Suy Ngẫm

Viết cho ngày của mẹ

Cập nhật: 28/12/2011
Mẹ ơi, mấy hôm nay trời Sài Gòn nóng lắm! Cái nóng như trêu ngươi mọi người ở đây, khó chịu lắm! Nhưng chợt nhớ cái nóng đổ lửa quê mình. Cái nóng ở đây làm sao sánh bằng cái nóng khủng khiếp khi sang hè ở quê mình mẹ nhỉ! Vậy mà mẹ đã chịu cái nóng như vậy biết bao nhiêu năm ngả trên mái tóc rồi.
 

Viết cho ngày của mẹ

 
 
Phải như con sống ở một vùng núi tuyệt đẹp, một thung lũng hoành tráng hay một vùng sông nước mênh mông, con sẽ có nhiều điều để tả hay kể cho mẹ nghe hơn và mẹ sẽ dễ hình dung hơn. Đằng này con lại ở một nơi toàn là nhà với nhà, công sở chen chít công sở. Khi ở miền quê, miền núi con có thể kể những công việc con sẽ làm như hái hoa, hái quả hay tắm sông suối cho mẹ, chứ công việc của con ở đây toàn là số với số, làm sao mẹ có thể hiểu được. Cũng chính vì nghĩ như vậy mà nhiều lần nhấc bút lên con lại lúng ta lúng túng rồi hạ xuống. “Thôi thì một cú điện thoại cho mẹ cũng được rồi…”, con đã nghĩ như thế đấy!
 
Ngày mai là Ngày Của Mẹ rồi. Chiều hôm nay, con nghe một người bạn tâm sự rằng bạn đang đau buốt lòng vì đã mấy lần Ngày Của Mẹ mà không thể nói với mẹ một lời nào hay mẹ bạn ấy không thể đọc được một dòng nào từ cả đống thư của bạn viết mấy năm nay. Mẹ bạn con mất đã mấy năm nay rồi mẹ à! Như một điều gì đó tác động, con đặt bút xuống ngay. Con sẽ viết thư cho mẹ. Cái nóng ở Sài Gòn sẽ dịu đi bởi dòng suối mát của mẹ ở trong con khi con trải lòng. Và dù những con số con gặp hàng ngày thô kệch cỡ nào đi chăng nữa thì mẹ cũng sẽ cảm nhận được khi con kể. Bởi dẫu sao mẹ cũng đã biết bao lần phải chọn những con đường thô kệch, khúc khuỷu để cho đời con được suôn phẳng.
 
Một vài hơi thở vào, thở ra như mỗi tối con vẫn thở cho mẹ. À không, như mẹ con ta vẫn thở mỗi dạo tối. Mẹ biết không, cứ mỗi lúc khó khăn và khoảng thời gian đau khổ, con lại được sống nhờ hơi thở mà con vẫn thở cho mẹ mỗi tối. À không, con nhầm nữa rồi, hơi thở mà mẹ và con thở cùng nhau mỗi tối. Con sẽ không kể lại những lúc khó khăn đau khổ đó đâu, vì nó đã qua rồi mẹ à, và cũng vì con không muốn mẹ buồn nữa. Vả lại, con cảm nhận được là mẹ luôn biết những gì con đã trải qua phải không mẹ?
 
Hôm rồi, con nghe mẹ kể là dạo này mẹ thấy người khỏe vì đi tắm biển mỗi sớm. Con chợt nhớ lại lúc trước ở nhà, sáng nào mẹ cũng kêu con dậy đi tắm biển nhưng con làm biếng, đi được đôi ba lần. Ở đây không có biển mà cũng không có mẹ nữa. Giờ nghĩ lại con thấy thèm quá mẹ à!
 
Công việc của con dạo này cũng tạm ổn. Cũng nhờ luôn văng vẳng trong đầu con lời dặn dò của mẹ “phải nỗ lực lên” mà con cũng cố gắng được nhiều lắm mẹ à. Con nhớ khi xưa mỗi lần mẹ nhắc nhở hay la mắng gì là con lại đăm đăm trong đầu, có bao giờ chịu nghe đâu. Tới khi xa mẹ rồi, con lại thèm những tiếng la mắng ấy quá. Cho nên giờ cứ mỗi lần nghe mẹ dặn dò hay la mắng là y như rằng những lời đó được thâu âm rõ mồn một trong con. Chợt nhớ chuyện chú Thọ - em con - dù đã khoác áo nâu sồng nhưng khi về thăm nhà, mắc lỗi vẫn bị mẹ phạt quỳ và răn dạy bằng roi mà con lại cười. Chú Thọ lúc đó còn cười tươi hơn con lúc này. Hay thật mẹ ơi, dù tụi con có là ai, có lớn cỡ nào thì với mẹ, tụi con vẫn còn nhỏ lắm:
 
“Con dẫu lớn vẫn là con của mẹ
Đi suốt cuộc đời mẹ vẫn theo con…”
 
Con nhớ khi còn nhỏ, mỗi lần tới lễ Vu Lan, y như rằng cả nhà mình lại khóc. Mẹ có nhớ đó là lúc nào không? Đó là mỗi khi tụi con tặng quà cho ba mẹ. Tụi con kèm theo những món quà là những lời hứa, và ba mẹ kèm theo lời cảm ơn tụi con là những dặn dò, trăn trở bày tỏ cho tụi con nghe. Cứ thế, nước mắt ai cũng rơi. Kỳ lạ thay! Tụi con tự nhiên lại quỵ gối dưới chân ba mẹ lúc nào cũng không biết. Con cứ nhớ như in, lần nào ba mẹ cũng nói một câu “Những quà tặng của tụi con ba mẹ rất quý. Nhưng ba mẹ quý nhất là con người đạo đức và trưởng thành của tụi con…”. Chợt nghĩ tới việc những vị sư đã mang tấm thân đức hạnh để cúng dường chư Phật, con lại thấy có cái gì đó giống giống mẹ à. Các vị sư là con của Phật, và ba mẹ cũng là Phật của tụi con. Tụi con nên người thì đó là món quà lớn nhất dành cho ba mẹ.
 
