Cẩm Nang Tu Đạo
TU HÀNH
1. Tu hành: tìm lại “bản lai diện mục”
• Pháp môn mà ta tu học là pháp Vô Thượng, là pháp chẳng có hình tướng gì, bởi vì nó là pháp ở trong tâm.
• Xuất gia tu hành vì mục đích tìm lại bản lai diện mục, khuôn mặt thật của mình trước khi được cha mẹ sinh ra. Khi các bạn chưa sáng tỏ việc này thì trí tuệ chưa khai mở, cũng giống như mặt trăng bị mây đen che kín, không thể hiện xuất quang minh được.
• Tu đạo là vì giải thoát, không bị chìm đắm trong luân hồi. Coi bạn có thể tu đến chỗ ngũ uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức) đều “không” chăng?
Tu đạo thì cần trừ tham, sân, si, đạt đến chỗ thân, miệng, ý đều trong sạch.
• Từ thuở vô thủy tới nay, nghiệp chướng mà mình tạo ra thì đầy ngập như núi cao. Ngày nay, các bạn xuất gia tu hành thì cần phải tiêu trừ nghiệp chướng của mình đi. Nếu không khéo tu hành, mà ngược lại, tạo tội nghiệp, thì núi cao nghiệp chướng kia ngày càng đắp cao thêm, vĩnh viễn bạn không còn cách gì thoát khỏi vòng sinh tử.
2. Cục đá cột chân người tu
a. Tham, sân, si
• Hễ bạn khởi tâm vọng niệm thì tự mình đã sai lầm rồi đó, là bởi do cái “ngã”, cái “tôi” tồn tại. Đây là niệm rất vi tế; chỉ do niệm này bắt đầu khởi dậy mà tất cả ý nghĩ khác dấy lên.
• Cứ chê kẻ khác sai, kẻ khác xấu, còn mình thì luôn luôn đúng, luôn tốt; nghe người ta nói mình tốt thì vui, thì thích; bị kẻ khác chê xấu thì khó chịu, thì rầu, đó đều là nhân, ngã tướng, thấy thật có mình, có người. Khi tu hành mà còn có tướng nhân, ngã như thế thì không thể yên ổn tu hành. Khi còn ngã, tướng thì làm gì cũng thấy có cái “ta”, coi cái “ta” này trọng lắm, phân định ranh giới “ta” và “bọn họ” rõ ràng lắm. Như vậy thì chẳng có lợi gì cho việc tu, mà ngày ngày lại do đó phát sinh phiền não.
• Nếu bạn đắm trước, chấp chặt vào sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp (hình sắc, âm thanh, hương thơm, mùi vị, chạm xúc, và ý tưởng) thì trí tuệ không thể khai phát được.
• Tai của bạn lúc nào cũng thích nghe, nghe xem có ai nói xấu mình chăng; mắt lúc nào cũng thích nhìn hình sắc đẹp đẽ, đó là những việc chẳng lợi cho việc tu.
• Không trừ sạch tham, sân, si, thì không có cách gì khai trí tuệ đâu!
• Chỉ cần tham một thứ gì đó là đủ khiến ta trở lại vòng luân hồi rồi!
• Tham một thứ thì nhiều thêm một thứ, ít đi một vọng niệm thì bớt đi một chút nghiệp, lại tăng thêm một phần giải thoát.
• Không nên nổi lòng tức giận, dù nhỏ như sợi lông; nếu không, mình chẳng thể nhập đạo được.
• Nếu bạn vẫn còn lòng yêu đương, tình ái trong quan hệ phụ mẫu, bạn bè, đồng sự, bà con... thì trăm ngàn vạn kiếp bạn vẫn mãi ở trong luân hồi. Nếu có hạt giống Phật thì sự tu hành tương đối mau hơn.
• Không nên để những thứ xấu xa, rác rến chất đầy đầu não, thật là thống khổ đấy! Không nên yêu thích cái đẹp; hãy mặc cái y này (chỉ áo ca-sa của chư tăng, ni) mà trực tiếp tới cõi Tây Phương. Nếu bạn thích (mặc áo) đẹp thì sau này khi ở Tây Phương sẽ tự nhiên có y phục đẹp mặc vào, không cần phải may, phải mua. Có kẻ chưa tới Tây Phương song hiện đã có hình dáng như ở đó rồi.
b. Ngã mạn
• Không nên học tánh cứng đầu, cố chấp.
