Sách Khác
Vua Pasenadi (Ba-tư-nặc)

Vua Pasenadi (Ba-tư-nặc)

Tác giả: Thích Chân Tính
Mục lục
Xem thêm
IV - 58. KINH CHUYỆN ĐẠI VƯƠNG JANASANDHA (Tiền thân Janasandha)

58. KINH CHUYỆN ĐẠI VƯƠNG JANASANDHA

(Tiền thân Janasandha)

(Kinh số 468, Chương 12, Tập 7, Tiểu bộ kinh)

Chuyện này bậc đạo sư kể trong lúc trú ngụ tại Jetavana về việc giáo hoá quốc vương Pasenadi.

Có một thời, dân chúng bảo rằng vua mê đắm quyền lực buông mình vào các ác dục, không trị nước công minh và ngày càng xao lãng việc đến yết kiến đức Phật. Một ngày kia, vua nhớ đến đấng Thập Lực liền suy nghĩ: “Ta phải đến viếng Ngài.” Vì vậy, sau khi điểm tâm, vua ngự lên chiếc vương xa lộng lẫy, tiến về tinh xá, đảnh lễ Ngài và ngồi xuống. Ðức Phật hỏi:

- Thưa đại vương, thế nào? Ðã lâu đại vương không đến đây?

Vua đáp:

- Bạch Thế Tôn, trẫm quá bận việc nên không có dịp đến đây hầu cận Thế Tôn.

Ðức Phật bảo:

- Thưa đại vương, xao lãng việc đến gặp các bậc Chánh Ðẳng Giác như ta thật là không đúng, Ta là một vị Phật ở ngay một tinh xá trước mặt, có thể khuyến giáo đại vương. Một vị vua phải cai trị sáng suốt, trong mọi phận sự quân vương, đối với thần dân như cha mẹ đối với con, từ bỏ mọi ác đạo, không bao giờ quên lãng Thập vương pháp. Khi một vị vua chân chính, đám triều thần vây quanh cũng chân chính noi gương. Thật thế, nếu theo lời giáo huấn của ta mà đại vương đã phải cai trị chân chính thì cũng không lạ gì. Nhưng còn những bậc hiền tài ngày xưa, ngay cả thời chưa có một bậc đạo sư để giáo hoá vua chúa, mà nhờ tri kiến riêng của chính mình, các vua đó đã được an trú vào việc thực hành ba thiện nghiệp, thuyết pháp cho một đám đông dân chúng và cùng các đoàn tuỳ tùng lên cộng trú với các hội chúng ở cõi trời.

Cùng với các lời này, theo sự thỉnh cầu của vua, bậc đạo sư kể một chuyện quá khứ.

***

Một thời, khi vua Brahmadatta trị vì Baranas, Bồ-tát sinh ra làm vị vương tử của chánh hậu. Cha mẹ Ngài đặt tên Ngài là vương tử Janasandha.

Bấy giờ, đến tuổi trưởng thành và trở về từ Takkasila, nơi Ngài đã hoàn tất việc học tập, vua ra lệnh đại xá cho các tù nhân, và phong Ngài chức phó vương. Sau đó, khi vua cha băng hà, Ngài lên ngôi vua và ra lệnh xây sáu bố thí đường: tại bốn cổng thành, giữa thành và tại cung môn. Cứ mỗi ba ngày, Ngài phân phát sáu trăm ngàn đồng tiền và làm chấn động toàn cõi Jambudvipa vì việc đại bố thí của Ngài; Ngài mở cửa ngục ra thả hết tù nhân, phá bỏ những pháp trường; Ngài che chở cho mọi người bằng bốn thiện pháp (bố thí, thân ái, công bình, thiện trị); Ngài giữ ngũ giới, hành trì ngày trai giới và cai trị rất công chính. Thỉnh thoảng, Ngài hội họp quần thần lại và thuyết pháp cho họ:

- Các khanh hãy bố thí, thực hành giới đức chân chánh, đi theo công việc và nghề nghiệp của mình, tự giáo hoá mình trong lúc còn tuổi thanh niên, lo làm cho giàu có, đừng cư xử như một tên lừa đảo trong làng hoặc như một con chó, đừng quá khắt khe hoặc thô ác, hãy làm bổn phận với cha mẹ, sống trong gia đình, hãy tôn trọng các bậc trưởng thượng.

Như vậy, Ngài khuyến khích quần chúng giữ chánh mạng.

