Bài viết

Walk with me: Thong dong cùng thiền

Cập nhật: 08/03/2018
Bộ phim không đi theo một số quy tắc làm phim thông thường và gần như không có kịch bản cụ thể. Nhưng chính cái phi cấu trúc đó lại đúng với tinh thần của thiền sư Thích Nhất Hạnh khi viết cuốn Nẻo Về Của Ý năm 1966.
 

Walk with me: Thong dong cùng thiền

 

Chậm rãi và thong thả

Trong lời tựa viết cho sách vào năm 2006, thiền sư Thích Nhất Hạnh cho rằng “Hãy tưởng tượng một con đường lên núi theo hình trôn ốc và người leo núi đi rất thảnh thơi, không có cảm tưởng mình đang leo núi, quên rằng mình đang leo núi. Đường có hoa thơm cỏ lạ. Đến đỉnh núi nhìn xuống mới biết mình đã leo tới đỉnh núi. Khi đi xuống cũng vậy, mình đi theo con đường trôn ốc xuống núi. Cấu trúc của sách Nẻo Về Của Ý cũng thế, không thật sự là một cấu trúc nhưng cũng là một cấu trúc. Bốn mươi năm trước tôi đã viết Nẻo Về Của Ý như thế, không có chút dụng công. Ngòi bút rong chơi chốn núi đồi…”

Walk With Me được kể theo cách: Lời dẫn chuyện được lấy ra từ những ngôn từ đắt nhất trong cuốn Nẻo Về Của Ý, còn bối cảnh và hình ảnh thì điểm xuyết một vài sinh hoạt đời thường và những hoạt động điển hình liên quan đến việc tu tập tại Làng Mai. Không kịch bản. Không nhân vật chính. Thật quá khó để diễn tả bằng ngôn ngữ phim ảnh, chỉ trong gần 90 phút, toàn bộ tinh thần Làng Mai và cốt tủy pháp môn của Làng Mai. Do đó, những ai mong cầu qua bộ phim này sẽ hiểu về cuộc đời và thành tựu của thiền sư Thích Nhất Hạnh thì sẽ thất vọng. Mọi thứ đan xen nhau chậm rãi, thong thả, góp nhặt dưới sự liễu ngộ của chính người làm phim.

Vui sống với lẽ vô thường

Phim có nhiều khung hình cận cảnh, thậm chí đại cận, như đặc tả nhà sư nhìn những con kiến chơi đùa trên các xớ chiếu bông, những con bọ cánh cam chạy đâu đó trên sàn gỗ, hai bàn tay của một vị sư đang để trên bụng cảm nhận nhịp thở, rồi chú rùa, cánh bướm nhiều màu sắc đậu trên một đài hoa khô… xem phim có cảm giác như người làm phim chẳng bận tâm công việc cứ rong chơi, kiểu như xách cái máy quay đi lang thang, thấy cái gì đẹp thì ghi lại thật tỉ mẩn và đầy mỹ cảm… tất cả những điều này đòi hỏi một trái tim biết thấy những điều nhỏ nhặt vốn dễ bị lãng quên trong đời sống thường nhật. Tinh thần này chính là điểm cốt lõi trong cuốn Nẻo Về Của Ý, mà ở đó thiền sư Thích Nhất Hạnh mô tả chi tiết bông hoa, chiếc lá, con châu chấu, cánh bướm,… tinh thần đó là tinh thần của một đời sống chánh niệm – làm việc gì biết mình đang làm việc đó, biết ta đang rửa chén, biết ta đang nấu ăn; nhìn thật sâu lắng nghe thật kỹ, thấy mùa đông là sự chuẩn bị cho mùa xuân, thấy sự thay đổi, sự vô thường chính là cuộc sống và vui sống với nó.

Những âm thanh vi diệu

Âm thanh là một yếu tố gây ấn tượng mạnh mẽ trong Walk With Me. Từ những tiếng động thật trong sinh hoạt thường nhật và tu tập, những cuộc trò chuyện đến tiếng chuông tỉnh thức cứ mỗi 15 phút vang lên để ai đang làm gì cũng phải dừng lại, rồi tiếng đánh đại chuông vang trong mưa gió, tiếng đàn, tiếng hát, tiếng ngâm các bài kệ của thân Tăng Làng Mai… đặc biệt là những đoạn im lặng, rất im lặng, chỉ có thanh âm của thiên nhiên. Im lặng là âm thanh của tần số vi tế nhất, mà ở Làng Mai gọi là im lặng hùng tráng – “Noble silence”. Đó là pháp âm. Pháp âm có khả năng làm cho tạp âm, tà âm biến mất. Pháp âm có khả năng giúp con người tỉnh thức và giác ngộ.

Thấy núi như thấy pháp

Sau nhiều đoạn chuyển cảnh khá gắt, cảm giác các cảnh không liên quan gì nhau, cho đến cảnh cuối thì người xem mới cảm ngộ rằng hóa ra Walk With Me có một kết cấu chắc chắn. Mở đầu phim là lời dẫn chuyện bằng câu hỏi tu từ “[…] vẫn biết giận dỗi, vẫn thích được ngợi khen, vẫn sẵn sàng khóc cười. Nhưng ở dưới đáy những cái đó còn có gì nữa? Có hay không? Nếu có, sao ta lôi nó lên không được. Nếu không, sao ta cứ đinh ninh rằng có?”. Mở ra như thế, rồi bỏ ngỏ, rồi đi lang thang và rủ rê người xem cùng đi với mình – Walk With Me. Để rồi kết phim là hình ảnh “tôi trỗi dậy và ngồi trong tư thế tham thiền suốt đêm đó. Không còn gì hết, chỉ có sự vững chãi và an tĩnh. Tôi ngồi như một trái núi và miệng tôi mỉm cười”.

Cấu trúc như thế thì hóa ra không cấu trúc mà có cấu trúc. Hành trình từ sự hoài nghi không biết đến sự tỉnh thức. Hành trình đó làm gì có cấu trúc, có kế hoạch, có kịch bản? Trong đạo Phật, hình ảnh trái núi vững chãi được hiểu là cái như như, là sự giác ngộ. Thấy núi như thấy pháp. Nhưng pháp ở đâu? Trong cuốn Người Vô Sự, tác giả Thích Nhất Hạnh viết: “Cái chứa đựng pháp là tâm của ta”.

Vì lẽ đó, với những ai đang đi tìm sự bình an nội tại, có lẽ thấu cảm Walk With Me dễ dàng hơn.

Bùi Lan Xuân Phượng

Trích Báo Tuổi Trẻ ngày 08/03/2018

Tin tức liên quan

Lễ kỷ niệm 12 năm thành lập nhóm Hộ Pháp
11/01/2024
Trùng Sinh Ân Nặng
22/06/2023
Nâng Niu Cảm Xúc
17/06/2023
Có Phật đời bớt khổ
27/05/2023
Người hiền sống trong tỉnh thức
13/05/2023