• Không nên có ngã chấp (luôn nghĩ tới cái “ta”, luôn cho rằng “ta” đúng). Có ngã chấp thì trí tuệ không khai mở. Đừng nên sinh lòng cống cao ngã mạn bởi vì nó chướng ngại đường đạo.
• Không dẹp sạch ý niệm về “ta” và “người” (nhân, ngã tướng), thì không cách gì giải thoát. Sư phụ vốn dạy mình pháp môn giải thoát, Ngài nói pháp không phải để thu nhập nhân tài.
• Nếu kẻ có tài năng song không khéo tu hành, do đó cứ nghĩ lăng xăng, tính toán việc này việc nọ. Tu hành là tu ở sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp; là mặc áo thô, ăn cơm đạm, coi thử bạn có khả năng tu luyện để đầu óc được thanh tịnh hay chăng.
c. Thiện ít, ác nhiều
• Trong tâm, thế lực xấu ác thì mạnh còn khuynh hướng tốt thì yếu. Thế tốt thì nói “tôi là tốt lắm đây”, thế xấu thì nói “tôi là tốt nhất đây!”. Tư tưởng xấu ác luôn đứng đầu, lấn át tư tưởng thiện, nên thiện chung cuộc bị ác đè bẹp. Đó là điều không tốt.
• Từ thuở vô thủy đến nay, do ý niệm thiện trong lòng ta ít ỏi còn ý niệm xấu ác lại nhiều, nên tự tánh trong sạch (Phật tánh) bị che phủ, không xuất hiện được. Bởi vì niệm ác tích lũy ấy mà ta cứ khởi vọng niệm, thích ngủ, thích hưởng thụ... mà không cách gì đề kháng được. Đó chính là nghiệp chướng. Do đó, mình phải tu để chế phục nó. Nếu không, dù bạn đi đây đi đó nghe giảng, bạn chỉ là nghe vô một đống mà phiền não thì vẫn đầy dẫy, chẳng chỗ nào thông đạt!
• Khi nghiệp chướng tới thì phiền não khởi, khi không chánh niệm thì tà niệm khởi. Lúc ấy, bạn thấy người nào cũng không hợp nhãn, thấy việc gì cũng chẳng vừa lòng. Có kẻ vì vậy mà muốn rời bỏ chùa, hoặc có kẻ cảm thấy không có ý vị gì nên muốn hoàn tục. Thật ra, không cần biết bạn có lý hay vô lý, hễ bạn khởi phiền não là bạn đã sai lầm rồi đó!
• Không sợ hãi thì tâm mới an định. Khi tâm sợ hãi thì không thể an định. Sợ hãi là tâm lý chỉ do mình cảm nhận thôi, kẻ khác không cảm thấy như mình, do đó, chỉ có mình là bất lợi. Khi mình không tự chủ thì mới sợ. Sợ quá, sợ hoài thì sinh phiền não. Khi ấy, tâm không an định thì chẳng còn đạo tâm tu hành nữa.
3. Nẻo chánh để tu hành
a. Trừ tướng
Hỏi:
- Thưa thầy, khi thực hành mới thấy không đơn giản!
Đáp:
- Đừng nói là không đơn giản. Bạn cứ làm thì sẽ hết sức đơn giản!
Hỏi:
- Song, con là kẻ phàm phu cho nên...
Đáp:
- Nói mình là phàm phu tức là chấp trước!
Hỏi:
- Song, con không có tu hành gì...
Đáp:
- Đừng nên nói không có tu hành (rồi không tu). Bạn cần phải có lòng tin, rằng: “Tôi cũng có khả năng thành Phật, cũng có khả năng tu tới nơi tới chốn”. Nghĩ như vậy thì bạn mới tinh tấn hơn. Đừng nên cứ thường nói: “Tôi, tôi...”, bởi chính nó (quan niệm về “tôi”) tác quái, làm chướng ngại bạn đấy!
• Xưa kia có một vị quan từ chức, xuất gia tu hành. Ông ta sợ kẻ khác biết được thân phận của mình, do đó không hề tiết lộ thân thế cao quý (kẻ có chức vị cao, ăn mặc đầy đủ, thì rất dễ bị đọa lạc vì phú quý không thể vĩnh cửu). Ông ta làm đủ việc thấp kém như lau chùi, quét dọn... không ai biết thân thế của ông. Một ngày nọ, ông ta quét dọn rồi khai ngộ! Ông ta biết ra là xưa kia mình đã từng làm bể bao nhiêu cái chén cái bát của chùa, do đó cấp tốc bồi thường cho chùa. Chính vì ông ta không có ý niệm về cái “tôi” (ngã tướng) nên mới được khai ngộ. Bởi vậy, hãy trừ sạch ngã tướng.
