Bài viết

Thiện pháp

Cập nhật: 27/12/2019
Trong kinh Thập Thiện, đức Phật có dạy: “Tất cả chúng sanh vì tâm tưởng khác nhau nên tạo nghiệp khác nhau”. Bởi vậy, chúng ta thường nói “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”, hay như câu nói “ở đâu cũng có anh hùng, ở đâu cũng có người khùng người điên”. Thế nên, có những người sinh ra trong nhung gấm lụa là, còn có những mảnh đời bất hạnh khi sinh ra thân mang tật bệnh, nghèo cùng đói khát; hay giàu có mà đau khổ suy tư, nghèo khổ nhưng lại an vui hạnh phúc. Chúng ta hãy khoan than trời trách đất, cũng đừng nên oán hận số phận bản thân hay ai khác, mà hãy nhìn cho thấu đáo. Theo cách nhìn nhận của Phật giáo, thì đó chính là nghiệp lực chi phối chúng sinh. Vậy nghiệp là gì và nó từ đâu đến? Tại sao lại có sức mạnh dẫn dắt chúng ta đi khắp lục đạo luân hồi như vậy?
 

Thiện pháp

 

Lục đạo ở đây là sáu đường địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, A-tu-la, người, trời. Còn nghiệp là tác động của thân, khẩu, ý được lặp đi lặp lại nhiều lần tạo thành thói quen, và khi đã trở thành thói quen, nó có thể đưa con người đi đến thọ hưởng những quả báo khác nhau hoặc vui hoặc khổ. Nói đến đây, chắc hẳn chúng ta cũng đã nguôi ngoai được bớt phần nào về sự phẫn nộ bất công của bản thân, về những số phận hẩm hiu rồi chứ. Thế nên, chúng ta hãy học cách chấp nhận sống chung với bão. Nói như thế nghe có vẻ hơi buồn, nhưng nếu chúng ta có thể vượt lên trên chính mình, nỗ lực tinh tấn siêng năng tu tập, làm các việc lành như bố thí cúng dường, tích lũy phước đức thì chuyện “vịt hóa thiên nga, xấu xa trở nên tốt đẹp, nghèo cùng trở nên giàu có”, là chuyện có thể cải đổi chứ không phải không thể, như suy nghĩ của nhiều người cho là số phận đã an bài.

Trong nhà Phật thường nói, tu để chuyển nghiệp. Vì thế, khổ hay vui là do bản thân chúng ta tự quyết định mà thôi. Đức Phật dạy chúng sanh là chủ tạo nghiệp, rồi chúng sanh lại đi thừa kế nghiệp mình đã tạo. Cho nên, chúng ta hãy gieo trồng những hạt giống tốt, để sau này chính chúng ta thừa hưởng những thành quả của bản thân mình đã gieo tạo. Chứ đừng gieo hạt ớt, gieo đau khổ cho mọi người mà đòi ăn trái ngọt, quả an vui; hay gieo nhân cờ bạc, rượu chè, xì ke, ma túy mà muốn nhận quả làm người thành đạt như công nhân viên chức nhà nước, hay thầy giáo, bác sĩ là điều không thể. Vì trong nhân đã có quả, trong quả ắt có nhân, phàm làm việc gì chúng ta cũng phải suy nghĩ đến hậu quả của nó. Thế mới nói: “Bồ-tát sợ nhân, chúng sanh sợ quả”. Đừng xem nhẹ những điều ác nhỏ vì cho rằng chúng không có hại gì, cũng như giọt nước tràn ly vậy. Cũng đừng nên xem thường điều lành nhỏ bé mà nghĩ là vô nghĩa. Có câu: “Năng nhặt chặt bị”. Chúng ta tích tiểu thành đại, lâu dần công đức sẽ tràn đầy.

