Cẩm Nang Tu Đạo
VIỆC LÀM BA-LA-MẬT
1. Thẳng thắn
• Làm việc thế nào mới tốt? Mọi người cần cùng nhau chung sức làm. Không phải bạn nói ngoài miệng, sai khiến kẻ khác làm, đó là thái độ cần tránh. Hãy từ tốn, ôn hòa giải thích cặn kẽ công việc, cách làm cho người nghe hiểu rõ ràng. Ví như giải thích việc trồng hoa mà y không hiểu, bạn hãy làm cho y thấy, nếu không vậy thì công việc sẽ không thông suốt, cả bạn và y đều sinh phiền não.
• Khi sư huynh, sư đệ làm việc chung hay khi phân phối công tác, các bạn phải dựa vào tinh thần Phật pháp mà làm. Phải lịch sự, lễ độ.
• Đừng nên lớn tiếng ra lệnh, sai cái này, chỉ cái nọ... như là cha sai con, chủ sai tớ, đó là cách thế tục, không tốt!
• Đừng sợ mích lòng kẻ khác. Bạn làm quản lý thì phải ráng làm cho tốt. Hễ điều gì cần nói thì phải nói,
chớ vì tình cảm riêng tư (việc cần nói mà không nói), để tránh mắc cái lỗi trồng nhân sai lầm.
• Làm quản lý không phải dễ. Do đó, hễ thầy quản lý giao phó bạn chuyện gì, bất kể tốt xấu, bạn hãy vui vẻ tiếp nhận, đừng nổi nóng. Như vậy, đầu óc mới sáng suốt.
• Điều tốt thì lượm về học, điều xấu thì vứt một bên. Trong lòng thấu suốt rõ ràng là đủ. Cứ theo đây để tu hành Nhẫn nhục Ba-la-mật.
• Khi tu hành, bạn đừng hỏi “đúng” hay “sai”, cũng đừng quan tâm “có lý” hay “vô lý”. Đó là điểm khác biệt giữa người xuất gia và tại gia.
• Các bạn hãy nỗ lực tu hành. Có vấn đề khó khăn thì hỏi Sư phụ, tôi sẽ giải đáp cho.
• Thầy quản lý nói bạn làm sao, bạn cứ làm vậy. Với thái độ này, đầu óc bạn sẽ không nghĩ ngợi lăng xăng, và như thế, sẽ dễ dàng tu hành.
• Nếu thầy quản lý nói bạn làm việc mà thầy lại làm sai, thì bạn chớ tranh cãi, cứ thuận theo ý thầy mà làm, tự nhiên bạn sẽ thể hội được chân lý chuyện này.
• Việc gì không rành rẽ, bạn nên hỏi Sư phụ hay sư huynh, đừng vì sợ mất mặt rồi tự mình đặt bậy, làm càn.
• Mục đích bạn làm việc là để tiêu trừ nghiệp chướng của chính mình, không phải làm cho kẻ khác. Khi nhiều người làm chung, hễ ai không biết, bạn hãy chỉ bảo cho người ấy. Nếu y làm không giỏi, bạn hãy tận tình giúp đỡ y.
• Đừng nên phân chia ranh giới giữa mình và người quá rõ rệt (đây là việc “của tôi”, kia là việc “của anh”). Hễ người nào không làm, bạn chớ nổi nóng, bực dọc, mà nên vui vẻ làm thay cho người ấy. Hãy luôn luôn có lòng từ bi (độ lượng, biết tha thứ)!
• Khi làm việc gì, bạn chớ tính toán lợi hại riêng tư.
• Hễ thấy việc gì làm chưa xong, chưa tốt, bạn hãy tới làm. Đừng nói gì tới kẻ khác (chỉ trích, cật vấn sao anh không chịu làm...), vì công đức của việc làm là thuộc về bạn. Nếu bạn cứ nói tới người khác thì chỉ tạo thêm khẩu nghiệp.
• Làm việc là cách để mình tiêu trừ nghiệp chướng của chính mình, chứ không phải làm giùm ai khác.
• Làm việc gì mình cũng sẵn lòng tình nguyện (không phải bị bắt buộc mới chịu làm) thì trí tuệ sẽ phát triển.
• Việc làm công quả ở chùa hoàn toàn vô điều kiện (không ai bắt ép, không ai yêu cầu, bạn muốn thì tình nguyện làm), do đó, khi đã làm bạn chớ oán than, trách móc.