• Cần phải không có tâm phân biệt thì mới trừ nổi ngã tướng. Khi còn chấp chặt vào ý niệm về “tôi” thì tu chẳng đến đâu. Trừ được ngã tướng thì trí tuệ mới khai phát.
• Tu hành, không thể chấp trước. Chấp trước tức sinh phiền não.
• Tu đạo là cần trừ tham, sân, si; đạt đến thân, miệng, ý thanh tịnh.
• Muốn trừ cái chấp về “tôi” thì phải từ nơi mặc áo thô, ăn cơm đạm mà dụng công giảm bớt ham muốn, không có tâm phân biệt, không suy nghĩ về mình, về người, về chúng sinh hay về thọ mạng.
• Mọi thứ đều là anh, tôi tranh chấp mà ra. Coi xem bạn có thể tu đến chỗ chẳng còn anh, tôi, mình, người chăng?
• Bạn cần tu nhẫn. Nhẫn nhục, nhẫn nại là căn bản, gốc rễ của việc tu. Nếu bạn không thể tu nhẫn thì chỉ uổng công mang ngoại biểu, hình tướng kẻ xuất gia!
• Đừng nên cho mình lúc nào cũng đúng. Thái độ như vậy không thể tu tâm.
• Tu hành không cần có ý niệm về “tôi”. Không nên kể lể mình hồi xưa lúc chưa xuất gia thì có chức phận thế này, địa vị thế nọ, nếu làm vậy thì không thể buông bỏ mọi thứ, không thể tu đạo. Khi đã xuất gia thì chẳng còn chức phận, địa vị, học lực, bằng cấp, tài năng... mọi người đều như nhau cả.
• Tốt thì mỉm cười, xấu cũng mỉm cười, bởi tốt hay xấu đều do tâm phân biệt đặt bày ra. Do đó, đừng phân biệt.
• Khi gặp việc khiến bạn cao hứng, vui vẻ, hãy tự hỏi: “Ai đang vui vẻ?”. Khi gặp chuyện phiền não, hãy tự hỏi: “Ai đang buồn lo?”.
• Khi bạn có ý nghĩ không tốt, hoặc khi có phiền não, thì hãy hướng về đức Phật A-di-đà mà nói. Hễ những ý niệm xấu ấy đến thì đập nát chúng ngay. Do đó, bạn cần niệm đức A-di-đà, tự nói rằng: “Phiền não! Hãy mau đi khuất, chẳng có việc gì cho bây cả!” Đó là dùng tâm trị tâm vậy.
b. Xả bỏ tâm phân biệt
• Con đường tu cần phải trải qua gian khổ, như vậy mới có thể khai ngộ. Không nên hy vọng mọi người đối với mình tốt; nếu người tu chẳng vậy thì không khác gì kẻ thế tục.
• Tu hành thì phải chịu thiệt thòi, thua lỗ; có vậy tu mới tiến bộ.
• Tu hành là làm những việc mà không ai chịu làm, luôn dũng mãnh, tinh tấn, chứ không phải tính toán, so đo rằng: “Việc này đâu phải để tôi làm!”, bởi đó là thái độ chẳng khác người đời.
• Làm những việc mà kẻ khác không làm, đó là cách tu phước huệ. Tu hành không phải là làm việc tính toán so đo, không cần phải toan tính, sắp đặt.
• Điều tốt thì góp nhặt để học, điều xấu thì vứt qua một bên. Tự mình trong lòng thông hiểu là đủ rồi. Thuận theo đây mà tu hạnh Nhẫn nhục Ba-la-mật. Tu thì đừng hỏi “đúng” với “sai”, đừng kể “hữu lý” hay “vô lý”.
• Tu thì đừng nói thị phi, ai đúng, ai sai. Dù mình đúng lý mà người khác nói mình sai, mình cũng cứ tiếp nhận ý kiến ấy. Hễ bạn tự nhận mình sai, dù mình đúng, thì phiền não sẽ không khởi; bằng ngược lại, tâm bạn sẽ không an, phiền não sẽ kéo tới.
