Sách HT. Thích Chân Tính
Cư sĩ Cấp Cô Độc

Cư sĩ Cấp Cô Độc

Tác giả: Thích Chân Tính
Mục lục
Bài học về nhân quả

Một thời, đức Phật ở tại Xá-vệ, vườn Kỳ-đà, tinh xá của ông Cấp Cô Độc. Lúc bấy giờ, Cấp Cô Độc bị trọng bệnh, rất khổ đau. Ông gọi người nhà và nói người đó đi đến tinh xá, nhân danh ông đảnh lễ đức Phật; sau đó sang đảnh lễ Tôn giả Xá-lợi-phất và thỉnh Ngài về tư gia, ông đang rất cần sự dạy bảo của Ngài. Người nhà Cấp Cô Độc liền đi đến tinh xá, đảnh lễ, thăm hỏi đức Phật, rồi tìm gặp Xá-lợi-phất, đem nguyện vọng của Cấp Cô Độc thưa với Ngài. Tôn giả Xá-lợi-phất hoan hỷ nhận lời.

Sau đó, Xá-lợi-phất cùng A-nan đi đến nhà của Cấp Cô Độc. Khi đến nơi, Ngài thấy Cấp Cô Độc đang bệnh nặng, nằm liệt giường, trông rất đau đớn. Ngài hỏi thăm, Cấp Cô Độc nói:

– Bạch Đại đức, con đau lắm, không thể chịu đựng nổi. Ví như một người lực sĩ chém đầu của người khác bằng một thanh kiếm sắc bén; cũng vậy, những ngọn gió kinh khủng thổi lên đau nhói trong đầu con. Hoặc ví như một người lực sĩ lấy dây nịt bằng da cứng, quấn tròn quanh đầu người khác rồi siết chặt; cũng vậy, con cảm thấy bị đau đầu một cách kinh khủng. Hoặc ví như một người đồ tể hay đệ tử của người đồ tể cắt ngang bụng người khác với một con dao sắc bén; cũng vậy, một ngọn gió kinh khủng cắt ngang bụng của con. Hoặc ví như hai lực sĩ nắm lấy cánh tay của một người yếu hơn, nhấc lên, nướng người ấy trên một hố than hừng; cũng vậy, một sức nóng kinh khủng khởi lên trong thân con.

Lúc đó, Xá-lợi-phất khuyên Cấp Cô Độc:

– Này Cấp Cô Độc, sáu căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý), sáu trần (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp), sáu thức (nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức, ý thức), sáu giới (địa giới, thủy giới, hỏa giới, phong giới, không giới, thức giới)… cho đến cả thế giới này và những thế giới khác, đều là giả tạm, không thật. Ông hãy cố gắng quán tưởng tất cả đều là không để buông xả, không chấp thủ vào bất cứ thứ gì.

Nghe Xá-lợi-phất nói xong, Cấp Cô Độc xúc động khóc vì thấy bài pháp này quá hay. Ông nói:

– Bạch Đại đức, bài pháp này con chưa bao giờ được nghe.

– Bài pháp này chỉ nói cho người xuất gia, không nói cho cư sĩ tại gia.

– Bạch Đại đức, theo con, chúng sinh có nhiều căn cơ, trình độ khác nhau. Những người có căn lành, có trí tuệ, cấu uế không nhiều, có thể tiếp thu được giáo pháp này. Xin Đại đức hãy nói cho những người đó để họ học và tu.

Thăm hỏi và hướng dẫn phương pháp tu tập cho Cấp Cô Độc xong, Xá-lợi-phất và A-nan trở về tinh xá. Không lâu sau, Cấp Cô Độc thân hoại mạng chung, ra đi một cách an nhiên. Sau khi nhắm mắt, ông sinh về cõi trời Đâu-suất. Vừa hóa sinh, ông liền xuống lại vườn Kỳ-đà, nơi đức Phật đang trú ngụ. Bây giờ, ông là một thiên tử với dung mạo xinh đẹp, hào quang sáng rực. Khi ông xuất hiện, dù trời còn tối, cả khu vườn Kỳ-đà sáng lên rạng rỡ. Ông đến đảnh lễ đức Phật, đọc một bài kệ tán thán Ngài, rồi biến mất.

Sáng hôm sau, đức Phật nói với đại chúng Tỳ-kheo rằng, hồi đêm có một vị thiên tử dung mạo xinh đẹp, hào quang sáng rực cả khu vườn đến thăm Ta. Lúc đó, A-nan hỏi đức Phật:

– Bạch đức Thế Tôn, vị thiên tử đó có phải là Cấp Cô Độc không?

