Nước Ngoài

“Các Nhà Sư Sinh Thái” bảo vệ môi trường tại Thái Lan

Cập nhật: 28/11/2018
Khi nền kinh tế Thái Lan phát triển và tăng trưởng, việc duy trì cân bằng sinh thái trở thành một thách thức lớn. Việc phá rừng trên diện rộng và các đập thủy điện được xây dựng tràn lan dẫn đến hậu quả là cả quốc gia thường xuyên bị ảnh hưởng bởi lũ lụt và hạn hán. Một số nhà sư đang tích cực hành động để bảo vệ môi trường bằng cách kết hợp các quan điểm Phật giáo với ý thức bảo vệ môi trường, tư vấn cho các quan chức chính phủ về vấn đề môi trường, đồng thời triển khai các dự án phát triển xanh và bền vững, chẳng hạn như lắp đặt các tấm pin mặt trời tại các ngôi chùa Phật giáo và giúp dân làng xây dựng những ngôi nhà nông thôn bằng bùn và các vật liệu tự nhiên khác vì chúng thân thiện với môi trường.
 

“Các Nhà Sư Sinh Thái” bảo vệ môi trường tại Thái Lan

 

“Có những nơi ở miền bắc Thái Lan, đặc biệt là ở tỉnh Nan, đã xảy ra rất nhiều nạn phá rừng khiến các lưu vực sông tràn ngập nước lẫn bùn và thuốc trừ sâu; gây ra lũ lớn hơn trong mùa mưa và hạn hán hơn vào mùa khô, ”Gordon Congdon, giám đốc chương trình bảo tồn cho WWF (Quỹ Quốc Tế Bảo Vệ Động Vật Hoang Dã)-Thái Lan cho biết.

Các hoạt động môi trường và bảo tồn của các nhà sư ở miền bắc Thái Lan còn bao gồm cả nghi lễ đắp y cho cây xanh. Việc đắp y cho cây xanh này, được áp dụng trong các quốc gia theo Phật giáo Nguyên Thủy, nhằm mục tiêu ngăn chặn việc phá rừng và thiết lập các khu bảo tồn động vật hoang dã. Cây xanh được thực hành các nghi lễ thọ giới và quấn lớp vải màu vàng cà sa (đắp y) ở phần gốc cây. Sau nghi lễ này, chúng trở nên thiêng liêng và nhờ vậy không bị chặt phá.

Tiến sĩ Susan Darlington, giáo sư nhân loại học và nghiên cứu châu Á tại trường Hampshire College ở Massachusetts và là tác giả của bộ phim “The Ordination of a Tree” (Lễ Thọ Giới của Cây Xanh - Phong trào Bảo Vệ  môi trường Phật giáo tại Thái Lan), cho biết. “Người ta thấy đây là một thiện nghiệp giúp con người tái sinh ở cõi thiện lành, và làm cho cuộc sống hiện tại tốt đẹp hơn”.

Tiến sĩ Chaya Vaddhanaphuti, một giáo sư địa lý tại Đại học Chiang Mai, người có công trình nghiên cứu tiến sĩ về đề tài biến đổi khí hậu, cho biết một trong những vấn đề tệ hại nhất ở Thái Lan hiện nay về môi trường là việc thiếu kiến ​​thức và hiểu biết. “Khi tôi sống với các nông dân trong quá trình nghiên cứu tiến sĩ, họ không bao giờ sử dụng thuật ngữ biến đổi khí hậu”, cô nhớ lại. "Tuy nhiên, họ biết rằng khí hậu đã thay đổi và ảnh hưởng đến trang trại của họ."

