Sách Khác
Vua Pasenadi (Ba-tư-nặc)

Vua Pasenadi (Ba-tư-nặc)

Tác giả: Thích Chân Tính
Mục lục
Xem thêm
IV - 55. KINH CHUYỆN TÁM TIẾNG KÊU (Tiền thân Atthasadda)

55. KINH CHUYỆN TÁM TIẾNG KÊU

(Tiền thân Atthasadda)

(Kinh số 418, Chương 8, Tập 7, Tiểu bộ kinh)

Bậc đạo sư kể chuyện này trong lúc trú tại Jetavana về một tiếng động kinh hoàng không phân biệt được mà vua Pasenadi đã nghe lúc nửa đêm.

Vua đến hỏi bậc đạo sư:

- Bạch Thế Tôn, việc trẫm nghe tám tiếng kêu ấy có mang lại điều gì chăng?

Bậc đạo sư đáp:

- Thưa đại vương, đừng sợ hãi, không có mối nguy gì xảy ra cho đại vương do các tiếng kêu ấy. Những âm thanh kinh hoàng khó phân biệt như thế không chỉ một mình đại vương nghe được, mà các đế vương ngày xưa cũng đã từng nghe những âm thanh tương tự và dự định theo lời khuyên của các Bà-la-môn dâng tế lễ bốn loại sinh vật, nhưng sau khi nghe các bậc hiền trí khuyên nhủ, các vua ấy đã thả tự do cho bầy súc vật được thâu góp để tế lễ và truyền đánh trống ra lệnh cấm mọi việc sát sinh.

Rồi theo lời thỉnh cầu của vua, Ngài kể câu chuyện đời xưa.

***

Ngày xưa khi vua Brahmadatta trị vì ở Baranas, Bồ-tát được sinh vào một gia đình Bà-la-môn có gia sản đến tám trăm triệu đồng tiền.

Khi lớn lên, Ngài học mọi ngành nghệ thuật tại Takkasila. Sau khi cha mẹ qua đời, Ngài xem xét tất cả các kho tàng, rồi từ bỏ mọi của cải bằng cách bố thí, đoạn trừ tham dục và đến vùng Tuyết Sơn trở thành một vị khổ hạnh chuyên tâm nhập định.

Sau một thời gian, Ngài trở về chốn cư trú của quần chúng để tìm muối và giấm, đến tận Baranas, nghỉ ngơi trong ngự viên. Thời ấy, vua Baranas nghe tám tiếng kêu lớn trong lúc đang ngủ trên vương sàng khoảng nửa đêm: đầu tiên, một con hạc kêu trong vườn gần hoàng cung; thứ hai, ngay sau khi hạc kêu, một con quạ cái kêu từ cổng chuồng voi; thứ ba, một con mọt kêu ở nóc hoàng cung; thứ tư, chim sơn ca thuần dưỡng kêu trong hoàng cung; thứ năm, một con nai thuần dưỡng cũng kêu tại chỗ ấy; thứ sáu, một con khỉ thuần dưỡng cũng kêu tại đó; thứ bảy, một vị tiểu thần sống trong hoàng cung cất tiếng kêu than; và thứ tám, ngay sau khi tiếng kêu cuối cùng ấy, một vị Ðộc Giác Phật thốt ra một âm thanh đầy hoan lạc khi bay qua mái hoàng cung tiến về phía ngự viên.

Vua rất kinh hãi khi nghe tám tiếng kêu trên, hôm sau liền tham vấn các Bà-la-môn. Họ đồng đáp:

- Tâu đại vương, tai hoạ sắp xảy ra với đại vương, hãy cho phép chúng thần dâng lễ tế đàn ngoài hoàng cung.

Rồi khi được vua cho phép họ làm điều sở thích, họ hoan hỷ đến và bắt đầu chuẩn bị tế đàn. Bấy giờ, một đệ tử trẻ tuổi của vị tế sư Bà-la-môn trưởng thượng rất thông thái đa văn, chàng thưa với thầy:

- Bạch tôn sư, không nên gây nhiều việc sát hại sinh vật độc ác và thô bạo như vậy.

- Này đệ tử, con biết gì về việc này chứ? Cho dẫu chẳng có gì khác xảy ra, chúng ta cũng được ăn một mẻ cá thịt no nê, thoả thích!

- Bạch tôn sư, đừng vì cái bụng mà tạo ác nghiệp đưa đến tái sinh trong địa ngục.

