Hàn Quốc khánh thành công trình phục dựng ngôi chùa cổ 1.300 năm tuổi
Được xây dựng từ thời vương triều Baekje và tọa lạc tại thành phố Iksan hiện nay ở tỉnh Bắc Jeolla, ngôi chùa này là một phần của khu đền Mireuksa, thành lập vào cuối triều đại của vua Mu (năm 600– 641). Ngôi chùa đá cao 14,25 mét tại Mireuksaji là một trong hai ngôi chùa thời Baekje còn tồn tại cho đến ngày nay. Ngôi chùa được đưa vào danh sách quốc bảo của Hàn Quốc vào năm 1962 và danh sách Di sản Thế giới của UNESCO vào tháng 7 năm 2015. Ngôi chùa này là một phần của Khu di tích Lịch sử Baekje.
Đây là ngôi chùa lớn nhất trong vương triều Baekje và hiện được xem là một điển hình về kỹ thuật kiến trúc tiên tiến của thời 3 vương triều Baekje, Goguryeo, Silla của Hàn Quốc. Nơi đây cũng nổi tiếng với phiến đá cổ cao đến bốn mét làm chân cột cờ có từ thời Hậu Silla (660–935). Ngôi chùa đá được tu bổ lại ở phía tây của khu đền hiện chỉ có sáu tầng nhưng các nhà sử học tin rằng nguyên bản ngôi chùa có đến 9 tầng, đối xứng với ngôi chùa phía đông có 9 tầng, cao 27,67 mét, được xây dựng lại vào năm 1993, và phù hợp với những chi tiết được ghi chép trong sử sách.
"Điều thú vị là ngôi chùa được thiết kế giống như các ngôi chùa bằng gỗ, nhưng lại xây bằng đá," Giám Đốc Viện nghiên cứu Di sản văn hóa quốc gia Kim Derk-moon, người giám sát dự án phục hồi trong 15 năm cho biết.
Ngôi chùa phía tây đã được khôi phục một phần bằng bê tông vào năm 1915, trong thời gian Nhật chiếm đóng Hàn Quốc, sau đó thì bị rơi vào quên lãng cho đến khi Viện Nghiên cứu Di sản Văn hóa Quốc gia khởi xướng việc phục hồi hiện nay.
Vào năm 1999, Viện nghiên cứu di sản văn hóa quốc gia đã kết luận rằng ngôi chùa đá đang trong tình trạng cần phải được sửa chữa ngay và dự án khôi phục bắt đầu vào năm 2001, trở thành dự án phục dựng một di sản văn hóa đơn lẻ dài nhất của Hàn Quốc. Đội phục dựng phải mất đến 10 năm để tháo dỡ ngôi chùa một cách cẩn trọng.
“Tôi đã xem qua các ghi chép trong lịch sử từ thế kỷ 13 của Samguk Yusa nói về ba vương triều, nhưng không có dữ liệu nào nói về chiều cao của ngôi chùa”, Kim nói. " Có rất nhiều chi tiết của ngôi chùa đã được phát hiện trong quá trình phục dựng."
Trong suốt dự án, đội phục dựng đã tìm mọi cách để sử dụng lại các khối đá cũ của ngôi chùa nguyên bản và chỉ sử dụng các phiến đá mới khi cần thiết. Một trong những chi tiết để tính niên đại của ngôi chùa cổ là các loại vữa được dùng để kết dính hàng ngàn khối đá điêu khắc lại với nhau. Chúng có tác dụng là là phần đệm giữa các khối đá và chia đều trọng lượng của cấu trúc lên mặt chân đế.
Trong số các hiện vật được khai quật tại khu vực này, vào tháng 1 năm 2009, người ta phát hiện ra một hộp chứa xá lợi của các vị cao tăng tu tại chùa (sau khi được hỏa táng) đặt trong một cột đá. Điều này cung cấp thêm cho chúng ta những hiểu biết mới về cấu trúc cũng như lịch sử của ngôi chùa.
Các ngôi chùa là những địa điểm quan trọng cho việc tu học của các Phật tử đầu tiên sống trên bán đảo Triều Tiên. Ở tầng trệt của chùa là 1 sảnh lớn dành cho các hành giả đến để tham gia và thực hiện các nghi lễ tôn giáo.
Hàn Quốc hiện có 12 công trình được đưa vào danh sách di sản thế giới trên trang web của World Heritage, trong đó có nhiều di sản Phật giáo, chứng minh rằng Phật Giáo đã có mặt từ rất lâu và có ảnh hưởng mạnh mẽ tại Hàn Quốc như Chùa Seokguram Grotto và Bulguksa ở phía bắc tỉnh Gyeongsang, Di tích lịch sử Baekje ở Nam Chungcheong và Bắc Jeolla, Di tích lịch sử Gyeongju ở Bắc Gyeongsang, và pháo đài trên núi Namhansanseong ở Gyeonggi.
Theo dữ liệu năm 2010 do Trung tâm nghiên cứu Pew ở Washington, DC cung cấp: đa phần dân số Hàn Quốc hiện nay chiếm đến 46,4% không theo tôn giáo nào, người theo Kitô giáo chiếm tỷ lệ lớn nhất với 29,4%, trong khi người theo Phật giáo chiếm 22,9%.
Việt Dịch: Diệu Liên Hoa
Craig Lewis