Truyện ngắn: Mắt Đỏ
Sau khi tìm được chỗ ngồi tàm tạm, tôi gọi một dĩa cơm chay thập cẩm, dĩa cơm được đem ra với những món xào và món mặn nhìn cũng khá ngon, màu thức ăn tự nhiên làm theo cách thuần túy chứ không quá cầu kỳ, vị món ăn cũng khá là vừa miệng. Khi tôi đang ăn những muỗng cơm đầu tiên thì nhìn thấy một vị khách bước vào quán, chú này nhìn trạc gần 50 tuổi, đầu cạo trọc, dáng vẻ trông khá bặm trợn, đen đúa, nhìn gương mặt vị khách, tự nhiên tôi có cảm giác gì đó là lạ không lý giải được. Ông gọi một hộp cơm chay rồi im lặng quay trở ra xe rời đi. Tôi nhìn theo mà trong lòng vẫn chưa thôi những suy nghĩ thắc mắc trong đầu, bình thường, tôi vẫn thấy nhiều người đàn ông thuộc dân anh chị cộm cán ăn chay, nhưng lần này, tôi lại có một ấn tượng khác lạ khi nhìn thấy cặp mắt người đàn ông này. Chỗ tôi ngồi gần với chỗ chị chủ quán đứng bán, sau khi đợi chị rảnh tay, khách đã giãn ra, tôi mới bắt chuyện với chị, câu chuyện cũng xoay quanh người đàn ông lúc nãy.
- Chú đó nhìn dữ tướng mà cũng ăn chay hen chị!
- Ăn chay trường đó em.
- Ồ! Hay vậy chị.
- Nói chung cũng có lý do.
Chị chủ quán nói đến đây rồi im lặng, không nói nữa, chắc chị cũng ngại khi phải nói quá sâu xa về chuyện đời tư người khác ở chỗ đông người nên chỉ nói lấp lửng rồi thôi. Tôi ngầm hiểu nên cũng không khai thác gì thêm. Sau khi ăn xong dĩa cơm, tôi trả tiền rồi mới hỏi chị:
- Em muốn gặp chú đó có được không chị?
- Chị cũng không biết nữa, em vô hỏi thử xem sao, nhà chú đó gần đây, quẹo vô cái hẻm 207, bên đây đường, em hỏi người ta nhà ông Vượng Cầy Tơ là người ta chỉ.
- Dạ em cảm ơn chị!
Kết thúc câu chuyện tại quán cơm, sau khi được chị chủ quán chỉ đường, tôi lên xe rồi chạy theo số hẻm mà chị mới chỉ. Chừng năm phút sau, tôi nhìn thấy cái hẻm 207, chiếc xe quẹo vô con hẻm khá hẹp, đường đi không bằng phẳng vì nhiều chỗ xuống cấp, lõm chõm nước, xe tôi phải lách qua lại nhiều lần để không sụp ổ gà. Chạy được một lúc, tôi dừng lại chỗ cái quán bán nước mía rồi hỏi nhà ông Vượng Cầy Tơ, anh chủ quán bước ra sân, nhìn về phía trước rồi giơ tay chỉ:
- Em chạy thẳng vài căn nữa, thấy nhà có cái sân rộng rộng, nằm bên tay trái, phía trước có tượng Mẹ Quan Âm, nhà ổng đó.
- Dạ em cảm ơn anh!
Vậy là không còn cách bao xa, xe tôi chạy một chút là đến ngay ngôi nhà mà anh chủ quán nước mía vừa mới chỉ. Bọc bên ngoài khuôn viên là hàng rào lưới B40, cánh cửa sắt đóng kín và bên trong có tượng Bồ Tát Quan Âm, tôi liền dừng xe trước cửa, ngó nghiêng một hồi rồi cất tiếng gọi:
- Dạ có ai ở nhà không ạ!
Lần đầu tôi gọi, không có ai ra, tôi phải ráng mạnh dạn gọi lại lần thứ hai, lúc này, sâu bên trong căn nhà mái Thái, nằm khuất sau cây xoài cổ thụ, một người đàn ông đang đi ra, tôi mừng thầm trong bụng khi nhận ra là người đàn ông bặm trợn mà tôi cần tìm, khi ông đi gần về phía cổng.
Nhìn thấy tôi, một thằng thanh niên mặt mày lạ hoắc, gương mặt người đàn ông cũng thoáng vẻ ngạc nhiên, đôi chân mày nhíu lại rồi nhanh chóng giãn ra, ông cất tiếng hỏi, giọng ồm ồm:
- Cậu muốn gặp ai?
- Dạ, chú có phải là chú Vượng Cầy Tơ không ạ?
- Đúng rồi. Có việc gì không?
- Dạ con xin gặp chú một chút có được không ạ?
- Tôi không còn bán cầy tơ nữa nhé. Nếu muốn mua cầy tơ thì cậu đi chỗ khác.
- Dạ không, con gặp chú để hỏi thăm một chút thôi ạ. Phiền chú có thể cho con vào nhà không ạ?
- Ừ! Có gì thì vào đây.
Tôi thở phào một tiếng như trút được gánh nặng từ lồng ngực khi người đàn ông đồng ý gặp tôi, ông khom người mở cánh cửa sắt được chốt kỹ.
- Cậu vào đi.
- Dạ con cảm ơn chú!
