Vua Pasenadi (Ba-tư-nặc)
61. KINH CHUYỆN MƯỜI HẠNG BÀ-LA-MÔN
(Tiền thân Dasa-Brahmana)
(Kinh số 495, Chương 14, Tập 8, Tiểu bộ kinh)
Chuyện này bậc đại sư kể trong lúc trú tại Jetavana về một lễ vật cúng dường tối thượng.
Chuyện này đã được giải thích trong Tiền thân Aditta (Kinh số 424, Tiểu bộ kinh). Ta biết rằng vua Pasenadi trong lúc thực hiện việc cúng dường này đã quan sát kỹ lưỡng năm trăm vị Tỷ-kheo với đức Phật là vị thượng thủ và đã dâng lễ vật lên các bậc thánh cao trọng nhất trong Tăng chúng.
Sau đó, Tăng chúng ngồi trong chánh pháp đường và nói về công đức của vua Pasenadi như sau:
- Này hiền hữu Tỷ-kheo, vị vua này trong lúc dâng lễ vật tối thượng đã cúng dường các vị đủ đạo cao đức trọng.
Bậc đạo sư bước vào và hỏi các vị bàn luận gì trong lúc ngồi tại đây, các vị trình với Ngài. Ngài bảo:
- Này các Tỷ-kheo, thật không kỳ diệu gì, ngày nay vua Pasenadi đã là đệ tử của một đạo sư như ta, lại cúng dường có phân biệt rõ ràng. Ngay các bậc hiền trí xưa kia, trước khi đức Phật xuất hiện ở đời, cũng đã cúng dường có phân biệt.
Cùng với những lời này, Ngài kể một chuyện quá khứ.
***
Một thuở nọ, trong vương quốc Kuru và kinh thành Indapatta, có vua Koravya cai trị, thuộc dòng dõi Yuddhitthila. Còn quốc sư về thế sự cũng như thánh sự của vua là vị đại thần mệnh danh Vidhura. Vua thực hành đại bố thí làm chấn động khắp cõi Jambudvipa, nhưng trong số những người thọ hưởng các thí vật này không có ai là người giữ đúng ngũ giới, tất cả bọn chúng đều là độc ác trên phương diện làm người, nên việc bố thí của vua không làm tâm ngài thoả mãn. Ngài suy nghĩ: “Kết quả của việc cúng dường có phân biệt thật là vĩ đại thay”. Và với lòng ước ao cúng dường các bậc có đức độ cao cả, ngài quyết định hỏi ý kiến bậc hiền nhân Vidhura. Vì thế khi quốc sư Vidhura vào chầu vua, ngài mời vị này ngồi xuống và đưa vấn đề ra hỏi vị này.
Để trả lời việc này, bậc đạo sư ngâm vần kệ đầu. Phần sau là phần vấn đáp giữa nhà vua và Vidhura:
Chúa thượng Yuddhi thật chánh chân
Một hôm hỏi ý bậc hiền nhân:
“Vidhu, tìm các La-môn thiện
Những bậc hiền nhân trí tuệ tràn.
Những người đoạn ác nghiệp, ly tham,
Ao ước chư hiền thọ thức ăn,
Trẫm nguyện cúng như vầy, thiện hữu,
Để ngày sau hái quả an toàn.
Trí giả Vidhura nói:
Thật khó tìm hiền thánh thế này,
La-môn trí đức đủ như vầy,
Những người giữ trọn tâm ly dục
Để thọ hưởng phần phẩm thực đầy.
Giữa đời mười loại Bà-la-môn,
Xin hãy lắng nghe, tâu đại vương,
Trong lúc hạ thần phân biệt họ,
Thần xin nói rõ họ hoàn toàn:
Vài người mang túi xách trên lưng,
Củ, rễ chất đầy buộc thật căng,
Những kẻ góp gom cây cỏ thuốc
Tắm mình, tụng chú thuật, bùa thần.
Bọn họ như thầy thuốc, đại vương,
Cũng đều được gọi Bà-la-môn
Nay ngài biết loại này tường tận,
Ta có nên tìm hạng ấy chăng?
Đại vương Koravya đáp:
Họ không chân chánh với danh xưng,
Phạm hạnh thanh cao, họ diệt vong,
Hãy kiếm, Vidhu, nhiều vị khác,
Tràn đầy trí tuệ với hiền lương.
Những người đoạn ác nghiệp, ly tham
Ao ước chư hiền thọ thức ăn,
Trẫm nguyện cúng dường người đức độ,
Chính mình sau hái quả an toàn.
Trí giả Vidhura nói:
Bọn người đi trước lại mang chuông,
Trong lúc vừa đi họ réo vang,
Họ biết lái xe đầy khéo léo,
Thư từ thông điệp họ đều mang.
Họ chẳng khác nào đám dịch nhân,
Cũng đều được gọi Bà-la-môn,
Nay ngài biết loại này tường tận,
Ta có nên tìm hạng ấy chăng?