• Việc của mình thì mình cố gắng làm, đừng sai kẻ khác, khiến họ bực dọc. Làm cho người ta bực bội, khó chịu thì mình sẽ không có công đức gì cả. Trường hợp người ta tự ý đặc biệt tới giúp mình thì khác.
• Đừng chấp trước gì cả, chuyện gì cũng tùy duyên.
• Khi có thầy hay sư huynh lại giúp bạn, nếu bạn cảm thấy e ngại, sợ rằng tổn phước hoặc nghĩ là không xứng đáng để người ta giúp đỡ, hoặc bạn sợ để người ta giúp mình thì họ sẽ hưởng hết phước đức. Những ý tưởng như thế đều là chấp trước.
• Muốn kẻ khác có phước, trước hết, mình phải có phước thì mới nhường cho họ được chứ!
• Thầy quản lý vì có lòng quan tâm lo lắng cho mình nên thầy mới quở trách mình, vạch rõ lỗi lầm của mình cho mình biết. Thầy ấy chính là bậc thiện tri thức, người chỉ đường tu.
• Đừng vì bị mắng một tiếng mà liền khó chịu, bực dọc, sinh phiền não.
• Bạn hãy luôn vui vẻ tiếp nhận lời chỉ bảo, khuyên lơn, khuyến khích (hay phê bình, chỉ trích) của người khác. Đừng bao giờ phản kháng, ương ngạnh, bất phục rồi kết đảng, phân phái, kình chống, thù hằn nhau.
• Ví dụ bạn lau chùi bàn ghế, Sư phụ nói bạn hãy lau chùi lại lần nữa, bạn có thể nghĩ rằng: “Tôi đã chùi sạch như vầy rồi, sao thầy còn bắt tôi chùi lại nữa?”. Đó là thứ suy tư của người đời, thế tục. Tu hành thì bạn cần có tâm thẳng thắn: “Dạ! Con sẽ lau lại ngay!”. Đây cũng là một thứ thử thách lòng bạn, xem bạn có tu tâm hay không. Do đó, tu hành quý ở trực tâm, tâm thẳng thắn. Đây chính là cách làm việc của người xuất gia.
• Nếu bạn biết làm việc, thì đi đâu bạn cũng tự tại.
• Hãy tận tình với trách nhiệm.
• Nếu cứ ăn no rồi làm biếng, không tròn bổn phận thì khi phước báu cạn hết, nghiệp chướng ập tới, tự nhiên bạn sẽ không thể ở chùa nổi (tức là phải hoàn tục)!
2. Nhẫn nại
• Làm việc lao tác là để rèn luyện chính mình. Do đó, chỉ cần bạn làm là biết bạn như thế nào. Khi làm
việc mà bạn chuyên tâm thì đến lúc học Phật, niệm Phật, bạn cũng chuyên tâm, bạn sẽ tự thấy thấu suốt. Ví như khi quét dọn, ở đâu chưa sạch, dù là còn chút xíu bụi, bạn cũng tự biết, chẳng cần ai nói ra. Nhờ tánh chuyên tâm chú ý, nên bất kỳ việc gì, chỉ cần nghe qua một lần là bạn tự biết cách làm và làm tốt.
• Làm việc lao tác, bạn cần biết nhẫn nại.
• Ví như khi quét dọn lau chùi, bạn làm thật sạch sẽ thì đó cũng giống như bạn đã lau chùi tâm mình sạch sẽ, thanh tịnh vậy.
• Hãy vừa làm vừa niệm Phật, không nên lơ là, phóng dật.
• Đừng để ý thức, tâm tư chạy lăng xăng thì thân, miệng, ý mới thanh tịnh.
• Khi làm gì, bạn hãy cẩn thận làm cho chu đáo, hoàn hảo việc ấy. Đừng nên tham lam, việc gì cũng làm, rồi kết quả là không việc nào xong cả!
• Việc gì cũng phải nhẫn nại. Niệm Phật cũng thế. Cứ từ từ tu thì tâm sẽ hết phiền não, sau này sẽ không khác gì đức Phật A-di-đà, vô cùng tự tại!
• Làm gì cũng chớ có lòng chấp trước, cố chấp.
• Có lúc gặp phải chuyện gì đó, mình muốn làm cho thật hoàn mỹ, thật lý tưởng, rồi quên bẵng người
khác, không để ý tới họ. Đó là mình quá chấp trước vào công việc, quá truy cầu (thành công).
• Mỗi ngày làm việc gì, hãy làm cho rõ ràng với tâm lúc nào cũng hướng về Phật, cũng nên tên đường đạo. Như vậy thì quét rác bạn cũng có thể ngộ đạo, vì tâm bạn lúc ấy chính là đang bụi bặm vô minh!