• Trên đường tu, có rất nhiều thứ không giống với đường đời, thế tục. Do đó, đừng nên tranh chấp “đúng” với “không đúng”.
• Xưa, có hai người đồ đệ cùng tọa thiền, một người ngồi rất nghiêm trang, còn người kia thì nghiêng qua ngả lại; nhưng Sư phụ của họ lại lấy roi quất người ngồi nghiêm trang. Nếu là người thời nay thì có lẽ y đã nổi giận, sinh phiền não rồi. Song, người đệ tử ấy thì lại vô cùng xấu hổ, thỉnh vấn Sư phụ khai thị dạy bảo.
• Tu hành không phải là tranh chấp “đúng” với “sai”. Tu hành cần phải có công phu nhẫn nhục. Dù mình đúng mà bị trách là sai, mình cũng phải nhận chịu.
• Nếu bạn thật có lòng muốn tu, thì đó chính là phước của bạn. Do vậy, cần tu cả phước lẫn huệ. Mỗi người cần trừ sạch hết những nghiệp chướng đã tạo xưa kia, rồi đừng tạo thêm nghiệp mới nữa, như vậy thì phước, huệ sẽ tăng gia (phương pháp: niệm Phật, lạy Phật, phát tâm làm việc lao tác ở chùa, không tính toán. Hễ tính toán thì sinh phiền não, tức là tạo thêm nghiệp mới).
c. Tâm kiên cố
• Khờ khạo mà tu hành, ngốc nghếch mà ăn uống, niệm Phật cho nhiều.
• Hôm nay là hôm nay, ngày mai là ngày mai. Chuyện gì cũng đừng rớ tay xỏ mũi vào. Đó chính là tâm kiên cố, chính là tu hành.
• Khi tu thì cứ tu, cần gì phải suy nghĩ, tính toán nào là đi học Phật học, lấy bằng cấp, làm này làm nọ? Đó đều không phải chuyện tu hành.
• Sau này, khi tôi (Hòa thượng Quảng Khâm) không còn, các bạn đừng buồn, chỉ nghe theo lời tôi mà niệm Phật, tu khổ hạnh. Đối với hoàn cảnh tốt hay xấu đều không nên chấp trước, cần phải tùy duyên.
• Tu hành cần phải gạt bỏ cái thân. Áo quần, ăn uống, chỗ ở đều phải giản dị. Cần phải mặc áo thô, ăn cơm lạt. Nếu quá chú trọng đến ăn, mặc, ở thì bạn nào khác gì kẻ thế tục? Khi bạn coi nhẹ việc ăn, mặc, ở thì mới trừ nổi tham, sân, si.
• Khi những thứ ấy (áo quần, ăn uống, nhà cửa...) quá sung túc thì dục vọng sẽ phừng phừng, lòng tham sẽ cao ngất. Do đó, muốn buông bỏ thân tâm thì phải từ nơi ăn, mặc, ở mà hạ thủ công phu.
• Khi có chuyện tốt xấu gì bạn cũng đừng để hiện ra ngoài mặt. Như bạn sinh bệnh thì chớ để kẻ khác biết bạn bị bệnh. Như tôi tuy có bệnh, song ai nhìn tôi cũng nói: “Trông thầy thân thể khỏe lắm”, không ai biết tôi lúc ấy có bệnh cả.
d. Canh gác sáu căn
Mắt
• Khi thấy khuyết điểm, lỗi lầm của kẻ khác, đừng nên khởi tâm phân biệt, so sánh. Hãy quán sát chính mình. Ai ai cũng có Phật tánh cả.
• Không nên tối ngày cứ dòm ngó lỗi xấu của người. Phải thường xuyên tự nhìn xem mình có lỗi lầm, sai trái gì hay không. Tu như vậy mới không đi ngược lại với đạo.
• Phàm thấy việc gì cũng đừng quá chấp tướng. Thấy tướng mạo tốt thì chớ sinh lòng vui thích, thấy tướng mạo xấu cũng chớ khởi phiền não.
Tai
• Tu hành cần phải tự tại. Đừng để tâm vào lời dư luận phê bình bạn này nọ.
• Nói bạn tốt, phê bình bạn xấu: đây chẳng phải là người ta sai, mà thật ra là bạn không an định. Người khác phê bình bạn, chính đây là nơi bạn phải tu.