Đại vương Koravya đáp: (như trên)
Trí giả Vidhura nói:
Với bình nước uống gậy cong cong,
Họ chạy theo cho kịp quốc vương,
Qua các thôn làng cùng thị trấn,
Trong khi theo đuổi lại ca rằng:
“Ta không đi nữa, dù rừng, phố,
Cho đến khi đại vương cúng dường.”
Họ quấy rầy như các thuế nhân,
Cũng đều được gọi Bà-la-môn,
Nay ngài biết loại này tường tận,
Ta có nên tìm hạng ấy chăng?
Đại vương Koravya đáp: (như trên)
Trí giả Vidhura nói:
Móng dài, lông rậm cả tay chân,
Tóc bện và hôi thối miệng răng,
Bụi bặm bám đầy người bẩn thỉu,
Họ đi đường tựa bọn xin ăn.
Là bọn tiều phu! Tâu đại vương!
Cũng đều được gọi Bà-la-môn,
Nay ngài biết loại này tường tận,
Ta có nên tìm hạng ấy chăng?
Đại vương Koravya đáp: (như trên)
Trí giả Vidhura nói:
Am-lạc, vilva, đào đỏ hồng,
Labuj, xoài chín, vật chùi răng,
Thuốc cao, ván, điếu, đường, ong mật,
Nhiều thứ còn kia, họ bán hàng.
Chúa thượng, khác nào bọn lái buôn,
Cũng đều được gọi Bà-la-môn,
Nay ngài biết loại này tường tận,
Ta có nên tìm hạng ấy chăng?
Đại vương Koravya đáp: (như trên)
Trí giả Vidhura nói:
Những người làm ruộng hoặc đi buôn,
Nuôi lắm đàn dê ở trại chuồng,
Trao đổi cưới xin làm sính lễ,
Bán bầy con gái, để mua vàng.
Giống bọn con lai đám tiện dân,
Cũng đều được gọi Bà-la-môn,
Nay ngài biết loại này tường tận
Ta có nên tìm loại ấy chăng?
Đại vương Koravya đáp: (như trên)
Trí giả Vidhura nói:
Bọn thầy cúng tế, đoán điềm hên,
Thiến, lựa bò, dê để lấy tiền,
Dân chúng mời về, thường ở lại,
Có đầy thực phẩm được dâng lên,
Nơi kia bò cái, bê, bò thiến,
Dê, lợn đều đem giết lắm phen.
Bọn họ như hàng thịt hạ tầng,
Cũng đều được gọi Bà-la-môn,
Nay ngài biết loại này tường tận
Ta có nên tìm loại ấy chăng?
Đại vương Koravya đáp: (như trên)
Trí giả Vidhura nói:
Bọn mang gươm, giáo, mộc che mình,
Tay lại cầm rìu tựa chiến binh,
Họ đứng trước đoàn thương khách nọ,
Sẵn sàng hướng dẫn đám du hành.
Như mục phu, quân cướp bạo gan,
Cũng đều được gọi Bà-la-môn,
Nay ngài biết loại này tường tận
Ta có nên tìm loại ấy chăng?
Đại vương Koravya đáp: (như trên)
Trí giả Vidhura nói:
Có bọn xây lều, đặt bẫy giăng,
Bất kỳ nơi chốn ở trong rừng,
Bắt loại tôm, cá, cùng rùa, trạnh,
Mèo, thỏ, cắc kè, mọi thú hoang.
Tâu đại vương, đây chính thợ săn,
Cũng đều được gọi Bà-la-môn,
Nay ngài biết loại này tường tận
Ta có nên tìm loại ấy chăng?
Đại vương Koravya đáp: (như trên)
Trí giả Vidhura nói:
Lại có bọn ham chuộng bạc vàng,
Chịu nằm xuống dưới chiếu vương sang,
Để vua tắm rửa trên đầu họ,
Trong lễ Soma rảy tế đàn.
Thợ cạo khác gì? Tâu đại vương,
Cũng đều được gọi Bà-la-môn,
Nay ngài biết loại này tường tận
Ta có nên tìm loại ấy chăng?
Đại vương Koravya đáp:
Họ không chân chánh với danh xưng,
Phạm hạnh thanh cao, họ diệt vong,
Hãy kiếm, Vidhu, nhiều vị khác,
Tràn đầy trí tuệ với hiền lương.
Chư vị đoạn tham dục, ác hành,
Để dùng thực phẩm của triều đình,
Trẫm nguyện dâng cúng người như vậy,
Để chính mình sau gặt quả lành.
Như vậy sau khi miêu tả các loại Bà-la-môn chỉ mang hư danh mà thôi, bậc trí giả nói tiếp để miêu tả các vị Bà-la-môn theo đúng ý nghĩa cao cả nhất trong hai vần kệ:
Song các La-môn, tâu đại vương,
Những người đại trí tuệ, hiền lương,
Đoạn trừ mọi ác hạnh, tham dục,
Để thọ thức ăn được cúng dường.
