Vua Pasenadi (Ba-tư-nặc)
54. KINH CHUYỆN PHẦN CHÁO CÚNG DƯỜNG
(Tiền thân Kummasapinda)
(Kinh số 415, Chương 7, Tập 7, Tiểu bộ kinh)
Bậc đạo sư kể chuyện này trong lúc trú tại Jetavana về hoàng hậu Mallika.
Nàng nguyên là con gái của vị trưởng nghiệp đoàn bán vòng hoa, cực kỳ diễm lệ và hiền thục. Khi nàng được mười sáu tuổi, trong lúc đi đến vườn hoa cùng các thiếu nữ khác, nàng mang theo ba phần cháo sữa chua trong giỏ hoa. Khi nàng rời thành phố, nàng trông thấy đức Thế Tôn vào thành, toả hào quang rực rỡ và được Tăng chúng vây quanh, nàng đem cúng dường Ngài ba phần cháo ấy.
Bậc đạo sư đưa bát của Ngài ra nhận cháo. Nàng đảnh lễ chân đức Như Lai và lấy niềm hoan hỷ ấy làm chủ đề thiền quán, rồi nàng đứng sang một bên. Bậc đạo sư mỉm cười, nhìn nàng. Tôn giả Ananda tự hỏi tại sao đức Như Lai mỉm cười và hỏi Ngài vấn đề này. Bậc đạo sư nói lý do:
- Này Ananda, cô gái này hôm nay sẽ trở thành chánh hậu của vua Pasenadi do phước báo ba phần cháo này.
Còn cô gái tiếp tục bước đến vườn hoa. Ngay chính hôm ấy vua Pasenadi giao chiến với vua Ajatasattu và thất bại phải đào tẩu. Trong khi đang đi ngựa, vua nghe tiếng nàng hát rất hấp dẫn liền thúc ngựa vào khu vườn. Công đức của cô gái đã đến thời chín muồi, vì thế khi thấy vua, nàng không chạy trốn mà đi đến cầm lấy dây cương nơi mũi ngựa. Vua ngồi trên lưng ngựa hỏi nàng đã có chồng chưa. Khi nghe nàng đáp chưa, ông xuống ngựa và đang mệt mỏi vì nắng gió, ông nằm nghỉ chốc lát trên đùi nàng. Sau đó ông đưa nàng lên ngựa, cùng đạo quân hùng hậu đi vào thành, đưa nàng đến tận nhà riêng.
Chiều hôm ấy, vua phái một vương xa trong cảnh vô cùng vinh quang lộng lẫy đến rước nàng từ nhà nàng về đặt lên một bảo toạ đầy châu báu, làm lễ quán đảnh (rảy nước thánh lên đầu) cho nàng và phong nàng làm chánh hậu. Từ đó trở đi, nàng trở thành hoàng hậu thân thiết, tận tuỵ, được vua sủng ái, nàng có đầy đủ năm vẻ yêu kiều của nữ nhi, lại có đủ đám nô tỳ trung thành và nàng lại là một tín nữ được nhiều hồng ân của chư Phật. Cả kinh thành loan tin rằng nàng được mọi vinh hoa ấy là vì nàng cúng dường bậc đạo sư ba phần cháo.
Một hôm, Tăng chúng bắt đầu thảo luận trong chánh pháp đường:
- Này các hiền giả, hoàng hậu Mallika cúng dường đức Phật ba phần cháo, và do phước báo này, ngay chính hôm ấy bà được làm lễ quán đảnh phong ngôi hoàng hậu. Công đức chư Phật thật vĩ đại dường nào.
Bậc đạo sư bước vào, hỏi chuyện và khi được biết đề tài thảo luận của Tăng chúng, Ngài bảo:
- Này các Tỷ-kheo, không lạ gì nàng Mallika trở thành chánh hậu của vua Pasenadi nhờ cúng dường đức Phật Chánh Ðẳng Giác ba phần cháo mà thôi. Vì cớ sao? Ðó là nhờ đại hồng ân của chư Phật. Các trí nhân ngày xưa còn cúng dường các vị Ðộc Giác Phật cháo không có muối hay dầu nữa, song nhờ thế trong đời sau đạt được vinh quang của đế vương tại Baranas rộng ba trăm dặm.