• Tu hành cần có cảnh giới tới thử thách thì mình mới tu được. Tự tu, tự ngộ phiền não là Bồ-đề. Tu hành chính là tu ở chỗ đó. Khi có kẻ công kích mà tâm bạn vẫn an nhiên, bình lặng, không nổi sóng gió, thì đó là tu.
• Không phải nói rằng: “Mỗi ngày tôi lạy Phật bao nhiêu lạy, niệm Phật bao nhiêu chuỗi” và cho như thế là đủ; phải biết đó là những nhân duyên thiết yếu (song phải biết tu trong những lúc còn lại).
• Khi bạn quét chùa sạch sẽ rồi, có thầy lại hằn học nói bạn quét chưa sạch. Nếu lúc bạn cùng thầy ấy biện bác, giải thích thì bạn còn tánh tình kẻ tục. Nếu bạn chấp nhận lời mắng nhiếc, rồi trả lời: “Vâng, tôi sẽ quét sạch ngay” thì đó là tu hành.
• Khi tu tới chỗ có chánh niệm, lòng sáng tỏ thì tai bạn thích nghe lời tốt hay lời xấu, bạn đều cảm nhận rất rõ. Khi tai bạn chỉ thích nghe lời hay lời tốt, thì hãy đem lời xấu lại mà tu.
Miệng
• Khi nói, lời lẽ cần phải tinh (chỉ nói điểm chính) và giản (đơn giản). Khi lời không cần phải thốt ra, đừng nói!
• Tu hành đừng nên thị phi (chê bai, nói xấu người khác), đừng đặt điều. Trong đạo Phật, sợ nhất là nói thị phi. Kẻ nói chuyện thị phi là kẻ thị phi (không đáng tin cậy), chỉ tạo khẩu nghiệp. Tu hành chính là ở chỗ này mà tu thành; nếu không thì là kẻ chỉ biết ăn ngày ba bữa!
• Đừng nói thị phi, vì nói thị phi thì sẽ dẫn tới thất bại, và khiến kẻ khác không được yên ổn.
• Muốn nói gì về người khác, trước hết hãy tự hỏi lương tâm mình.
• Đừng phê phán người khác là sai, là có lỗi. Lời nói một khi thốt ra, bạn đã sai trái rồi. Do đó, cái miệng thật quan trọng lắm!
• Mỗi ngày, phải tự huấn luyện để lòng đừng tham, đừng nói lăng nhăng.
• Khi mở miệng, hãy nói về Phật pháp, cầu sinh Tây Phương. Chủng tử “thói quen thế tục” bạn đã trồng trong tâm quá đủ rồi, do đó, đừng nên tiếp tục nói những lời thế tục, thị phi nữa!
• Có kẻ khi nói thường làm cho người nghe phiền não, tâm không thể an định, khiến người nghe không
biết phải xử lý làm sao cho đúng. Đã vậy, y còn làm người ta phải nghe y mà chẳng biết y có nghe cho họ chăng? Kết quả là người nghe phiền não, buồn bực, không cách gì giải khai nổi.
• Trong chùa, không được hai, ba người tụm lại nói chuyện lăng nhăng hoặc kết bè đảng, phê bình người này kẻ nọ, thị phi đúng sai, trong lúc họ không hiện diện. Nếu làm vậy sẽ dễ gây ra sự bất an trong chúng, phạm vào giới quấy nhiễu đại chúng.
• Tu hành cần phải trong ngoài nhất trí, không tự mâu thuẫn, nghĩa là không được “khẩu thị tâm phi” (miệng nói một đằng, tâm nghĩ một ngã).
• Tu hành phải chú ý đến khẩu nghiệp. Miệng tốt thì tâm mới tốt. Đừng cho rằng: “Tôi miệng tuy không tốt, song lòng tốt!”.
• Sau khi xuất gia rồi, trong chùa vẫn có kẻ nói chuyện thị phi. Song, bạn đừng cùng bọn họ nói thị phi là đủ. Đừng nên cứ mở miệng là thị phi hoài. Kẻ nào nói phiếm, lẻo mép về chuyện người khác, thì y là kẻ thị phi.
• Hễ có thời giờ rảnh rỗi, bạn hãy lạy Phật, niệm Phật.
• Khi bạn khởi phiền não, buồn lo, chớ nên kiếm kẻ khác nói này nói nọ. Nói lui nói tới, thế nào bạn
cũng mắc vào thói thị phi lăng nhăng. Tốt nhất là hãy lạy Phật cho nhiều để giải trừ phiền não.
