Sách Khác
Vua Pasenadi (Ba-tư-nặc)

Vua Pasenadi (Ba-tư-nặc)

Tác giả: Thích Chân Tính
Mục lục
Xem thêm
IV -49. KINH CHUYỆN CON HEO RỪNG CỦA THỢ MỘC (Tiền thân Vanddahaki-Sukara)

49. KINH CHUYỆN CON HEO RỪNG CỦA THỢ MỘC

(Tiền thân Vanddahaki-Sukara)

(Kinh số 283, Chương 3, Tập 6, Tiểu bộ kinh)

Chuyện này do bậc đạo sư kể tại Jetavana về trưởng lão Dhanuggahatissa.

Maha Kosala, cha của vua Pasenadi khi gả con gái là công chúa Kosala cho vua Bimbisara đã cho ngôi làng Kasi và một số tiền là một trăm ngàn đồng để làm của hồi môn. Khi Bimbisara bị con là Ajatasattu giết thì công chúa Kosala cũng chết đi vì sầu khổ. Vua Pasenadi suy nghĩ: “Ajatasattu giết cha, em gái ta đã phải chết đi vì tiếc thương người chồng bất hạnh. Ta sẽ không cho đứa giết cha kia ngôi làng Kasi ấy nữa.”

Thế là vua không chịu cho Ajatasattu ngôi làng kia. Do đó, chiến tranh thường xảy ra giữa hai bên vì ngôi làng. Ajatasattu rất kiêu căng và rất mạnh mẽ, còn Pasenadi đã quá già nên cứ bị thua trận mãi và nhân dân của ông vẫn thường bị chinh phục. Bấy giờ, vua mới hỏi các triều thần:

- Chúng ta cứ bị đánh bại mãi, biết làm sao bây giờ?

Vua được trả lời:

- Các vị trưởng lão rất thiện xảo về chú thuật. Chúng ta phải nghe lời nói của các vị Tỷ-kheo đang trú tại tinh xá Jetavana.

Vua phái các cận thần, bảo họ chờ thật đúng lúc nghe các Tỷ-kheo nói chuyện. Bấy giờ, có hai trưởng lão sống trong một túp lều lá gần tinh xá tên là Utta và Dhanuggahatissa đã ngủ hết canh đầu, canh thứ hai và thức dậy vào canh cuối cùng. Trưởng lão Dhanuggahatissa bỏ vài cành cây, nhúm lên một ngọn lửa rồi ngồi xuống bảo:

- Này hiền hữu Utta!

- Gì vậy hiền hữu Tissa?

- Hiền hữu không ngủ à?

- Bây giờ chúng ta cùng thức cả rồi, làm gì đây?

- Thì dậy đi nào, hãy đến ngồi cạnh tôi đây.

Thế rồi Dhanuggahatissa bắt đầu nói với Utta:

- Lão bụng bự Kosala khờ khạo kia chẳng bao giờ có được một bát cơm chín đầy mà không để cho nó thiu thối đi, làm sao mà toan tính một cuộc chiến tranh trong khi lão ta chẳng biết một tí gì cả? Lão luôn luôn bị đánh bại và phải chịu hao tốn.

- Thế thì lão ta phải làm gì nào?

Bấy giờ đúng là lúc các cận thần kia đang đứng nghe hai vị trưởng lão nói chuyện. Dhanuggahatissa bàn về chiến thuật:

- Chiến thuật ư? Nó gồm ba loại: đạo quân hoa sen, đạo quân bánh xe và đạo quân toa xe. Nếu những ai muốn bắt Ajatasattu thì họ sẽ đóng quân trên hai ngọn đồi cách thẳng nhau và giả bộ yếu mà chạy, chờ cho đến khi quân của hắn đuổi theo thì chặn ngay lối đi của hắn. Quân từ hai đồn trên đồi kia vọt ra giữ lấy đằng trước và đằng sau hắn, rồi reo hò ầm ĩ lên. Thế là sẽ nhanh chóng bắt được hắn như bắt một con cá trên đất, một con nhái trong nắm tay. Ðấy, cứ thế là chộp được Ajatasattu ngay!