Tôi chạy xe vào cổng rồi tìm một chỗ để xe, ông bảo tôi dựng sát gần nhà một chút để dễ trông coi, sau khi chiếc xe yên vị ở một góc sau cây xoài cổ thụ, tôi bước lại phía tượng Bồ Tát Quan Âm, chấp tay xá lạy. Lúc này tôi mới quan sát thấy bức tượng trắng khá to và đẹp, bên dưới được cúng bởi hoa tươi và một dĩa trái cây, bánh nước. Lư hương được đốt 3 nén nhang trầm. Khuôn viên sân nhà yên ắng, toát lên sự tĩnh lặng. Sau khi tôi đã xá lạy và chiêm ngưỡng nơi thờ tự, lúc này, tôi mới quay lại phía người đàn ông và nhìn thấy ông đang tưới những giò lan, phong thái trông thật điềm nhiên, khác hẳn vẻ ngoài dữ dằn, bặm trợn.
- Chú là người theo tín ngưỡng đạo Phật ha chú?
- Ừ! Cũng mới vài năm thôi.
- Dạ, lúc sáng, con thấy chú mua cơm chay ngoài đầu đường, con thấy chú có gì đó khá ấn tượng với con nên con tìm gặp chú.
- Ấn tượng à?
- Dạ.
- Cậu cũng có cặp mắt nhìn người khá hay đấy.
- Dạ, con không biết là chú sẽ có chuyện gì kể con nghe không nhưng con thấy chú là người khá đặc biệt.
- Không phải tôi là người đặc biệt mà tôi là người có một câu chuyện khá đặc biệt.
- Dạ.
Vậy là linh cảm của tôi không đến nỗi quá tồi, dù tôi khá tò mò và nôn nóng được nghe câu chuyện từ người đàn ông lớn tuổi, nhưng tôi vẫn giữ sự tế nhị chứ không suồng sã để đạt được mong muốn của mình.
- Vào đây ngồi.
Người đàn ông ngừng tưới những dò lan, ông đặt cái bình tưới lên cái giàn bên cạnh rồi chậm rãi dẫn tôi đến một cái bàn đá phía trước hiên nhà, trên bàn có một bộ bình trà hoa văn cổ xưa, trông khá đẹp mắt. Ông ngồi xuống ghế rồi chỉ tôi ngồi xuống phía đối diện. Ông rót một ly trà đưa cho tôi, ly trà còn nóng hổi và thơm mùi lài.
- Con nghe nói chú ăn chay trường hả chú?
- Ừ! Tôi ăn chay trường. Sao cậu biết?
- Dạ, con nghe người ta nói. Mà chú ăn được bao lâu rồi chú?
- Mới vài năm thôi.
- Dạ, do chú thích ăn, vì sức khỏe hay là mình phát tâm chuyện gì ha chú?
Gương mặt người đàn ông đăm chiêu, ông tư lự vài giây rồi bắt đầu câu chuyện bằng một giọng trầm trầm chậm rãi.
- Ngày trước tôi là dân đồ tể đấy, làm nghề giết mổ chó, cả chục năm trời, thịt cả hàng nghìn con chó đấy - Giọng ông chùn xuống nghe nằng nặng.
- Nhưng nghề sát sinh nghiệp nặng lắm cậu ạ, lúc đầu tôi vô thần vô thánh, nhìn đồng tiền cứ chảy vào túi là mê, có nghĩ gì đến nghiệp quả.
- Dạ.
- Nhưng làm giàu trên sinh mạng con vật, sớm muộn gì cũng phải trả giá đấy cậu ạ. Khi cái nghiệp nó vận vào mình rồi, lúc đó người ta mới nhận ra tội lỗi.
- Dạ.
Tôi chỉ im lặng gật đầu và chăm chú nghe câu chuyện của người đàn ông đồ tể.
- Nghề đồ tể của tôi có lẽ vẫn còn tiếp tục nếu tôi không gặp một biến cố, nó đã thay đổi cả cuộc đời tôi.
Đôi mắt người đàn ông đầy nét trầm tư và hằn lên những cảm xúc mạnh mẽ khi bắt đầu câu chuyện.
Vào một ngày tháng Năm, năm 2017, khi ông Vượng đang loay hoay trong lò mổ chó thì gã thu mua chó mang vào cho ông một cái bao tải to tướng, trong bao vẫn còn đang lúc nhúc những thân thể động đậy vì tù túng, vì bí khí thở, lúc này, gã nhanh nhẹn đổ cái bao xuống nền đất, Ông Vượng dừng cái tay đầy máu me đang làm dở một con chó vừa mới bị đập đầu rồi quay sang mở miệng bao tải, ông trút ra một đống chó, có con vẫn còn giẫy giụa, có con thì bất tỉnh vì bị đập, bị chích điện, mắt lồi ra, miệng há hốc.
Ông nhấc từng con chó lên xem trong sự vẫy vùng hoảng sợ rồi quẳng vào cái lồng sắt bên cạnh, chợt ông dừng lại trước một con chó mẹ có mang.
- Con này có bầu à?
- Ừ, nó có bầu.
Lúc này, cặp mắt ông Vượng khẽ nhíu lại, ông im lặng vài giây rồi tiếp:
- Thế bán giá cả thế nào?
- Thì như mấy con khác.
- Rẻ hơn chút chứ, chó có mang, người ta kỵ.
- Ôi giời, chó thì cũng như con gà con vịt, ông làm cả nghìn con rồi mà sợ gì.
- Làm thì làm cũng phải kỵ chứ.
- Thôi, tôi để ông giá rẻ hơn 50 nghìn, mà ông còn được cả mẹ lẫn con, hời quá còn gì. Ông coi nhanh đi, cho tôi còn đi tìm mẻ khác.
