ với nhau. Thật vậy, tình bạn của chúng kéo dài cho đến bảy đời.
***
Sau khi kể câu chuyện này, bậc đạo sư thuyết giảng các sự thật. Cuối bài thuyết giảng, một số vị Tỷ-kheo đắc quả Dự lưu, một số đắc quả Nhất lai, một số đắc quả Bất lai, và một số đắc quả A-la-hán.
Và Ngài nhận diện tiền thân:
- Lúc bấy giờ con chó rừng là Ananda, và con sư tử là ta vậy.