• Các bạn làm việc biên chép sổ sách giấy tờ (tại văn phòng của chùa) thì kết được thiện duyên rất lớn với chúng sinh, khác hẳn với người đời khi họ cũng làm việc ở văn phòng hay công sở. Công đức của bạn cũng bằng công đức tụng công phu buổi chiều vậy, cho nên, bạn chớ so sánh rồi sinh lòng bực bội, phiền não.
• Đừng nên chấp trước vào hình sắc, tướng trạng, cũng đừng câu nệ chuyện ăn mặc, không vừa ý cái này, chẳng ưng ý cái kia. Nếu không, rốt cuộc bạn đã chẳng làm được việc gì giúp chùa mà lại còn bị áo quần ăn mặc lôi cuốn.
• Mình cần xả thân làm bất kỳ việc gì cho chùa. Nếu quá lo lắng gìn giữ cái thân này thì khó có mà tu phước được, ngược lại còn bị cái “túi da” thối tha này lừa mình nữa.
• Cứ theo lời tôi mà tu hành: vừa làm, vừa niệm Phật.
• Trừ hết chấp ngã và chấp pháp thì trí tuệ mới
khai mở. Trí tuệ thì không có sắc tướng gì cả, không thể sờ mó, cầm nắm nó được. Song, nếu trí tuệ khai mở, tuy mình không biết, như hễ gặp việc gì, nhìn qua là mình thấu triệt, biết phải làm gì ngay. Đó là trí tuệ thật vậy!
• Việc niệm Phật phải được phối hợp với việc làm. Niệm Phật cho đến lúc tâm yên định thì lúc ấy chính là tự tánh mình niệm, tức là nhất tâm rồi đó. Khi làm việc, cũng cứ niệm Phật, mà kẻ khác thì không biết mình là đang niệm. Cứ chuyên tâm làm việc, đừng khởi vọng tưởng hay nghĩ ngợi gì khác thì đó mới là nhất tâm, cũng là tâm Phật, hợp với Phật đạo vậy.
• Chỉ khi có chánh niệm thì điều gì mình biểu hiện hay làm ra mới mang tính cách từ bi, quan điểm mình có cũng tự nhiên là chính chắn, đứng đắn. Đây cũng là tâm Phật vậy.
3. Khéo léo
• Hỏi:
- Sư phụ nói rằng chúng con không nên chấp trước. Nhưng nếu không chấp trước, thì công việc làm sao làm tốt được?
Đáp:
- Không chấp trước vào công việc không có nghĩa là chểnh mảng, lơ là, thiếu trách nhiệm, bê bối, cẩu thả; cũng không phải là làm thục mạng, cắm đầu cắm cổ làm quá trớn; mà nghĩa là làm việc gì xong rồi thì coi như không có gì xảy ra cả.
• Khi lòng bạn còn để ý, còn quái ngại, lo nghĩ về công việc, không buông xả được, thì đó là chấp trước. Khi làm việc với thái độ không chấp trước thì mới làm tốt được, vì chấp trước thì thiếu trí tuệ, mà làm việc cũng còn cần phải có định lực, cần phải có sự tập trung, chuyên chú nữa!
• Làm việc gì cũng cần dùng trí óc, suy tư cho thấu triệt, chứ không phải ai nói sao thì mình cứ y lời mà làm theo một cách cứng ngắc (câu nệ, không biết uyển chuyển vận dụng).
• Cần phải có năng lực phán đoán, biện biệt, đừng như con chó ngu dốt, thấy người ta quăng cục đá, nó không biết là quăng cái gì mà cũng chạy theo tha về!
• Làm gì cũng phải định trước kế hoạch, chớ có bê bối cẩu thả, làm qua loa lấy lệ rồi thôi!
• Phải xử lý những công việc và những đồ đạc trong chùa thật thích đáng, viên mãn. Như trồng một nhóm cây, nếu bạn không quyết định kịp thời để trồng cho đúng lúc thì cây sẽ chết khô, lúc ấy, lỗi lầm là ở bạn.
• Bớt dùng trí óc nhưng không có nghĩa là đừng suy nghĩ về công việc, mà có nghĩa là việc gì tới tay làm xong rồi thì thôi!
• Đừng nên khởi tâm phân biệt (bàn bạc, khoe khoang, than vãn...), làm sinh ra đủ chuyện thị phi (tranh chấp, cãi cọ, lý luận...). Đối với công việc thì như vậy, đối với người khác thì cũng lại như thế.