Để giáo dục cho nông dân hiểu về sự cần thiết phải bảo vệ môi trường, Phrakhu Sangkom Thanapanyo Khunsuri, một nhà sư sinh thái nổi tiếng tại Chiang Mai đã thành lập một trường dạy kết hợp các quan điểm Phật Giáo và nông nghiệp tại ngôi chùa của ông ở tỉnh Chonburi phía đông, gọi là Trung tâm Thiền Maab-Euang nhằm hướng đến một nền kinh tế xanh và lành mạnh. Với 49 sinh viên theo học toàn thời gian trong năm nay, Phra Sangkom đang giảng dạy các khái niệm Phật giáo về thiền định, chiêm niệm và một lý thuyết gọi là "nền kinh tế xanh lành mạnh” được nhà vua Thái Bhumibol Adulyadej khởi xướng và phát triển, thúc đẩy việc canh tác vừa đủ, khuyến khích việc tự cung tự cấp, và nên tách rời chủ nghĩa vật chất ra khỏi chủ nghĩa tiêu thụ.

"Nếu người dân hiểu rằng rừng cung cấp cho họ oxy, nước, thực phẩm sạch, thuốc men và quần áo, liệu họ có bảo vệ rừng không?" Phra Sangkom đặt vấn đề. "Tất nhiên là có!"

Tại thủ đô Bangkok của Thái Lan, một nhà sư sinh thái khác, Phrakhu Win Mektripop, người có bằng thạc sĩ về kinh tế môi trường từ Đại học Chulalongkorn của Thái Lan, nhấn mạnh đến một trong những liên kết trực tiếp giữa Phật giáo và môi trường: “Đức Phật ra đời dưới gốc cây, ngồi thiền và giác ngộ dưới gốc cây và bài giảng đầu tiên của Ngài cũng dưới bóng cây. Chúng ta có thể thấy rằng phần lớn cuộc đời của Đức Phật liên quan đến rừng.”

Tuy nhiên, Congdon thuộc Quỹ Quốc Tế Bảo Vệ Động Vật Hoang Dã (WWF) nhận thấy khi Thái Lan tiếp tục phát triển từ một nước có thu nhập thấp sang thu nhập cao, môi trường thường bị tàn phá theo tỷ lệ thuận. Nhiều tập đoàn lớn như Tập đoàn Charoen Pokphand của Thái Lan, đang tận dụng lợi thế của tăng trưởng kinh tế và nhu cầu thương mại bằng cách ký hợp đồng với nông dân địa phương để họ hoạt động độc canh trên diện rộng, sản xuất hàng loạt các mặt hàng chủ lực như ngô và gạo. "Người nông dân trồng ngô, thu hoạch rồi bán sản phẩm cho các công ty lớn để kiếm tiền trả nợ", Congdon giải thích. "Quy trình này khiến người nông dân phụ thuộc vào các công ty lớn. Người ta phá rừng ngày càng nhiều để có thêm đất canh tác."

Nhiều trường đại học và các tổ chức phi chính phủ cũng đang nỗ lực giáo dục và truyền bá các giá trị môi trường có trong giáo lý Phật giáo cho nông dân và cư dân địa phương. Somboon Chungprampree, giám đốc điều hành hiệp hội  Phật tử Dấn Thân Quốc tế có trụ sở tại Bangkok, đang nỗ lực kết nối các nhà hoạt động xã hội-môi trường là Phật Tử hoặc không phải Phật Tử tại châu Á cũng như trên toàn thế giới, giải thích: “Chúng tôi đang tìm các phương thức để các Phật tử ngoài việc ngồi thiền, còn sẵn sàng bước ra thế giới để đối phó với sự đau khổ. Trên thế giới không chỉ có đau khổ cá nhân mà còn có những nỗi đau xã hội-môi trường và người Phật tử cần phải tìm ra cách để chung tay giúp đỡ. ”

Việt Dịch: Diệu Liên Hoa

Theo BD Dipen

Tin tức liên quan

Ân tình
12/04/2024
COVID-19, một lời khuyên về “Trách nhiệm Toàn cầu” được phát biểu trong Ngày Trái đất của đức Dalai Lama
03/05/2020
Thiền sư Hàn Quốc Pomnyun Sunim đưa ra hướng dẫn Phật giáo để đối phó với Đại dịch
05/04/2020
Một triệu lượt tín đồ tham dự lễ hội Phật giáo Samyak Mahadan ở Patan, Nepal
03/03/2020
Triển vọng của nền kinh tế theo tinh thần Phật giáo
29/11/2018