Suy Ngẫm
Trăm nghe không bằng một thấy
Cập nhật: 29/03/2012
Tôi nghe các chị, các bà kể chuyện đi tu Phật thất chùa Hoằng Pháp rất nhiều. Kẻ nói đi tu khổ lắm, nói không được nói, ăn không được ăn, ngồi hơn cả tiếng đồng hồ, khó lắm.
Người lại nói đi tu ở chùa về thấy tâm hồn nhẹ nhàng và an lạc. Nhưng dù ai nói thế nào đi nữa tôi vẫn ao ước mình phải đi một chuyến.
Vừa nghỉ hưu được 3 năm. Nay tôi sắp xếp để đi tu một khóa. Sáng ngày 18/6 tôi theo các chị đi. Chiều đến chùa Hoằng Pháp, tôi cùng các chị vào lấy số nhận phòng nghỉ và cất hành lý. Hôm sau, các con tôi từ TP.HCM lên thăm. Cậu trai út hỏi: “Mẹ! Tu Phật thất là tu ở trong phòng 7 ngày mà không được ra ngoài hả mẹ? Vậy mẹ chịu sao nổi?”. Cậu trai lớn nói lại: “Không phải! Tu Phật thất là tu 7 ngày niệm Phật, nghe thuyết pháp để hiểu rõ về Phật pháp và sửa cho tâm mình an lạc”.
Sau một hồi đi lạy Phật và dạo quanh chùa, các cháu từ giã tôi về lại TP.HCM để đi làm. Trước khi về cô con gái ôm chầm tôi và nói: “Mẹ cố giữ sức khỏe để tu cho tốt mẹ nhé!”
Tôi trở vào, đứng trên lầu 2 khu C nhìn xuống, bóng dáng những tà áo lam làm tôi chợt nhớ đến những giờ ra chơi đứng trên lầu 2 của trường Phan nhìn xuống những tà áo trắng bay bay trong gió, thấy các em học sinh trong sáng, vô tư, hồn nhiên. Nay nhìn những tà áo lam bay dìu dịu trong sân chùa tôi cảm thấy nhẹ nhàng, thanh thoát làm sao!
Tôi trở vào, đứng trên lầu 2 khu C nhìn xuống, bóng dáng những tà áo lam làm tôi chợt nhớ đến những giờ ra chơi đứng trên lầu 2 của trường Phan nhìn xuống những tà áo trắng bay bay trong gió, thấy các em học sinh trong sáng, vô tư, hồn nhiên. Nay nhìn những tà áo lam bay dìu dịu trong sân chùa tôi cảm thấy nhẹ nhàng, thanh thoát làm sao!
Về việc tổ chức dùng cơm, nghỉ ngơi và nghe thuyết pháp thì rất tuyệt! Nếu đem áp dụng vào các trường học nội trú cho các em nhỏ thì nền giáo dục của nước ta sẽ phát triển theo hướng tốt cho xã hội. Nghe các thầy hướng dẫn cách ngồi, cách ăn, cách dùng tăm cũng thấy được sự chánh niệm trong từng việc làm.
Lời pháp của các thầy cuốn hút cả ngàn Phật tử, họ nghe như muốn ghi khắc từng lời. Từ một Phật tử chưa đặt niềm tin vào Phật pháp, chưa thấy sự tỉnh thức, an lạc của tâm hồn, vẫn lo lắng, phân vân trên con đường mình đi, và chưa thực sự sống trong hồng danh A-di-đà nay cũng đã biết lắng lòng nghe những lời pháp vi diệu ấy. Thầy cho chúng con thấy được động lực để tu tập, và chúng ta niệm Phật để chuyển hóa bệnh tật, tiêu trừ nghiệp chướng, hóa giải oan nghiệp và sửa đổi thân tâm mình khi còn sống, xóa hết mọi phiền não để đời sống thánh thiện hơn. Con người chúng ta vốn bị những thứ dục vọng xa hoa của cuộc đời làm cho tham, sân, si, ham muốn... Ta phải biết quán tưởng để nhờ Tam Bảo, nhờ chư Thiên dẫn lối đến con đường giải thoát cho ta được an lạc, không còn bị những ảo giác, vọng tưởng làm mê mờ tâm trí. Vì vậy ta phải phát tâm Bồ-đề để mong cầu sự giác ngộ viên mãn, thoát ly sanh tử, vãng sanh Cực Lạc.
Quả đúng, chùa Hoằng Pháp là cái nôi trung tâm văn hóa Phật giáo Việt Nam nói chung, và của trung tâm văn hóa Phật giáo miền Nam nói riêng. Những ai đã là Phật tử, có lẽ nên đến chùa Hoằng Pháp tu một khóa để cảm thấy tâm hồn mình nhẹ nhàng, an lạc và hiểu tìm Phật pháp nhiều hơn.
Phật tử Nguyên Thuận