Trước lời thúc giục của gã buôn chó, ông Vượng cũng bỏ qua những phân vân trong đầu vì mua được giá rẻ mà còn được cả mẹ lẫn con, lúc này, ông nghĩ đến món lời nên những lăn tăn trong đầu cũng tan biến mất.
- Thôi được rồi.
Sau khi cân đếm lượng chó, ông Vượng đưa cho gã thu mua một xấp tiền còn vướng vài vệt máu trên tay, gã bán chó cầm lấy, đếm đếm rồi giúi vào túi với cái miệng cười thích thú.
Chiếc xe của gã mua chó rời đi, ông Vượng và cậu con trai đẩy hết mấy con chó vào chiếc lồng chật chội, cả con chó cái đang mang bầu cũng bị tống vào cái chuồng, chúng đứng chèn ép lẫn nhau, chỉ để tìm một chút không khí để thở trong khoảng thời gian ngắn ngủi còn lại trong cuộc đời của nó.
Chiều hôm đó, ông Vượng đến phía cái chuồng chó mới mua để làm những món ăn, trên bàn thực khách đang ngồi lố nhố chờ đợi ngoài kia, những tiếng gọi í ới, tiếng những gã đàn ông cười nói rôm rốp, tiếng “vào” bia phấn khích của những gã say rượu thịt và những xấp tiền thu được làm cho cánh tay ông Vượng càng mạnh hơn bao giờ hết, càng thịt nhiều con chó thì tiền vào túi càng nhiều, gia đình ông càng khấm khá, đứa con gái út được học hành trường tỉnh, thằng trai cả sẽ có thêm cái nhà đồ sộ sau khi cưới vợ. Nghĩ đến đó, cánh tay nhuốm máu của ông cứ thản nhiên bủa những nhát tử thần lên những con vật hoảng loạn và yếu thế, chúng sợ đến mức không kiểm soát được vệ sinh, tiểu tiện vương vãi khắp nơi khi bị ông và thằng con kéo ghì ra một cách thô bạo và đau đớn.
Con chó cái mang bầu sợ sệt rúc vào sát góc trong chuồng vì nó là con cuối cùng còn lại sau khi những con chó khác đã bị mang ra lò mổ, nó cất lên tiếng rên ư ử, cặp mắt nó nhìn chằm chằm vào ông Vượng rồi nó cứ giật thót mình khi có tiếng nện đôm đốp phát ra, con chó cái rúc càng sâu, tự vệ trong sự bất lực.
Sau khi mổ thịt một con chó Vện, ông Vượng quay lại cái chuồng chỉ còn duy nhất con chó cái mang bầu, ông nhìn nó vài giây, cặp mắt nó nhìn ông như có gì đó van lơn, có lẽ vì nó đang làm mẹ nên tình mẫu tử trong nó trỗi dậy khiến cảm xúc trong nó vượt qua ngưỡng một con vật bình thường, nước mắt nó trào ra ướt dọc xuống mũi, bốn chân nó run rẩy và nó vẫn cố lùi sâu vào góc chuồng bí bách.
Tiếng người vợ thúc giục bên ngoài: “Lên món nhanh lên nhé, khách đợi”. Nghĩ đến món tiền đã bỏ ra để mua sản phẩm thì không để lỗ, thế là ông Vượng nhanh tay lấy cái thanh sắt có gắn thòng lọng kéo con chó cái đi ra, nó cứ cố sức ghì lại nhưng đành bất lực, và cuối cùng, con chó mẹ cùng với bầy con trong bụng cũng đã nằm im bất động sau khi bị cha con ông Vượng đem đi trấn nước.
Tiếng gọi món, tiếng đốp chát của dân bợm nhậu mê ăn thịt chó với mùi riềng mẻ như một thứ âm thanh cuốn ông Vượng và gia đình vào sự quay cuồng, say sưa với mớ tiền ngày nào cũng căng đầy trong cái ví da mà bà vợ ông đeo ngang bụng, tiền càng nhiều, số lượng cầy mà ông Vượng làm càng tăng, có hôm ông giết đến vài chục con chó để phục vụ cho cái quán cầy tơ nổi tiếng, từ sáng đến tận khuya. Để có được những đĩa thịt cầy thơm nức và bốc khói, để tiếng cười nói, cụng ly chan chát diễn ra không ngơi nghỉ là tiếng kêu la man dại, tiếng gào rú kinh hoàng và những ánh mắt hoảng loạn, ướt đẫm của những con chó bị nhốt trong lồng ở phía sau lò mổ.
Cái nghề đồ tể của gia đình ông Vượng để duy trì quán cầy tơ vẫn thành thạo và nó như một công việc quen thuộc thường ngày, cái quán nằm ở ven sông nhưng phát triển với lượng thực khách đông keng, ngôi nhà ông Vượng nhờ vậy mà xây cất khang trang đẹp đẽ, thế là cái nghề này như một cái nghề vượng phú giúp cho cả gia đình ông bám vào đó mà sống, mà phát triển cơ ngơi, mặc dù mỗi ngày phải lấy đi rất nhiều sinh mạng.
Một buổi chiều tháng 8, cái lò mổ ướt át và nhuộm đầy màu máu, bốc mùi tanh tưởi đến lợm giọng, ông Vượng đang loay hoay để thịt con chó vừa mới đem ra thì người vợ bước vào khu vực lò mổ, cất giọng khàn khàn:
- Ông này, con Huyên nó trở dạ, thằng Vinh chở nó vào viện rồi, tôi về trước nhé.