• Hỏi:
- Nghe thầy giảng (về tiết thực) nên con không dám ăn nhiều quá, ăn no quá; song sức lực yếu ớt, con phải làm sao đây?
Đáp:
- Cần ăn cho đủ. Chủ yếu là không tham, không chấp trước. Không phải là hễ thức nào ngon thì ăn nhiều một chút, thức nào dở thì ăn ít một tý. Đừng tham cầu hương, vị, xúc, pháp.
• Khi bạn khởi ý nghĩ xấu, đừng chấp trước nó, hãy tự nhủ thầm: “Mình không nên nghĩ ác!”. Không thể dùng hình phạt, bởi vì hình phạt chỉ làm tổn hại chính mình mà thôi.
• Sự vật có tướng trạng thì dễ thấy, việc vô hình vô tướng thì khó thấy (khi nói thị phi...). Ta cần có lòng cứng rắn, đừng để bị chúng lôi kéo.
• Hỏi:
- Có nghiệp mang theo thì làm sao khai trí tuệ?
Đáp:
- Niệm “Nam mô A-di-đà Phật” cho nhiều.
• Nếu các bạn noi gương đức hạnh của Sư phụ (Hòa thượng Quảng Khâm) thì đi đâu cũng yên ổn cả.
• Thân thể giả dối của chúng ta khó tránh bệnh tật. Song, thân bệnh là bệnh nhỏ; có vọng tưởng, tham, sân, si mới là bệnh lớn. Còn vọng tưởng là còn tiếp nối chuỗi luân hồi, không dứt được vòng sinh tử.
• Để bảo đảm có được chánh niệm ở giây phút lâm chung, bình thường mình cần phải uống thuốc “A-di-đà Phật”. Nếu không, chết rồi chẳng biết về đâu!
• Lúc đi, đứng, nằm, ngồi, phải luôn thể hội Phật pháp, giác ngộ đạo lý, vậy mới không uổng phí thời gian. Thời gian qua rất chóng, phải tận dụng nó để thể nghiệm. Nếu tu như vậy, ý nghĩ xấu mới không có cơ hội nảy sinh; không làm vậy, sẽ không có được chánh niệm.
• Khi miệng không nói thì tâm suy nghĩ, song đừng suy nghĩ những thứ có sắc tướng, hình bóng; phải suy nghĩ thứ ra ngoài sắc tướng.
e. Tâm trường viễn (bền bỉ lâu dài)
• Bạn cho tu hành dễ lắm sao?
• Muốn thành một người tu hành không phải là việc đơn giản.
• Bây giờ, việc chúng ta làm chỉ là thứ khổ công, khổ tu mà thôi. Bởi vì hiện tại chúng ta chưa đoạn được tham, sân, si. Do đó, đây là giai đoạn tu luyện tâm trí. Chờ khi những thứ ấy bị đoạn không còn một mảy may, thì mới gọi là nhập đạo.
Tu hành không phải là việc “dễ ăn” như đậu hủ, bỏ vô miệng là có thể ăn ngay!
• Các bạn cần để 10 năm, 20 năm, chỉ một câu “A-di-đà Phật” không buông lơi, cộng thêm công phu tín, nguyện, hạnh mới được.
• Nếu các cô có đạo tâm, từ từ tu tới 40, 50 tuổi, không có quái ngại, trở thành “lão sư bà”, thì lúc đó các cô mới có được một chút xíu tự tại, song không phải là tự tại gì lắm. Nếu các cô không ngộ đạo thì dù đến 40, 50 tuổi, phiền não sẽ vẫn tràn ngập, dễ thành điên đảo.
• Tu hành cần giữ trung đạo (trạng thái cân bằng). Đừng quá gấp, đừng chậm, phải như “tế thủy trường lưu”, nước chảy từ từ mà không ngừng.
• Tu hành, phải giữ trung đạo bằng công phu buông bỏ và nhìn thủng. Cần mặc áo thô, ăn cơm đạm, và không chấp trước vào sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Song, phải hành trì một cách tự nhiên, không phải miễn cưỡng, bày đặt không ăn cơm, không mặc áo dù trời lạnh, hay không ngủ nghỉ để chứng tỏ mình là một tay tu hành cừ khôi! Khi tu tới một trình độ nào đó tự nhiên bạn sẽ không còn biết đói, không còn cần ngủ gì nữa.
