Vào ngày 30 tháng 6, UNESCO công bố trong một thông cáo báo chí rằng bảy tu viện Phật giáo trên núi ở Hàn Quốc đã được ghi vào Danh sách Di sản Thế giới.
Các tu viện bao gồm Seonamsa, Daeheungsa, Beopjusa, Magoksa, Tongdosa, Buseoksa, và Bongjeongsa thuộc dòng Jogye của Phật giáo Hàn Quốc. Tờ Nhật Báo Joongang của Hàn Quốc cho biết Jong Min, một nhà sư thuộc dòng Jogye, nói rằng ông "hài lòng với thông tin này, đặc biệt là sự kiện cả bảy ngôi chùa được công nhận là Di Sản Thế Giới cùng một lúc."
Trong thông báo, UNESCO cho biết rằng mỗi ngôi chùa có một ý nghĩa văn hóa và tôn giáo quan trọng đối với khu vực. Các tu viện “chứa một số lượng lớn đáng kể các kiến trúc, vật thể, tài liệu kinh sách và chánh điện.”
Mỗi ngôi chùa bao gồm một sân lớn gọi là "madang", hai bên có bốn tòa nhà gồm chánh điện, hội trường, giảng đường, và ký túc xá – là kiến trúc đặc trưng của Hàn Quốc. Tòa nhà quan trọng nhất là chánh điện nằm ở vị trí cao nhất của sân chùa.
Phật giáo đã được du nhập vào Hàn Quốc vào thế kỷ thứ tư, và được xem là quốc giáo xuyên suốt ba vương triều trong hơn một nghìn năm. Các tu viện thường được xây dựng ở những vùng đồi núi do sự niềm tin và lòng tôn kính truyền thống của người Hàn Quốc đối với các ngọn núi. Phật giáo bắt đầu suy yếu sau khi Khổng giáo chiếm ưu thế; dẫn đến một cuộc đàn áp tôn giáo vào thế kỷ 14. Nhiều ngôi chùa tại đô thị bị đóng cửa, chỉ còn lại một số ngôi chùa ở vùng đồi núi xa xôi hẻo lánh.
UNESCO nói rằng tất cả bảy tu viện đều là trung tâm tín ngưỡng Phật giáo đang hoạt động và có lịch tu học thực hành hàng ngày.