Rồi Ngài kể câu chuyện đời xưa.
***
Ngày xưa, khi vua Brahmadatta trị vì tại Baranas, Bồ-tát được sinh vào một nhà nghèo. Khi lớn lên Ngài tìm kế sinh nhai bằng cách làm công cho một nhà giàu. Một hôm, Ngài mua bốn phần cháo ở cửa tiệm và suy nghĩ: “Cái này vừa đủ để ta ăn sáng”. Rồi Ngài ra làm việc ngoài đồng. Khi thấy bốn vị Ðộc Giác Phật đang vào Baranas khất thực, Ngài suy nghĩ: “Ta có bốn phần cháo này, hay là ta đem cúng dường các vị đang đến Baranas khất thực?” Vì thế Ngài đi đến đảnh lễ các vị và nói:
- Thưa các tôn giả, con hiện đang cầm bốn phần cháo, con xin cúng dường các vị, mong các vị nhận lấy để cho con được phước đức đem lại an lạc lâu dài về sau.
Thấy các vị nhận lời, Ngài liền rải cát và sắp đặt bốn chỗ ngồi, đặt các cành khô lên đó và mời chư vị Ðộc Giác Phật ngồi theo thứ tự. Ngài lấy rổ lá đem nước đến, rót nước cúng dường, và đặt bốn phần cháo vào bốn bình bát, vừa đảnh lễ cung kính vừa thưa:
- Thưa các tôn giả, ước mong nhờ phước báo này con sẽ không sinh vào nhà nghèo nữa, ước mong đây sẽ làm nhân duyên cho con đắc quả vị Chánh Giác.
Các vị Ðộc Giác Phật dùng cháo xong, nói lời tuỳ hỷ công đức và trở về động Nandamula. Khi kính chào các vị, Bồ-tát cảm thấy niềm hoan hỷ được tiếp xúc các Ðộc Giác Phật, và sau khi các vị đã khuất dạng, Ngài bỏ đi làm công việc, Ngài vẫn nhớ các vị mãi cho đến lúc mạng chung. Nhờ phước báo này, Ngài tái sinh vào mẫu thai của chánh hậu thành Baranas. Ngài được đặt tên là vương tử Brahmadatta.
Từ lúc mới biết đi chập chững, nhờ năng lực nhớ lại những việc làm trong đời trước, Ngài thấy rõ như thể soi bóng mình vào tấm gương sáng, rằng Ngài tái sinh vào hoàn cảnh này do Ngài đã cúng dường bốn phần cháo lên các vị Ðộc Giác Phật khi Ngài là một tôi tớ đi làm thuê tại chính kinh thành này. Khi lớn lên, Ngài học tập mọi môn nghệ thuật ở Takkasila. Khi Ngài trở về nhà, vua cha vô cùng hoan hỷ về các thành tựu của Ngài nên phong Ngài làm phó vương. Sau đó khi vua cha băng hà, Ngài lên ngự trị quốc độ. Rồi kết hôn với công chúa tuyệt sắc của vua Kosala và phong nàng ngôi chánh hậu.
Vào ngày đại hội Giương chiếc lọng trắng, quần thần trang hoàng kinh thành như thể một kinh thành thiên giới. Ngài dự đám rước quanh thành phố rồi ngự lên thượng lầu được trang hoàng lộng lẫy, sau đó bước đến đài cao an toạ trên ngai vàng có lọng trắng giương phía trên.
Khi ngồi đó, Ngài nhìn xuống thần dân đang đứng chầu, một phía là triều thần, phía kia là các Bà-la-môn và gia chủ sáng rực trong vẻ đẹp muôn màu sắc, một phía khác nữa là quần chúng cầm tặng vật đủ loại trong tay, kế đến là đoàn nữ nhạc vũ công gồm cả mười sáu ngàn nàng chẳng khác đoàn tiên tụ tập đông đủ trên thiên đình.
