
Tình Thầy
Tôi được sống và xuất gia tại ngôi chùa Hoằng Pháp thân thương đã hơn bảy năm rồi. Thời gian trôi thật nhanh. Cảnh vật khi xưa đã thay đổi nhiều. Con người cũng bao lớp đến rồi lại đi, hợp rồi lại tan. Người Thầy dìu dắt tôi trên con đường xuất gia cũng theo cái định luật vô thường, mà dần già đi theo năm tháng. Khi còn ở nhà, cha mẹ là người quan tâm, chăm sóc, dành tình thường cho tôi nhiều nhất. Nhưng khi lớn lên, tôi không đi theo con đường thế tục, lấy vợ sinh con để tiếp nối truyền thống của tổ tiên. Tôi rời xa gia đình, cha mẹ, nơi được xem là mái ấm thân thương che chở bao năm để đi theo chí nguyện, hoài bão của mình, một lý tưởng cao đẹp, đó là xuất gia tu học. Cạo bỏ mái tóc xanh, bỏ những bộ đồ đẹp đầy màu sắc, khoác trên mình chiếc áo nâu sòng đơn sơ, lìa xa những dục trần ham muốn để sống cuộc đời tu sĩ bình dị mà thanh cao, giải thoát và đưa chân lý Phật đà đến cho mọi người được hạnh phúc. Tất cả những điều đó đều là nhờ ơn tế độ của ân sư. Người là Trụ trì của một ngôi chùa tọa lạc tại xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn, Thành phố Hồ Chí Minh được mang tên Hoằng Pháp.
Kế thừa sự nghiệp từ Thầy Tổ cùng tấm lòng vì tha nhân, Thầy đã dành cả một đời phụng sự Phật pháp, đem ánh sáng chân lý đến mọi người. Không phụ công ơn Thầy Tổ, Sư Phụ đã và đang phát huy làm cho ngôi chùa Hoằng Pháp ngày càng khang trang hơn, quy mô hơn, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho quý Phật tử về tu tập. Người đã tổ chức những khóa tu một ngày, khóa tu thiếu nhi, khóa tu sinh viên, khóa tu Phật thất… Đồng thời, Người còn mở rộng các chi nhánh từ Bắc vào Nam và ra cả nước ngoài. Tuy bận bịu Phật sự và công việc để lo cho đạo pháp, người vẫn dành thời gian quan tâm, chăm lo, nuôi dạy cho bao nhiêu đệ tử, từ việc cho đi học, và chỉ dạy đức hạnh để đệ tử vừa có đức vừa có tài, tiếp nối, kế thừa và phát huy Phật pháp.
Ngôi chùa Hoằng Pháp thay da đổi thịt hằng ngày, ngày càng phát triển hơn và là điểm tựa tâm linh cho mọi người quay về nương tựa như một mái ấm. Ấm vì tình đạo và ấm về tấm lòng bao dung, sự hy sinh của Sư Phụ. Người là tấm gương cho chúng con noi theo. Thời gian dần trôi, cái vô thường khiến cho Người già hơn, mắt đã mờ, tóc bạc nhiều hơn, trên trán đã xuất hiện nhiều thêm những vết nhăn, đôi chân ngày nào giờ đã đi chậm lại, không còn nhanh nhẹn nữa. Tuy tuổi đã vào xế chiều nhưng Người vẫn dành nhiều thời gian dịch kinh viết sách và tu tập, rồi còn phải bận bịu tiếp khách, lo cho đại chúng về mọi mặt thật chu toàn.
Ngày ngày được Người dạy bảo nhưng riết rồi cũng chán, không ai biết quý trọng nên ông bà ta có câu “giáo đa thành oán”. Nhưng những lời dạy bảo đó là cũng vì mong muốn đệ tử mình nên người, cho đệ tử mình tu tập tốt hơn. Thầy còn dạy bảo Phật tử trong chùa luôn yêu thương và sống hòa thuận từ lời ăn tiếng nói, đi đứng nằm ngồi phải giữ oai nghi và chánh niệm. Tại vì tuổi trẻ nên đôi lúc chúng tôi còn ham chơi, trốn công phu, lén xài điện thoại, hay vi phạm nội quy khiến cho Người phiền lòng. Có đôi lúc, những sư huynh sư đệ bỏ chùa đi đã lâu, nay quay về sám hối và xin Người từ bi cho nhập chúng để nương tựa và tu học, Người vẫn tha thứ và nói “tha thứ thì thư thái”, “hãy mở rộng lòng ra, hạnh phúc sẽ tràn vào”. Có những lúc, đệ tử và Thầy không hiểu nhau nên đã có những sự hiểu lầm thì Người lại mở lời để làm hòa cho Thầy và trò hiểu rồi thương nhau hơn. Người luôn hy sinh vì đệ tử nhưng mấy ai biết được công ơn to lớn ấy. Đệ tử làm sai mà người luôn tha thứ, khiến cho tôi cảm nhận tình thương của Người quá thiêng liêng như tình cha vậy. Thế mà lúc nào ta chỉ biết trách móc giận hờn, không biết thương Thầy. Người lúc nào cũng ăn đơn giản, mặc thì bình dị, ở cũng giản đơn. Nhiều khi Thầy bị bệnh mà vẫn công phu đều đặn, và đi giảng ở các đạo tràng trong và ngoài nước, thời gian có thể một ngày, hai ngày… có khi hơn cả tháng trời. Mấy ai cảm nhận được khi không thấy Thầy, khi không được nghe tiếng nói, không thấy được khuôn mặt hiền từ và ánh mắt đầy lòng bao dung ấy. Khi Người vắng mặt, ở chùa như thiếu vắng và trống trải, hay là lợi dụng cơ hội đó để được tự do, trốn công phu…
Rồi vào một ngày, Người rời đại chúng để đi nhập thất đọc đại tạng kinh. Lúc này, tôi mới cảm nhận được rõ và sâu sắc hơn, đại chúng ở chùa cũng cảm thấy như mình mất đi cái gì đó quá to lớn. Chúng tôi như đàn con thơ thiếu tình thương của người cha vậy. Một ngày, hai ngày, rồi một tuần, một tháng, rồi hai tháng... thời gian cứ lặng lẽ trôi qua, cả đại chúng nhớ Sư Phụ càng nhiều hơn và mong cho Người mau chóng đọc xong đại tạng kinh và trở về với đại chúng, để được nghe tiếng Thầy trực tiếp, nhìn được Thầy bằng da bằng thịt chứ không phải qua chiếc máy mp3 hay màn hình ti vi. Khoảng thời gian bảy tháng bảy ngày mà sao thấy dài quá. Ngày Người trở về, ai cũng mừng vui và hạnh phúc, như đón nhận một mùa Xuân ấm áp về. Người chia sẻ về quá trình nhập thất đọc đại tạng kinh. Người vẫn nhắc nhở đại chúng phải siêng năng tu tập, rồi dặn dò ân cần những điều nhỏ, phải tắt điện, tắt nước khi ra khỏi phòng tắm… Nhiều lúc chúng tôi quên thì Người lại đi tắt.
