Bài viết

Quán Chiếu Về Tâm Xả - Sự Bình Thản Tâm Trí (Upekkha)

Cập nhật: 30/07/2024
Sự Bình Tâm (Sự Bình Thản Tâm Trí – Tâm Xả) là sự cân bằng hoàn hảo, không thể lay chuyển của tâm trí, bắt nguồn từ tuệ giác. Nhìn vào thế giới xung quanh ta và nhìn vào trái tim của chính mình, mới thấy rõ việc đạt được và duy trì sự cân bằng tâm trí là khó khăn biết nhường nào.
 

Quán Chiếu Về Tâm Xả - Sự Bình Thản Tâm Trí (Upekkha)

 

Ngó xem cuộc sống này, chúng ta nhận thấy nó liên tục chuyển động giữa những mặt tương phản: thăng – trầm, thành công – thất bại, được – mất, danh dự – hủy nhục. Chúng ta biết được trái tim mình phản ứng thế nào với tất cả những điều này, với hạnh phúc và nỗi buồn, niềm vui và sự tuyệt vọng, thất vọng và hài lòng, hy vọng và sợ hãi. Những làn sóng cảm xúc ấy nâng chúng ta lên và ném chúng ta xuống; và ngay khi chúng ta đã tìm thấy sự nghỉ ngơi, chúng ta lại ở trong guồng quay của một làn sóng mới. Làm sao chúng ta có thể mong đợi có được chỗ đứng trên đỉnh sóng? Làm thế nào chúng ta có thể xây dựng cuộc sống của mình giữa hữu ngã đại dương luôn không ngừng chảy, nếu không phải là trên sự tĩnh tại của hải đảo tự thân?

Thế giới mà chúng ta đang sống là:

  • Một thế giới mà sau nhiều thất bại, thất nhân và thất vọng thì điều bất di bất dịch chính là phần hạnh phúc dành cho chúng sinh lại vô cùng nhỏ bé.
  • Một thế giới mà chỉ có lòng can đảm mới đủ để ta bắt đầu lại giữa vật đổi sao dời, giữa bao lần bãi bể nương dâu, ẩn chứa đằng sau nhiều hứa hẹn thành công.
  • Một thế giới, nơi niềm vui ít ỏi phát triển giữa bệnh tật, sự chia ly và cái chết.
  • Một thế giới mà những người, những loài đã từng đến với chúng ta bằng niềm vui, đôi khi giờ đây tái ngộ, lại cần lắm đến lòng từ bi của chúng ta.

Vâng! Một thế giới như vậy thì cần rất nhiều sự bình an và tĩnh tại!

Nhưng Sự Bình Tâm cần thiết phải dựa trên sự tỉnh giác và chánh niệm, chứ không phải trên sự lãnh đạm và thờ ơ. Nó phải là kết quả của sự tinh tấn tu tập và như lý tác ý, chứ không phải là kết quả ngẫu nhiên của một tâm trạng thoáng qua. Nhưng Sự Bình Tâm sẽ không xứng đáng với tên gọi như vậy nếu nó được tạo ra bằng nỗ lực hết lần này đến lần khác; trong trường hợp đó, chắc chắn nó sẽ bị suy yếu và cuối cùng bị đánh bại bởi những thăng trầm của cuộc sống. Tuy nhiên, Sự Bình Tâm thực sự phải có khả năng đáp ứng được tất cả những thử thách khắc nghiệt và phục hồi sức mạnh từ những nguồn lực bên trong (tín lực, tấn lực, niệm lực, định lực, tuệ lực). Sự Bình Tâm sẽ có sức mạnh kháng cự và tự đổi mới chỉ khi nó bắt nguồn từ tuệ giác.