Trong kinh Phật có đưa ra một ví dụ để khuyên dạy chúng sanh. Như có một nắm muối đem bỏ vào trong một bát nước, thì nước trong bát đó sẽ mặn chát, không thể uống được; nhưng khi bỏ nắm muối đó vào một hồ nước lớn, thì nắm muối ấy trở thành vô vị. Do đó, chúng ta thấy cũng cùng một nắm muối như vậy, nhưng tùy theo lượng nước mà nắm muối trở nên mặn nhạt khác nhau. Vậy nên, người nào biết tu dưỡng thân tâm thì tội phước cũng giống như nắm muối bỏ xuống hồ nước vậy, từ nặng hóa nhẹ, từ mặn trở thành nhạt. Hồ nước ở đây chính là phước đức của chúng ta đã làm, còn nắm muối là những tội lỗi của chúng ta đã gieo tạo.

Tâm chúng ta không có hình sắc, không thể thấy hay nắm bắt được. Ví như một cái cây thì phải có gốc, có thân, cành và lá. Cũng như vậy, con người chúng ta lấy tâm làm gốc, mà gốc thì nằm trong lòng đất không thể thấy được, còn cái chúng ta nhìn thấy và lầm tưởng chỉ là cái thân, cành lá mà thôi. Nếu chúng ta chỉ chăm lo cắt tỉa cành lá, chăm chút cho bản thân mà không chịu chăm bón tưới tẩm cho gốc, thì sớm muộn cây này cũng chết. Đừng tham ngọn mà bỏ gốc. Cũng thế, chúng ta đừng nên rong ruổi theo những vọng tưởng ngũ dục lục trần mà quên mất chân tâm của mình. Trong kinh Pháp Cú, đức Phật có dạy:

“Các pháp do ý dẫn đầu
Ý chủ ý tạo bắc cầu đưa duyên
Nói làm với ý chẳng hiền
Bánh xe bò kéo khổ liền theo sau”
.

“Các pháp do ý dẫn đầu
Ý chủ ý tạo bắc cầu đưa duyên
Nói làm với ý tốt hiền
Như hình rọi bóng vui liền theo sau”
.

Thế nên, hằng ngày trong từng giây từng phút, chúng ta luôn phải canh giữ tâm ý của mình, đừng để cho những ý niệm xấu ác dấy khởi. Hãy điều phục, chế ngự nó bằng những việc làm thiện như tụng kinh, bái sám, hành thiện, bố thí Ba-la-mật. Hãy nhớ, hành động là nô lệ của ý thức. Hãy nỗ lực kiên trì, gột rửa thân tâm của mình, dần dà tăng trưởng phước thiện, đẩy lùi các nghiệp xấu ác. Chúng ta sẽ được an lạc, hạnh phúc ngay trong đời hiện tại. Không những thế, thân tướng chúng ta cũng ngày càng trở nên trang nghiêm, xinh đẹp. Bởi lẽ, tâm tùy tướng chuyển. Hằng ngày, chúng ta toàn nghĩ tưởng những điều tốt đẹp, lợi lạc cho mọi người, thì khuôn mặt chúng ta cũng luôn tươi vui. Mọi người khi gặp, cũng thấy rất hoan hỷ, thân tâm chúng ta sẽ được an lạc thư thái. Chúng ta hãy nỗ lực tinh tấn, hành trì theo lời Phật dạy, tu các hạnh lành, xiển dương chánh pháp, để giáo pháp Như Lai có thể tắm gội cho những chúng sanh đang chịu nhiều đau khổ bất hạnh.

Thiện Pháp

Tin tức liên quan

THEO BỤT TA ĐƯỢC GÌ?
18/10/2024
NGUYỆN THOÁT KHỎI TAI ƯƠNG
16/09/2024
NGƯỜI TU THẬT – TUYỆT ĐẸP
10/09/2024
CHÙA TO – PHẬT LỚN
03/09/2024
Trên ngực con đượm buồn màu bông trắng…
13/08/2024