- Ừ, thế bà về xem mẹ con nó thế nào.
Nói xong, người vợ quay trở lên quầy rồi đặt cái bóp tiền dày cộm trong tủ, không quên dặn đứa con gái đang ngồi trông quán.
- Mày ngồi đây trông quán nhé, mẹ về xem cái Huyên nó đẻ chửa thế nào.
Bà Vượng giao xong nhiệm vụ thì lên chiếc xe máy rồi chạy nhanh ra con hẻm, phía sau, tiếng nói ồn ã, tiếng hô hào, chúc tụng và cười cợt rôm rả, đủ giọng vùng miền vẫn vang lên, náo nhiệt một góc đường.
Đứa con dâu nhà ông Vượng sau khi sinh được đứa cháu trai, được bà Vượng mang về chăm lo, mấy ngày này, bà tạm giao công việc quản lý thu ngân của quán lại cho đứa con gái út để chăm đứa cháu đích tôn. Quán cầy tơ ông Vượng thì vẫn đông đúc, không lúc nào ngơi nghỉ. Thằng con trai ông Vượng tranh thủ phụ ông trong việc giết mổ, vừa tranh thủ về nhà chăm vợ, dù công việc có vất vả hơn do gia đình có thêm thành viên nhưng ai cũng vui và phấn khởi, mà nhà có thêm con cháu thì quán càng phải buôn bán tăng cường, lượng chó ông Vượng thu mua về cũng nhiều hơn lúc trước, lò mổ lại vọng những tiếng gào rú, kêu la thảm thiết từ sáng sớm đến chiều tối, khiến những hộ dân xung quanh có người thì bán nhà đi chỗ khác, người thì bỏ nhà trống, chủ mới về ở được một thời gian cũng bán lại hoặc bỏ đi. Cạnh lò mổ quán ông Vượng, dường như chẳng còn ai ở, có lẽ vì họ ám ảnh những tiếng đập đầu chan chát, tiếng tru man dại và những âm thanh khủng khiếp tận cùng đường sống của những con vật bị đem ra giết mổ, nghe thảm thương và đầy chết chóc.
Buổi trưa nắng gắt, phủ một lớp bỏng rát trên mặt nhựa đường, quán ông Vượng tầm giờ trưa còn hơi thưa khách, ông tranh thủ lên món cầy tơ cho một thực khách đang đứng bên ngoài đợi sẵn. Lúc này, bà Vượng từ ngoài chạy vào, giọng hớt hải:
- Ông này, thằng cháu nội nhà mình, sao nó lạ quá ông ạ.
- Lạ là lạ thế nào?
Ông Vượng miệng hỏi nhưng tay vẫn không ngừng chặt những phần thịt trên cơ thể một con chó vừa bị thui rơm, bốn chân giơ lên cứng ngắt.
- Ông ơi, nó không có bình thường, nó lạ lắm.
- Bà này, không thấy tôi đang bận tay à? Lạ là lạ làm sao?
Lúc này, bà Vượng kéo tay ông ra ngoài, gương mặt nhăn nhó, ra vẻ thất thần
- Sao trên người nó mọc đầy lông ông ạ.
- Ôi giời, tưởng chuyện gì, thì con nít nhiều khi nó mọc lông tay lông chân có gì đâu.
- Không phải, mấy hôm trước nó lốm đốm, tôi cũng nghĩ như ông, mà sáng nay, mẹ nó phát hoảng khi ngủ dậy thấy lông lá trên mình nó mọc dài lạ thường, ông về mà xem.
- Bà này, nhiều đứa tay chân nó mọc lông dài hơn bình thường thì cũng có sao đâu. Tôi đang bận làm món cho khách, bà không thấy à? Lát tôi rảnh tay rồi nói.
Mặc dù miệng nói phỏng phớt, qua loa cho câu chuyện giảm bớt đi phần nghiêm trọng nhưng trong lòng ông Vượng cũng thoáng chút bất an, nhưng tiếng khách gọi ngoài kia, tiếng xe chạy vào trong bãi đậu khi đến giờ cao điểm của dân ăn nhậu và quen thân của quán khiến cho những cảm giác chột dạ trong ông cũng nhanh chóng mất đi. Tay ông vẫn loang loáng những nhát dao chặt ngọt vào thân cầy thui vàng rụm.
Hôm nay, ông đóng cửa quán sớm hơn mọi ngày khi bà Vượng cứ liên tục hối thúc, dù cũng tiếc rẻ lượng khách nhưng ông cũng đành nghe theo vợ để về nhà, tạm gác lại buổi kinh doanh đông đúc. Thằng con trai của ông hôm nay không đến quán vì nó chuẩn bị buổi chiều đi tỉnh, xem mấy cây lộc vừng mà nó đặt mua để đem về trồng trong cái sân nhà còn trống.
Chiều hôm đó, sau khi về nhà, ông Vượng ngồi phía ngoài cái bàn đá trước sân, lúc này, đứa con dâu mới ẵm đứa cháu nội ra, khi vừa nhìn thấy đứa nhỏ vài ngày tuổi, ông bỗng giật mình, sau vài giây định thần, ông im lặng nhìn kỹ lại đứa nhỏ đang ngọ nguậy trong tay mẹ, đứa trẻ với lớp lông lá mọc dài kỳ dị, che phủ thân người, những ngón tay chìm trong lớp lông đen đặc, mấy ngày trước ông thấy nó vẫn bình thường mà sao hôm nay, hình thù nó lại kỳ dị thế này?
