Phật Sự HT. Thích Chân Tính

Chiếc vé máy bay 18 ngàn đồng của Sư ông trụ trì chùa Hoằng Pháp

Cập nhật: 22/05/2020
 

Chiếc vé máy bay 18 ngàn đồng  của Sư ông trụ trì chùa Hoằng Pháp

 

Thầy tôi thân giáo vẹn mười
Hiếu tình lễ nghĩa Đạo - Đời viên dung
Đêm ngày lo nghĩ việc chung
Giản đơn cần kiệm, tâm cùng thái hư.

                                          (Vô Trí)

1. Được gặp Sư ông

Hôm nay sau khoá lễ tối, Thầy cho gọi tôi và bảo: “Sư ông con ra Bắc, sáng mai Thầy trò ta về Guột (Chùa Diên Quang do Sư Bá Tâm Quán trụ trì) vấn an sức khỏe Ngài”.

Nghe đến “Sư ông Hoằng Pháp” và “Chùa Diên Quang”, tôi như mở cờ trong bụng. Trằn trọc, mong trời mau sáng để được đến địa danh thiêng liêng và đảnh lễ Sư ông mà tôi hằng mơ ước. Nghĩ về Sư ông, năng lượng bình an khiến tôi cảm thấy nhẹ nhàng. Cảm giác ấy có mặt với tôi đây là lần thứ hai, kể từ khi xuất gia. An trú trong cảm xúc ấy, tôi chìm vào giấc ngủ bình yên.

2. Lên đường...

Rồi giờ lành cũng đến! Tôi và Sư huynh đi thị giả cho Thầy được đặc cách ăn sáng trước. Chuẩn bị xong xuôi thì Thầy tôi đã có mặt ở Tổ đường từ bao giờ.

Quãng đường hôm nay sao dài thế. Từ Hà Nội sang Bắc Ninh mà ngỡ như đi đến nơi nào xa lắm. Thầy tôi bình thản nhắm mắt, tay lần tràng hạt. Còn tôi háo hức trong lòng mà quên chánh niệm cần có khi đi xe.

Dường như hiểu ý, Thầy tôi nói: “Vậy là ngót 2 năm rồi Sư ông các con mới ra Bắc. Lần này, duyên tùng duyên sự tùng sự, Sư ông con có buổi chia sẻ pháp thoại tại chùa Diên Quang. Hy vọng Hòa Phúc nhà mình đủ duyên thỉnh Ngài giáng lâm về”.

Nghe đến đây tôi càng vui thích. Trong suy nghĩ là sẽ được nhìn, được đi cạnh Sư ông bằng xương bằng thịt chứ không phải qua hình ảnh, âm thanh được kể lại... Mặc dù đã nhiều lần, Thầy chia sẻ cho huynh đệ chúng tôi về hạnh nguyện của Sư ông, nhưng với tôi được diện kiến trực tiếp vẫn hơn.

Xe rẽ vào cổng chùa. Sự tôn nghiêm, hoành tráng từ lời kể của Thầy tôi đã thành sự thật. Bước xuống xe, từ trên tòa Tam Bảo tôi nghe giọng thuyết pháp trầm hùng, biết chắc đó là giọng nói của Sư ông.

Theo bước Thầy, huynh đệ chúng tôi vào khu Nội tự. Vái chào quý Sư Bá Sư Thúc xong, chúng tôi lui ra ngoài đi dạo và theo lời Thầy tôi dặn: “Huynh đệ đi tham quan, khi nào nghe tiếng niệm Phật hồi hướng thì vào đảnh lễ Sư ông”. Chúng tôi chắp tay cúi đầu, nhận lãnh lui ra.

3. Đại sỹ hiện thân

Một hồi lâu, trời đang quang mây bỗng đâu cơn mưa trút xuống. Cùng lúc đó pháp thoại kết thúc, chúng tôi kịp vào chuẩn bị. Mưa càng lúc càng nặng hạt như muốn lắng dịu đi phần nào cái không khí ngột ngạt của những ngày đầu hạ. Tôi nghĩ thầm: “Sư ông chắc có thần thông thì phải. Mình chỉ mới nghĩ bụng mà đã cảm ứng rồi”.

