Bài viết

Trách nhiệm của người Phật tử

Cập nhật: 28/04/2018
Phần đông Phật tử quy y tam bảo mà chưa ý thức được nhiệm vụ mình phải làm gì đối với bản thân, gia đình, mọi người và đối với Tam Bảo. Hoặc ít có người ý thức, lại là ý thức sai lầm, mình lầm hướng dẫn người khác cũng theo đường lầm của mình. Vì thế, tín đồ Phật giáo số lượng rất đông, nhưng phần hiểu và sống theo lời Phật dạy lại quá ít.
 

Trách nhiệm của người Phật tử

 

Phật tử tại gia là người đem giáo lý Phật dạy áp dụng vào bản thân, gia đình và xã hội, khiến toàn thể sinh hoạt theo đường lối Phật giáo. Trách nhiệm của Phật tử là biến đổi nhân gian trở thành xã hội thuần túy Phật giáo. Tinh thần đại thừa Phật giáo nhằm mục đích chuyển hóa cõi ta bà uế trược này trở thành cực lạc thanh lương. Sự phổ biến Phật giáo khắp mọi tầng lớp trong xã hội là điều Phật tử phải thực hiện.

Theo quan niệm chung của Phật tử xưa nay, khi nói đến trách nhiệm truyền bá Phật pháp là do: "Tăng già đảm nhiệm, hoặc xa hơn lại bảo do hai giới xuất gia và tại gia chung tay gánh vác”. Nhưng đúng lý ra: "sự truyền bá Phật Pháp được phổ biến, linh động trong quần chúng do Phật tử tại gia thực hiện”. Tại sao? Bởi vì mỗi cá nhân, mỗi gia đình thực hiện đúng đường lối Phật dạy thì những cái hay cái đẹp ấy sẽ lan ra những cá nhân và gia đình khác, dần dần Phật hóa gia đình. Trong xã hội, ai ai cũng tu và học theo lời Phật dạy, lúc đó nhân gian sẽ biến thành tịnh độ. Còn nếp sống của người xuất gia quá cách biệt với quần chúng dù cố gắng giáo hóa cách mấy cũng khó ảnh hưởng. Vì thế, Phật tử tại gia có trách nhiệm làm linh động và sống dậy tinh thần Phật giáo qua cách sống của cá nhân và gia đình mình.

Phật tử tại gia lâu nay có quan niệm sai lầm, khi nói đến Phật sự là đinh ninh cúng chùa, cất chùa, công quả, phóng sanh, làm từ thiện, v..v... lãng quên yếu tố căn bản: "làm sống dậy lời Phật dạy ". Giả sử có người phê bình: "Phật giáo chỉ lý thuyết suông không ích lợi gì cho quần chúng”. Phật tử chúng ta chấp nhận lời phê bình này không? Hẳn là không. Nhưng muốn cải chính, chúng ta căn cứ vào đâu để chứng minh sự hữu ích của Phật giáo đối với quần chúng. Căn cứ vào sự cầu nguyện quốc thới dân an sau mỗi thời kinh làm bằng chứng được chăng? Căn cứ vào sự cầu an, cầu siêu ? Hay căn cứ vào sự cúng chùa đời sau được phước chăng? Xa xôi quá, huyền diệu quá. Còn bao nhiêu chứng cứ nữa thảy đều cao siêu khó thấy. Mọi người đòi hỏi có sự lợi ích thiết thực, chính mắt họ trông thấy mới chịu tin. Vì thế, Phật tử tại gia phải cố gắng thực hiện, lấy gia đình mình làm cứ điểm lợi ích thiết thực của Phật giáo để trả lời mọi nghi ngờ và phê bình của mọi người. Hơn nữa, một vị Thầy đứng lên giảng hạnh từ bi, nhẫn nhục, vô thường v..v..., mọi người cho đó là một mớ lý thuyết khô khan không thể thực hiện được. Nếu  bản thân vị Thầy đó thực hiện hạnh từ bi, nhẫn nhục, mọi người lại bảo dĩ nhiên ông ấy phải làm được. Vì ông không có gia đình, không lo sinh kế, còn chúng tôi phải bao bọc gia đình, phải lo sinh kế, làm sao bì mấy ông ấy được. Chỉ có người Phật tử tại gia vẫn sống trong hoàn cảnh như họ mà thực hành được đạo đức mới là việc đáng cho họ chú ý. Phật giáo hữu ích hay vô ích, có lan rộng ra trong quần chúng hay không chính do sự thực hiện hay không của hàng Phật tử tại gia vậy.

Chúng ta không nên đóng khung Phật giáo trong khuôn khổ tín ngưỡng nhỏ hẹp, khiến mọi người nhìn vào thấy Phật giáo là cái xác chết khô khan. Phật tử phải biết áp dụng phần nào lời Phật dạy vào cá nhân, gia đình và xã hội thì Phật pháp sẽ trường tồn và phát triển. Trách nhiệm hoằng hóa Phật giáo là ở Tăng Ni, phổ biến Phật giáo linh động trong xã hội là do cư sĩ. Thời gian rảnh nói chuyện thân mật trong gia đình, hoặc đi thăm người hàng xóm đều là những buổi thuyết pháp linh động của Phật tử. Cách ăn ở trong nhà, sự đối xử hàng xóm hợp đạo lý ấy là bài thuyết pháp rất thực tế của Phật tử tại gia. Phật tử tại gia thực hiện được nhiệm vụ đó mới thực là người Phật tử chân chánh.

Tuy nhiên, thực hiện toàn vẹn nhiệm vụ là điều rất khó, Phật tử tại gia nên tiến dần theo khả năng và phương tiện của mình. Làm thế nào sau thời gian quy y Tam bảo, thọ trì 5 giới, mỗi tháng, mỗi năm, người chung quanh nhìn vào ta thấy đã tiến mỗi ngày mỗi khác hơn trước. Như bài kệ 43 trong Kinh Pháp Cú Phật dạy:

“ Điều mẹ cha, bà con

Không có thể làm được

Tâm hướng chánh làm được

Làm được tốt đẹp hơn”.

Mỗi ngày người Phật tử phải biết làm mới thân tâm của mình bằng cái tâm hướng chánh, hướng thiện thì sẽ làm được những điều tốt đẹp có ích cho đời. Và hơn thế nữa là làm linh động và sống dậy tinh thần Phật giáo qua nếp sống cá nhân và gia đình mình.

                                                                     Tâm Phụng

Tin tức liên quan

Lễ kỷ niệm 12 năm thành lập nhóm Hộ Pháp
11/01/2024
Trùng Sinh Ân Nặng
22/06/2023
Nâng Niu Cảm Xúc
17/06/2023
Có Phật đời bớt khổ
27/05/2023
Người hiền sống trong tỉnh thức
13/05/2023