Vua Pasenadi (Ba-tư-nặc)
38. KINH CHUYỆN THÁCH THỨC GIỚI ĐỨC
(Tiền thân Silavimamsana)
(Kinh số 86, Phẩm Apayimha, Chương 1, Tập 4, Tiểu bộ kinh)
Câu chuyện này, khi ở Jetavana, bậc đạo sư đã kể về một Bà-la-môn thử thách giới đức. Vị này sống dựa vào vua Pasenadi, thọ ba quy y, giữ năm giới không sai phạm và thông suốt ba tập Vệ-đà. Vua nghĩ rằng đây là một người có giới đức và đối xử rất kính trọng. Vị Bà-la-môn ấy suy nghĩ: “Vua kính trọng ta hơn các vị Bà-la-môn khác, và đặt ta vào địa vị đạo sư tối thượng. Nhưng vua kính trọng ta là do thiện sanh, dòng họ, gia đình, quốc độ, nghề nghiệp thành đạt của ta, hay là do giới đức của ta? Ta hãy đem ra thử thách.”
Một hôm, sau khi đi hầu vua, vị ấy trở về nhà, và không hỏi ai, đã lấy một đồng tiền vàng tại quầy của người giữ tiền. Người giữ tiền, vì kính trọng vị Bà-la-môn, ngồi yên không nói gì. Ngày kế tiếp, người ấy lấy hai đồng tiền vàng. Người giữ tiền vẫn chịu đựng như trước. Ngày thứ ba, người ấy lấy một nắm đồng tiền vàng. Người giữ tiền nói:
- Hôm nay là ngày thứ ba, ông đánh cắp tài sản của vua.
Rồi anh ta la lên ba lần:
- Ta đã bắt được tên ăn trộm tài sản của vua!
Người ta chạy từ nhiều phía đến và nói:
- Từ trước cho đến nay, ông giả bộ có đức hạnh!
Họ đánh người ấy hai ba đấm, trói lại và dắt đến trước vua. Lòng đầy buồn phiền, vua nói:
- Này Bà-la-môn, sao ông lại làm ác giới, ác hạnh như vậy? Hãy đem nó đi và xử tội theo lệnh ta.
Vị Bà-la-môn nói:
- Thưa đại vương, tôi không phải là người ăn trộm.
- Vậy sao ông lấy đồng tiền vàng ở quầy của người giữ gia sản của ta?
- Vì ngài đối xử với tôi rất mực cung kính, nên tôi làm như vậy để thử xem ngài hết sức kính trọng tôi vì thiện sanh... của tôi hay là vì giới đức. Nay tôi được biết một cách chắc chắn rằng, vì giới đức mà ngài đối xử với tôi rất kính trọng, chớ không phải do thiện sanh... Do đó tôi kết luận: Trong đời này, giới là tối thượng, giới là đệ nhất. Tôi cũng biết rằng tôi không thể nào thành tựu giới này một cách tốt đẹp, khi tôi còn sống trong nhà, thọ hưởng các dục lạc uế nhiễm. Hôm nay, tôi sẽ đi đến Jetavana và sẽ xin xuất gia với bậc đạo sư. Xin đại vương cho phép tôi xuất gia.
Sau khi được vua chấp thuận, vị ấy đi đến Jetavana. Các bạn bè thân quyến hội họp lại, không thể ngăn chặn vị ấy được, nên đi trở về. Vị ấy đi đến bậc đạo sư, xin phép xuất gia. Sau khi được xuất gia và thọ đại giới, với sự tu hành không ngừng nghỉ, tăng trưởng thiền quán, vị ấy chứng quả A-la-hán, rồi đi đến bậc đạo sư và nói lên chánh trí của mình:
- Bạch Thế Tôn, con xuất gia đã được quả tối thượng này.
Lời tuyên bố về chánh trí của vị ấy được chúng Tỷ-kheo biết đến. Một hôm, tại chánh pháp đường, các Tỷ-kheo ngồi họp, tán thán công đức của vị ấy như sau:
- Thưa các hiền giả, vị Bà-la-môn hầu cận của vua này, muốn thử thách giới đức của mình, rồi từ giã nhà vua, đi xuất gia, cuối cùng chứng quả A-la-hán.
Bậc đạo sư đến và hỏi:
- Này các Tỷ-kheo, nay các ông đang ngồi bàn luận câu chuyện gì?
Khi được nghe câu chuyện ấy, bậc đạo sư nói:
- Này các Tỷ-kheo, không phải chỉ nay người Bà-la-môn này, sau khi thử thách giới đức của mình, đã xuất gia và đạt được những giải thoát cho mình. Thuở xưa, các bậc hiền trí, sau khi thách thức giới đức của mình, cũng đã xuất gia và đạt được giải thoát cho mình.
Nói xong bậc đạo sư nói câu chuyện quá khứ.
***
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Baranas, Bồ-tát sanh làm một người Bà-la-môn chuyên lo tế tự, thiên về bố thí, hướng đến giới đức, giữ năm giới rất tinh tấn. Vua đối xử với Bà-la-môn ấy rất đặc biệt, kính trọng hơn các Bà-la-môn khác. Tất cả giống như câu chuyện trước. Sau khi bị trói và dắt đến nhà vua, giữa đường Bồ-tát gặp một số người dụ rắn đang trình diễn các trò chơi rắn. Họ nắm rắn ở đuôi, ở cổ và cuốn rắn quanh cổ họng. Thấy vậy, Bồ-tát nói:
- Này các bạn thân, con rắn hổ giữ giới, theo chánh hạnh, không có ác giới như ông. Vì ác giới và không chánh hạnh, ông thành kẻ trộm cướp, phá gia sản nhà vua, nay đã bị bắt và bị dẫn đi.
Bồ-tát suy nghĩ: “Ngay các con rắn, khi chúng không cắn, không làm hại cũng được gọi là có giới đức. Còn nói gì là loài người nữa? Giới trong đời này là tối thượng, không có gì cao hơn giới nữa”. Rồi họ dắt Bồ-tát đến trước mặt nhà vua. Vua hỏi:
- Người này là ai vậy?
- Ðây là kẻ ăn trộm đã cướp phá gia sản của vua.
- Vậy hãy xử tội nó theo lệnh của nhà vua.
Bồ-tát thưa:
- Thưa đại vương, tôi không phải là người ăn trộm.
- Vậy sao ngươi lại lấy những đồng tiền vàng?
Tất cả được báo cáo giống cách thức ở trên.
Bồ-tát nói:
- Do lý do này, tôi đi đến kết luận rằng: Trong đời này, giới là tối thượng, giới là đệ nhất. Con rắn hổ do không cắn, không làm hại, cũng được gọi là có giới đức. Giới là tối thượng, giới là tuyệt diệu. Tán thán giới như vậy, Bồ-tát nói lên bài kệ:
Giới được xem chí thiện
Giới vô thượng ở đời
Hãy xem con rắn độc
Có giới không làm hại.
Như vậy, Bồ-tát với bài kệ này, thuyết pháp cho vua, rồi đoạn trừ các dục, xuất gia làm vị tiên nhân du sĩ, đi vào dãy Tuyết Sơn, chứng được năm thắng trí và tám thiền chứng, về sau được sanh lên cõi Phạm Thiên.
***
Sau khi kể lại pháp thoại này, bậc đạo sư nhận diện tiền thân:
- Thời ấy, hội chúng của vua là hội chúng đức Phật và vị Bà-la-môn tế tự là ta vậy.