Thầy trò tôi chỉnh pháp phục trang nghiêm, vừa quay ra cửa thì trông thấy nụ cười từ bi của Sư ông. Như phản xạ, chúng tôi cúi đầu vái chào nhưng mắt vẫn không rời hình dáng của Ngài.

Sư ông cười bảo: “Sang đây...”.

Lúc này, mưa đã thưa hạt. Thầy tôi đàn chỉ ba lần rồi bạch: “A Di Đà Phật. Bạch Sư phụ bố thí cho chúng con nhập phòng ạ”. Đáp lại là giọng của Sư ông vừa ấm, vừa vang: “A Di Đà Phật”.

Thật ra là Thầy bạch hộ chúng tôi. Mặc dù câu nói ấy hằng ngày chúng tôi ít nhất là ba lần dùng đến, thế nhưng hôm nay miệng không nói thành lời.

Thầy trò chúng tôi vừa tới, Sư ông đã hỏi thăm: “Phật đản năm nay thế nào? Đại chúng có khỏe không?”. Đáp lời Ngài, Thầy tôi cung kính chắp tay thưa bạch, lời lẽ gọn gàng rất mực trang nghiêm giống như những gì chúng tôi được học từ Thầy.

Sau đó, Thầy trò chúng tôi theo pháp hành lễ, vấn an sức khỏe và cúng dường đến Sư ông và đại chúng Hoằng Pháp. Nhân duyên hội đủ, Thầy tôi đã thỉnh mời được Sư ông giáng lâm về Hòa Phúc.

Tranh thủ lúc Thầy bạch lễ, tôi quỳ trước Ngài và được Thầy tôi cho lễ Ngài nên tôi nhìn Ngài mãi không thôi. Năm nay tóc Ngài bạc nhiều. Qua lời thăm hỏi của Thầy, tôi biết Sư ông ngủ được, mẫn tiệp lắm nhưng không ăn được nhiều vì đường trong máu cao hơn mọi khi. Vậy mà Ngài chẳng quản lao nhọc, ra Bắc vì tình Pháp lữ với Hòa thượng chùa Bằng, rồi về Diên Quang giảng pháp, lại nhận lời Thầy tôi về Hòa Phúc trong tiết trời hanh khô oi bức đầu hạ. Nhìn gương mặt, nụ cười của Sư ông, tôi thấy lòng bình yên đến lạ...

4. Vé máy bay mười tám ngàn đồng

Đoạn đường về lại Hòa Phúc, tôi được lắng nghe những kỷ niệm, ưu tư, hoài bão cùng những chỉ dẫn của Sư ông chia sẻ với Thầy tôi. Dù không hiểu hết, nhưng phần nào tôi cảm nhận sự thiêng liêng trong tình nghĩa Thầy trò của những người xuất gia.

Đặc biệt ấn tượng với tôi là biết được sự dung dị và tiết kiệm trong sinh hoạt cá nhân của Sư ông, khi nghe giá tiền của tấm vé máy bay mà Sư ông chọn chỉ có 18 ngàn đồng. Lúc đầu tôi nghĩ mình nghe nhầm. Vì với uy đức của Sư ông, tôi nghĩ hẳn phải là hạng vé tốt nhất mới có thể vừa đảm bảo sức khỏe, vừa tránh sự chung đụng thế gian. Vậy mà...

Sự thật được khẳng định khi Thầy tôi quay sang nhìn và nhận được “cái gật đầu hết hồn” của Sư Thúc thị giả. Ôi! Sao có thể như thế? Thật ư? Thật mà!!! Tôi tự nghĩ, tự hỏi và tự trả lời.

Lúc này, tôi liên hệ đến bài giảng hôm qua của Thầy tôi khi nhắc đến quả báo của sự phung phí. Câu chuyện về “đôi dép tổ ong” hay “chiếc quần rách” mà vừa nghe qua tôi rất lấy làm lạ, luôn nghĩ về sự khắt khe của Thầy tôi. Có lúc tôi còn nghĩ thầm: “Thời buổi này mà sao Thầy mình còn keo thế nhỉ?”.

Nhưng bài học hôm nay đã khiến tôi “thấm” nhiều hơn. Tôi biết rằng, bên cạnh và trên hết là chúng tôi còn có tấm gương sáng của Sư ông để tự chiếu soi. Nhờ đó, tôi hiểu hơn về Thầy tôi.

