Vua Pasenadi (Ba-tư-nặc)
11. KINH BỆN TÓC (Kinh số 1, Phẩm 2, Chương 3, Tập 1, Tương ưng bộ kinh)
Một thời, Thế Tôn ở Savatthi, Pubbarama (Ðông Viên), tại lâu đài Migaramatu (Giảng đường Lộc Tử Mẫu). Lúc bấy giờ, Thế Tôn, vào buổi chiều, từ chỗ thiền tịnh độc cư đứng dậy và đến ngồi tại mái hiên phía cửa ngoài. Rồi vua Pasenadi nước Kosala đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn và ngồi xuống một bên.
Lúc bấy giờ, bảy vị bện tóc, bảy vị Nigantha, bảy vị loã thể, bảy vị mặc một y và bảy vị du sĩ với thân đầy lông, với móng tay dài, lớn như cây lau, mang các dụng cụ khất sĩ đang đi ngang qua, cách Thế Tôn không xa bao nhiêu.
Rồi vua Pasenadi nước Kosala, từ chỗ ngồi đứng dậy, đắp y vào phía một bên vai, quỳ xuống trên đầu gối tay mặt, chắp tay hướng về bảy vị bện tóc, bảy vị Nigantha, bảy vị loã thể, bảy vị mặc một y và bảy vị du sĩ ấy, nói lên ba lần tên của mình: “Thưa chư tôn, con là vua Pasenadi nước Kosala.”
Rồi vua Pasenadi nước Kosala, khi bảy vị bện tóc, bảy vị Nigantha, bảy vị loã thể, bảy vị mặc một y và bảy vị du sĩ ấy đã đi qua không lâu liền đi đến Thế Tôn, đảnh lễ Ngài và ngồi xuống một bên.
Ngồi xuống một bên, vua Pasenadi nước Kosala bạch Thế Tôn:
- Bạch Thế Tôn, có phải những tôn giả ấy là những vị A-la-hán trên đời này, hay là những vị đang đi trên con đường hướng đến đạo quả A-la-hán?
- Thưa đại vương, khi đại vương còn là cư sĩ, trong khi còn sống thọ hưởng các dục, bị con cái trói buộc, quen dùng các loại chiên đàn ở xứ Kasi, trang sức với vòng hoa, hương thơm, dầu sáp, sử dụng vàng và bạc, thời đại vương thật khó biết được các vị ấy là bậc A-la-hán hay là bậc đang đi trên con đường hướng đến đạo quả A-la-hán.
Thưa đại vương, chính phải cộng trú mới biết được giới đức của một người, và phải trong một thời gian dài không thể khác được, phải có tác ý, không phải không có tác ý, phải có trí tuệ, không phải với ác tuệ.
Thưa đại vương, chính phải cùng chung một nghề mới biết được sự thanh tịnh của một người, và phải trong một thời gian dài không thể khác được, phải có tác ý, không phải không tác ý, phải có trí tuệ, không phải với ác tuệ.
Thưa đại vương, chính trong thời gian bất hạnh mới biết được sự trung kiên của một người, và phải trong một thời gian dài không thể khác được, phải có tác ý, không phải không có tác ý, phải có trí tuệ, không phải với ác tuệ.
Thưa đại vương, chính phải đàm đạo mới biết được trí tuệ của một người, và phải trong một thời gian dài không thể khác được, phải có tác ý, không phải không có tác ý, phải có trí tuệ, không phải với ác tuệ.
- Thật vi diệu thay, bạch Thế Tôn! Thật hy hữu thay, bạch Thế Tôn, khi Thế Tôn đã khéo nói như sau: “Thưa đại vương, khi đại vương còn là cư sĩ... không phải với ác tuệ!”
Bạch Thế Tôn, có những người trinh thám này của con, sau khi đi trinh sát một nước, họ đi đến con. Trước hết họ báo cáo rồi con mới đúc kết.
Bạch Thế Tôn, ở đây những người ấy sau khi tẩy sạch bụi và nhớp, sau khi tắm rửa và xoa dầu, sau khi chải sạch râu tóc, mặc áo vải trắng, họ được hầu hạ, săn sóc và cho thọ hưởng năm dục công đức.
Rồi Thế Tôn, sau khi hiểu rõ ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, mới nói lên bài kệ:
Không phải do sắc tướng,
Biết rõ được con người,
Không phải nhìn thoáng qua,
Ðặt được lòng tin cậy.
Dưới bộ áo đạo đức,
Với hình tướng tự chế,
Những kẻ sống buông thả,
Sống phây phây đời này.
Như bông tai bằng đất,
Giả dạng bông tai thật,
Như nửa tiền bằng đồng,
Ðược sơn phết lớp vàng.
Một số sống che đậy,
Ẩn kín dưới bề ngoài,
Nội thân thật bất tịnh,
Mặt ngoài giả mỹ diệu.