Các cận thần trở về thuật lại hết như vậy cho vua nghe. Vua cho thúc tiếng trống tấn công, dàn quân theo mẫu toa xe và bắt sống được Ajatasattu. Sau vài ngày, vua thả Ajatasattu ra, khuyên không nên làm chuyện như trước nữa, và để an ủi Ajatasattu, vua lại đem chính con gái mình là công chúa Vajira gả cho Ajatasattu, con trai của em gái mình, và cho công chúa ngôi làng Kasi kia để làm của hồi môn.

Các Tỷ-kheo biết được sự việc trên, và một hôm, họ đem ra bàn tán trong chánh pháp đường:

- Này hiền hữu, tôi nghe rằng vua Pasenadi đã thắng Ajatasattu nhờ những lời chỉ bảo của Dhanuggahatissa.

Bậc đạo sư bước vào và hỏi:

- Này các Tỷ-kheo, các ông đang ngồi đây bàn tán chuyện gì đó?

Khi nghe các vị ấy thuật lại, Ngài dạy:

- Ðây không phải là lần đầu tiên Dhanuggahatissa khéo léo bàn tán về chiến thuật.

Rồi Ngài kể một chuyện đời xưa.

***

Ngày xưa, khi vua Brahmadatta trị vì xứ Baranas, Bồ-tát sinh ra là một vị thần cây. Bấy giờ có vài người thợ mộc sống trong ngôi làng gần Baranas. Một người thợ mộc kia, lúc vào rừng đốn cây, thấy một con heo rừng còn nhỏ bị rơi xuống hầm bẫy, liền mang về nhà nuôi. Con heo lớn lên, mập mạp, với những sừng nanh cong vút. Nó là một con vật rất dễ dạy. Vì người thợ mộc nuôi, nên nó có thể được gọi là Con heo rừng của thợ mộc. Mỗi khi người thợ mộc đốn cây, con heo rừng dùng mồm trở cây lại, rồi dùng răng mang rìu, vạt, đục, vồ và cắn một đầu thước đo mà kéo theo. Người thợ mộc sợ người ta bắt nó ăn thịt nên đem nó thả vào rừng.

Con heo chạy vào rừng sâu, tìm kiếm một nơi an toàn và hợp ý để sống. Sau cùng, nó trông thấy một cái hang lớn nằm bên sườn núi, nơi ấy có nhiều củ, rễ, trái. Thật là một nơi ăn ở rất tốt. Có vài trăm con heo rừng khác trông thấy nó, liền đến gần.

Nó nói với chúng:

- Các bạn đúng là những con vật ta đang tìm kiếm và thế là bây giờ ta đã kiếm được rồi. Ðây có lẽ là một chỗ tốt. Bây giờ ta muốn sống ở nơi đây cùng các bạn.

Bọn heo rừng kia đáp:

- Hẳn là một chỗ tốt, nhưng lại nguy hiểm.

- À, mới thoạt trông thấy các bạn, ta đã ngạc nhiên rằng sao những con vật sống ở một nơi trù phú thế này lại gầy ốm, xanh xao như thế kia. Các bạn sợ cái gì vậy?

- Có một con hổ, cứ buổi sáng nó đến đây và trông thấy ai thì nó vồ ngay rồi mang đi.

- Việc ấy xảy ra luôn luôn hay thỉnh thoảng mới xảy ra?

- Luôn luôn.

- Có cả thảy bao nhiêu con hổ?

- Chỉ có một con thôi.

- Sao? Chỉ có một con mà lại quá nhiều đối với các bạn à?

- Vâng thưa ngài.

- Ta sẽ bắt nó, miễn là các bạn chỉ làm theo lời ta. Con hổ ấy sống ở đâu?

- Trên ngọn đồi kia kìa.

Thế rồi ban đêm, heo rừng luyện tập bọn ấy và chuẩn bị chiến đấu, nó giảng giải chiến thuật:

- Chiến trận bao gồm ba loại: đạo quân hoa sen, đạo quân bánh xe, đạo quân toa xe.

Rồi nó sắp đặt bọn heo theo mẫu hoa sen. Nó biết được một nơi lợi thế, bèn nói:

- Ta phải tổ chức trận chiến nơi đây.