Đức Phật nói:

– Đúng, vị thiên tử đó chính là Cấp Cô Độc.[3]

Câu chuyện này nói việc ông Cấp Cô Độc đau bệnh, mời Xá-lợi-phất đến, và Ngài đã giáo hóa ông. Sau khi Xá-lợi-phất ra về, ông chết một cách nhẹ nhàng, rồi sinh về cõi trời Đâu-suất. Ở đây, khi nghe câu chuyện này, có thể nhiều người thắc mắc rằng ông Cấp Cô Độc cả đời làm điều tốt, tại sao lúc sắp chết lại bị bệnh hoạn, đau đớn, khổ sở như thế? Có suy nghĩ này là do họ chưa hiểu về nhân quả. Thứ nhất, thân thể của chúng ta là thân thể vật chất, đau bệnh là một điều tất nhiên, không ai tránh khỏi. Thứ hai, nếu là do nhân quả thì có thể ông Cấp Cô Độc đã phải chịu dư báo từ đời trước, nghĩa là trong đời quá khứ, ông từng sát sinh, hại vật, nên đời này phải chịu quả báo đau đớn, khổ sở. Còn những việc làm của ông ở hiện tại đã giúp ông sau khi mất, được sinh lên cõi trời, thành thiên tử, rồi trở lại đảnh lễ đức Phật. Nhân quả thông cả ba đời, gieo nhân ác ắt chịu quả xấu, gieo nhân thiện ắt hưởng quả tốt.

Khi chúng ta có lòng tin, có sự thực hành thật trọn vẹn đối với giáo pháp của đức Phật, chắc chắn lúc mạng chung, những nghiệp thiện mà chúng ta đã tạo sẽ hướng chúng ta đến cảnh giới tốt đẹp. Giống như bơ hay dầu, dù chúng ta đổ ở dưới đáy, cũng sẽ nổi lên mặt nước. Hoặc giống như một cái cây, hướng về phía nào thì sẽ đổ về phía đó. Trong Tương Ưng Bộ Kinh, bài kinh số 21, có một câu chuyện như vầy:

Một thời, đức Phật trú ở khu vườn Nigrodha, tại thành Ca-tỳ-la-vệ. Bấy giờ, có một người tên là Mahanama đến bạch với đức Phật rằng:

– Bạch đức Thế Tôn, thành Ca-tỳ-la-vệ này phồn vinh, phú cường, dân cư đông đúc, quần chúng chen chúc khắp nơi. Bạch đức Thế Tôn, sau khi hầu hạ Thế Tôn và các vị Tỳ-kheo đáng kính ra về, vào buổi chiều, trong thành Ca-tỳ-la-vệ, con gặp những con voi cuồng chạy, những con ngựa cuồng chạy, những người cuồng chạy, những chiếc xe lớn cuồng chạy, những chiếc xe nhỏ cuồng chạy. Lúc đó con bị hoang mang, không còn giữ được chánh niệm, không nhớ đến Phật, không nhớ đến Pháp, không nhớ đến Tăng. Giả sử, lúc đó con mạng chung thì sẽ sinh về cõi nào?

Đức Phật dạy:

– Chớ có sợ, này Mahanama, ai đã lâu ngày có lòng tin trong sạch, chí thành, thâm sâu và tu tập trọn vẹn về tín, giới, văn, thí, tuệ, với bất cứ cái chết nào, người đó cũng sinh về cảnh giới tốt đẹp.

Tiếp đó, đức Phật lấy một ví dụ rất hay:

– Ví như, này Mahanama, một người nhận chìm một ghè bơ, hay một ghè dầu vào trong một hồ nước sâu và đập bể cái ghè ấy thì các mảnh ghè sẽ chìm xuống nước, nhưng bơ hay dầu sẽ nổi lên trên. Cũng như thế, một người đã lâu ngày có lòng tin trong sạch, chí thành, thâm sâu và tu tập trọn vẹn về tín, giới, văn, thí, tuệ thì trong bất cứ hoàn cảnh nào, sau khi mạng chung, cũng sẽ sinh về cảnh giới tốt đẹp.[4]

Trong bài kinh số 22, cũng lời dạy của đức Phật dành cho Mahanama. Ngài dạy rằng:

– Người nào thành tựu niềm tin trong sạch, bất động đối với Phật, Pháp, Tăng và thành tựu các tịnh giới thì sẽ nghiêng về Niết-bàn, hướng về Niết-bàn, xuôi về Niết-bàn.

Tiếp đó, đức Phật cũng lấy một ví dụ rất hay:

– Ví như, này Mahanama, một cái cây nghiêng về phía Đông, hướng về phía Đông, xuôi về phía Đông, nếu bị chặt đứt từ gốc rễ, nó sẽ đổ về phía nào?

Mahanama thưa:

– Bạch đức Thế Tôn, nó sẽ đổ về phía Đông.

