Người với người, sống để...
Vì đâu con người tạo ra những bức tường thành như thành Troy thuở nào của xứ Hy Lạp thần thoại? Ai đã dạy những u uẩn, lươn lẹo cho loài người? Văn minh tuy tiếp nối văn minh, con người lịch thiệp với nhau qua từng cử chỉ: nụ cười, ánh mắt, cái bắt tay... Tuy vậy, ẩn đằng sau bức màn nhung tuyệt đẹp đó là hậu trường bề bộn lắm ngổn ngang ưu sầu đa cảm. Cái vẻ đẹp được tô điểm để làm trang sức khi "face to face" đã thành một cố tật, không e ngại hay thậm thụt gì khi làm, mà vô cùng nhanh nhạy tự nhiên. Ảo đến thế chứ phải không?
Nhà Phật không dạy sự "khôn khéo" ấy. Đức Thế Tôn khuyên ta có Chánh Kiến rồi Chánh Tư Duy để thốt ra Chánh Ngữ. Không phải thời, không nói, cũng là một dạng Chánh Ngữ. Tuy nhiên, cố nói lấp liếm để cho qua hoàn cảnh thì có còn là Chánh Ngữ không? Đã không hiện tướng Chánh Ngữ thì cam đoan là không phải Chánh Tư Duy, rồi ra là Chánh Kiến cũng ắt hẳn "rong chơi" mất rồi. Dân dã hay nói "Xạo riết quen!", thô mà thật. Ở đây, thô ngữ là thường ngữ vì nghe đã quen tai và trở thành một sự huống không còn lạ gì trong một số mối quan hệ.
Quay đến kinh Phạm Võng thuộc Trường Bộ kinh, cái chi đã làm cho sinh khởi sáu mươi hai tà kiến? Là cảm thọ. Con người bất đồng quan điểm với nhau, để phải dẫn đến lừa lọc, man trá, dối gian, thì chính do cảm thọ. Tìm kiếm thọ hỷ, thọ lạc qua xúc chạm giác quan trần cảnh dễ làm ta thoải mái hơn là hỷ lạc do thiền chứng mang lại. Vì sao? Vì ta đã đâu chứng thiền!!! Do đó, vì mục đích lừa gạt, vì sân giận, vì tự trọng (sợ bị chê trách, đánh giá) nên ta cố chấp tà kiến của mình. Đó là ý của vua Pāyāsi trong kinh Tệ Túc cũng thuộc Trường Bộ kinh.
Con người là hợp thể của Sắc - Thọ - Tưởng - Hành - Thức. Nhưng khi tu tập, gọn lại thành Thân - Thọ - Tâm - Pháp. Nhìn bốn nền tảng này như đang truy cập Internet, như lang thang lướt Web, như Search Google, vì mọi thông tin, mọi dữ kiện đều hiện ra trên bốn "kênh" này. Bốn kênh này như bốn nền tảng ta hay dùng trong smartphone: Zalo, Facebook, Tiktok, Youtube. Google cũng có đưa ra đề xuất: "Search in inside", thì ở đây chính là quay về truy cập vào bốn nền tảng Thân - Thọ - Tâm - Pháp. Vui lắm. Cũng có khi buồn lắm. Cơn đau của da thịt ta nhận ra thì mỗi cái nhói trong tim, mỗi cái ưa thích tham ghét trong tâm chính là ung nhọt của Danh pháp (Thọ - Tưởng - Hành hay Thọ - Tâm - Pháp).
Ai sẽ là người chữa trị thay ta và tốt hơn ta? Không ai. Vì "hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi". Đi đâu, về đâu cũng bởi ý nghĩ điều động thân người lắc lư và đưa bước chân dợm theo hướng đó. Tinh thần Đại thừa Phật giáo chỉ bày cái đi chung, cái đi đại đồng tức cái đi cùng nhau về chốn tỉnh thức. Tỉnh thức là giác ngộ. Giác ngộ là chân hạnh phúc. Thành ra, "đi trên thật địa" và "thở giữa hư không" để "thắp lên trí sáng diệu tâm" cho "Bồ-đề tâm bất thối" là một công trình của sự tu học nghiêm túc. Ta từng bước tiến lên hành Bồ-tát đạo, tức lợi mình và lợi người. Và dĩ nhiên, nhớ vậy thì ta không hại mình và hại người. Lấy đâu ra buồn phiền, gian trá, lừa lọc, siểm khúc. Đó chính là công năng của Bồ-đề tâm trong Đại thừa Phật giáo: dựng xây nhân cách cao thượng giữa đời ngũ trược.
Tựu trung, ta đọc nhiều, học nhiều, tu nhiều, nhưng vẫn nên đề nghị tự hỏi: có còn ý muốn sống thật hay không? Đức Phật là người chỉ ra sự thật. Giáo Pháp là sự thật. Chư Tăng truyền bá sự thật. Quy y Tam Bảo là quay về nương tựa Ba Ngôi Báu, đã Báu thì ắt hẳn "chân thật bất hư". Sống thật là con Phật. Sống không thật thì không là con Phật. Thiển ý nông cạn, giản đơn theo chủ quan. Mượn lời xưa Thánh Hiền để trình bày ý cá nhân, là điều nên cũng đặng và không nên cũng đặng trong một vài trạng huống. Thôi thì, sống thật theo khả năng cho phép của bản thân, miễn không đày đọa cực đoan là được.
Tâm Cung