Các heo mẹ và heo con đang bú được sắp chính giữa, quanh đó là heo cái không có con thơ, vòng kế nữa là bọn heo nhỏ, rồi vòng tiếp theo là bọn heo trẻ và quanh bọn này là bọn heo sẵn sàng chiến đấu, mạnh khoẻ, lực lưỡng. Nó sắp đặt từng đội theo nhóm từng chục hay từng hai chục. Phía trước vị trí của chính nó là một cái lỗ tròn, phía sau lỗ là một cái hố thoai thoải sâu dần có hình dạng như một cái giỏ sảy thóc. Nó đứng điều động trong đám heo, theo sau nó là sáu bảy chục con, nó truyền cả bọn phải thật can đảm.

Ðêm đã hết, con hổ thức dậy và nghĩ: “Tới giờ rồi!” Nó chạy đi rồi bắt gặp đàn heo. Nó đứng lại trên mô đất, trừng mắt thị uy bọn chúng. Con heo rừng của thợ mộc la lên và ra hiệu cho cả bọn:

- Trừng lại đi!

Tất cả đều trừng mắt nhìn lại hổ. Hổ há miệng gầm gừ một tiếng dài, cả bọn heo cũng làm như thế. Hổ phóng uế, bọn heo cũng vậy. Hễ hổ làm sao thì bọn heo cũng làm theo nó.

Hổ tự nghĩ: “Sao, việc này là thế nào? Mọi khi chúng nó thấy ta là liền vắt giò lên cổ mà chạy. Thực ra, chúng quá sợ hãi đến chạy không nổi nữa. Nay chẳng những chúng không chạy mà lại còn đứng lên chống ta nữa. Ta làm gì chúng đều nhại lại. Có anh chàng kia đang đứng ở vị trí chỉ huy. Chính hắn là kẻ đã tổ chức cái bọn hỗn độn này. Thôi được, ta không thấy cách nào để thắng bọn chúng”. Thế rồi, nó quay đi và trở về hang.

Bấy giờ, có một ẩn sĩ giả hiệu, thường được hổ chia cho một phần mồi. Lần này hổ trở về tay không, ông ta để ý sự việc ấy và đọc bài kệ sau đây:

Mồi ngon nhất bạn luôn luôn được

Mỗi khi đi săn rượt heo rừng.

Bạn nay phiền muộn, tay không,

Nào đâu sức mạnh hào hùng trước đây?

Nghe thế, hổ đọc một bài kệ tiếp:

Trước kia chúng thường hay tháo chạy,

Tìm về hang, kinh hãi, tả tơi;

Nay thành hàng ngũ hẳn hoi,

Ðứng lên dũng mãnh, quyết đòi ta lui.

Ẩn giả khích lệ:

- Ồ, đừng sợ chúng, chỉ một tiếng gầm, một cú vồ là đủ làm chúng kinh hãi mất trí khôn và trở nên hỗn loạn ngay.

Hổ xiêu lòng trước lời khuyến dụ ấy, lấy can đảm quay trở lại và đứng lên mô đất kia.

Chú heo rừng của thợ mộc đang đứng giữa hai cái hố, bọn heo la lên:

- Chủ tướng xem kìa, tên vô lại kia lại đến!

- Ồ, chớ sợ. Chúng ta sẽ tóm nó ngay.

Hổ gầm một tiếng rồi phóng tới vồ lấy chú heo rừng của thợ mộc, ngay lúc ấy chú heo né tránh và nhảy ngay xuống cái hố tròn. Hổ không dừng lại được, ngã lộn nhào, rơi trọn vào cái hố thứ hai hình chiếc giỏ sảy thóc kia và nằm chẹt tại đó. Heo nhảy ra khỏi cái hố của nó, nhanh như chớp, thúc sừng vào đùi con hổ, xé toang đến thận nó, vùi nanh vào khối thịt ngon ngọt của con vật, và thúc cả vào đầu nó. Rồi nó lôi hổ ra khỏi hố và la lớn:

- Kẻ thù của các bạn đây, dành cho các bạn đây!

Bọn heo đến trước có thịt hổ mà ăn, còn bọn đến sau chỉ ngửi vào mồm bọn kia mà hỏi thịt hổ ăn giống như ăn thứ gì.

Nhưng bọn heo rừng vẫn chưa thoả dạ. Chú heo kia đã nhận thấy thái độ của chúng, liền hỏi:

- Bây giờ còn điều gì nữa nào?