Đức Phật nói:

– Cũng vậy, người nào thành tựu niềm tin trong sạch, bất động đối với Phật, Pháp, Tăng và thành tựu các tịnh giới thì sẽ nghiêng về Niết-bàn, hướng về Niết-bàn, xuôi về Niết-bàn.[5]

Câu chuyện “Giáo hóa bệnh hoạn”, đã cho chúng ta thấy rõ định luật “nhân nào quả nấy”. Chúng ta phải tin chắc về nhân quả. Khi một nhân đã gieo, đủ duyên thì nó sẽ kết quả, chỉ có chậm hay mau, trước hay sau mà thôi. Đôi khi, chúng ta chưa hiểu nhân quả ba đời, cứ thắc mắc Cấp Cô Độc cả đời làm những điều tốt đẹp mà cuối cùng lại bị đau đớn, bệnh tật. Không riêng gì Cấp Cô Độc, mà bản thân mỗi người dù là nặng hay nhẹ, nhiều hay ít, tất cả đều sẽ đau bệnh giống như vậy. Là người học Phật, chúng ta cố gắng bình thản và chấp nhận dư báo của quá khứ, không nên than thở rằng: “Trời ơi, sao tôi tu bao nhiêu năm mà tới giờ này vẫn khổ quá” hay “Tôi tu bao nhiêu năm rồi mà bây giờ ông trời lại hành hạ tôi đau đớn như thế này”. Từ đó, chúng ta mất tín tâm, rồi có thể càng ngày càng rơi vào chỗ sa đọa. Khi những bất hạnh, đau khổ đến với mình, chúng ta hãy cho rằng đây là cơ hội để mình trả quả. Còn những nhân lành mình đã gieo chắc chắn sẽ có ngày cho ra quả tốt, chúng ta không nên quá mong cầu quả đến sớm. Bây giờ, mình trồng cây mít, cũng cần phải có thời gian để ra hoa kết quả. Trong khi chúng ta đã gây rất nhiều tội lỗi ở những đời quá khứ, nếu trả quả không biết bao giờ mới hết. Thế mà mới tu được một chút, tới chừng gặp chuyện gì bất hạnh chúng ta lại nói Phật không linh thiêng, không gia hộ mình, để phải bị như thế. Chẳng khác nào mới trồng cây mít được một, hai tháng đã đòi có quả. Cho nên chúng ta phải hiểu nhân quả. Khi có việc bất hạnh xảy đến, chúng ta phải hiểu đó là dư báo của quá khứ. Ngay như đức Phật, Ngài đã tu vô lượng kiếp, nhưng kiếp cuối cùng trước khi thành Phật, Ngài vẫn gặp đủ thứ chướng nạn. Biết được như vậy, việc tu tập của chúng ta mới tiến triển. Có nhiều người lúc đầu tin nhân quả nhưng sau khi gặp chướng nạn, liền thắc mắc: “Sao kỳ vậy, mình tu hoài lại bị chướng nạn, còn ông kia, bà kia làm ác mà lại không bị gì?” Làm gì có chuyện không bị gì, chỉ có điều là quả báo chưa tới mà thôi.

Đức Phật dạy chúng ta có ba loại quả báo: hiện báo, sinh báo và hậu báo. Hiện báo là bị quả báo ngay đời này. Sinh báo là đời này làm, đời sau mới bị quả báo. Hậu báo là đời này làm nhưng nhiều đời sau mới bị quả báo. Như vậy, không phải quả báo nào cũng là hiện báo. Trồng cây rau, cây ớt thì hai ba tháng là có ăn liền, nhưng cây xoài, cây mít thì phải hai ba năm, thậm chí có những cây còn lâu hơn nữa. Hiện báo ví như những cây trồng có thể ăn liền, sinh báo ví như những cây hơi lâu một chút, còn hậu báo ví như những cây phải năm, mười năm sau mới thu hoạch được. Hiểu như vậy, chúng ta thấy rằng, trên thế gian này, không có gì là tự nhiên, tất cả đều có nhân quả của nó. Khi đang tu, nếu gặp chướng nạn, chúng ta vẫn hoan hỷ và bình tĩnh để tiếp tục tu, không nên bất mãn, chán nản, mất niềm tin rồi bỏ tu vì nghĩ rằng mình tu hoài mà không được gì. Chúng ta tu còn bị như vậy, nếu bỏ tu thì càng khổ hơn, và quả báo sau này sẽ càng dữ dội hơn.

 

[3] Nội dung lược trích từ bài kinh Giáo Giới Cấp Cô Độc, Trung Bộ kinh, bài kinh số 143.

[4] Nội dung lược trích từ bài Mahanama, kinh số 21, phẩm 3 – Saranani, chương 11, Tương Ưng Bộ V kinh.

[5] Nội dung lược trích từ bài Mahanama, kinh số 22, phẩm 3 – Saranani, chương 11, Tương Ưng Bộ V kinh

Sách cùng thể loại
Tết Nguyên Đán ở Việt Nam
Tết Nguyên Đán ở Việt Nam
Thích Chân Tính
Nhìn lại
Nhìn lại
Thích Chân Tính
Lời Nhắn Nhủ
Lời Nhắn Nhủ
Thích Chân Tính
Tặng Phẩm Xuân 2020
Tặng Phẩm Xuân 2020
Thích Chân Tính
Chó rừng và Sư tử
Chó rừng và Sư tử
Thích Chân Tính
Lộc ai cho?
Lộc ai cho?
Thích Chân Tính