Nghe vậy, các Bà-la-môn kia tức giận vị đệ tử muốn làm hỏng các mối lợi của họ.

Vị đệ tử sợ hãi đáp:

- Thôi được, xin cứ tìm cách lấy thật nhiều cá thịt để ăn.

Rồi chàng rời kinh thành đi tìm một vị khổ hạnh thuần thành có khả năng ngăn cản vua việc tế đàn kia. Chàng vào ngự viên và thấy Bồ-tát, liền kính chào Ngài và hỏi:

- Tôn giả không có lòng bi mẫn các sinh vật sao? Vua đã ra lệnh làm tế đàn gây chết chóc cho nhiều sinh vật, tôn giả không muốn giải thoát cho cả đám sinh linh ấy sao?

Này thanh niên Bà-la-môn, ta không biết vua nước này, vua cũng không biết ta.

- Bạch tôn giả, tôn giả có biết hậu quả của các âm thanh mà nhà vua đã nghe sẽ ra sao chăng?

- Ta biết chứ.

- Nếu tôn giả biết, tại sao tôn giả không bảo cho vua?

- Này thanh niên Bà-la-môn, làm sao ta có thể kiêu hãnh đến bảo vua là: “Ta biết” chứ? Nếu vua đến hỏi ta, ta sẽ báo cho ngài.

Vị Bà-la-môn trẻ tuổi vội vàng đến cung đình, và khi được hỏi có việc gì, chàng bảo:

- Tâu đại vương, có một vị khổ hạnh biết nguyên nhân các âm thanh mà đại vương đã nghe. Vị ấy đang ngồi trên vương toạ trong ngự viên và bảo vị ấy sẽ trình bày với đại vương nếu đại vương hỏi. Xin đại vương hãy làm như vậy.

Vua vội vàng đến kính lễ vị khổ hạnh và sau khi ân cần chào nhau, vua ngồi xuống và hỏi:

- Có thật tôn giả biết nguyên nhân tám tiếng kêu mà trẫm đã nghe chăng?

- Tâu đại vương, phải.

- Vậy xin tôn giả nói cho trẫm.

- Tâu đại vương, không có gì nguy hiểm liên hệ đến các âm thanh kia. Trước hết, có một con hạc trong ngự viên cũ của đại vương thiếu thức ăn nên đói lả gần chết và thốt tiếng kêu ấy.

Như thế, do tri kiến của Ngài, Ngài vừa nêu rõ ý nghĩa tiếng kêu của con hạc, vừa ngâm vần kệ đầu:

Tiếng hạc:

Ngày xưa thường gọi chốn này

Ao sâu, tôm cá lội đầy tung tăng,

Là nơi cư trú hạc vương,

Tổ tiên ta cũng sống thường trước kia.

Dẫu ăn ếch nhái bây giờ,

Chúng ta không thể xa bờ ao xưa.

- Tâu đại vương, đó là tiếng kêu của con hạc trong cơn đói lả, nếu đại vương muốn nó khỏi đói, xin hãy ra lệnh dọn vườn sạch sẽ và đổ nước đầy ao.

Vua liền bảo một vị triều thần sai người làm việc này.

Rồi Ngài ngâm vần kệ thứ hai:

Tiếng quạ:

Anh chàng một mắt Bandhura

Là ai mà cứ phá nhà của tôi?

Bầy chim mới nở, than ôi!

Ai người thân thiện cứu tôi khốn cùng?

Rồi Ngài hỏi vua về tên của người trưởng đám quản tượng ở chuồng voi.

- Thưa tôn giả, tên y là Bandhura.

- Tâu đại vương, y chỉ có một mắt ư?

- Thưa tôn giả, phải.

- Tâu đại vương, có một con quạ làm tổ trên cổng chuồng voi, nó đẻ trứng tại đó và đúng kỳ hạn trứng đã nở thành chim non. Mỗi khi người quản tượng ra vào chuồng voi để chăm sóc voi, y hay lấy cái móc đập vào con quạ và tổ chim non để phá tổ. Con quạ trong lúc nguy khốn chỉ muốn mổ mắt y nên thốt ra tiếng kêu ấy. Nếu đại vương có thiện ý với nó, xin hãy truyền Bandhura vào chầu và cấm y phá tổ quạ.

Vua truyền gọi Bandhura vào, khiển trách y và giao chuồng voi cho kẻ khác.

