Tổ chức mừng giáng sinh trong trường học là vi phạm luật giáo dục
Tổ chức noel trong trường học, một hình thức truyền bá tôn giáo trong nhà trường đã vi phạm Luật Giáo dục
(Hình minh họa)
Ngày 13/11/2018, trên mạng xã hội facebook, tài khoản Leha Tho đăng tải 1 văn bản của Trường trung học cơ sở Nguyễn Huệ (Tp Đà Nẵng) gửi phụ huynh học sinh xin phép cho học sinh tham gia và đóng góp kinh phí cho chương trình “Chào mừng Giáng sinh và tiến tới 69 năm ngày truyền thống học sinh sinh viên Việt Nam” do Tổng phụ trách Đội thừa lệnh hiệu trưởng ký.
Theo nội dung đơn xin phép, đây là hoạt động phối hợp giữa Đoàn trường Cao đẳng Bách khoa Đà Nẵng và Liên đội Nguyễn Huệ với nhiều hoạt động.
Tôi thực sự bất ngờ với mục đích của chương trình và những hoạt động trong chương trình. Một số hoạt động như: tặng quà cho 1.000 trẻ em tại bệnh viện phụ sản nhi, 1.000 trẻ em thả diều.v.v… là những hoạt động không bàn đến. Tôi bất ngờ với mục 4: kinh phí tham gia: 300.000đ/ 1 học sinh (Dùng để mua quà cho các em có hoàn cảnh khó khăn, trang phục ông già Noel).
Trong bảng dự kiên kế hoạch kèm theo đơn xin phép có các mục:
1 – 1.000 tình nguyện viên ông già Noel tập luyện đồng ca và vũ điệu Giáng sinh
4 – 1.000 ông già Noel hoàn thành nhiệm vụ tìm kiếm 10.000 món quà tại các chợ và siêu thị Đà Nẵng
5 – 1.000 ông già Noel thăm và tặng quà cho 1.000 trẻ em tại bệnh viện phụ sản nhi.
Với những nội dung trên, có thể thấy rằng Đoàn trường Cao Đẳng Bách Khoa Đà Nẵng và Trường Trung học cơ sở Nguyễn Huệ (Đà Nẵng) đã chủ động đứng ra tổ chức lễ Giáng sinh cho sinh viên, học sinh của 2 trường.
Điều này đã vi phạm Luật Giáo dục, Chương I: Những quy định chung, Điều 19 có ghi “Không truyền bá tôn giáo trong nhà trường, cơ sở giáo dục khác: Không truyền bá tôn giáo, tiến hành các nghi thức tôn giáo trong nhà trường, cơ sở giáo dục khác của hệ thống giáo dục quốc dân, của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân”. Một việc làm đang vi phạm Luật Giáo dục, vậy liệu có bị xử lý như bao nhiêu vụ vi phạm pháp luật khác hay không?
Việc 1.000 ông già Noel vào các chợ, siêu thị và bệnh viện phụ sản nhi để tặng quà sẽ tạo ra 1 hình ảnh vô cùng hoành tráng trong ngày lễ Giáng sinh, một ngày lễ của Thiên chúa giáo. Không biết đây có phải là hoạt động tín ngưỡng của đạo Thiên chúa trong ngày lễ Giáng sinh đã được đăng ký với các cơ quan chức năng, các cơ quan quản lý nhà nước về tôn giáo hay không?
Còn nhớ cách đây không lâu, khi tôi có ý định tổ chức chương trình Bông hồng xuống phố trong ngày lễ Vu Lan với mục đích để tất cả mọi người tri ân Cha Mẹ, 1 ngày trước khi thực hiện chương trình, qua thông tin trên mạng xã hội, chính quyền phường đã đến yêu cầu phải làm đơn xin phép mới được tổ chức?
Và cũng trong ngày Đại lễ Phật đản PL. 2551 – DL. 2017, một vài địa phương (trong đó có 1 xã thuộc Tp Đà Nẵng) đã có văn bản không cho treo cờ Phật giáo ngoài khuôn viên chùa, tại tư gia muốn treo cờ phải xin phép chính quyền địa phương.
Và trong dịp Đại lễ Vesak năm 2014, tại Tp Đà Nẵng, một đoàn Phật tử mang đồng phục tổ chức diễu hành xe đạp đến dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại đài tưởng niệm 2/9 đã bị ông Trưởng phòng nghiệp vụ Ban tôn giáo Tp ngăn cản với lý do chưa xin phép.
Vậy 1.000 ông già Noel tập luyện đồng ca và vũ điệu Giáng sinh nơi trường học, 1.000 ông già Noel tràn vào các chợ và siêu thị, 1.000 ông già Noel vào tặng quà tại bệnh viện phụ sản nhi có phải xin phép không? Và có được cấp phép không? Tôi có thể trả lời ngay là chương trình không hề xin phép bởi các cơ quan chức năng tại Tp Đà Nẵng, các cơ quan quản lý nhà nước về tôn giáo của Tp Đà Nẵng không hề hay biết. Lý do nào để tôi dám khẳng định như vậy. Bởi một cán bộ an ninh quản lý về tôn giáo tại Tp Đà Nẵng đã bình luận trên mạng xã hội về vấn đề này như sau: “Thời nay, Noel có lẽ cũng như Phật đản là của chung chứ không riêng về tôn giáo nào nữa, miễn là tạo không khí vui tươi, không vi phạm pháp luật cũng như các chuẩn mực đạo đức là được”. Và Bí thư Đoàn trường Cao đẳng Bách khoa Đà Nẵng đã phản hồi: “chương trình không liên quan đến tôn giáo”.
Và liệu còn có bao nhiêu trường hợp tại Tp Đà Nẵng cũng như các địa phương khác đưa chương trình mừng Giáng sinh vào các hoạt động của nhà trường như 2 ngôi trường trên?
Liệu có bao nhiêu học sinh không theo đạo hoặc theo các tôn giáo khác phải tham gia vũ điệu mừng Giáng sinh như bị bắt buộc khoác lên mình bộ đồ của một tôn giáo mà mình không theo?
Câu hỏi này xin gửi đến bộ Giáo dục – Đào tạo, các cơ quan quản lý nhà nước về tôn giáo cũng như các cơ quan chức năng khác của nhà nước.
Nguồn: nguoiphattu.com