Bây giờ, bản chất của tuệ giác đó là gì? Đó là sự “hiểu biết rõ ràng” (tuệ tri) về nguồn gốc của tất cả những thăng trầm cuộc sống và về bản chất thực sự của chính chúng ta. Chúng ta phải hiểu rằng những trải nghiệm khác nhau mà chúng ta trải qua là kết quả từ nghiệp của chúng ta – những hành động trong tư tưởng, lời nói và hành động – được thực hiện trong đời này và những đời trước. Nghiệp là “thai tạng”, mà từ đó chúng ta sinh ra (Kammayoni) và dù muốn dù không, chúng ta vẫn là “chủ nhân” bất khả nhượng của các hành động của mình (Kammassako’mhi). Nhưng ngay khi chúng ta thực hiện bất kỳ hành động nào, sự kiểm soát của chúng ta đối với nó sẽ mất đi: nó ở lại với chúng ta và chắc chắn sẽ quay trở lại với chúng ta như sự “thừa tự” xứng đáng (Kammadāyādo). Không có gì xảy ra với chúng ta đến từ một thế giới thù địch “bên ngoài” xa lạ, mọi thứ đều là kết quả của tâm thức và hành động của chính chúng ta. Bởi vì hiểu biết này giải phóng chúng ta khỏi sợ hãi, nên nó là nền tảng đầu tiên của Sự Bình Tâm. Khi mọi việc xảy đến với chúng ta chỉ là chúng ta đang đối diện với nghiệp nhân – nghiệp quả của chính mình, tại sao chúng ta lại phải sợ hãi?

Tuy nhiên, nếu nỗi sợ hãi hay sự bất an nảy sinh, chúng ta biết nơi nương tựa nơi nó có thể được xoa dịu: những việc làm thiện của chúng ta (Kammappaṭisaraṇo). Bằng cách quy y này, niềm tin và lòng can đảm sẽ phát triển trong chúng ta – niềm tin vào sức mạnh bảo vệ của những thiện nghiệp chúng ta đã làm trong quá khứ; can đảm thực hiện nhiều việc thiện hơn ngay bây giờ, bất chấp những khó khăn nản lòng của cuộc sống hiện tại. Vì chúng ta biết rằng, những hành động cao thượng và vị tha mang lại sự bảo vệ tốt nhất trước những trận quật ngã của số phận, rằng không bao giờ là quá muộn mà luôn là thời điểm thích hợp để thực hiện những hành động tốt. Nếu nơi nương tựa lý tưởng này, vào việc làm thiện và tránh ác, tác thành sự vững chắc trong chúng ta, thì một ngày nào đó chúng ta sẽ cảm thấy yên tâm: “Càng ngày càng chấm dứt những đau khổ và ác nghiệp đã bám rễ trong quá khứ. Và đời sống hiện tại này – tôi cố gắng làm cho nó không còn tì vết và trong sáng. Tương lai còn có thể mang lại điều gì khác hơn là sự tăng trưởng những điều tốt đẹp.” Và từ sự chắc chắn đó, tâm trí chúng ta sẽ trở nên thanh thản; chúng ta sẽ có được sức mạnh của sự kiên nhẫn và bình tĩnh để chịu đựng mọi nghịch cảnh hiện tại. Khi đó những hành động của chúng ta sẽ là “quyến thuộc” của chúng ta (Kammabandhu).

Tương tự như vậy, tất cả các sự kiện khác nhau trong cuộc sống là kết quả từ hành động của chúng ta, cũng sẽ là bạn của chúng ta, ngay cả khi chúng mang đến cho chúng ta nỗi buồn và niềm đau. Những nghiệp đã làm quay trở lại với chúng ta dưới một chiêu bài thường khiến chúng ta không thể nhận ra. Đôi khi nghiệp quả quay trở lại theo cách mà người khác đối xử với chúng ta, đôi khi là một biến động triệt để trong cuộc sống; thường thì kết quả đi ngược lại với mong đợi của chúng ta hoặc trái với ý muốn của chúng ta. Những trải nghiệm như vậy cho thấy hậu quả khôn lường; chúng đưa ra những động cơ rõ ràng nửa tỉnh nửa mê về những hành động trước đây mà chúng ta đã cố gắng che giấu ngay cả với chính mình, che đậy bằng nhiều lý do khác nhau. Nếu chúng ta học cách nhìn mọi thứ từ góc độ này và đọc được thông điệp được truyền tải bằng trải nghiệm của chính mình thì đau khổ cũng sẽ là bạn của chúng ta. Đó sẽ là một người bạn nghiêm khắc nhưng trung thực và có thiện ý, người dạy chúng ta môn học khó nhất, đó là kiến ​​thức về bản thân, và cảnh báo chúng ta trước những vực thẳm mà chúng ta đang hướng tới một cách mù quáng. Bằng cách xem đau khổ như người thầy và người bạn của mình, chúng ta sẽ thành công hơn trong việc nhẫn nại bằng Sự Bình Tâm. Do đó, giáo lý về nghiệp sẽ mang đến cho chúng ta một động lực mạnh mẽ để giải thoát bản thân khỏi nghiệp, khỏi những hành động liên tục đẩy chúng ta vào đau khổ của những lần tái sinh. Sự ghê tởm sẽ nảy sinh từ sự thèm muốn của chúng ta, ảo tưởng của chúng ta, xu hướng tạo ra những tình huống thử thách sức mạnh, sự phản kháng và sự bình tĩnh của chúng ta.

