Đến cửa chùa rũ bỏ trần duyên tính xấu
Vào điện Phật giữ gìn mối đạo tâm lành.
Bài viết
Ý niệm
Cập nhật: 22/12/2018
Ở chùa, chúng ta thường nghe những câu nói rất quen thuộc như: “tu để thân, khẩu, ý được thanh tịnh”. Sao không là câu nói khác như: “tu để không già, không khổ…”. Xin thưa, vì rằng điều gì cũng có lý do riêng của nó. “Tu để thân, khẩu, ý được thanh tịnh” - câu nói trên tuy đơn giản nhưng khó có thể thực hiện được trọn vẹn. Trong đây, quan trọng nhất đó là ý, nó là chủ nhân dẫn chúng ta đến an lạc hay đau khổ. Nên trong kinh Pháp Cú bài kệ 1 và 2 nói rằng:
Ý làm chủ các pháp
Ý làm chủ ý tạo
Nếu với ý ô nhiễm
Nói lên hay hành động
Khổ não bước theo sau
Như xe chân vật kéo.
Ý làm chủ các pháp
Ý làm chủ ý tạo
Nếu với ý thanh tịnh
Nói lên hay hành động
An lạc bước theo sau
Như bóng không rời hình.
Bài kệ cho ta thấy được mọi việc đều do ý dẫn đầu, ý làm chủ. Sáng thức dậy, chúng ta phải đi đánh răng, rửa mặt… Ít ai biết được nguồn gốc từ đâu mà ta làm việc ác hay việc thiện. Chúng ta quên rằng hằng ngày chúng ta tích tụ trong ý nghĩ những cái gì. Trên thực tế, đa số mọi chúng ta đều mắc phải ý ô nhiễm. Một người đang sống trong cuộc sống đau khổ thì họ sẽ luôn tìm cách để được hết khổ. Còn người sống trong cuộc sống giàu sang thì họ tìm đến dục lạc. Chúng ta sống trong cuộc sống khá nhiều dục vọng, chúng luôn luôn đeo bám tâm ý của chúng ta. Cho nên, ý ô nhiễm đều do sự tích tụ hằng ngày mà ta gieo vào nó.
Trái với ý ô nhiễm chính là ý thanh tịnh. Để đạt được những ý thanh tịnh, chúng ta phải đoạn trừ những ý ô nhiễm. Ngày ngày chúng ta phải quán chiếu và kiểm soát từng cử chỉ của ý, không để cho một ý ô nhiễm nào có thể xen vào. Để làm được việc đó chúng ta phải có sự công phu tu tập vững vàng, tránh xa các việc ác, trau dồi các việc thiện. Khi ý được thanh tịnh thì mọi khổ đau sẽ không còn xuất hiện nữa, thay vào đó là an lạc thân và tâm.
Tóm lại, ý là nguyên nhân chính đưa chúng ta đến hạnh phúc và khổ đau. Khi ý còn ô nhiễm thì khổ đau sẽ không bao giờ mất. Cho nên, người Phật tử cần phải thanh lọc tâm ý của mình bằng sự tu sửa hằng ngày. Mỗi ngày mỗi lọc đi một ít việc xấu của thân, khẩu, ý. Cái chính của việc tu tập chính là làm cho thân, khẩu, ý được thanh tịnh. Có nhiều Phật tử lúc nào cũng tụng kinh niệm Phật mà khi đụng vào thì phát ra những lời nói không hay, những hành động không tốt, đó là đi sai với đạo. Chúng ta tu sửa thế nào để khi mọi người gặp mình đều sanh tâm hoan hỷ, lời nói của mình làm cho họ nhẹ nhàng thoải mái. Chứ không phải càng tu mọi người càng thấy sợ. Ý được thanh tịnh thì mọi hành động của ta đều được trang nghiêm thanh tịnh. Đây là cốt lõi của việc tu hành.