Sách Khác
Vua Pasenadi (Ba-tư-nặc)

Vua Pasenadi (Ba-tư-nặc)

Tác giả: Thích Chân Tính
Mục lục
Xem thêm
I - 17. KINH KHÔNG PHÓNG DẬT 2

17. KINH KHÔNG PHÓNG DẬT 2 (Kinh số 8, Phẩm 2, Chương 3, Tập 1, Tương ưng bộ kinh)

Trú ở Savatthi.

Ngồi xuống một bên, vua Pasenadi nước Kosala bạch Thế Tôn:

- Ở đây, bạch Thế Tôn, trong khi con ngồi yên tĩnh một mình, tư tưởng sau đây được khởi lên: “Pháp được Thế Tôn khéo giảng. Và pháp ấy giảng cho thiện hữu, thiện bạn lữ, thiện giao du, không phải cho ác hữu, ác bạn lữ, ác giao du.”

- Như vậy là phải, thưa đại vương. Thưa đại vương, pháp được ta khéo giảng. Và pháp ấy giảng cho thiện hữu, thiện bạn lữ, thiện giao du, không phải cho ác hữu, ác bạn lữ, ác giao du.

Một thời, thưa đại vương, ta ở giữa dòng họ Sakka (Thích-ca) tại một thị trấn của các vị Sakka. Rồi, thưa đại vương, Tỷ-kheo Ananda đi đến ta, sau khi đến, đảnh lễ ta và ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, thưa đại vương, Tỷ-kheo Ananda bạch với ta: “Bạch Thế Tôn, quá phân nửa đời sống phạm hạnh này thuộc về thiện hữu, thiện bạn lữ, thiện giao du.”

Khi được nói vậy, thưa đại vương, ta nói với Tỷ-kheo Ananda: “Này Ananda, không phải vậy. Này Ananda, không phải vậy. Thật sự, này Ananda, toàn phần đời sống phạm hạnh này thuộc về thiện hữu, thiện bạn lữ, thiện giao du. Từ một Tỷ-kheo làm bạn với thiện, này Ananda, chúng ta hy vọng rằng vị ấy sẽ tu trì Thánh đạo tám ngành, làm cho sung mãn Thánh đạo tám ngành của vị thiện hữu, thiện bạn lữ, thiện giao du.

Và này Ananda, thế nào là Tỷ-kheo thiện hữu, thiện bạn lữ, thiện giao du, làm cho sung mãn Thánh đạo tám ngành? Ở đây, này Ananda, Tỷ-kheo tu tập chánh tri kiến, y cứ viễn ly, y cứ ly tham, y cứ đoạn diệt, y cứ xả ly; tu tập chánh tư duy...; tu tập chánh ngữ...; tu tập chánh nghiệp...; tu tập chánh mạng...; tu tập chánh tinh tấn...; tu tập chánh niệm...; tu tập chánh định, y cứ viễn ly, y cứ ly tham, y cứ đoạn diệt, y cứ xả ly. Như vậy, này Ananda, là vị Tỷ-kheo thiện hữu, thiện bạn lữ, thiện giao du, tu tập Thánh đạo tám ngành, làm cho sung mãn Thánh đạo tám ngành. Và chính theo pháp môn này, này Ananda, ông cần phải hiểu như thế nào toàn phần đời sống phạm hạnh này là thuộc về thiện hữu, thiện bạn lữ, thiện giao du.

Này Ananda, chính vì ta y cứ, làm bạn với thiện, nên các chúng sanh bị sanh được giải thoát khỏi sanh; các chúng sanh bị già được giải thoát khỏi già; các chúng sanh bị bệnh được giải thoát khỏi bệnh; các chúng sanh bị chết được giải thoát khỏi chết; các chúng sanh bị sầu, bi, khổ, ưu, não được giải thoát khỏi sầu, bi, khổ, ưu, não. Và chính theo pháp môn này, này Ananda, ông cần phải hiểu như thế nào toàn phần đời sống phạm hạnh này là thuộc về thiện hữu, thiện bạn lữ, thiện giao du.”

Do vậy, này đại vương, cần phải học như sau: “Tôi sẽ là thiện hữu, thiện bạn lữ, thiện giao du”. Như vậy, này đại vương, đại vương cần phải học. Này đại vương, để đại vương có thể trở thành thiện hữu, thiện bạn lữ, thiện giao du, đại vương cần phải y cứ, an trú vào một pháp, tức là không phóng dật trong các thiện pháp.

Thưa đại vương, nếu đại vương an trú không phóng dật, y cứ không phóng dật, thời các nữ cung nhân sẽ suy nghĩ: “Đại vương an trú không phóng dật, y cứ không phóng dật; vậy chúng ta hãy an trú không phóng dật, y cứ không phóng dật.”

Thưa đại vương, nếu đại vương an trú không phóng dật, y cứ không phóng dật, các vị Sát-đế-lỵ chư hầu sẽ suy nghĩ: “Ðại vương an trú không phóng dật, y cứ không phóng dật; vậy chúng ta hãy an trú không phóng dật, y cứ không phóng dật.”

Thưa đại vương, nếu đại vương an trú không phóng dật, y cứ không phóng dật, các dân chúng ở thị trấn và quốc độ sẽ suy nghĩ: “Ðại vương an trú không phóng dật, y cứ không phóng dật; vậy chúng ta hãy an trú không phóng dật, y cứ không phóng dật.”

Thưa đại vương, nếu đại vương an trú không phóng dật, y cứ không phóng dật, thời tự ngã được che chở, hộ trì; nội cung được che chở, hộ trì; kho tàng được che chở, hộ trì.

Người ước mong tài sản,

Phải liên tục tăng thượng,

Người hiền trí tán thán,

Hạnh lành không phóng dật.

Ðối với những người lành,

Làm các hạnh công đức.

Người hiền không phóng dật,

Ðược cả hai lợi ích,

Lợi ích trong đời này,

Lợi ích cả đời sau.

Kẻ anh hùng được gọi

Là bậc chân hiền trí,

Nếu biết nắm chụp lấy

Hạnh phúc cho chính mình.

Sách cùng thể loại
Kinh Nhật Tụng
Kinh Nhật Tụng
Chùa Hoằng Pháp
Kinh Trường Thọ Diệt Tội
Kinh Trường Thọ Diệt Tội
Người Dịch:
Thánh Đức Và Sự Linh Ứng của Bồ - Tát Địa Tạng
Thánh Đức Và Sự Linh Ứng của Bồ - Tát Địa Tạng
Nhiều tác giả
Tây Phương An Lạc Tập
Tây Phương An Lạc Tập
Đại Sư Đạo Xước
Những Câu Chuyện Về Nhân Quả
Những Câu Chuyện Về Nhân Quả
Thích Tâm Thuận
Niệm Phật Thoát Sanh Tử
Niệm Phật Thoát Sanh Tử
Thích Nữ Tuệ Uyển