- Hồi mang bầu, con có ăn uống gì khác lạ không? Có khi nào thức ăn làm ảnh hưởng đến thằng nhỏ không?
- Dạ không, con chả ăn gì khác lạ, con kiêng cữ lắm bố ạ, mà chẳng hiểu sao, nó lại bị như vậy.
Ông Vượng khẽ nhíu mày, đôi mắt của người đàn ông đồ tể hiện lên vẻ suy nghĩ khác lạ so với mọi ngày, nhưng rồi ông cũng chậm rãi, trấn an:
- Chắc nó bị gì đấy, nay thằng Vinh nó đi tỉnh rồi, ngày mốt nó về, bảo nó chở thằng cu lên bệnh viện tỉnh xem sao.
- Dạ vâng bố ạ.
Dù được sự động viên của ông Vượng nhưng đứa con dâu và bà Vượng vẫn lộ vẻ thất thần lo lắng khi nhìn thấy lớp lông trên người đứa nhỏ cứ mỗi đêm lại dài ra kỳ dị.
Đêm hôm đó, khi cả nhà đã ngủ say, ông Vượng vẫn không ngủ được, ông cứ trở mình qua lại rồi đặt cánh tay lên trán với những suy nghĩ mông lung, chẳng định rõ điều gì. Bỗng ông nghe một tiếng động ở phía ngoài sân, ông lọ mọ xuống giường, mở cửa bước ra ngoài, khi cánh cửa gỗ mở ra, ông nhìn ra phía trước sân, trong ánh sáng lờ mờ của bóng đèn đường cao áp, ông thấy có người ngồi ở bộ bàn ghế đá, nhìn kỹ lại, hình như là thằng Vinh.
- Này, con không đi tỉnh à?
Ông khẽ cất tiếng hỏi khi đoán là thằng con trai đang ngồi đó, nhưng nó chẳng trả lời. Ông bước lại gần phía cái bàn hơn chút nữa thì thấy thằng con ông vẫn ngồi đấy, nhưng gương mặt nó cứ nhìn ở phía đâu đâu.
- Sao không đi tỉnh mà lại về giờ này?
Vài giây sau, cậu con trai cất tiếng trả lời, giọng buồn buồn, là lạ
- Con về rồi bố ạ.
- Thôi, chuyện nào ra chuyện đấy, con cứ lo việc của con, thằng bé vài hôm đưa đi viện, làm gì đến nỗi mày phải bỏ về giữa chừng thế hả con?
Nói vài lời an ủi, ông Vượng quay vào nhà vì trời khuya bắt đầu trở lạnh.
Bước đến phía bộ ghế gỗ để uống một ngụm trà rồi ông quay lại giường, định leo lên ngủ thì vẫn chưa thấy thằng Vinh vào nhà, ông khẽ lắc đầu rồi thở dài một tiếng vì ông biết cảm giác khổ sở của người cha khi thấy con mang bệnh lạ trong người là như thế nào. Ông chậm rãi bước ra cửa để gọi thằng Vinh vào nhà nhưng ông chả thấy nó đâu. Ông lẩm bẩm trong bụng “Cái thằng này! Mới ngồi đấy lại đi đâu”.
Gần một tiếng sau, ông Vượng vẫn không thấy thằng con vào nhà, lúc này, ông mới lay tay bà Vượng dậy rồi nói cho bà nghe sự việc, bà Vượng nghe ông kể thì lồm cồm ngồi dậy, bà vào phòng đứa con dâu để xem thằng Vinh có ở trong đó hay không, cánh cửa phòng mở ra, đứa con dâu mặt mày vẫn còn đang ngái ngủ.
- Này, thằng Vinh có vào phòng con không?
- Ảnh đi tỉnh mà mẹ.
- Ừ, thế mà bố mày bảo mới gặp thằng Vinh, bảo mẹ vào phòng mày xem có nó ở đây không. Ôi giời, ông này, chưa gì đã lẩn thẩn.
- Chắc bố mộng du đấy ạ.
Bà Vượng khẽ lắc đầu vì nghĩ ông Vượng đang có dấu hiệu tuổi già nên nhìn gà hóa cuốc. Rồi bà âm thầm đi về phòng ngủ, còn ông Vượng thì vẫn cứ đi tới đi lui, ông quả quyết vừa gặp thằng con trai ngoài cửa nhưng bà Vượng thì chẳng để tâm. Sau một hồi không thấy gì thay đổi, ông Vượng cũng lên giường đi ngủ để chuẩn bị sáng mai dậy sớm, mở quán như mọi ngày.
5 giờ sáng, trời vẫn còn mù mờ hơi sương, không gian ở miền ngoại ô vắng lặng, khác hẳn cái góc hẻm nơi quán thịt cầy ồn ã. Khi ông Vượng vừa dẫn xe ra cửa thì điện thoại trong túi ông bỗng reo lên, ông nghĩ trong bụng chắc là thằng Vinh nên mới gọi từ sáng sớm. Sau khi bắt máy độ chừng mười giây thì gương mặt ông Vượng bỗng dưng biến sắc, chiếc điện thoại trên tay ông run rẩy, bất chợt chân ông khụy xuống, ông cố vịn vào yên xe máy để giữ thăng bằng khi đầu dây bên kia, tiếng một người đàn ông thông báo là thằng Vinh đã chết.
Thằng Vinh chết vì tai nạn giao thông vào khuya hôm nay khi đang đi trên đường về tỉnh. Đến gần sáng thì người dân đi đường mới phát hiện và báo công an. Lúc cơ quan chức năng đến đem xác nó đi thì thấy tứ chi nó đã gãy ra làm nhiều mảnh, đầu va vào trụ điện, bị nứt làm đôi, cặp mắt vẫn còn mở ra trao tráo, máu chảy ra đường thành dòng, đặc quánh.
