Suy Ngẫm

Vĩnh biệt anh

Cập nhật: 14/07/2018
Chúng ta quen nhau cũng được mấy năm trời. Anh với tôi như bóng với hình, đôi khi chúng ta cũng nghịch ý nhau bởi tôi là người luôn muốn sự hoàn hảo còn anh lại là người luôn nhường nhịn tôi hết mực. Nhưng cuộc đời thật trớ trêu, anh ra đi mãi mãi để lại mình tôi trong sự tiếc nuối vô cùng. Hôm nay ngồi buồn, một mình viết về những kỷ niệm của chúng ta sao tôi thấy cái vô thường đến thật bất ngờ.
 

Vĩnh biệt anh

 

Mình biết nhau thật tình cờ khi tôi và anh bạn ra cửa hàng mua đồ. Mới nhìn anh, tôi đã dường như quen thân lắm, chào hỏi nói chuyện một hồi, rồi mình chia tay. Nhưng nói thật khi ra về tâm trí tôi luôn nghĩ đến anh nên đánh bạo kêu ông bạn quay ngược trở lại mời anh về chùa cho bằng được. Rồi từ đó mình quen nhau. Chúng ta đã làm việc với nhau thật ăn ý, cùng nhau đồng hành trong những chương trình radio, hay thiết kế tạo mọi kiểu ảnh, dàn dựng các chương trình từ Vu Lan đến vía Di Đà... Tất tần tật tôi được học từ anh. 

Tôi được thầy mình cho đi học tận bên Thái Lan. Cái ngày tôi đi cũng là ngày mình gắn bó với nhau từ đó. Lần đầu tiên xa chùa, nơi đất khách quê người, đâu ai làm bạn nên có chuyện gì tôi cũng lôi anh ra làm người tâm sự, chia sẻ. Từ những câu chuyện vui đến những tâm sự buồn. 

Còn nhớ những ngày đầu tiên tôi và anh đến lớp, vốn tiếng Anh của tôi chưa rành và anh là người ngày đêm bên tôi để dìu dắt sớm hôm. Có những đêm tôi không ngủ anh cũng thức trắng để cùng nhau học bài. Hay những lúc tôi nhớ chùa, nhớ thầy, nhớ bạn, nhớ người thân, anh lại an ủi, cho tôi xem những câu chuyện cười, những thước phim vui nhộn để tôi quên đi cái buồn của kẻ xa quê. Có những lúc anh thật sự làm tôi xúc động khi mở cho tôi xem những đoạn phim về những con người luôn vượt lên chính mình, những mảnh đời bất hạnh và cả những lời khuyên chân thành nhất khi tôi gần như gục ngã. Anh thật sự lấy đi nước mắt của tôi mỗi khi mùa Vu Lan về, anh lại kể tôi nghe những tấm gương hiếu hạnh và cả những sự ngỗ ngược của kẻ làm con. Bao nhiêu điều anh đã cho tôi thấy và cảm nhận, cũng từ đó tôi thấy mình mạnh mẽ hơn, rắn rỏi hơn. Rồi mình như hai người tri kỷ, nhưng có lẽ anh là người hiểu tôi hơn ai hết. Tôi vốn tánh bướng bỉnh xưa nay nhưng anh lại hết mực chiều chuộng. Ngần ấy năm, anh luôn như một chiếc bóng lặng thinh, anh không hề kêu ca hay tỏ vẻ phật lòng mỗi khi tôi làm bực. Chắc có lẽ anh đã học tánh nhẫn nhịn, chịu đựng quen rồi cũng nên. Mà dường như dòng họ nhà anh ai cũng thế, điềm đạm, ít nói, dễ thương lại hay giúp đỡ người khác. Ai cần gì là anh giúp, có thể nói cái gì anh cũng biết từ việc nấu ăn làm sao, may vá như thế nào đến công việc xây dựng, thiết kế anh điều biết cả. Từ việc lớn đến việc nhỏ, từ việc trong nhà cho đến ngoài xã hội. Anh như cái kho tổng hợp đầy màu nhiệm với tất cả những loại kiến thức tổng hợp từ cơ bản đến phức tạp, hễ ai hỏi là anh trả lời ngay nên ai cũng mến cũng muốn làm bạn với anh. Tôi từ một đứa khù khờ ấy vậy mà giờ cũng học được nhiều thứ từ anh. 