Chúng nói:

- Thưa chủ tướng. Giết được một con hổ thì thật là tốt quá, thế nhưng ông ẩn sĩ giả mạo kia còn có thể mang đến cả chục con hổ nữa!

- Hắn ta là ai thế?

- Một nhà tu giả hiệu ác độc.

- Con hổ kia ta còn giết được, thế các bạn cho rằng một con người còn có thể chạm tới ta được chăng? Hãy đến đó đi và chúng ta sẽ tóm được hắn.

Thế là cả bọn tiến lên.

Bấy giờ ông ẩn sĩ kia đang lấy làm lạ rằng tại sao hổ lâu quá mà chưa trở về. “Không chừng bọn heo đã tóm được nó rồi?” Ông ta tự nghĩ như vậy và quyết định ra đón hổ ở dọc đường. Khi ông ra thì đàn heo đã kéo đến.

Ông ta vội quơ các đồ dùng rồi phóng chạy. Bọn heo đuổi riết theo. Ông ném bỏ các thứ vướng víu rồi vụt trèo lên một cây sung.

Bọn heo la lên:

- Thưa chủ tướng, thế là xong hết cả rồi! Ông kia đã leo lên cây.

- “Cây nào?” Chú heo lãnh đạo hỏi.

- “Cây sung!” Chúng đáp.

- Ồ, thế thì tốt lắm, các chị heo nái mang nước lại, các bạn heo trẻ bới cây, các bạn tráng kiện có sừng nanh bứt rễ, đám còn lại vây quanh mà trông chừng.

Cả bọn làm theo các nhiệm vụ mà nó giao phó. Sau khi cây sung được bới đến trơ rễ, nó bảo cả bọn lui ra và lao ngay vào một cái rễ to lớn, rồi như một nhát rìu bổ, nó tống ngã cái cây xuống đất. Bọn heo đang chờ sẵn, xông tới kết liễu vị tu sĩ giả mạo kia, xé ông ra từng mảnh và chỉ trong chốc lát, chúng gặm đến sạch xương.

Thế rồi, chúng đặt chú heo rừng của thợ mộc trên thân cây, lấy chiếc vỏ sò của kẻ bạc mạng, đổ đầy nước rồi tưới vào chú heo rừng kia để tôn lên làm vua. Một chị heo trẻ cũng được chúng tôn lên làm hoàng hậu.

Người ta bảo rằng tục lệ này vẫn còn được giữ đến ngày nay: Khi muốn tôn ai lên làm vua, người ta để người ấy ngồi trên một chiếc ghế đẹp bằng gỗ cây sung rồi dùng ba chiếc vỏ sò tưới nước vào người ấy.

Vị thần cây sống ở trong rừng ấy chứng kiến sự việc kỳ diệu đó, hiện ra trước bầy heo, đứng trong lỗ nứt của thân cây và đọc lên bài kệ thứ ba:

Ta đã thấy một kết đoàn kỳ đặc,

Vinh quang thay, những bộ tộc hợp quần!

Ðám heo rừng đã đánh hổ tan hoang

Bằng sức mạnh và sừng nanh hợp nhất.

***

Khi bậc đạo sư kể xong pháp thoại này, Ngài nhận diện tiền thân:

- Trưởng lão Dhanuggahatissa là chú heo rừng của người thợ mộc, còn ta là vị thần cây.

Sách cùng thể loại
Kinh Nhật Tụng
Kinh Nhật Tụng
Chùa Hoằng Pháp
Kinh Trường Thọ Diệt Tội
Kinh Trường Thọ Diệt Tội
Người Dịch:
Thánh Đức Và Sự Linh Ứng của Bồ - Tát Địa Tạng
Thánh Đức Và Sự Linh Ứng của Bồ - Tát Địa Tạng
Nhiều tác giả
Tây Phương An Lạc Tập
Tây Phương An Lạc Tập
Đại Sư Đạo Xước
Những Câu Chuyện Về Nhân Quả
Những Câu Chuyện Về Nhân Quả
Thích Tâm Thuận
Niệm Phật Thoát Sanh Tử
Niệm Phật Thoát Sanh Tử
Thích Nữ Tuệ Uyển