Bài viết về Đức Phật
Lòng chân thành của đức Phật
Cập nhật: 06/05/2007
Trong kinh kể lại, đêm Thế Tôn thành đạo dưới cội bồ đề, cõi Ta bà mưa hoa, nhạc trời vang lừng, trần gian ngập tràn trong ánh sáng giác ngộ của Như Lai, vui không tưởng được. Nhưng lạ thay, ngay lúc ấy Thế Tôn lại muốn nhập diệt, một quyết định trái ngược với ý chí xuất gia ban đầu. Rõ ràng hôm vượt thành xuất gia, Thế Tôn đã vì muôn loài mà quyết lòng tìm đường giải thoát, bỗng dưng bây giờ Ngài đổi ý. Chẳng lẽ Ðức Phật không còn thương chúng sanh nữa sao?
Thế là các Trời đoanh vây, tha thiết khẩn cầu Ðức Phật: “Bạch Thế Tôn! Cúi mong Ngài vì lòng từ bi thương xót chúng con và chúng sanh đời sau tuyên dương chánh pháp, khiến cho tất cả muôn loài được thoát khỏi trầm luân sanh tử". Phật vẫn lặng thinh không nói. Chư Thiên thưa thỉnh mãi không thôi, Như Lai mới bảo: “Không phải Ta không muốn nói pháp giáo hóa chúng sanh, nhưng vì Ta sợ nói ra không ai tin”. À ra!
Nhưng có chi đâu, thì Ngài cứ nói, ai tin được thì tin, không tin thì thôi. Tại sao Ðức Phật không thể làm như vậy? Bởi Ngài sợ chúng sanh khi đã mất niềm tin và nhất là niềm tin với chính mình thì muôn đời khó lấy lại. Khó nhất là điều Như Lai muốn nói lại không thể nói. Dù cố gắng uốn ba tấc lưỡi gượng nói ra, chúng sanh cũng không tin, nên thà không nói còn hơn. Có thế Ngài mới giữ được niềm tin cho chư Phật đương lai, dù là niềm tin chưa xuất hiện, nhưng vẫn không bị đánh mất. Về điểm này, ta chưa thành Phật thì không hiểu Ngài là chuyện đương nhiên thôi.
Chư Thiên không chịu rút lui, cứ nài nỉ thỉnh cầu mãi, cuối cùng buộc lòng Thế Tôn phải khai mở, lập bày phương tiện vì chúng sanh tuyên dương chánh pháp. Tam tạng Thánh giáo ra đời từ đó, nhưng Ngài dặn dò kỹ lắm: Ðây chỉ là phương tiện thôi nha, đừng có chấp cứng vào đó rồi sanh sự với Như Lai. Thật lòng Phật trước sau vẫn như một, không nói.
Trải qua thời gian vân du khắp nơi vì tứ chúng tuyên giảng giáo pháp, một hôm Phật gọi các thầy Tỳ kheo về Linh Thứu sơn. Lần này Thế Tôn thăng tòa im lặng không nói chi, chỉ đưa cành hoa sen lên rồi nhìn khắp đại chúng. Mọi thầy đều ngơ ngác, duy chỉ một mình Tôn giả Ðại Ca Diếp chúm chím mỉm cười. Và từ đó, câu chuyện “Niêm hoa vi tiếu” đã trở thành Thánh sử bất diệt.
Chuyện cười dễ quá, mình cũng cười nhưng chẳng ai thèm để ý tới, chẳng ai ghi vào sách. Tại vì chúng ta không có được nụ cười như Tôn giả Ca Diếp. Một nụ cười mà Ðức Phật đã chờ đợi rất lâu. Kể từ khi bắt đầu cất bước độ sanh, đến lúc này Thế Tôn mới thấy vui thật sự, vì thoát được cái oan làm khó chúng sanh lúc ban đầu, “không chịu nói pháp”. Mà thật ra bây giờ Phật cũng có nói chi đâu? Thế nhưng, trong sự im lặng sấm sét như thế, khắp thiên hạ tìm được một kẻ tri âm, quả thật không phải là dễ. Cho nên Thế Tôn trao truyền chánh pháp nhãn tạng cho Tôn giả ngay tức thì, người đã đáp lại lòng mong đợi của Phật, hiểu Phật, là Phật.
Ðã là Như Lai thì chưa bao giờ Ðức Phật dối gạt chúng sanh dù nửa lời. Những gì nói được, Thế Tôn đã nói hết, những gì không thể nói, Như Lai không nói mà cũng không giấu. Thì đó, có Tôn giả Ðại Ca Diếp làm chứng cho Phật rồi. Vậy mà Ngài vẫn chưa yên lòng, sợ sau này ngôn năng làm loạn, nên hôm sắp nhập Niết bàn, Ðức Phật đinh ninh nhắn nhủ như vầy: “Suốt 49 năm Như Lai chưa từng nói một câu”. Thế đấy, Ðức Phật ở chặng đầu, chặng giữa, chặng rốt sau đều thủy chung như nhất, không hở môi. Bởi vì Phật rất chân thành.
Nhờ thế, những gì Phật muốn trao truyền lại cho chúng ta đến nay và mãi mãi về sau vẫn còn. Còn vì nó không sanh nên không diệt, không hề gian dối. Và tuyệt hơn thế nữa, còn vì tất cả chúng sanh đã có, đang có và sẽ có niềm tin rằng “Ta là Phật sẽ thành”. Từ vô lượng tâm, bi vô lượng tâm của đấng Cha lành thật không gì sánh bằng. Phải như thế mới gọi là “chân thành”. Còn chúng ta nói nhiều quá thành ra nói bậy, nói dối, nói để làm khổ cho nhau. Vậy mà người ta vẫn ngang nhiên bảo mình nói thật.
Thế gian thường thề thốt với nhau: Dù cho biển cạn núi mòn, “lòng này” vẫn không thay đổi. Nghe như thật! Làm gì có chuyện đó, mà nếu có chăng nữa, e rằng “lòng này” đã bị xơ cứng bởi vô minh si ái mất rồi. Cuộc đời là một dòng luân lưu, biến đổi không dừng, làm sao với một tâm vô thường mà lại không bao giờ thay đổi? Các pháp sanh diệt không thật, làm sao nói thật được. Vậy mà ta nói được, nói hoài, mới lạ chứ!
Ðã đến lúc ngôn năng cần phải khép lại. Ta cũng nên ngồi tịnh lặng ngắm lá xanh, ngắm dòng sanh diệt đi qua từng hơi thở, để thấy sự chân thành của Ðức Như Lai len lỏi trong từng nhịp đập tử sinh. Ta có mặt nơi đây thấy nghe, nói năng, động tịnh đầy đủ. Biết rõ như thế là được rồi, sướng rồi, đừng nghĩ ngợi lung tung nữa. May ra từ những sự thật hiển nhiên đó, bất chợt ta có được nụ cười chúm chím ngàn năm. Chừng ấy ta mới hiểu hết lòng chân thành của Như Lai là tuyệt đối, nan tư nghì.
Hạnh Chiếu