5. Cánh chim không mỏi

Về đến Hòa Phúc, Sư ông đi dạo khắp các tòa, viện. Ngài bước vào Tam Bảo lễ Phật, xuống Hậu cung lễ Tổ. Đến đâu Ngài cũng hỏi, cũng chia sẻ và đôi lúc, Ngài im lặng ngắm nhìn.

Trời đã đúng Ngọ, chúng tôi được thụ trai cùng Sư ông. Bữa cơm trưa yên lặng và hạnh phúc tràn đầy. Sư ông ăn được hai bát. Thỉnh thoảng Thầy tôi lại hỏi: “Sư phụ ăn có được không ạ?”. Thật cảm động và hoan hỷ biết bao.

Vừa dùng cơm xong, Sư ông cho gọi Phật tử vào thăm. Ai ai cũng xúc động và nhất là cụ già nay đã gần chín mươi tuổi. Sư ông ân cần thăm hỏi, động viên, sách tiến về Tam Quy, Ngũ Giới, Thập Thiện. Rồi Ngài nói bài kệ ngắn:

“Chớ làm các việc ác
Siêng làm các điều lành
Giữ tâm ý trong sạch...”

Lời dạy giản dị mà sâu sắc như cơn mưa pháp tưới mát ruộng tâm khô cằn, đại chúng hôm nay hữu duyên được thọ nhận.

Lúc này đã gần 13h. Tôi thấy Thầy thị giả bạch với Sư ông đến giờ đi rồi. Thật thương Ngài, chỉ mỉm cười và nói: “Thôi lên xe nghỉ chút vậy”. Câu nói dí dỏm ấy làm tôi không khỏi bật cười nhưng cũng thầm cảm phục lòng từ bi của Sư ông đối với chúng sinh.

Lần đi này, tôi không được tháp tùng. Nhìn theo bóng Ngài vẫy tay chào, nụ cười chưa tắt như thắp sáng trong tôi ngọn lửa của niềm tin bất diệt vào Tam Bảo.

Thầm cầu nguyện Sư ông mãi được an vui và sống lâu với chúng tôi như lời Thầy tôi hướng dẫn đại chúng khi cầu thỉnh Ngài trụ thế: “Thỉnh Hòa thượng Bổn sư trụ thế lâu dài để giáo hóa chúng sinh”.

   …

Hòa Phúc, ngày đầu Hạ, năm Canh Tý, 2020
Chúng xuất gia kính ghi

Chiếc vé máy bay 18 ngàn đồng  của Sư ông trụ trì chùa Hoằng Pháp
Chiếc vé máy bay 18 ngàn đồng  của Sư ông trụ trì chùa Hoằng Pháp
Chiếc vé máy bay 18 ngàn đồng  của Sư ông trụ trì chùa Hoằng Pháp
Chiếc vé máy bay 18 ngàn đồng  của Sư ông trụ trì chùa Hoằng Pháp
Chiếc vé máy bay 18 ngàn đồng  của Sư ông trụ trì chùa Hoằng Pháp
Chiếc vé máy bay 18 ngàn đồng  của Sư ông trụ trì chùa Hoằng Pháp
Chiếc vé máy bay 18 ngàn đồng  của Sư ông trụ trì chùa Hoằng Pháp
Chiếc vé máy bay 18 ngàn đồng  của Sư ông trụ trì chùa Hoằng Pháp
Chiếc vé máy bay 18 ngàn đồng  của Sư ông trụ trì chùa Hoằng Pháp
Chiếc vé máy bay 18 ngàn đồng  của Sư ông trụ trì chùa Hoằng Pháp

Tin tức liên quan

Chùa Đống Cao – Thanh Hóa: Khóa tu niệm Phật một ngày
06/12/2023
Giảng pháp tại Khóa Tu Mùa Hè chùa Giai Lam – Hà Tĩnh
16/06/2023
Thuyết giảng tại lớp Đào tạo Cao – Trung cấp Giảng sư
11/04/2021
Thuyết giảng tại chùa Bằng, Tp. Hà Nội
21/01/2021
Thăm chùa Long Phước và Niệm Phật Đường Chánh Kiến, Bạc Liêu
05/01/2019