Bài viết

Trí tuệ, tầm quan trọng trong cuộc sống của người con Phật

Cập nhật: 01/05/2018
Trong kinh Tương Ưng Bộ, đức Phật có dạy:
 

Trí tuệ, tầm quan trọng trong cuộc sống của người con Phật

 

“Này các thầy Tỳ-kheo, ví như trong các loài bàng sanh, sư tử - vua các loài thú được xem là tối thượng, tức là sức mạnh, tốc lực và dõng mãnh. Cũng vậy, này các Tỳ-kheo, trong các pháp thuộc phần giác ngộ, tuệ căn được xem là tối thượng, tức là về giác ngộ”.[1]

Theo lời dạy của đức Thế Tôn, để đạt đến sự giác ngộ thì tuệ căn được xem là tối thượng, cũng như trong Bát chánh đạo, chánh kiến là đứng đầu tiên, nghĩa là phải có cái nhìn, sự nhận biết một cách đúng đắn, không bị tập quán, thành kiến, dục vọng ngăn che, làm sai lạc. Dẫu biết rằng, các pháp khác do tác dụng hỗ trợ rất tích cực cho tuệ giác phát khởi nhưng chỉ có tuệ giác mới có thể giải quyết dứt sạch mọi phiền não, sanh tử. Vì lẽ ấy, phương châm tu học của người con Phật chính yếu là “Duy Tuệ Thị Nghiệp”.

Đối với phương diện thế gian thì tiền bạc, danh lợi, địa vị được xem là thước đo, là yếu tố để đánh giá một người thành đạt trong xã hội. Nhưng về phương diện xuất thế, sự nghiệp trí tuệ được xem là quan trọng nhất, vì để xứng đáng trở thành người kế thừa mạng mạch Phật pháp của đức Như Lai thì điều quan trọng nhất cần phải có đó là “Tuệ giác”.

Một hành giả tu học phải có cái thấy biết đúng như thật về bản chất của các pháp là duyên sanh, vô thường, khổ, không, vô ngã, đây chính là tuệ giác. Trí tuệ của đạo Phật không phải là nhờ sự học tập, tích lũy kiến thức trong đời sống hằng ngày mà có được. Thế nên Phật giáo đặt trọng tâm vào sự thành tựu trí tuệ, tức là sự chứng ngộ chân lý của vạn pháp, nhờ vào kiến thức và tư duy đó ứng dụng vào việc chuyển hóa thân tâm giúp đoạn trừ được vô minh, phiền não, đem đến sự an lạc, giải thoát ở hiện đời cũng như trong tương lai, còn tri thức ở thế gian chỉ là phương tiện mà thôi. Đây là mục đích rốt ráo của người học Phật.

Trí tuệ được ví như con thuyền làm phương tiện đưa chúng sanh từ bờ sinh tử vô minh sang bờ kia là niết bàn giải thoát. Bởi vì trí tuệ toàn giác là trí tuệ siêu việt, thoát ly khái niệm nhị nguyên nên không thể diễn đạt nó bằng ngôn ngữ của thế gian, do đó có thể gọi trí tuệ ấy là trí tuệ bát nhã. Trí tuệ Bát nhã có thể hiểu là trí tuệ không bị các pháp làm cho ô nhiễm, ngăn che, tức là đối với tất cả các pháp luôn hằng giác tri nhưng không dính mắc.

Trí tuệ muốn được phát sanh thì hành giả phải thực hành thiền quán. Vì thiền quán là cơ sở của tuệ giác, là nội dung thực tập tất yếu nhất và đóng vai trò quan trọng không thể thiếu của người con Phật. Thiền quán, thực chất là sự tu tập tuệ căn (ngũ căn), chánh kiến (Bát chánh đạo), tuệ (Tam vô lậu học). Tuệ giác của thiền quán sẽ quét sạch mọi tham ái, vô minh, phiền não.