Tuệ giác thứ hai mà Sự Bình Tâm – Tâm Xả nên dựa vào là giáo lý vô ngã (anatta) của đức Phật. Học thuyết này cho thấy rằng theo nghĩa tối thượng, các hành động không do bất kỳ bản ngã nào thực hiện và kết quả của chúng cũng không ảnh hưởng đến bất kỳ bản ngã nào. Hơn nữa, nó cho thấy rằng, nếu không có cái tôi thì chúng ta không thể nói về “của riêng tôi”. Chính sự ảo tưởng về bản ngã đã tạo ra đau khổ và cản trở hoặc làm xáo trộn Tâm Xả. Nếu phẩm chất này hay phẩm chất kia của chúng ta bị chê trách, người ta sẽ nghĩ: “Tôi bị khiển trách” và Tâm Xả bị lung lay. Nếu công việc này hay công việc kia không thành công, người ta nghĩ: “Công việc của tôi đã thất bại” và Tâm Xả bị lung lay. Nếu của cải hay người thân bị mất, người ta nghĩ: “Những gì của tôi đã không còn” và Tâm Xả bị lung lay.

Để thiết lập sự bình thản như một trạng thái tâm không lay chuyển, người ta phải từ bỏ mọi ý nghĩ sở hữu về “của tôi”, bắt đầu từ những điều nhỏ nhặt mà từ đó chúng ta dễ dàng tách mình ra và dần dần tiến tới phẩm chất mà tâm này cần an trụ. Người ta cũng phải từ bỏ những ý nghĩ tương ứng với những suy nghĩ như vậy, tất cả những suy nghĩ ích kỷ về “cái tôi”, bắt đầu từ một phần nhỏ trong nhân cách của một con người, với những phẩm chất không quan trọng, với những điểm yếu nhỏ mà người ta thấy rõ về sự dần dần phát triển những cảm xúc và tri giác, những ác cảm mà người ta coi là trọng yếu. Vì thế sự Tâm Xả nên được thực hành.

Ở mức độ chúng ta từ bỏ những ý nghĩ về “của tôi” hay “tôi”, sự bình thản sẽ đi vào trái tim chúng ta. Sao có thể được trong khi bất cứ điều gì chúng ta nhận ra là vô thường và vô ngã lại mà lại có thể khiến chúng ta bị kích động vì tham dục, sân hận hay đau buồn? Vì thế, giáo lý vô ngã sẽ là kim chỉ nam cho chúng ta trên con đường đi đến giải thoát, đến sự bình thản hoàn toàn.

Tâm Xả là như là vương miện của một vị vua và là đỉnh cao của bốn trạng thái siêu phàm (Tứ Vô Lượng Tâm). Nhưng điều này không nên hiểu Tâm Xả là sự phủ nhận của tình yêu thương (Tâm Từ), lòng bi mẫn (Tâm Bi) và niềm vui thông cảm (Tâm Hỷ); hay Tâm Xả khiến 3 Tâm Vô Lượng kia bị tụt lại phía sau như một thứ thấp kém, không phải vậy! Tâm Xả thực sự còn ôm trọn và thuần nhất 3 Tâm Vô Lượng kia một cách trọn vẹn, giống như hòa quyện hoàn toàn trong sự Bình Thản Tĩnh Tại.

Tâm Cung dịch

[Từ tác phẩm “The Four Sublime States” của Hòa thượng Nyanaponika Thera, phần Contemplations on the Four Sublime States (Equanimity)]

Tin tức liên quan

NGƯỜI TU THẬT – TUYỆT ĐẸP
10/09/2024
CHÙA TO – PHẬT LỚN
03/09/2024
Trên ngực con đượm buồn màu bông trắng…
13/08/2024
Chánh niệm và thời đại
01/08/2024
THƯƠNG SƯ PHỤ
29/07/2024