*****
Chiều hôm đó, khi trên đường về tỉnh, thằng Vinh ghé nhà người bạn rồi cùng ăn uống đến nửa khuya, khi đã có hơi men, người bạn bảo nó ở lại nhưng nó muốn đi nhanh trong đêm để sáng mai về sớm, thế là nó xách xe đi, thật ra vài lon bia đối với tửu lượng của nó chẳng thấm thía gì nhưng đêm hôm đó, chạy một đoạn, nó nhìn thấy một con chó trắng ở dọc đường, con chó đi chậm rãi, đầu cúi xuống. Thằng Vinh chẳng nghĩ gì, cứ tiếp tục cho xe chạy đi trên con đường vắng teo, lạnh ngắt không có bóng người. Đường vắng, xe đi với vận tốc khá cao, bất chợt nhìn qua bên đường, nó lại thấy con chó lúc nãy, con chó vẫn cúi đầu đi chậm rãi... Thằng Vinh cảm giác ngạc nhiên pha lẫn chút khó hiểu vì điều kỳ lạ, con chó lúc nãy, chắc chắn là chỉ một con duy nhất mà nó thấy cách đó hơn 20 cây số, con chó trắng đi với tốc độ bình thường thì làm sao xuất hiện trước mặt của nó? Nó thấy rờn rợn nhưng cố gắng khỏa lấp cho qua. Đến lần thứ ba, thằng Vinh bắt đầu tỉnh hẳn, cảm giác mồ hôi trên trán đã toát ra khi nó thấy con chó lầm lũi đi phía bên vệ đường, khi nó đã chạy xa gần mười cây số nữa, nó nhìn xung quanh, hai bên là những rừng cây cao su bạt ngàn, không một bóng người qua lại. Tay lái thằng Vinh bắt đầu chao đảo vì run rẩy, người ta nói con số 4 là con số không may vì nó tượng trưng cho chữ "Tử". Và lần thứ tư, khi xe nó đang chạy với tốc độ khá nhanh thì con chó trắng lại xuất hiện bên vệ đường, ngay trước mặt, nhưng lần này, nó không còn cúi đầu đi lầm lũi mà bất ngờ băng ngang đầu xe khi thằng Vinh trờ tới, hắn mất thăng bằng, loạng choạng và chiếc xe đâm thẳng vào thân trụ điện dọc đường, cái trụ bê tông đổ xuống như thân gỗ mục, gãy làm đôi, chiếc xe nó cũng tan tành, văng thành nhiều mảnh, người nó thì quặt quẹo vì xương cốt chẳng còn nguyên vẹn, nó nằm lăn lóc bên vệ đường, trên vũng máu đầm đìa với gương mặt bị nhiều biến dạng. Trong những giây phút cuối cùng đi về cửa tử, thằng Vinh lờ mờ nhìn thấy cặp mắt đỏ ngầu của con chó trắng đang đứng ngay trước mặt.
*****
Sau khi nhận xác thằng Vinh về nhà chôn cất, bà Vượng như người mất hồn, nửa mê nửa tỉnh, cứ ra vào khóc cười lẩn thẩn. Ông Vượng thì buôn bán cũng chẳng còn hào hứng như xưa vì chẳng còn ai phụ việc, nghe tin con trai ông chết vì bị tai nạn thảm khốc, từ đó chẳng có người nào dám vào nhận việc mổ chó phụ ông. Mỗi ngày, ông vẫn đập đầu, trấn nước vài chục con chó để làm món nhậu cho thực khách nhưng trong thâm tâm ông, mỗi lần nghĩ đến hình ảnh cái xác lạnh ngắt, gương mặt bê bết máu me, đôi mắt mở trao tráo của thằng con trai khi đem về tẩn liệm là tay ông bỗng dưng chùn lại. Đứa cháu nội sau khi bác sĩ cho thuốc bôi để rụng bớt lớp lông và ngăn cho lông không mọc lại nhưng vài ngày sau, nó vẫn mọc dài như cũ, ẵm đứa con, đứa cháu như một loài động vật dị thường, cả nhà ông chẳng dám đưa cháu ra sân, chỉ để trong phòng vì sợ người ta đàm tiếu. Nghề bán thịt cầy tơ của ông Vượng cũng vẫn duy trì vì nó đã là thương hiệu mấy chục năm, ông khó lòng từ bỏ. Ông cũng giết mổ nhưng cảm giác không còn say mùi máu, không còn bị mê hoặc vì tiền mà ông làm vì chưa thể bỏ nghề đồ tể, chưa thể dứt cái nghiệp sát sinh cho đến một buổi khuya nọ, khi gia đình đang ngủ thì đứa con dâu bất giác kêu lên thất thanh, mặt cắt không còn giọt máu.
- Ôi, bố mẹ ơi. Thằng con của con nó sao thế này?!
Tiếng la kinh động màn đêm của đứa con dâu khiến cho ông bà Vượng giật mình thức dậy, ông bà vội chạy vào phòng đứa con dâu thì thấy đứa bé đang loe ngoe nút tay, chẳng có biểu hiện gì khác lạ ngoài mớ lông lá phủ đầy người.
- Chuyện gì mà con hãi hùng thế?
Lúc này, đứa con dâu mới lắp bắp chỉ vào đứa nhỏ
- Bố ơi, cái răng của nó, răng nó đấy!