- Tâu đại vương, trên nóc hoàng cung có một con mọt gỗ, nó đã ăn hết gỗ sung tại đó và không thể ăn thứ gỗ cứng hơn. Vì thiếu thức ăn và không thể bò ra ngoài, nên nó thốt tiếng kêu thứ ba để than vãn. Ðại vương không cần sợ nó.

Rồi nhờ tri kiến của Ngài, Ngài vừa nêu rõ ý nghĩa tiếng mọt gỗ kêu vừa ngâm vần kệ thứ ba:

Tiếng mọt gỗ:

Ta vừa ăn hết gỗ sung,

Mọi nơi ta đã đi vòng quanh co,

Gỗ nào cứng, mọt khó ưa,

Còn thức ăn khác ở xa dưới mình!

Vua bảo một cung nhân tìm cách giải thoát con mọt.

- Tâu đại vương, trong cung thất có con chim sơn ca thuần dưỡng nào chăng?

- Thưa tôn giả, có chứ.

Tâu đại vương, con sơn ca ấy héo mòn vì mong mỏi về rừng mỗi khi nó nhớ lại quãng đời cũ:

“Làm sao rời khỏi lồng này,

Làm sao trở lại rừng ấy thân tình?”

Vì thế nó thốt lên tiếng kêu thứ tư, xin đại vương chớ lo sợ việc ấy.

Rồi Ngài ngâm vần kệ thứ tư:

Tiếng sơn ca:

Ước gì rời chốn cung đình!

Ước gì giải thoát thân mình tự do!

Hân hoan bay lượn rừng già,

Rồi ta xây tổ của ta trên cành.

Ngâm kệ xong, Ngài thêm:

- Tâu đại vương, chim sơn ca ấy đang mòn mỏi đợi chờ, xin đại vương thả nó ra.

Vua nghe theo lời Ngài.

- Tâu đại vương, trong cung thất có con nai thuần dưỡng nào chăng?

- Thưa tôn giả, có chứ.

- Tâu đại vương, con nai ấy là trưởng đoàn, nó nhớ nai cái và mòn mỏi vì nặng tình thương nai cái nên nó thốt tiếng kêu thứ năm. Ðại vương không nên sợ hãi chuyện ấy.

Rồi Ngài ngâm vần kệ thứ năm:

Tiếng nai:

Ước gì rời chốn cung đình!

Ước gì giải thoát thân mình vui sao!

Uống dòng nước suối trong veo,

Dẫn đàn nai vẫn bước theo sau mình!

Bậc đại sĩ làm cho con nai được giải thoát và nói tiếp:

- Tâu đại vương, có con khỉ thuần dưỡng nào ở trong cung chăng?

- Thưa tôn giả, có chứ.

Con khỉ ấy là chúa đàn khỉ ở vùng Tuyết Sơn, nó thích thú bầu bạn với đám khỉ cái. Trước kia, nó được một thợ săn tên Bharata đem về đây. Nay nó đang mòn mỏi mong ước trở về chốn cư ngụ xưa nên nó thốt tiếng kêu ấy. Xin đại vương đừng sợ chuyện này.

Rồi Ngài ngâm vần kệ thứ sáu:

Tiếng khỉ:

Lòng ta nặng trĩu dục tình,

Với bao ước vọng thân mình nhiễm ô,

Bharata, lạp hộ bắt ta,

Ước mong phước phận lão gia tràn trề!

Bậc đại sĩ bảo thả con khỉ ra và tiếp tục nói:

- Tâu đại vương, có vị tiểu thần nào giữ kho báu ở trong cung chăng?

- Thưa tôn giả, có chứ.

- Tâu đại vương, vị ấy nhớ lại đời sống cũ với một nữ thần, vợ vị ấy, nên trong lúc đau khổ vì dục vọng đã thốt lên tiếng kêu thứ bảy. Một hôm, vị ấy cùng vợ trèo lên đỉnh non cao. Hai vị lượm hoa và tô điểm cho nhau nhiều loại hoa đủ màu sắc hương vị đặc biệt, nên không hề lưu ý rằng mặt trời đang lặn và bóng đêm bao trùm trong khi họ leo xuống. Nữ thần bảo: “Này chàng, trời tối rồi, chàng hãy xuống cẩn thận kẻo ngã”. Và vừa nắm tay chồng, nàng vừa đưa chồng xuống. Chính vì nhớ lại các lời nói của vợ mà vị thần này thốt tiếng kêu, đại vương không cần phải sợ chuyện ấy.