Vào một ngày trai giới trăng tròn kia, sau khi đã hành trì ngày trai giới trọn vẹn, Ngài tự nhủ: “Ta sẽ thuyết pháp cho đại chúng để luôn luôn làm tăng trưởng lợi lạc cho họ và khiến họ tinh cần trong cuộc sống.” Sau đó, Ngài ra lệnh đánh trống lên, bắt đầu với đám cung phi, sau đó toàn thể dân chúng trong thành tụ tập lại. Tại sân chầu, Ngài ngự trên một sàng toạ lộng lẫy đặt riêng biệt, dưới một ngôi đình được tô điểm toàn châu báu, và thuyết pháp bằng những lời này:

- Hỡi dân chúng trong kinh thành, trẫm sẽ tuyên thuyết cho các người nghe những việc gì làm cho các người đau khổ và những việc gì không làm cho các người đau khổ. Hãy tỉnh giác, chú tâm nghe và khéo tác ý.

Bậc đạo sư mở miệng ra, đó chính là viên bảo châu giữa tất cả những cái miệng ở đời, chứa đầy chân lý, và với giọng ngọt ngào như mật, Ngài giải thích lời nói này với vua Pasenadi:

Chúa tể Jana nói thế này,

Có mười điều đúng thật như vầy,

Nếu người quên việc thi hành chúng,

Thì kẻ đó liền chịu khổ ngay!

Không tạo, chẳng tích trữ đúng thời,

Lòng kia giày xéo khổ đau hoài,

Về sau hối tiếc vì suy nghĩ:

“Không kiếm giàu sang thuở trước rồi!”

Với người không học, sống gian lao!

Suy nghĩ, ăn năn, nó khổ sầu:

“Kiến thức mà nay cần sử dụng,

Nó không thèm học trước đi nào!”

Hai lưỡi ngày xưa, chẳng thật thà,

Vọng ngôn, ỷ ngữ chẳng nhân từ:

“Xưa ta độc ác và cay nghiệt,

Nay thấy nhân duyên khổ đó mà.”

Xưa nó sát hại thật hung tàn,

Chẳng một người nào được phát ban,

Vì việc đáng khinh này, tự nhủ:

“Nay ta phải chịu lắm buồn than.”

Nó nghĩ, xưa ta lắm thiếp thê,

Ta đành mắc nợ đám người kia,

Vì ta bỏ chúng theo nàng khác,

Việc ấy, nay ta hối tiếc ghê!

Xưa đã chứa đầy thức uống ăn,

Nay buồn, nó hối tiếc vô ngần,

Nghĩ rằng nó chẳng bao giờ cả

Thuở trước đem ban bố một lần.

Nó khổ vì khi có thể làm,

Nó không lo phụng dưỡng, chăm nom

Mẹ cha nay đã thành già yếu,

Tuổi trẻ ngày nay đã lụi tàn.

Vì đã khinh thường vị giáo sư,

Những người khuyên bảo hoặc ông cha

Cố làm nó đạt tròn tâm nguyện,

Việc ấy gây đau khổ xót xa.

Ðối với Sa-môn quá hững hờ,

Nhiều nhà tu khổ hạnh ngày xưa

Sống đời thánh thiện và thông thái,

Khiến nó ăn năn tự bấy giờ.

Khổ hạnh thực thi thật tốt lành,

Thiện nhân thường vẫn được tôn vinh,

Trước kia nó chẳng làm điều đó,

Nay phải buồn khi kể chuyện mình.

Mười điều nhờ trí tuệ khôn ngoan,

Người thực hiện cho được vẹn toàn,

Ðối với mọi người làm phận sự,

Sẽ không hề phải chịu ăn năn.

Như vậy, cứ mỗi tháng hai lần, bậc đại sĩ thuyết giáo theo đường lối ấy cho đại chúng. Và đại chúng được an trú vào giáo pháp của Ngài và hoàn thành mười thiện pháp này, nên được sinh lên thiên giới.

***

Khi bậc đạo sư đã chấm dứt pháp thoại này, Ngài bảo:

- Thưa đại vương, như vậy các bậc trí nhân ngày xưa, dù chưa được dạy bảo mà chỉ do trí tuệ riêng của mình, đã thuyết pháp và an trú đại chúng vào con đường đưa đến thiên giới.

Cùng với những lời này, Ngài nhận diện tiền thân:

- Vào thời ấy, các đệ tử của đức Phật là dân chúng và ta chính là vua Janasandha.

Sách cùng thể loại
Kinh Nhật Tụng
Kinh Nhật Tụng
Chùa Hoằng Pháp
Kinh Trường Thọ Diệt Tội
Kinh Trường Thọ Diệt Tội
Người Dịch:
Thánh Đức Và Sự Linh Ứng của Bồ - Tát Địa Tạng
Thánh Đức Và Sự Linh Ứng của Bồ - Tát Địa Tạng
Nhiều tác giả
Tây Phương An Lạc Tập
Tây Phương An Lạc Tập
Đại Sư Đạo Xước
Những Câu Chuyện Về Nhân Quả
Những Câu Chuyện Về Nhân Quả
Thích Tâm Thuận
Niệm Phật Thoát Sanh Tử
Niệm Phật Thoát Sanh Tử
Thích Nữ Tuệ Uyển