- Răng nó thế nào?
Ông Vượng vẫn còn ngạc nhiên chưa hiểu chuyện gì thì bà Vượng đã lên tiếng
- Nó bị làm sao? Mày cứ đứng đấy ú ớ thì bố mẹ biết cái gì.
- Răng nó mọc như răng nanh ấy
- Ối giời! mày cứ nói linh tinh gì đấy. – Bà Vượng gạt ngang khi nghe lời nói có phần dị thường khó tin từ đứa con dâu, đang hớt ha hớt hải.
- Con nói thật mà. Nó cắn con đau muốn chết.
- Con nít có răng, đứa nào bú mẹ mà không cắn, mày cứ làm quá lên. - Bà Vượng đánh giọng phớt lờ cho qua chuyện.
- Con ẵm nó ra cho bố xem.
Đứa con dâu vào giường bế đứa nhỏ sau khi nghe ông Vượng bảo, rồi cô dùng tay mở miệng đứa bé ra, lúc này, cặp mắt ông Vượng hiện lên cái nhìn khác lạ khi ông nhận ra, sự thất thần của đứa con dâu không phải là vô căn cứ, bốn chiếc răng nhỏ xíu nhưng nhọn hoắt như 4 cái răng nanh mọc đưa ra ngoài mép môi đứa nhỏ, ông Vượng bỗng rùng mình rồi khẽ lắc đầu, chẳng ai hiểu ông đang nghĩ gì khi thấy hình ảnh đứa cháu nội mỗi ngày lại có những dấu hiệu khác thường, trong đầu ông tự dưng hiện ra hình ảnh của một loài động vật nào đó, ông nghe hơi lạnh chạy thoáng qua cột sống khi nghĩ nó đang bám vào thân thể đứa cháu nội đích tôn mà gia đình ông luôn mong đợi.
- Nó mọc bao lâu rồi? Sao giờ con mới biết?
- Nó mọc lộm cộm mấy bữa rồi nhưng tự dưng hôm nay nó cắn con đau quá, con vạch miệng nó ra thì mới thấy. Nó mọc dài ra rồi.
Ông nhìn vào đứa trẻ vẫn nằm mút tay một cách ngây thơ, khi đứa bé ngáp một hơi dài, chiếc răng nhọn hoắt càng nhô ra rõ rệt trên góc miệng, bất chợt ông Vượng giật mình như có ai đánh thụp vào người khi ông thoáng thấy cặp mắt đứa trẻ hiện lên đỏ quạch, cặp mắt không có tròng đen, tròng trắng mà chỉ là một khối màu đỏ thẫm như màu máu. Ông vội quay đi và bước nhanh ra khỏi cửa phòng đứa con dâu, vẫn còn đang đứng thất thần. Bà Vượng sau một hồi động viên, an ủi thì cũng bước ra ngoài, bà sụt sùi ngồi bệt xuống cái ghế gỗ nơi phòng khách, cất giọng mếu máo:
- Ôi giời ơi! Sao gia đình tôi khổ thế này!
Những ngày sau đó, đứa con dâu không dám cho con bú vì bị nó cắn đến tươm cả máu, cô lấy cái bình sữa rồi vắt sữa cho con nhưng đưa cái núm da nào vào miệng thì đứa nhỏ cũng cắn xé nát tan, sữa chảy tràn ra ngoài giường, bện vào lớp lông lá trên người, thân thể thằng bé lúc nào cũng nghe ươn ướt.
Ông Vượng bắt đầu lờ mờ nhìn ra một nghiệp quả nặng nề đã đến với gia đình ông sau nhiều năm ông hành nghề đồ tể, những năm tháng tham mê đồng tiền, làm giàu từ sinh mạng, từ sự đau đớn của con vật, sự lạnh lùng tàn nhẫn khi ra tay sát hại hàng nghìn con chó, có cả những con chó mang bầu đã khiến cho gia đình ông một ngày phải nhận lại quả báo không lành, một quả báo trả lại bằng chính mạng sống của đứa con trai, trả bằng sự bệnh tật dị thường của đứa cháu nội. Bao nhiêu ngày qua, gia đình ông đã sống bằng cái nghề bất nhẫn, và không ai thoát được nhân quả, khi đã sát sinh và làm giàu bằng cái nghề đầy máu của loài vật khác thì sớm hay muộn cũng sẽ trả giá rất nhiều.
*****
Ông Vượng im lặng, ông hớp một ngụm trà, tôi cũng im lặng vài giây theo câu chuyện của ông,
- Vì chuyện gia đình nên chú quyết định theo Đạo Phật phải không chú?
Nghe tôi hỏi, người đàn ông hướng mắt, chỉ tay về phía tượng Bồ Tát Quan Âm, giọng ôn tồn
- Sau khi nhận ra mình đang bị trả nghiệp vì tội sát sinh, tôi vừa sợ, vừa bế tắc, tôi không biết cách nào để rửa được cái tội này, làm sao cho cháu tôi nó hết bệnh, cho đến một hôm, tôi gặp một cô Phật tử, cô này cho một quyển kinh Địa Tạng, cô kêu tôi đọc, một số anh chị quen biết, họ kêu tôi đến chùa để khấn vái. Tôi cũng làm theo, ban đầu thì lờ mờ chẳng biết gì, nhưng cứ đi vài lần rồi tự nhiên thấy đầu mình nó nhẹ hơn, lúc đó tôi quyết định bỏ nghề sát sinh, vì tự nhiên tôi thấy mình không đủ can đảm để giết mổ nữa cậu ạ.
