Bài viết

Xoay vòng

Cập nhật: 04/03/2020
Niềm hạnh phúc lớn lao của các cặp vợ chồng khi lấy nhau, đó là ngày biết được tin người vợ đã có thai. Nó là nguồn sống, là hy vọng, là hơi ấm để tạo ra nguồn sống lớn lao cho gia đình. Dần dần theo thời gian, là các niềm vui khác khi em bé được chào đời, lớn lên… Cha mẹ là người chứng kiến sự lớn lên và trưởng thành, cũng như giúp đỡ cho con cái bước vào đời.
 

Xoay vòng

 

Bên cạnh việc chăm lo cho gia đình, họ còn phải làm việc vất vả để chăm sóc cho con cái. Từ lúc con còn trong bụng mẹ cho tới ngày lớn khôn, dựng vợ, gả chồng, hai đấng sinh thành đã dày công, chịu muôn phần khó khổ, gian nan để dành cái ngọt bùi cho con. Trong kinh Phật Thuyết Như Vậy thuộc Tiểu Bộ Kinh, đức Phật có dạy: “Phạm Thiên, này các Tỷ-kheo, là đồng nghĩa với mẹ cha. Các đạo sư thời xưa, này các Tỷ-kheo, là đồng nghĩa với mẹ cha. Đáng được cúng dường, này các Tỷ-kheo, là đồng nghĩa với mẹ cha. Vì cớ sao? Giúp đỡ rất nhiều, này các Tỷ-kheo, là mẹ cha đối với con cái, nuôi chúng lớn, dưỡng dục chúng, giới thiệu chúng vào đời”.

Để có thể chăm lo cho con cái, đôi khi cha mẹ còn không nghĩ tới tội lỗi, như trong kinh Báo Đáp Công Ơn Cha Mẹ có ghi: “Dầu phải mang nghiệp chướng cũng cam. Tính sao có lợi thì làm, chẳng màng tội lỗi bị giam bị cầm…”.

Việc làm của các bậc làm cha, làm mẹ như vậy còn dễ thấy. Nhưng các công việc làm của hàng xuất gia thì không dễ thấy được như vậy. Thời Phật còn tại thế, các Thầy Tỳ-kheo phải sống bằng cách đi khất thực từng nhà, do vậy không tránh khỏi các lời gièm pha từ xã hội, như đức Phật đề cập trong kinh Phật Thuyết Như Vậy: “Này các Tỷ-kheo, nghĩa này là nghề tận cùng trong các nghề nuôi sống, tức là đi bát khất thực; này các Tỷ-kheo, danh từ mắng nhiếc ở trong đời là nói rằng: ông là kẻ đi bát, với bát cầm tay, ông đi khắp mọi nơi”.

Lẽ dĩ nhiên, lý tưởng của người xuất gia không phải như vậy, không phải vì miếng cơm, manh áo, không vì cầu lợi dưỡng, cung kính, danh vọng mà cạo tóc, xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Trong kinh Tiểu Bộ, đức Phật có dạy: “Này các Tỷ-kheo, thiện nam tử này xuất gia như vậy, tham ái trong các dục, với lòng tham sắc sảo, với tâm sân hận, ý tư duy nhiễm ác, thất niệm, không tỉnh giác, không định tĩnh, tâm tán loạn, với các căn hoang dại. Này các Tỷ-kheo, như một que lửa lấy từ chỗ thiêu xác, cả hai đầu đều cháy đỏ, ở giữa lại lấm phân, không hoàn thành được mục đích làm que củi ở trong làng hay ở trong rừng. Này các Tỷ-kheo, Ta nói người này như ví dụ như vậy, dầu cho bỏ tài sản gia đình nhưng không làm viên mãn mục đích Sa-môn hạnh”.

Người xuất gia có lý tưởng của riêng mình, không có nhiều người biết được điều đó! Họ được dạy: Hãy là người thừa tự pháp, không thừa tự tài vật. Về việc đi khất thực, đức Phật dạy trong kinh Tiểu Bộ: “Tuy vậy, chính nghề nuôi sống này được các thiện gia nam tử chấp nhận, những người sống vì lý tưởng, vì duyên sống với lý tưởng, không bị thúc đẩy làm nghề ấy vì sợ vua, vì sợ ăn trộm, vì mắc nợ, vì sợ hãi; không phải vì mất nghề nuôi sống, nhưng vì nghĩ rằng: nay ta bị rơi vào sanh, già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não, bị khổ tràn đầy, bị khổ chinh phục; rất có thể, một số phương pháp chấm dứt toàn bộ khổ uẩn này có thể trình bày”.

Với mong muốn vượt ra khỏi sự xay vòng của bánh xe luân hồi, ngõ hầu với trí tuệ có thể phá tan được vô minh, thấy được chân lý, mà người thiện gia nam tử chấp nhận nuôi sống bằng nghề khất thực – việc làm mà ba đời chư Phật đã làm và sẽ làm.

Tâm Hoạch

Tin tức liên quan

THEO BỤT TA ĐƯỢC GÌ?
18/10/2024
NGUYỆN THOÁT KHỎI TAI ƯƠNG
16/09/2024
NGƯỜI TU THẬT – TUYỆT ĐẸP
10/09/2024
CHÙA TO – PHẬT LỚN
03/09/2024
Trên ngực con đượm buồn màu bông trắng…
13/08/2024