• Hãy tinh tấn, dũng mãnh tu hành. Tu tới lúc bạn không còn nhu yếu về ăn, mặc, ở thì khi ấy, bạn có thể lên núi bế quan; như thế thì may ra bạn có thể thành tựu. Nếu tu chưa tới trình độ như vậy mà bế quan, thì sau này sẽ gặp chướng ngại.
• Trong quá trình tu hành, nảy sinh phiền não là việc không tốt. Cần phải không có phiền não, lo âu, buồn vui thì mới tốt.
• Nếu có thể mỗi ngày yên ổn, bình tĩnh để niệm Phật, lạy Phật, tu trì, không có chuyện gì xảy ra là tốt rồi; chớ nên vọng tưởng chuyện này chuyện nọ.
• Khi không tạo tội lỗi, thì đó là công đức rồi!
• Hôm nay là hôm nay. Ngày mai là ngày mai. Hôm nay không xảy ra chuyện bất thường, có thể niệm Phật qua ngày là đủ lắm rồi. Việc ngày mai, để ngày mai, chớ quái ngại, chớ âu lo.
4. Bản sắc của việc tu
• Trừ bỏ nhân, ngã tướng (ý niệm và sự chấp trước vào quan niệm có mình và người) là việc mà người tu phải làm cho thấu. Làm được, đó gọi là công phu thật. Nếu không làm được, bạn đi tới chỗ nào, chùa nào cũng vô ích. Tu tới trình độ như vậy, công phu của bạn mới thành tựu.
• Chuyện gì cũng là do “tôi, anh, mình, người” tranh chấp, phân tranh mà ra. Xem bạn có khả năng tu tới chỗ không còn “mình, người” chăng?
• Cứ nhậm vận mà làm, tùy duyên qua ngày thì chuyện gì cũng chẳng quấy nhiễu được tâm bạn. Mọi thứ ăn, uống, ngủ, nghỉ, mặc, ở, thị phi, vinh nhục... hãy lạnh lùng buông bỏ chúng đi. Khi quét sạch được những ngoại duyên ấy thì trí tuệ trong tâm sẽ tự nhiên khai phát.
• Tâm bình thường chính là đạo: mỗi ngày cứ giữ cho tâm đừng khởi phiền não, âu sầu, cũng không vui vẻ thái quá. Đối đãi với mọi người thì không tốt cũng không xấu, cứ tùy duyên mà kết mối giao hảo với họ. Song, chớ phan duyên, tức là đừng lợi dụng họ để thủ lợi.
• Lúc nào cũng phải chú ý đến sự khởi tâm động niệm, sự suy nghĩ của mình. Khi có ý tưởng xấu thì phải lập tức thức tỉnh, dẹp đi.
• Tu hành, cần tu với thái độ vô ngại, ví như con hạc làm tổ vậy. Con hạc không lo lắng gì về ăn uống cả, nó thích chỗ nào thì làm tổ chỗ đó. Khi nào muốn, nó lại tung cánh bay đi nơi khác. Đó là giống chim tự do, tự tại nhất.
• Khi tu, bạn phải có thái độ “vô quái ngại” ở mọi nơi, mọi chốn. Được vậy thì tâm mới an tĩnh, mới như như bất động.
• Tu hành, cần tu tới mức không còn quái ngại trong hoàn cảnh động hay tĩnh.
• Thế nào là “động và tĩnh không còn quái ngại?”, tức là ở trong hoàn cảnh động mà tâm bạn không động: bạn không bị hoàn cảnh động bên ngoài ảnh hưởng làm tâm bạn lay chuyển, nghĩ ngợi. Và khi ở trong hoàn cảnh tĩnh lặng, bạn không có ý nghĩ là yên lặng.
• Phải dùng tiếng niệm Phật để quét sạch hai trạng thái bụi bặm đó, khiến liên hoa khai mở, như vậy mới đắc chánh niệm. Khi niệm Phật, bạn cần phải chuyển niệm, chuyển hóa, biến ác niệm thành chánh niệm!
• Việc gì cũng phải buông bỏ. Buông bỏ chính là công phu.
• Bình thường, đối đãi với việc gì cũng buông xả hết, không có vướng mắc, quái ngại vào việc gì. Đó là để tránh trường hợp lúc lâm chung, giây phút tối hậu, vọng tưởng nổi lên lôi kéo mình vào vòng luân hồi bất tận.
