Bài viết

BI – TRÍ – DŨNG

Cập nhật: 23/06/2024
 

BI – TRÍ – DŨNG

 

“A-tu-la, nên biết

Xưa vậy, nay cũng vậy,

Ngồi im, bị người chê,

Nói nhiều bị người chê,

Nói vừa phải, bị chê

Làm người không bị chê.

Thật khó tìm ở đời.”

(Kinh Pháp Cú - Kệ ngôn 227)

Hôm nay, Sư phụ nó đã tâm tình với đại chúng rằng: "Người tu phải can đảm nói lên sự thật", hay còn gọi là "chánh pháp". Dù cho có bị những người không vừa lòng, không thích nghe chánh pháp chửi mắng, phỉ báng bằng những lời thô tục thì cũng phải mạnh dạn mà nói lên lẽ phải. Nghe đến đây nó thấy sao Người có thể dũng mãnh như vậy? Có phải đệ tử chân chính của Như Lai là thế phải không ạ? Chợt nó nhớ đến cụm từ "Bi - Trí - Dũng" trong pháp Bụt mà nó thường được nghe.

“Bi” là đem đến niềm vui, nhổ đi gốc rễ nỗi buồn của người khác.

“Trí” là trí tuệ, là hiểu biết về cuộc sống vô thường.

 “Dũng” là tinh tiến, dũng mãnh để hiện thực hóa được tinh thần từ bi trên nền tảng trí tuệ.

Hay dân gian vẫn thường có câu: “Người tu phải có tâm Bồ tát và có gan anh hùng”. Nó thấy thật là chí lý! Người tu có tâm Bồ tát là thương yêu muôn loài, vạn vật,... và gan anh hùng là dám làm điều đúng với lẽ phải, vượt qua tất cả chướng ngại, khó khăn, cũng có khi phải hy sinh cả thân mạng. Nó gật gù đồng ý cả hai tay, vì nó thấy thời nay để làm được như thế thật khó, thật can đảm!

 Mọi người, mọi nhà và ai ai cũng bảo tu như thế này là "chánh pháp", là “chân chính”, là “giống Phật”. Nhưng thử hỏi mấy người định nghĩa được như thế nào là chánh pháp, là chân lý và giống Phật là gì hay chưa?  Người chưa phải là Phật tử đã đành, ngay cả những người tự nhận mình là Phật tử còn chưa tỏ rõ thì những lời hô hào tu giống Phật, chứng quả này quả nọ hay là chánh pháp có thật đúng hay không? Nó thấy cổ họng mình nghèn nghẹn từ khi nào.

Thời buổi công nghệ 5.0 và những smartphone thông minh với muôn vàn thông tin thì ta biết đâu mà lường, mà lọc đây? May thay, Sư phụ nó đã chỉ dạy rằng hãy lấy “Kinh-Luật-Luận", lấy "Giới và Luật" của Bụt ra làm điểm tựa, làm nơi y cứ, làm nơi soi rọi. Trau dồi tri kiến của bản thân bằng cách tự tập theo Bát chánh đạo mà chánh kiến là quan trọng nhất. Bởi khi ta thấy đúng thì sẽ có tư duy đúng, từ tư duy đúng dẫn lời nói đúng và cuối cùng là dẫn đến trí tuệ. Mà con đường tu học thì trí tuệ là cốt tủy của người tu. Vậy nên trong các chùa luôn đề cao việc lấy trí tuệ làm sự nghiệp (duy tuệ thị nghiệp) là vậy!

Ngàn lần tri ân Người! Hòa Thượng Thích Chân Tính - vị Thầy khả kính, đã dám nói sự thật, đã dám đi ngược lại số đông để nói lên những điều đúng với chánh pháp. Mà đôi khi không chịu theo số đông thì bị chỉ trích, bị mắng nhiếc với những lời thô tục, Người vẫn không chùn bước. Vì tình thương yêu chúng sanh muốn giúp tất cả thấy đúng, hiểu đúng mà đừng tạo tác nghiệp bất thiện để không bị quả báo khổ đau.

Giới đức của người đã lan toả khắp muôn nơi, không chỉ trong nước mà cả ở nước ngoài. Người - một tấm gương sáng ngời trong ánh đạo vàng để hàng hậu học chúng con nương tựa và tu tập theo đúng pháp Phật. Đúng như câu kinh đức Phật dạy:

"Hương các loại hoa thơm

Không ngược bay chiều gió,

Nhưng hương người đức hạnh

Ngược gió khắp tung bay,

Chỉ có bậc chân nhân

Tỏa khắp mọi phương trời.”

(Kinh Pháp Cú - Kệ ngôn 54)

Kính bút,

Phước Huệ

Tin tức liên quan

NGUYỆN THOÁT KHỎI TAI ƯƠNG
16/09/2024
NGƯỜI TU THẬT – TUYỆT ĐẸP
10/09/2024
CHÙA TO – PHẬT LỚN
03/09/2024
Trên ngực con đượm buồn màu bông trắng…
13/08/2024
Chánh niệm và thời đại
01/08/2024