Nhìn mọi vẻ huy hoàng làm say mê lòng người như thế, Ngài nhớ lại đời trước của mình và suy nghĩ: “Chiếc lọng trắng kết tràng hoa bằng vàng và chân trụ bằng vàng khối này, bằng ngàn con voi và cỗ xe này, và cả lãnh thổ rộng lớn của ta đầy ngọc vàng châu báu, tài sản, mễ cốc đủ loại, các nữ nhân như tiên nữ trên trời, mọi cảnh vinh quang này đều thuộc riêng về phần ta thôi, đó là do công đức cúng dường bốn vị Ðộc Giác Phật bốn phần cháo. Ta hưởng được tất cả mọi sự này nhờ đó.”
Như vậy, trong khi nhớ lại hồng ân của chư Ðộc Giác Phật, rõ ràng Ngài đã tuyên dương công đức của Ngài trong đời trước. Ý tưởng ấy làm toàn thân Ngài tràn ngập hoan lạc. Niềm hoan lạc thấm tận tâm can khiến Ngài ngâm vang hai vần kệ đầy cảm hứng ngay giữa quần thần:
Cúng dường chư Phật cao quý thay,
Người bảo đừng xem rẻ việc này,
Ðem tặng cháo dù không có muối
Cho ta phước báo lớn như vầy.
Ngựa, voi cùng với đám trâu bò,
Vàng, bạc, thóc ngô, cả nước nhà,
Ðám mỹ nữ hình dung yểu điệu,
Cúng dường đem quả đến tay ta.
Như vậy, trong niềm hỷ lạc, Bồ-tát ngâm khúc hoan ca gồm hai vần kệ nhân ngày lễ Giương chiếc lọng trắng. Từ đó về sau, chúng được xem là khúc ca được quốc vương ái mộ và mọi người đều hát điệu ấy, từ các vũ nữ, vũ công, nhạc sĩ, cung nhân, thị vệ, cho đến dân chúng và ngay cả đám quần thần trong triều.
Sau một thời gian, chánh hậu mong muốn biết ý nghĩa bài hát, song bà không dám hỏi bậc đại sĩ. Một hôm, nhà vua đẹp ý vì một đức tính của bà, liền phán:
- Này ái hậu, ta muốn ban cho nàng một điều ước, hãy nhận đặc ân ấy.
- Tâu đại vương, tốt lành thay thiếp xin nhận đặc ân ấy.
- Ái hậu muốn ta ban gì, voi ngựa hay thứ nào khác?
- Tâu đại vương, nhờ ân sủng của đại vương, thiếp không thiếu gì cả, thiếp không cần các thứ ấy. Song nếu đại vương ban cho thiếp một đặc ân, xin hãy nói cho thiếp biết ý nghĩa khúc ca của Ngài.
- Này ái hậu, nàng cần gì đặc ân ấy? Hãy nhận thứ khác đi.
- Tâu đại vương, thiếp không cần một thứ nào khác cả. Ðó là đặc ân thiếp muốn nhận.
- Ðược rồi, này ái hậu, ta sẽ nói điều ấy, nhưng không phải đó là điều bí mật nói riêng với nàng, mà ta muốn gióng tiếng trống khắp kinh thành Baranas rộng mười hai dặm này, ta muốn dựng ngôi đình bằng ngọc ngay tại cung môn và đặt một chiếc ngai bằng ngọc tại đó, rồi ta sẽ ngồi đó giữa quần thần, Bà-la-môn, cùng mọi người khác gồm cả mười sáu ngàn nữ nhân, và kể chuyện ấy.
Bà tuân lệnh. Vua truyền làm mọi việc như trên, rồi ngự lên ngai giữa đại chúng như thiên chủ Sakka giữa chư thiên. Hoàng hậu phục sức đủ mọi thứ nữ trang ngọc vàng, đặt một kim đôn, ngồi bên cạnh ở một vị trí thích hợp, rồi đưa mắt nhìn vua, bà thưa:
- Tâu đại vương, xin hãy giảng giải cho thiếp biết ý nghĩa khúc hoan ca mà Ngài thường hát trong niềm hỷ lạc, như thể làm cho mặt trăng xuất hiện trên bầu trời.