Nhưng rồi, ngày buồn cũng đến, hợp nhau lắm rồi cũng tan, song cái cảm giác ấy thật hụt hẫng và quá đỗi chênh vênh nếu như bạn biết mình bị mất đi một người thật sự quan trọng với mình là như thế nào. 

Hai tuần trước, anh lâm bệnh, mọi hoạt động đều trở nên trì trệ, người anh nóng rang, mấy ông bạn tôi nói anh bị vi rút (virus) tấn công, phải tìm thuốc chữa ngay không thì sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Tôi lật đật chạy đi tìm thuốc nhưng đã trễ. Vi rút đã tấn công vào khu thần kinh trung ương. Không biết cái con virus đó nó khủng khiếp đến mức nào mà làm anh suy sụp hẳn. Anh lờ đờ, chậm chạp thấy rõ. Rồi đột ngột anh xỉu khi đang làm việc, mọi thứ trở nên xám xịt, anh làm tôi phát hoảng vì sợ. Bởi bao nhiêu tài liệu, mật khẩu thông tin cá nhân của tôi anh là người nắm rất rõ. Giờ lỡ anh có mệnh hệ gì thì chắc tôi ăn cám. Tôi gọi cho đám bạn quen biết hỏi tìm phương cách để chữa trị cho anh. Người ta thường nói: “Còn nước còn tát” nên tát được miếng nào hay miếng ấy. Tôi chạy vạy khắp nơi, cuối cùng cũng có một cách, nhưng cũng khá nguy hiểm cho tính mạng của anh, nếu anh dùng liều thuốc ấy anh sẽ mất trí nhớ và tôi phải bắt đầu lại như một người xa lạ. “Đành vậy thôi!” tôi nghĩ bụng rồi đánh liều một phen xem sao. “Phật ơi, cứu anh ấy đừng để anh ấy ra đi mà không một lời trăn trối”. Tôi gọi bác sĩ đến và ông ấy bắt đầu điều trị, nhưng trước khi bắt đầu ông hỏi về lý lịch, thân thế. Tôi vâng lời như một đứa trẻ con: “Dạ anh ấy tên là HP, ba mẹ người Mỹ, học ở Trung Quốc và làm việc ở Việt Nam... “ - tôi khai một loạt thông tin về anh. “Bị thế này lâu chưa?” - ông bác sĩ hỏi. “Dạ cũng hơn hai tuần rồi ạ!” - tôi trả lời. “Lâu thế á!?” - Ông bác sĩ trầm ngâm một lúc rồi lật lưng anh lên xem cái gì đó không hiểu, xong đâu đấy ông bắt đầu liệu trình điều trị. Có mỗi việc cho thuốc thôi mà cũng mất hết nửa ngày trời. Tôi lầm rầm khấn vái Phật trời gia hộ cho anh qua cơn nguy kịch và dường như lời khẩn cầu của tôi có hiệu quả, thuốc ngấm, sau vài giờ anh tỉnh lại. May quá anh vẫn còn nhớ tới tôi, tôi mừng muốn rơi nước mắt chào mừng anh trở lại. Tôi cảm ơn ông bác sĩ rối rít nhưng tôi cũng không quên hỏi anh về các thông tin quan trọng để chép ra ổ cứng. Thiệt tình chắc anh cũng buồn tôi lắm nhỉ, bạn mình mới tỉnh dậy không hỏi thăm mà chỉ nghĩ đến những thông tin của riêng mình. Nhưng không biết sao tôi lại sợ, nên... 