• Mục đích việc tu là để lúc chết, bạn không còn vướng bận, không còn quái ngại chuyện gì cả, chỉ thảnh thơi đem theo linh quang (công đức trí tuệ sáng suốt) của chính mình mà thôi!
• Tu hành, cần phải ở chỗ nào cũng tu như nhau, đâu đâu bạn cũng có thể tự tại. Tu là tu ở chỗ này đây.
• Tu hành, cần không để cho ngoại cảnh bên ngoài ảnh hưởng, lôi kéo tâm mình.
• Bạn cần chú ý tự tâm: cần phải có niềm vui khởi dậy từ nội tâm chứ không phải là cái vui do hoàn cảnh tốt đẹp bên ngoài đưa đến. Do đó, bạn phải luôn quan sát tự tâm, xem xét sự suy nghĩ của mình và đừng chú ý tới ngoại cảnh. Phải tu tới độ “tôi chẳng có gì cả” mới được!
• Tu hành là tu ở phước lẫn huệ. Tu tới lúc bạn lớn tuổi, “lão” rồi thì phước và huệ sẽ đầy đủ; bấy giờ, mọi người sẽ cung kính bạn (đừng tham được cung kính khi còn trẻ, lúc còn thiếu phước huệ).
• Khi bạn tu chân thật, đúng đắn thì dù bạn ở đâu người ta cũng sẽ tìm đến; ai ai cũng vui vẻ muốn cùng bạn đàm đạo.
• Cần tu đến chỗ chánh niệm lúc nào cũng hiện tiền. Có chánh niệm thì mới có khả năng phân biệt thế nào là đúng, thế nào là sai. Rồi từ đó mà hành động.
• Tu hành, là tự mình tu. Tu tới lúc thể ngộ: ngộ cái khổ ở Ta-bà, cái khổ phải luân hồi. Hễ ngộ một việc thì một chút trí tuệ xuất hiện.
• Tu hành, cần tu tới lúc có trí tuệ. Chuyện gì tới tay, bạn đều biết vận dụng nó. Khi nói, cần phải biết nói sao cho viên dung. Khi mình đã đứng vững rồi thì mới có thể khiến cho người khác tin theo và vui vẻ tiếp nhận.
• Có trí tuệ mới không tạo ác nghiệp. Do đó, phải tập nuôi dưỡng tâm từ bi và thực hành hạnh Bồ-tát.
• Tu hành, cần tu cho có tướng mạo từ bi. Tu làm sao để người khác có thể thấy được vẻ hiền hòa, từ bi trong ánh mắt của mình!
• Khi một người tu hành thành tựu thì những kẻ khác sẽ được nhờ phước. Lúc đó, ai ai cũng khởi tâm dũng mãnh, tinh tấn học theo gương người ấy.
• Khi ai cũng muốn tu hành thì hãy cùng nhau khuyến khích, cùng nhau tu. Nếu không vậy thì mọi người sẽ khởi chuyện thị phi, sinh lòng đố kỵ, tranh chấp, và trở nên ngu si; bấy giờ, việc tu ở chùa sẽ không còn yên ổn nữa.
• Tu cho tốt thì tự nhiên có người ủng hộ, chứ không phải bắt ép người ta mà được.
• Đừng nên hy vọng, mong cầu thí chủ lại cúng dường này nọ. Đừng ỷ lại vào thí chủ. Bạn chỉ cần nỗ lực tu hành, khi tu thành tựu thì Thiên, Long, Bát bộ đều tới ủng hộ bạn.
• Khi ngồi thiền, thấy cảnh giới tốt hay xấu đều đừng chấp trước, cũng đừng nói về nó.
• Phật pháp thì không dính mắc, ngưng trệ nơi cảnh giới Lạc, Minh và Không. Khi thân khinh an, nhẹ nhàng, thì tâm sẽ hoan hỷ (Lạc), khi trong lòng ít vọng niệm thì tâm sẽ sáng suốt (Minh), và khi chẳng có một ý nghĩ hay vọng niệm nào sinh khởi thì đạt tới trạng thái Không. Nếu bạn vướng mắc ở cảnh giới Lạc thì đọa và Dục giới Thiên, chấp trước vào cảnh giới Minh thì kẹt trong Sắc giới Thiên, và bám chặt vào cảnh giới Không thì mắc ở Vô sắc giới Thiên.