Chư vị chỉ dùng một bữa ăn,
Chẳng bao giờ đụng rượu men nồng,
Đại vương biết rõ người như vậy,
Ta có nên tìm các vị không?
Khi vua nghe các lời này, liền hỏi:
- Này hiền hữu Vidhura, các vị Bà-la-môn này xứng đáng cúng dường tối thượng ở đời, hiện nay các vị đang ở đâu?
- Tâu đại vương, ở trên dãy Tuyết Sơn xa xôi kia, trong hang núi Nanda.
- Vậy thì, này bậc trí giả, hãy dùng uy lực của Ngài, mang các vị Bà-la-môn ấy đến ngay đây cho trẫm.
Rồi trong nỗi hân hoan tột độ, vua ngâm vần kệ này:
Quốc sư đem hết các La-môn,
Thanh tịnh tràn đầy, trí chánh chân,
Mời các Ngài, ngay hiền sĩ hỡi,
Chần chờ gì nữa? Hãy lên đường!
Bậc đại sĩ chấp thuận làm theo lời vua yêu cầu, và nói thêm:
- Bây giờ, tâu đại vương, hãy truyền lệnh cho đánh trống khắp kinh thành, loan báo rằng toàn thành phải trang hoàng rực rỡ, toàn dân phải bố thí, và hành trì ngày trai giới, nguyện giữ mình đức độ, và chính đại vương cùng cả triều đình cùng phát nguyện giữ ngày trai giới.
Còn chính Ngài ngay từ tảng sáng, sau khi điểm tâm xong, liền phát nguyện giữ ngày trai giới, đến chiều, Ngài bảo đem đến một giỏ hoa lài. Rồi cùng vua, đảnh lễ với năm phần thân thể sát đất và khi Ngài vừa nhớ lại những công đức của các vị Độc Giác Phật, Ngài vừa khấn vái lời này:
- Kính thỉnh năm trăm đức Độc Giác Phật đang trú trong vùng Bắc Tuyết Sơn, hang núi Nanda, ngày mai xin các Ngài hạ cố hưởng thọ thực phẩm của triều đình.
Ngài thả tám nắm tay đầy hoa lên không gian, lập tức các hoa này rơi trên năm trăm vị Độc Giác Phật, vào đúng nơi các Ngài đang an trú. Các Ngài ấy suy xét và thấy ngay sự việc kia, liền nhận lời mời và bảo nhau:
- Này các tôn giả, chúng ta được vị hiền nhân Vidhura mời đến, vị này không phải người phàm tục đâu, Ngài có hạt giống Phật trong mình, nên ngay trong kiếp này, Ngài sẽ thành Phật. Chúng ta hãy tỏ lòng kính mến đặc biệt với Ngài.
Bậc đại sĩ hiểu các Ngài đã chấp thuận lời mời, bằng chứng là các hoa kia không bay trở lại. Sau đó, Ngài bảo:
- Tâu đại vương, ngày mai các vị Độc Giác Phật sẽ đến, vậy hãy lo cung thỉnh các vị trọng thể và dâng lễ cúng dường.
Ngày hôm sau đức vua đón tiếp các Ngài vô cùng trọng thể, sửa soạn các bảo toạ để các Ngài ngồi trên một cái bệ uy nghi, cao cả.
Các vị Độc Giác Phật ở hồ Anotatta, đợi cho đến lúc cảm thấy đói bụng, liền du hành qua không gian và giáng hạ ngay sân chầu của hoàng cung. Vua cùng Bồ-tát đầy lòng thành tín, đón lấy các bình bát từ tay các Ngài và thỉnh chư vị đi lên chiếc bệ đài hoa kia, mời an toạ, rảy nước cúng dường lên tay chư vị, rồi phục vụ các Ngài các thực phẩm thượng hạng đủ loại cứng và loại mềm. Sau buổi thọ thực, vua lại mời các Ngài đến ngày hôm sau và cứ thế trong bẩy ngày liền, dâng cúng các Ngài nhiều lễ vật, và vào ngày thứ bẩy vua cúng dường đủ mọi vật thiết yếu. Lúc ấy, chư vị nói lời tuỳ hỷ với vua xong, liền bay qua không gian trở về nơi trú ngụ cũ, còn các vật cúng dường cũng đều bay theo các Ngài.
***
Sau khi chấm dứt pháp thoại, bậc đạo sư bảo:
- Này các Tỷ-kheo, thật chẳng kỳ lạ gì việc vua Pasenadi nay là đệ tử của ta đã cúng dường ta lễ vật tối thượng, vì các bậc trí nhân ngày xưa ở thời chưa có đức Phật, cũng đã làm như thế.
Rồi Ngài nhận diện tiền thân:
- Vào thời ấy, Ananda là vua, và bậc trí giả Vidhura chính là ta.