- Dạ, vậy là chú đã có sự hồi hướng, rồi chú quyết định ăn chay luôn hay sao vậy chú?
- Tôi đi chùa, rồi cũng đọc kinh vì nghe nói đọc kinh giúp mình hóa giải được nghiệp chướng, mấy lần đầu đọc, tôi chẳng đọc được gì, chữ nghĩa cứ nhảy lung tung, câu nọ xọ câu kia, đọc còn cảm thấy sao mà nhức đầu nữa. Nhưng phải cố gắng, mà đến khoảng một tuần sau là cảm giác quen dần cậu ạ. Còn ăn chay trường là cũng có duyên đấy cậu. Một lần tôi đến chùa để cúng viếng thằng con, tôi gặp một Thầy, Thầy nhìn tôi rồi bảo “Chú nặng nghiệp lắm, phải trì tụng, thành tâm hướng Phật thì may ra mới tiêu trừ chướng nghiệp”, sau đó Thầy khuyên tôi nên ăn chay. Ban đầu tôi nguyện ăn một tháng, mà trời đất ơi! Ăn chay nhưng thèm mặn cậu ạ! Cứ nghe ai làm món mặn là tôi thèm không chịu được, ăn rau, đậu hũ, nhạt thếch ấy!
- Dạ, vậy rồi sao chú ăn chay được đến giờ vậy chú?
- Thì mới nói là cái duyên, cái phước mình đủ là tự nhiên nó đến đấy cậu. Tôi ăn chay một tháng, người cứ như trên mây, nhưng lạ lắm cậu ạ, từ lúc tôi ăn chay, lông lá trên người đứa cháu tôi tự dưng nó rụng từ từ, rụng từng mảng mà không mọc lại nữa. Thế là tôi thấy linh nghiệm, ngày tôi thấy lông trên người đứa cháu rụng xuống, da nó bình thường, tôi khóc quá trời cậu ạ! Và sau đó tôi phát nguyện ăn chay nửa năm, mà khi ăn được thêm vài tháng nữa, tôi bắt đầu không còn thèm mặn, sức khỏe cũng không thay đổi gì nhiều, rồi cậu biết không, khi thằng cháu tôi nó đến tuổi thay răng, nó rụng cả 4 cái nanh, răng nó mọc lại bình thường, giờ thì nó như người bình thường cậu ạ, tôi nghĩ cũng do tôi đã biết quay đầu, biết sám hối nên hóa giải được nghiệp báo đấy cậu ạ.
- Dạ, hay quá chú ạ.
- Ừ! Có khi người ta không tin vào tâm linh đâu cậu, đến khi bản thân gặp chuyện gì đó rồi mới ngộ ra. Nhân quả luôn luôn tồn tại. Không trốn đi đâu được cậu ạ.
Người đàn ông im lặng vài giây, rồi ông tiếp lời bộc bạch, giọng nói trở nên vui vẻ, hồ hởi hơn lúc ban đầu:
- Giờ thì tiền bạc còn lại, tôi mang đi từ thiện, coi như tạo phước giúp cho những con vật đã bị tôi giết mổ, tiền bao nhiêu cũng hết cậu ạ, nhưng vì tiền mà mang theo cái nghiệp thì khổ lắm. Làm sao mà đến khi vãng sanh, mình đi nhẹ nhàng mới là cái phúc.
Ông nhìn về phía tượng Bồ Tát Quan Âm, ánh mắt ông ánh lên những tia nhìn hạnh phúc.
- Tôi thỉnh đức Mẹ Quan Âm về đây là để thờ tự, mỗi ngày ra vào, nhang khói, thấy ấm cúng, thấy có Phật phù hộ cho mình, cũng là nhắc mình không được làm điều ác nữa cậu ạ.
- Dạ, con mừng vì chú đã đến được với con đường hạnh phúc, gia đình được giải nghiệp, con mong khi chú đã thành tâm sám hối thì sẽ được Phật hộ trì cho chú gặp nhiều phước lành! Mà chú cũng phải nguyện đi theo con đường tu tập, đừng quay đầu bỏ dở nha chú!
- Ừ! Giờ thì tôi ngoan đạo lắm rồi cậu ạ! Đừng để đến già mới tu, biết có kịp già không! Có người còn trẻ là đã đi rồi, thế nên tu hành được ngày nào thì tu thôi cậu! Cậu còn trẻ, cũng dành thời gian hướng đến Phật pháp, tốt lắm đấy!
- Dạ, con cảm ơn chú ạ!
Người đàn ông khẽ hớp một ngụm trà, chiều phủ lên mảnh sân yên tĩnh một màu trầm mặc, làn khói nhang trầm tỏa lan nghe ấm cúng, không gian trở nên thanh tịnh như một góc Thiền, không ai nghĩ rằng nơi này là nơi nương tựa của một người đã từng là đồ tể. Ly trà của tôi cũng vơi đi, câu chuyện cũng dừng lại khi trời chiều bàn bạc rơi xuống vùng ngoại ô vắng vẻ. Tôi tạm biệt ông Vượng rồi dẫn xe ra cổng, ông đưa cho tôi một bịch xoài chín trồng ở vườn nhà, dặn tôi khi nào có thời gian thì ghé qua trò chuyện. Một buổi chiều thanh thản, bình yên. Xe tôi rời đi giữa mảnh nắng chiều nhàn nhạt, đâu đây vẫn còn thoang thoảng mùi hương của những nén nhang trầm…
Tác giả: Võ Đào Phương Trâm (Pháp danh An Tường Anh)