Trong quá trình tu chứng, dù giáo lý Bắc truyền hay Nam truyền, thì trí tuệ vẫn là yếu tố quyết định. Con đường dẫn đến trí tuệ là quá trình thực tu thực chứng, mà nền tảng căn bản là tam vô lậu học “Giới, Định, Tuệ” hay “Văn, Tư, Tu” chứ không phải đặt trên những lý thuyết huyễn hoặc, không thực tế. Văn tuệ là trí tuệ có được do nghe pháp, đọc kinh hay học tập Phật pháp nên hiểu rõ nghĩa lý trong kinh điển. Tư tuệ là trí tuệ đạt được do suy nghĩ, tư duy, tìm tòi, suy luận hiểu được sự thật. Tu tuệ là trí tuệ phát sanh do tu tập, đào luyện tâm thức, tu tập thiền định, trực giác thể nhập chân lý.

“Văn, Tư, Tu” hỗ trợ và tương nhập lẫn nhau. Những ai tu theo đạo Phật đều phải trải qua đoạn đường này, nghĩa là siêng năng nghiên cứu kinh điển, tư duy những điều đã học, tu tập thiền định và ứng dụng tu hành. Trí tuệ là ngọn đuốc sáng giúp cho chúng ta thoát khỏi bóng tối vô minh. Trí tuệ có được cũng do chính từ những kinh nghiệm thực chứng của bản thân về các pháp, cái biết này không phải là cái biết của tri thức thế gian. Trí tuệ là chìa khóa của giải thoát, muốn có được trí tuệ thì chúng ta phải sống chánh niệm tỉnh thức, để tiếp xúc và nhìn thấy chân tướng của các pháp, cũng như nhận biết rõ ràng những gì đang hiện hữu trong tâm thức của chúng ta do ngoại duyên tác động.

Trí tuệ theo lời dạy của đức Thế Tôn, không nhất thiết là có tri thức cao, bởi tri thức không đủ năng lực chuyển hóa được phiền não. Người có trí tuệ luôn biết nhìn thẳng vào sự thật và chấp nhận sự thật dù đau thương nhưng vẫn nổ lực, tinh tấn, chuyển hóa để thăng hoa trên bước đường tu học. Như hoa sen tinh khiết và ngát hương vươn lên từ nơi bùn lầy; cũng vậy, trí tuệ được khai mở từ trong đêm tối vô minh, tội lỗi khi chúng ta biết đem ánh sáng chân lý của giáo pháp Phật đà mà soi rọi, tức là phải dùng chánh kiến nhìn thẳng, dùng chánh tư duy để suy ngẫm,... và dần dần xa rời ác nghiệp, chuyển hóa thân tâm dần trở nên thanh tịnh, tiến đến sự giải thoát.

Đến với đạo Phật bằng con đường trí tuệ sẽ giúp chúng ta tự hoàn thiện nhân cách của bản thân, tiến tu đạo nghiệp hướng đến sự an lạc, giải thoát. Người xuất gia tu đạo để xứng đáng được gọi là “Sứ giả Như Lai – người mang trên mình sứ mạng hoằng truyền Phật pháp cứu độ chúng sinh” thì phải phát huy được sự nghiệp trí tuệ, vì chỉ có trí tuệ thì mới giúp cho bản thân ta và cả những chúng sanh hữu duyên với ta tìm về bến giác, thoát ly tham dục, khổ đau, sinh tử luân hồi.

Bình An

[1] ĐTKVN, Tương Ưng Bộ V, chương 4, phẩm 6, phần Sàlà, NXB Tôn Giáo, 2000, tr.354

Tin tức liên quan

Trùng Sinh Ân Nặng
22/06/2023
Nâng Niu Cảm Xúc
17/06/2023
Có Phật đời bớt khổ
27/05/2023
Người hiền sống trong tỉnh thức
13/05/2023
Làm người tử tế
02/05/2023