Cho đến bây giờ, con vẫn còn day dứt hình ảnh một lần mẹ mở cửa bước đi lang thang. Hồi đó nhà mình đang có chuyện, con lại ham chơi, không lo được gì lại còn làm cho mẹ buồn. Đấy là lúc con đã cãi lại lời mẹ, mẹ buồn lắm và mở cửa bước đi. Một hồi sau con hớt ha hớt hải chạy đi tìm mẹ nhưng không thấy. Con lang thang trên bờ biển, đứt dép, chân túa máu nhưng cái đau của con lúc đó làm sao đau bằng cái đau trong lòng mẹ. Con cứ ngỡ sẽ không thể tìm được mẹ nữa rồi! Mệt mỏi con về nhà thì thấy mẹ đã ở nhà. Mẹ nhẹ nhàng gọi con vào ăn cơm rồi đêm đó mẹ vòng tay quanh người con ngủ… Con nhận ra một điều thật vĩ đại mẹ à, dù trên đời này có bao nhiêu người tốt đi chăng nữa, và dù con có làm nên lỗi lầm lớn thế nào đi chăng nữa thì cũng chỉ có một vòng tay dang rộng đón nhận con sau những lầm lỡ - đó là vòng tay của mẹ.
 
Hôm rồi con đọc lại tập Bông Hồng Cài Áo của Sư Ông Nhất Hạnh, con cứ nhớ hoài cái đoạn khi mẹ Sư Ông mất, sư ông viết “thảm kịch lớn nhất đời tôi đã xảy ra rồi…”. Mẹ biết không, cái ngày đó sẽ thật khủng khiếp với con mẹ à, cũng sẽ là thảm kịch lớn nhất của đời con. Nhưng con sẽ không ngồi yên một chỗ để ngày đó đến đâu, con sẽ luôn cố gắng mỗi ngày để được hưởng “xôi nếp ngọt, đường mía lau” của mẹ. Gần mẹ con sẽ sống trọn từng giây phút, và xa mẹ con sẽ luôn thở cho mẹ để thấy mẹ luôn ở trong con. À không, con lại nhầm nữa rồi, mẹ và con cùng thở chứ. “Xôi nếp ngọt” và “đường mía lau” con sẽ ăn mỗi ngày khi mẹ con ta hòa chung một nhịp thở. Mẹ biết vì sao con lại cứ đính chính là mẹ con ta cùng thở không? Vì con cảm nhận được và con biết được mẹ luôn thở cho con, luôn hướng về con bằng một nụ cười nhẹ nhàng. Con chắc chắn như vậy. Và nếu có ai hỏi tại sao con lại có thể chắc chắn như vậy thì con sẽ trả lời ngay tức thì “hồi nào tôi cũng thấy ngọt ngào…”. Sự thanh thản trong tâm hồn mà con có được chính là cái ngọt ngào mẹ cho con, đúng không mẹ?
 
Mẹ biết không, con làm việc thường đánh máy nhiều, nên bàn tay con làm việc nhiều nhất. Cứ mỗi tối con lại nhìn đôi bàn tay, con thấy mẹ ở trong đó. Con là hình hài của mẹ thì đôi bàn tay con cũng là của mẹ thôi. Thế là con buông thư để nâng niu và chăm sóc cho nó, như nâng niu đôi bàn tay gầy guộc của mẹ vậy. Mỗi lúc như vậy con thấy gần mẹ lắm. Đến lúc đó con thực sự cảm nhận thật đầy đủ điều Sư Ông từng nói “khi nào nhớ mẹ, hãy nhìn bàn tay con cho đỡ nhớ mẹ…”. Và cứ như thế mỗi ngày khi con làm việc, bắt tay vào đánh máy, thì công việc sẽ nhẹ nhàng hơn nhiều lắm. Vì cứ như là bàn tay con được mẹ nắm lấy để đánh máy vậy – như thuở con mới ra đời, mẹ nắm tay con vậy.
 
Viết cho mẹ, viết bao nhiêu cho đủ. Bây giờ đã sang Ngày Của Mẹ rồi mẹ à. Con không thức khuya thêm nữa đâu, phải giữ sức khỏe cho con cũng là cho mẹ nữa, con khỏe thì hơi thở con sẽ nhẹ, mà như vậy mẹ sẽ khỏe. Con sẽ viết cho mẹ thật nhiều nữa. Mẹ biết giờ con sẽ làm gì không? Con sẽ nhìn bàn tay con lần nữa rồi sẽ ru giấc ngủ của con bằng hơi thở của hai mẹ con mình. Dù mẹ vào Sài Gòn thăm con từ lâu lắm rồi nhưng mẹ thấy không, lúc nào mẹ cũng bên con mà. Con cầu chúc cho mẹ sẽ luôn mạnh khỏe để cho con thêm nhiều sự ngọt ngào nữa.
 
Xuân Giác
 

Tin tức liên quan

Không đề
06/06/2021
Bóng mát giữa trời
27/08/2018
Làn gió mát buổi sớm bình minh!
23/08/2018
Vĩnh biệt anh
14/07/2018
Đánh mất tuổi thơ
02/07/2018