Đến cửa chùa rũ bỏ trần duyên tính xấu
Vào điện Phật giữ gìn mối đạo tâm lành.
Bài viết
Tứ nhiếp pháp
Cập nhật: 05/01/2020
Tu hành, lợi tha, nhiếp hóa chúng sanh là hạnh nguyện của Bồ-tát. Đức Phật ra đời với mục đích cứu chúng sanh ra khỏi vòng sanh tử luân hồi. Người học Phật, theo dấu chân Phật, tất nhiên phải học và hành những gì đức Phật đã để lại trong tạng kinh, luật, luận. Chính vì lẽ đó, không nên quá chú trọng đến mình mà quên người, không nên chỉ giác ngộ cho mình mà không tìm cách giác ngộ cho người. Mình với người như một. Càng tự lợi chừng nào lại càng đi ngược với sự tu hành chừng ấy. Trái lại, càng hy sinh cho người lại càng mau giác ngộ.
Đức Thế Tôn có vô lượng phương pháp cứu độ chúng sanh, chúng ta muốn áp dụng phương pháp nào cũng được. Song muốn có kết quả, ta phải tùy theo căn cơ, hoài bão của mỗi người mà lựa chọn pháp môn tu tập thích hợp. Trong vô lượng pháp môn, Tứ nhiếp pháp là phương pháp rất thực tiễn cho hàng ngũ xuất gia và tại gia. Tứ nhiếp pháp là gì? Tức là bốn phương pháp lợi tha để nhiếp phục chúng sanh quay về với Phật pháp. Bốn phương pháp đó là: bố thí nhiếp, ái ngữ nhiếp, lợi hành nhiếp, đồng sự nhiếp.
Đây là bốn phương pháp thu phục, đưa chúng sanh từ vô minh phiền não trở về giác ngộ giải thoát, từ khổ đau trở về an vui, từ sinh tử trở về Niết-bàn, từ tà kiến sai lầm trở về chánh kiến mà đức Đạo Sư dạy cho các hàng đệ tử của Ngài, nhất là đối với những người đang đi trên lộ trình tu nhân học Phật, để hướng dẫn chúng sanh đi vào đạo một cách dễ dàng và nhẹ nhàng, về cả hai mặt tinh thần lẫn vật chất.
Chúng ta biết rằng, theo nhân quả, người hay bố thí sẽ được hưởng quả giàu sang phú quý; nếu gian tham, keo kiệt sẽ chịu nghèo đói, khó khăn. Nhưng tùy tâm lượng của chúng ta khi bố thí mà kết quả hưởng được khác nhau. Nói cho cùng, mọi khổ sở, đau thương trên cuộc đời này đều xuất phát từ lòng tham, ích kỷ của con người mà ra. Từ tham lam đưa đến sân hận, gây ra hậu quả không lường. Cho nên, nếu chúng ta chỉ biết giữ lợi ích cho riêng mình, thì ngay chính mình, gia đình và xã hội sẽ mãi còn chìm đắm trong khổ đau. Chỉ khi nào ta mở lòng ra bố thí, thì lúc ấy sẽ được an vui, hạnh phúc. Sự thiếu thốn về vật chất làm con người đau khổ, nhưng sự nghèo nàn về tinh thần càng làm họ thấy bất hạnh hơn. Do đó, chúng ta cần đem những lời dạy của đức Phật, những dòng sữa pháp ngọt ngào tưới tẩm vào tâm hồn họ, để được thấm nhuần mà bớt khổ. Nhưng phải tùy theo căn cơ, trình độ mà lập phương tiện giáo hóa, cũng như tùy vào người bệnh mà cho thuốc uống vậy.
Cũng thế, trong cuộc sống hằng ngày, mọi người cần sử dụng ngôn ngữ khi giao tiếp. Khi muốn bày tỏ ý kiến, quan điểm hay tâm sự một việc nào đó, chúng ta cần dùng lời nói cảm thông, để họ được mát lòng, đó gọi là ái ngữ. Nhưng ta cũng biết rằng, ngôn ngữ là con dao hai lưỡi, có thể an ủi xoa dịu nỗi đau cho người khác, thì ngược lại nó có thể làm tổn thương giữa mình và người. Nếu đôi mắt là cửa sổ tâm hồn, thì ngôn ngữ chính là chỗ biểu hiện của tâm hồn ấy. Vì sao nói như vậy? Bởi lời nói có thể biểu hiện được tư cách, trí tuệ, đạo đức và đời sống nội tâm của người đó. Cho nên, ta cần dùng lời nói làm phương tiện để dẫn dắt mọi người hiểu biết, mà đến với đạo nhiều hơn.
Lợi hành nhiếp là những hành động làm lợi ích cho một người hay nhiều người, sau đó đưa họ về với đạo lý.
Đồng sự nhiếp là hòa mình vào, cùng việc làm, hoàn cảnh, cùng chia bùi xẻ ngọt với người, sau đó dẫn dắt họ đến với Phật pháp. Cuộc sống hòa mình, cùng chung buồn vui, sướng khổ với người là một nghệ thuật đắc nhân tâm. Nhưng muốn hòa đồng như thế, chúng ta cần có lối sống, phong cách, ngôn ngữ gần giống như người mà mình muốn nhiếp phục. Đây là phương tiện rất cần thiết và thường trực cho những người sống chung, để cùng dẫn dắt nhau tiến đạo.
Tứ nhiếp pháp là bốn phương pháp hay để thuyết phục lòng người, mang tính xã hội rất cao. Nhưng đặc biệt, bốn phương pháp này không phải là công cụ giết người, để thỏa mãn quyền lực và tham vọng, mà là phương tiện để đưa con người trở về con đường chân chánh, giúp người tìm được sự an bình nội tâm, có được lòng từ bi và lợi tha đối với tất cả mọi người.
Tóm lại, Tứ nhiếp pháp là pháp môn phương tiện nhằm nhiếp hóa, cảm phục được lòng người một cách hữu hiệu. Đây là hạnh tu lợi tha của những người có tâm Bồ-tát, muốn hiến dâng cuộc đời mình cho lợi ích chúng sanh, bởi vì “phụng sự chúng sanh là cúng dường chư Phật” vậy.