Do tri kiến của Ngài, Ngài vừa giải thích trường hợp này một cách chính xác vừa ngâm vần kệ thứ bảy:

Tiếng vị thần:

Bóng đêm dày đặc kéo về

Trên non cao nọ tứ bề cô đơn,

“Xin chàng đừng ngã trượt chân”,

Nàng khe khẽ nhắc bên sườn đá xưa.

Như vậy, bậc đại sĩ giải thích tại sao vị thần thốt tiếng kêu và Ngài bảo thả vị ấy ra, rồi nói tiếp:

- Tâu đại vương, còn âm thanh thứ tám là tiếng reo cực lạc. Một vị Ðộc Giác Phật ở động Nandamula biết rằng các hành (các điều kiện tái sinh) sắp đoạn tận đối với vị ấy, liền đến nơi cư trú của quần chúng, và suy nghĩ: “Ta muốn chứng đắc Niết bàn vô dư y trong ngự viên của Baranas. Quân hầu của vua sẽ chôn cất ta, làm lễ cúng dường và cung kính xá lợi của ta, nhờ vậy sẽ sinh lên cõi thiên.”

Vị ấy dùng thần lực bay đến đây và ngay khi chạm mái hoàng cung, vị ấy liền buông xả gánh nặng sinh tử và ca khúc hoan lạc làm chói sáng lối vào cảnh giới Niết bàn.

Rồi Ngài ngâm vần kệ thứ tám do vị Ðộc Giác Phật cảm tác:

Tiếng vị Ðộc Giác:

Tái sinh đã tận với ta,

Không vào thai mẹ từ giờ về sau,

Ðây đời cuối ở địa cầu

Sắp tàn cùng mọi khổ đau phàm trần.

Cùng với những lời cực lạc này, vị ấy đến ngự viên và đắc Niết bàn vô dư y dưới gốc cây sala đang nở rộ hoa.

Rồi bậc đại sĩ đưa vua đến nơi vị Ðộc Giác Phật đắc Niết bàn và chỉ cho vua phần nhục thân của Ngài. Thấy vậy, vua cùng đoàn quân đông đảo đem hương hoa đến cung kính làm lễ cúng dường.

Theo lời khuyên của Bồ-tát, vua đình chỉ việc tế đàn, cho mọi sinh vật được sống, truyền rao trống lệnh khắp kinh thành cấm sát sinh, cử hành đại lễ suốt bảy ngày, rồi làm lễ hoả táng thân vị Ðộc Giác Phật rất trọng thể trên hoả đài chất đầy hương liệu và xây tháp ở ngã tư đường.

Bồ-tát thuyết giảng chánh pháp cho vua và khuyên nhủ vua tinh cần. Sau đó, Ngài trở về Tuyết Sơn, thực hành Tứ vô lượng tâm (từ, bi, hỷ, xả) và không hề gián đoạn thiền định nên được sinh vào cõi Phạm Thiên.

***

Sau pháp thoại, bậc đạo sư bảo:

- Thưa đại vương, không có gì nguy hiểm cho đại vương do các tiếng kêu ấy, vậy hãy đình chỉ tế đàn và ban sự sống cho các sinh vật này.

Rồi vua bảo truyền trống lệnh đi khắp kinh thành tha mạng các súc vật.

Xong, Ngài nhận diện tiền thân:

- Thời ấy nhà vua là Ananda, vị đệ tử Bà-la-môn là Sariputta và nhà khổ hạnh chính là ta.

Sách cùng thể loại
Kinh Nhật Tụng
Kinh Nhật Tụng
Chùa Hoằng Pháp
Kinh Trường Thọ Diệt Tội
Kinh Trường Thọ Diệt Tội
Người Dịch:
Thánh Đức Và Sự Linh Ứng của Bồ - Tát Địa Tạng
Thánh Đức Và Sự Linh Ứng của Bồ - Tát Địa Tạng
Nhiều tác giả
Tây Phương An Lạc Tập
Tây Phương An Lạc Tập
Đại Sư Đạo Xước
Những Câu Chuyện Về Nhân Quả
Những Câu Chuyện Về Nhân Quả
Thích Tâm Thuận
Niệm Phật Thoát Sanh Tử
Niệm Phật Thoát Sanh Tử
Thích Nữ Tuệ Uyển