Cẩm Nang Tu Đạo
CẢNH GIỚI CỦA CHÚNG SINH
1. Tâm chúng sinh
• Vọng tưởng không có chủ tể. Phật (mới là bậc) có chủ tể.
• Tu làm sao mà về già càng tu càng không quái ngại. Hễ muốn vãng sinh thì chỉ nhắm mắt ngủ thì đi ngay. Chúng ta đêm nào ngủ cũng tựa như cái xác chết, chẳng biết chuyện gì xảy ra xung quanh. Sáng tỉnh dậy, mở mắt ra là lập tức bắt đầu chấp trước: nhìn cái này là “của ta”, thấy cái kia là “của mình”...
• Các bạn không thể thấy được những thứ vô hình hài, vô sắc tướng, do đó không có hứng thú, không thích chúng. Vì vậy, các bạn chỉ ham thích truy cầu thứ có sắc tướng mà thôi.
• Lúc cha mẹ sinh bạn, bạn nào hay biết gì. Khi lớn lên một chút thì bạn bị “dính bụi trần”, chấp chặt quan niệm về cái ngã liền. Hễ chấp trước quan niệm về cái ngã thì sẽ có phiền não ngay.
Song:
Xưa nay không một vật,
Làm sao dính bụi trần?
• Những vị ở cõi Trời thấy chúng ta giống hệt như thấy con dòi đen, thứ dòi ở trong cầu tiêu. Đức Phật A-Di-Đà phát 48 đại nguyện là để tiếp độ mình tới thế giới Cực Lạc, song mình cứ một mực tham luyến cõi Ta-bà, cho khổ là vui, hệt như mấy con dòi đen (cho cầu tiêu ô uế là nơi đầy thú vị)!
• Mình thấy cầu tiêu hôi hám không chịu nổi nên muốn vớt mấy con dòi ra, thả chúng vào chỗ nước trong trẻo. Song, lũ dòi ấy lại tham luyến cái cầu tiêu ô uế hơn mọi thứ, thà chết chứ không chịu đi đâu cả!
• Con người ta học điều xấu thì rất dễ, còn học chuyện tốt thì khó lắm!
• Bốn loài chúng sinh hễ ăn no rồi thì ngủ, tâm lúc nào cũng tán loạn.
2. Thói quen, tập khí
• Kẻ thẳng thắn dễ khai mở trí tuệ.
• Cá tính của mỗi người rất quan trọng. Tính tình tốt, hiền hòa thì đi tới đâu cũng hòa đồng được với mọi người, tùy thuận được người khác. Song, tùy thuận cũng có hạn lượng, bởi vì đối với kẻ làm việc xấu thì
mình không thể tùy thuận theo, mà phải kiên định lập trường, nguyên tắc hành động.
• Bản thân con người thì không xấu ác gì, chỉ có thói quen, tập khí là hư xấu. Ai cũng có thói hư tật xấu, chỉ khác là kẻ ít người nhiều mà thôi. Chỉ cần bạn hướng tâm tu đạo là đủ. Hễ bạn có thể tha thứ cho ai thì hãy tha thứ ngay. Đừng bao giờ cho người ta là hư xấu.
• Anh A có thói hút thuốc, đi đâu cũng phì phà khói thuốc. Anh B thì có thói đa nghi, lúc nào cũng nghi ngờ này nọ. Có lần A hút trước mặt B, anh B tức giận, nghi rằng anh A khinh khi mình, thế là hai bên sinh ra cãi vã, xung đột. May có anh C biết thói quen của hai người nên đến giải hòa khiến đôi bên từ đó sửa đổi, bỏ thói hút thuốc, bỏ tánh đa nghi. Bởi vậy, thói xấu mà mình không tự nhận biết để sửa đổi, thì chỉ gây phiền não cho kẻ khác. Tâm đa nghi chỉ hại mình, chướng ngại việc tu. Khi thấy ai bất hòa, xung khắc, thì bạn chớ đổ dầu vào lửa khiến sự tình thêm rắc rối, mà phải luôn tìm cách giải hòa!
• Có kẻ hay phê bình, chỉ trích hoặc nói xấu người khác. Thật ra, y không tự hiểu việc làm của y là sai, mà y cũng không cố ý muốn chỉ trích, nói này nói nọ, chẳng qua là do thói quen xấu mà y đã huân tập từ vô lượng kiếp về trước thúc đẩy, khiến y bất giác làm vậy.
• Trước kia có một người, khi nói chuyện với ai anh ta cũng luôn nhìn ngang liếc dọc, làm ra vẻ thần bí, khiến người khác khi nhìn anh ta thì họ có cảm giác như anh ta đang nói xấu ai đó. Thật ra, nào phải vậy! Đó chỉ là thói quen xấu mà thôi. Do đó, làm việc gì bạn cũng phải tự tại, tự nhiên; nếu không, bạn có thể rước đủ thứ phiền hà vô ích vào thân!
3. Danh lợi và chậm chạp
• Mỗi người, ai cũng đầy một bụng phiền não.
• Xưa kia ở Đại Lục (Trung Hoa), hễ người nào càng cố công tu hành, càng có căn cơ thì càng bị thử thách nhiều lắm. Có kẻ cố ý dùng đủ thái độ vô lý lại chèn ép, khiêu khích người ấy; hoặc có kẻ thấy người ấy gần hoàn thành một công trình gì đó thì tới phá hoại cho sụp đổ tan tành. Tuy nhiên, phải xem căn cơ của người ấy thế nào rồi mới thử thách được. Nếu thử thách kẻ không có căn cơ, bản lãnh thì y sẽ sinh phiền não.
• Ở Đài Loan thì khó mà thử thách ai. Bởi vì hầu hết các ni cô đều xuất thân từ mái nhà ấm cúng của cha mẹ, quen thói nhõng nhẻo, cho nên đối với họ, chỉ phải dùng toàn phương pháp thế gian mà thôi!
• Đời xưa, có vị Sư phụ muốn thử coi công phu tu hành của đệ tử. Ngài bảo đệ tử mang ngược dép lại. Kẻ có căn cơ, trí tuệ liền quỳ xuống thì Sư phụ từ bi chỉ dạy. Kẻ ngu si thì quả thật mang dép ngược lại ngay; còn kẻ không có căn cơ thì lập tức nổi đóa, sinh phiền não, cho rằng Sư phụ sai lầm, cố ý làm cho y phiền não.
• Khi kẻ có căn cơ nghe bạn nói về y (phê bình, chỉ trích, mắng nhiếc) thì y biết rằng đó chính là lời Sư phụ y đang dạy dỗ; do đó, y biết cầu sám hối.
• Khi kẻ thiếu căn cơ nghe bạn nói về y thì y lập tức đấu khẩu, hỏi gặng vì sao bạn dám nói động đến y, và rồi y sinh lòng tức tối, phiền não. Y sẽ nghĩ tới mái nhà ấm cúng của cha mẹ y: nào là được ăn ngon, mặc đẹp, lại được đi học... những tấn tuồng cũ kỹ khiến y sẽ đọa lạc mãi trong luân hồi.
• Hễ việc gì tới mà mình tỉnh ngộ, thấu triệt thì mình là kẻ có căn cơ. Kẻ không có căn cơ thì việc gì (trái ý muốn, trái sở thích) đến với y, y đều phiền não, bực bội.
• Kẻ không có căn cơ thì phiền não cả đống. Dù bạn cố ý giải thích, y cũng không thể hiểu.
• Không trừ phiền não thì chánh niệm (sự suy tư đúng với chân lý hay Phật lý) không thể hiện tiền.