Rồi bà ngâm vần kệ thứ ba:
Đại vương đầy vinh hiển, chánh chân,
Khúc ca Ngài hát đã bao lần,
Trong niềm hoan lạc đầy tâm trí,
Cho thiếp đặc ân biết ngọn nguồn.
Bậc đại sĩ ngâm bốn vần kệ nêu rõ ý nghĩa khúc ca:
Chính tại thành này, kiếp trước đây,
Ở trong hoàn cảnh khác ngày nay,
Ta là tôi tớ cho người khác,
Làm mướn, song đức hạnh thẳng ngay.
Một hôm rời tỉnh để làm công,
Bốn đạo sư kia, ta chợt trông
Dáng điệu ly tham và tĩnh lặng,
Thiện toàn trong giới luật tu thân.
Tư tưởng ta quy ngưỡng Phật-đà,
Khi chư vị nghỉ dưới cây già,
Chấp tay đảnh lễ, ta đem đến
Thành kính cúng dường món cháo hoa.
Thiện nghiệp tạo nên phước đức dày,
Thành quả ta gặt được giờ đây:
Vinh hoa phú quý đời vương giả,
Quốc độ do ta cai trị này.
Khi hoàng hậu nghe bậc đại sĩ giảng giải đầy đủ thành quả của thiện nghiệp Ngài đã tạo, bà hân hoan đáp:
- Tâu đại vương, nếu Ngài nhận thấy rõ các thành quả của bố thí như vậy, từ nay về sau xin Ngài nhận một phần cơm và đừng ăn cho đến khi nào chính Ngài đã cúng dường thực phẩm lên các vị Sa-môn, Bà-la-môn chân chánh.
Rồi hoàng hậu ngâm vần kệ tán thán Bồ-tát:
Hãy ăn, khi nhớ cúng dường rồi,
Chuyển bánh xe chân chánh khắp nơi:
Đại vương tránh xa điều bất chánh,
Cầm quyền chân chánh nước non Ngài.
Bậc đạo sĩ ngâm vần kệ chấp nhận lời hoàng hậu:
Ta vẫn tạo riêng một lối đường,
Bước theo đạo lộ chánh chân luôn,
Nơi người hiền thiện thường đi đến,
Ðẹp mắt ta nhìn các thánh nhân.
Sau khi nói xong, Ngài nhìn dung sắc hoàng hậu và bảo:
- Này mỹ hậu, ta đã kể đủ mọi thiện nghiệp ta làm đời trước, song giữa đám nữ nhân này không ai sánh kịp nàng về dung sắc và vẻ kiều diễm, khả ái.
Rồi Ngài ngâm vần kệ:
Ái hậu như tiên nữ cõi trời,
Trông nàng rực rỡ vượt bao người,
Vậy nhờ thiện nghiệp nào đưa đến
Phước báo dung quang quá tuyệt vời?
Sau đó hoàng hậu ngâm vần kệ nêu phước nghiệp đã tạo trong kiếp quá khứ:
Thiếp vốn nô tỳ một quý nương
Ở hoàng cung của Am-ba-vương,
Thiếp chuyên tâm thực hành khiêm tốn,
Ðức hạnh và tu tập thiện ngôn.
Rồi một ngày kia thiếp cúng dường
Phần cơm vào bát một Sa-môn,
Tâm tư thiếp ngập tràn từ ái,
Nghiệp ấy quả này, tâu đại vương!
Theo đây, hoàng hậu cũng biết chính xác và kể lại đời trước của mình.
Như vậy, cả hai vị đã công bố các nghiệp quá khứ xong, từ ngày ấy hai vị truyền lệnh xây sáu bố thí đường tại bốn cổng thành, giữa kinh thành và tại cung môn, rồi để khích lệ toàn cõi Jambudvipa, hai vị thực hành đại bố thí, giữ các giáo đức và các ngày trai giới, nên lúc mạng chung được tái sinh cõi thiên.
***
Khi pháp thoại chấm dứt, bậc đạo sư nhận diện tiền thân:
- Thời ấy, hoàng hậu là mẫu thân Rahula và vua chính là ta.