Đến cửa chùa rũ bỏ trần duyên tính xấu
Vào điện Phật giữ gìn mối đạo tâm lành.
Bài viết
Vấn đề môi trường
Cập nhật: 20/04/2012
...Môi trường sống là không gian bao quanh chúng ta với các điều kiện khí hậu, tài nguyên, thông tin... tương tác với con người, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của con người và mở rộng ra là đối với toàn thể sinh vật.
Môi trường là một vấn đề lớn với nhiều khía cạnh để quan tâm, song những chia sẻ dưới đây, tôi không phải trong vai một chuyên gia nghiên cứu về môi trường mà cũng trong vai giống như các bạn, tức là cảm nhận của một con người về môi trường, những thách thức không chỉ cho riêng ai! Thách thức được đề cập khá nhiều trên truyên thông là: ô nhiễm, suy thoái môi trường, các thảm họa thiên tai dồn dập, biến đổi khí hậu và nước biển dâng...
Môi trường sống là không gian bao quanh chúng ta với các điều kiện khí hậu, tài nguyên, thông tin... tương tác với con người, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của con người và mở rộng ra là đối với toàn thể sinh vật. Thế nghĩa là, chỉ một thay đổi cực kỳ bé nhỏ của môi trường cũng cho ta những cảm nhận về sự thay đổi này. Bởi nó sẽ tác động trực tiếp đến con người, sinh vật và làm chúng ta thay đổi theo (ta hình dung giữa môi trường và con người được đặt một mũi tên 2 chiều). Thay đổi ấy tích cực hay tiêu cực lại tùy thuộc vào các yếu tố tự nhiên hay do tác động của chính con người.
Ngày nay, khoa học kỹ thuật phát triển, đã bước qua cả thời đại công nghiệp rồi, khoa học mới nhận ra rằng tác động thay đổi tự nhiên của con người thật vô cùng lớn và ngày càng gia tăng. Hẳn nhiên chúng ta không thể vừa muốn sự phát triển, vừa có món ăn ngon hơn, phương tiện sống hiện đại hơn mà không làm tổn hại, thay đổi đến môi trường. Vấn đề là chúng ta nên tác động bao nhiêu là đủ, để chúng ta không tự làm hại chính mình. Các bạn sinh viên dù không theo học về môi trường song tất cả chúng ta nên cùng tìm hiểu về môi trường và sự tương tác với con người, đặc biệt khi các bạn làm kinh tế, bởi môi trường và kinh tế dường như có quan hệ bù trừ. Hãy làm nhà kinh tế có tâm đức! Môi trường không phải của riêng ai đó, ta làm kinh tế rồi thải loại rác thải về với môi trường; điều này cũng giống việc các bạn cùng sử dụng chung một cái nhà vệ sinh song lại không có ý thức tẩy rửa sạch sẽ để người sau khỏi bị ảnh hưởng mà chỉ biết nghĩ đến bản thân mình.
Ta biết rằng, loài người còn một chuỗi thời gian dài nữa để phát triển chứ không dừng lại ở chúng ta hiện tại. Chính trong không gian mở này, con cháu các bạn sẽ sinh ra và nối tiếp các bạn. Nếu hiện tại chúng ta làm biến đổi tiêu cực đến môi trường thì giống như các bạn đang tự tay hại con cháu các bạn tương lai vậy. Các nhà môi trường đề xuất chiến lược về sự phát triển bền vững, còn tôi và các bạn, chúng ta hãy góp tay làm những việc thiết thực để làm dịu lại vết thương môi trường mà chúng ta hay đồng loại đã góp phần gây ra. Công việc càng trở nên ý nghĩa khi chúng ta đang nói chuyện trong ngày mà cả thế giới cùng hướng về môi trường với Giờ Trái Đất.
Giờ Trái Đất là một sự kiện quốc tế hằng năm, hoàn cảnh ra đời của nó có lẽ tôi không cần nói thêm nữa. Giờ Trái Đất ra đời với mong muốn loài người biết chú tâm đến việc tiết kiệm năng lượng, phạm vi hẹp ở đây là tiết kiệm điện năng. Edison phát minh ra đèn điện - một phát minh vĩ đại, một bước ngoặt lớn trong công cuộc điều chỉnh tự nhiên của loài người. Song hành với lợi ích là tiêu cực ẩn mình, nhu cầu của con người về sử dụng năng lượng ngày càng gia tăng, điều đó thúc đẩy công nghiệp năng lượng phát triển nhanh hơn và chưa thấy dấu hiệu nào chững lại. Công nghệ sản xuất điện hiện tại sử dụng than đá, dầu diesel, sức nước (thủy điện) - các tài nguyên mà chúng ta khai thác trực tiếp trong tự nhiên. Các đập thủy điện mọc lên như nấm trên các con sông làm hủy hoại cảnh quan môi trường, gây ra tai biến môi trường và những thảm họa sinh thái khó lường. Đập thủy điện cũng được xem là thủ phạm tiếp tay cho nạn lũ quét (các trận lũ lớn xảy ra tại các tỉnh miền Trung được cộng hưởng bởi sự điều tiết xả lũ không hợp lý).
Ở nước ta, than đá (loại nhiên liệu hóa thạch) được đẩy mạnh khai thác phục vụ cho nhiệt điện và xuất khẩu. Loại nhiên liệu hóa thạch này hình thành trong lòng trái đất qua hàng triệu năm mới có được như ngày nay. Tuy nhiên, với tình hình khai thác như hiện nay, tốc độ khai thác vượt quá khả năng tự phục hồi của môi trường. Điều đó dẫn đến việc tài nguyên loại này sẽ sớm cạn kiệt. Và, trong khi loài người chưa thể tìm ra nguồn năng lượng thay thế, thế hệ con cháu chúng ta sẽ phải gánh chịu một cuộc khủng hoảng năng lượng tồi tệ. Hơn thế nữa, ngành điện được xem là ngành phát thải khí CO2 lớn nhất gây “hiệu ứng nhà kính”, làm trái đất nóng dần lên, dẫn đến những thảm họa môi trường mà con người không lường trước được (biến đổi khí hậu bất thường, nước biển dâng cao,...). Một giờ ngắn ngủi tuy không thay đổi được toàn bộ khung cảnh môi trường thực tại, song nó mang trong mình thông điệp lớn lao, đậm tính nhân văn.
Chúng ta cảm nhận hệ thống môi trường như một chiếc võng đung đưa, nó chẳng bao giờ đứng im, qua vị trí cân bằng rồi lại lao nhanh về hai đầu. Các bạn có thấy ở gần vị trí cân bằng (tức vị trí võng đứng im), chúng ta có cảm giác an toàn nhất không? Nếu môi trường là chiếc võng, thì các bạn là đôi tay đưa võng vậy!