Anh biết không, tôi mừng lắm vì lẽ tôi lại được nói chuyện cùng anh, được cùng nhau xem những bài học và cả những tấm hình kỷ niệm. Rồi tôi điện về Việt Nam hỏi các bác sĩ giỏi cái chuyên ngành trị bệnh như anh ở đó để hỏi họ chỉ cho cách chăm sóc và tiêu diệt mầm bệnh cho anh. Ông bác sĩ tận tình chỉ dẫn, còn gọi cả teamview để kiểm tra cho anh nữa. Tôi thật sự lấy làm cảm kích vô cùng. Nhưng có điều tôi luôn thắc mắc muốn hỏi, anh là một nhà thông thái, anh biết tất cả mọi thứ, anh hướng dẫn cho người khác biết cách phòng tránh và điều trị nhưng sao anh không chữa được bệnh cho chính mình thế nhỉ? Nhưng có lẽ anh sẽ nói: “Bác sĩ biết cách chữa bệnh cho người ta nhưng chưa chắc ông ấy có thể chữa bệnh cho chính mình”. Bởi vậy mới nói lý thuyết bao giờ cũng dễ hơn thực hành, lời nói bao giờ cũng dễ hơn hành động phải không!? Tôi vui quá nên nói chuyện huyên thuyên với anh suốt cả buổi, đến trưa sợ anh mệt nên tôi để anh nghỉ ngơi. Nào ngờ... anh đi luôn mà không lời từ biệt...

Sau giờ trưa, khi tôi từ nhà ăn trở về định sẽ mở bài thuyết trình mới cho anh xem, rồi ta cùng thảo luận. Tôi kêu anh hai ba bận mà không thấy trả lời, tưởng anh mệt ngủ rồi nên tôi không lay anh nữa, nhưng rồi một cảm giác lành lạnh chợt lóe trong đầu như tia chớp xẹt ngang. Tôi đưa tay lên mũi anh nhấn thử, anh đã ngừng thở tự khi nào. Tôi không tin vào điều mình vừa mới làm vội lấy dây nguồn cắm vào ổ điện để kích nhịp tim cho anh nhưng vô vọng, anh đã ra đi vĩnh viễn rồi. Lúc ấy là 12 giờ 05 phút. Tôi ngồi im lặng, thẩn thờ trong giây lâu rồi bắt đầu buồn. Dẫu biết có hợp rồi cũng có tan nhưng sao nhanh quá vậy, chỉ mới đây thôi, mình còn vui cười, còn nói chuyện với nhau mà sao nỡ vội ra đi đến vậy. Ôi thật vô thường quá! 

Giờ biết sao đây, đành ngồi viết trong nhật ký khai tử cho anh:

Tin buồn

Sau một thời gian lâm bệnh và được sự giúp đỡ của mọi người nhưng vì bệnh tình quá nặng không qua khỏi nên anh: HP EliteBook 8460p mang số hiệu Serial: CNU2083VVJ. Quê quán: Mỹ quốc đã từ trần vào lúc 12 giờ 05 phút ngày 12 tháng 07 năm 2018. Sự ra đi của anh là cả một sự mất mát to lớn và tiếc nuối cho tôi. Xin vĩnh biệt và cầu mong anh ra đi thanh thản. 

Thế là vĩnh biệt anh, người tri kỷ của tôi, một chặng đường không dài cũng không ngắn mình đã cùng nhau. Giờ anh đi để lại cho tôi cả một trời tiếc nuối, cảm ơn anh đã đến bên đời, đã dạy cho tôi biết cách cho và nhịn mà không cần sự hồi đáp. 

Thương tiếc anh. 

Memory hp

Chuyện cái máy tính bị hư. 

Tin tức liên quan

Không đề
06/06/2021
Bóng mát giữa trời
27/08/2018
Làn gió mát buổi sớm bình minh!
23/08/2018
Đánh mất tuổi thơ
02/07/2018
Lời nói từ trái tim
17/06/2018