Vua Pasenadi (Ba-tư-nặc)
59. KINH CHUYỆN BẠN - THÙ
(Tiền thân Mitamitta)
(Kinh số 473, Chương 12, Tập 7, Tiểu bộ kinh)
Chuyện này bậc đạo sư kể trong khi trú tại Jetavana về một vị triều thần chánh trực của vua Pasenadi.
Tương truyền rằng vị quan này rất có công với vua, và sau đó, vua ban tặng ông vinh hiển tột bực. Các vị quan khác không thể nào chịu đựng việc ấy được, nên vu cáo với vua rằng ông đã làm những việc xúc phạm đến vua. Vua cho điều tra về vị ấy và thấy ông không có lỗi gì cả, liền suy nghĩ: “Ta không thấy người này phạm lỗi gì cả, làm sao ta biết được đó là bạn hay thù?” Rồi vua lại nghĩ: “Không có ai ngoài đức Như Lai có đủ khả năng quyết đoán vấn đề này, vậy ta đi tham vấn Ngài xem sao.”
Thế là, sau khi điểm tâm xong, vua đến viếng bậc đạo sư và thưa:
- Bạch Thế Tôn, làm sao ta có thể phân biệt một người nào là bạn hay thù của ta?
Lúc bấy giờ bậc đạo sư đáp:
- Thưa đại vương, những người khôn ngoan ngày xưa đã suy nghĩ về vấn đề này và đã hỏi các bậc hiền trí, rồi theo lời khuyến giáo của các vị ấy mà tìm ra chân lý, lánh xa các cừu nhân và chú tâm đến các bạn lành.
Nói vậy xong, theo lời thỉnh cầu của vua, Ngài kể một chuyện quá khứ.
***
Một thuở nọ, khi vua Brahmadatta trị vì ở Baranas, Bồ-tát là vị cận thần khuyến giáo vua về thế sự cũng như thánh sự.
Thời ấy, đám triều thần kia vu cáo một vị quan chính trực. Vua thấy vị ấy không có lỗi gì liền hỏi bậc đại sĩ:
- Này, bằng cách nào ta có thể phân biệt bạn và thù?
Rồi ngài ngâm vần kệ thứ nhất:
Làm sao người trí phải tinh cần,
Phân biệt làm sao được thực chân,
Những việc làm nào tai mắt thấy
Tỏ rằng kẻ ấy chính cừu nhân?
Lúc ấy, bậc đại sĩ ngâm năm vần kệ này để giải thích các dấu hiệu của một kẻ thù:
Khi ngài thăm, nó chẳng tươi cười,
Nó chẳng tỏ ra muốn đón mời
Nó chẳng quay nhìn theo cách ấy,
Và trả lời không có với ngài.
Kẻ thù ngài, nó lại tôn vinh,
Bạn thiết của ngài, nó miệt khinh,
Nó cản người khen ngài tốt đẹp,
Những người phỉ báng, nó hoan nghênh.
Nó chẳng hề tâm sự mảy may,
Chuyện ngài tâm sự, nó phơi bày,
Việc ngài làm, chẳng hề khen tốt,
Cũng chẳng hề khen trí tuệ ngài.
Khi ngài hạnh phúc nó không mừng,
Ô nhục ngài mang, nó thoả lòng,
Nếu được món ngon, không nghĩ tới
Tên ngài, trong dạ chẳng buồn thương,
Cũng không kêu lớn: Ô này bạn,
Ta ước bạn ta cũng có phần!
Mười sáu điều trên, cớ rõ ràng
Cho ngài thấy được một cừu nhân,
Nếu người có trí nào nghe thấy,
Sẽ biết kẻ thù để nhận chân.
Vua hỏi tiếp bằng vần kệ:
Làm sao người trí phải tinh cần
Phân biệt làm sao được thực chân,
Các việc làm nào tai mắt thấy
Tỏ ra người ấy chính thân bằng?
Khi được hỏi qua vần kệ trên, vị quan liền ngâm các vần kệ còn lại:
Kẻ ấy nhớ người lúc vắng xa,
Mừng vui khi bạn trở về nhà,
Trong lòng hoan hỷ lên cao độ,
Chàng cất tiếng liền đón rước ta.
Chàng chẳng tôn vinh kẻ chống ngài,
Chỉ ưa phụng sự bạn ngài thôi,
Những ai phỉ báng, chàng ngăn cản,
Ai tán tụng ngài, lại thấy vui.
Chàng kể nhiều tâm sự với ngài,
Chuyện ngài tâm sự, chẳng phơi bày,
Ðề cao những việc ngài làm được.
Khen ngợi tài năng ngài thật hay.
Chàng khổ lòng khi bạn ố danh
Chàng vui khi nghe bạn an lành
Nếu được gì cao lương mỹ vị,
Chàng liền nghĩ đến bạn thân mình,
Cảm thương bạn quá, chàng kêu lớn:
Ta ước ao phần bạn được dành!
Mười sáu điều trên ấy chứng minh,
Rõ ràng xác định bạn thân tình,
Nếu người có trí nào nghe thấy,
Có thể nói ngay bạn chí thành.
Vua hoan hỷ nghe lời thuyết giảng của bậc đại sĩ, nên ban tặng Ngài vinh quang tột đỉnh.
***
Sau khi chấm dứt pháp thoại này, bậc đạo sư bảo:
- Thưa đại vương, như vậy vấn đề này nảy sinh từ ngàn xưa và các bậc trí nhân dạy bảo: Nhờ ba mươi hai biểu hiện trên mà ta có thể biết được bạn hay thù.
Cùng với các lời này, Ngài nhận diện tiền thân:
- Vào thời ấy Ananda là vua và ta chính là vị triều thần hiền trí.