Vào giờ ăn sáng như thường lệ, được Người chia sẻ Phật pháp hay những câu chuyện đời thường để chúng đệ tử từ đó rút ra bài học cho riêng mình. Người nói: “Chùa mình vào lúc ăn sáng là lúc mọi người tập trung đầy đủ nhất, còn ăn trưa và ăn chiều thì đi ăn ít hơn”. Người còn nói rằng: “Bao nhiêu năm qua, chưa bao giờ Thầy bỏ ăn cùng với đại chúng, trừ khi đi Phật sự hay bận việc. Vì khi ngồi ăn chung cùng đại chúng, Thầy vui hơn và ăn ngon hơn, chứ ngồi ăn một mình buồn lắm. Trước cũng ăn, sau cũng ăn, thì mong anh em và Phật tử sắp xếp thời gian đi ăn đúng giờ, chứ đi ăn lèo tèo có mấy người”. Nghe vậy mà lòng thương làm sao. Người luôn tiên phong trong việc mở ra chương trình mới, trong đó có chương trình Tri Ân Đệ Tử. Xưa nay, ai cũng tôn vinh thầy cô, còn Người lại tôn vinh, tri ân đệ tử. Thầy nói: “Không có đệ tử thì Thầy không thể hoàn thành các Phật sự, giúp cho người trên giảm đi cái bản ngã”. Và một buổi lễ đầy tính nhân văn và đầy tình pháp lữ đã được tổ chức, giúp cho tình Thầy trò được xích lại gần nhau hơn. Người chuẩn bị quà cho mỗi đệ tử, cả xuất gia và cư sĩ, để tỏ lòng tri ân của mình. Buổi lễ đã thành công tốt đẹp, và để lại trong lòng mỗi người một kỷ niệm thật đẹp và sâu sắc.
Nhân dịp ngày Nhà giáo Việt Nam, con xin gởi đến cho người Thầy mà chúng con luôn tôn kính và biết ơn. Trong cuốn Khuyến Phát Tâm Bồ-Đề Tâm Văn của Đại sư Thật Hiền có dạy rằng: “Thế nào là biết ơn Sư trưởng? Cha mẹ tuy sinh dưỡng sắc thân ta, nhưng nếu không có Sư trưởng thế gian thì không biết lễ nghĩa, không có Sư trưởng xuất thế thì không hiểu Phật pháp. Không hiểu biết lễ nghĩa thì chẳng khác gì cầm thú, Phật pháp không hiểu thì cũng như người phàm tục. Nay ta được biết chút ít về lễ nghĩa, được hiểu sơ lược về Phật pháp, cà-sa trang nghiêm đắp thân, giới pháp nhuận thấm thân mình, được như thế là nhờ ơn đức sâu nặng của Sư trưởng. Nếu chỉ cầu quả nhỏ thì chỉ có lợi riêng cho bản thân mình mà thôi. Nay phát tâm Đại thừa, phổ nguyện lợi ích hết thảy chúng sanh, như thế thì Sư trưởng thế gian và Sư trưởng xuất thế đều được lợi ích”. Nên qua đó, sự nghiệp của người tu được diễn tả qua bốn câu thơ:
“Trăm năm trước thì ta chưa có
Trăm năm sau có lại hoàn không
Cuộc đời sắc sắc không không
Trăm năm còn lại tấm lòng từ bi”.
Tôi cũng cố gắng để thực hành theo những lời dạy của Sư Phụ, để sau này làm một người có ích cho đời và cho đạo. Dẫu biết rằng trên bước đường hoằng pháp lợi sinh còn rất nhiều gian nan, nhưng Sư Phụ đã và đang tỏa hương thơm của giới đức. Trong kinh Pháp Cú, đức Phât có dạy rằng:
“Hương các loài hoa thơm
Không thể bay ngược gió
Nhưng hương người đức hạnh
Ngược gió khắp tung bay”.
Con xin thay mặt đoàn thể Tăng chúng, cầu mong cho Thầy luôn có đầy đủ sức khỏe và luôn là bóng mát, là điểm tựa tinh thần cho chúng con nương theo trên con đường hướng đến giác ngộ và giải thoát. Con sẽ luôn cố gắng tu học để không phụ công ơn của Người đã dành cho chúng con, sẽ sống như lời Thầy chỉ dạy:
“Hãy sống như hoa dù sự sống ngắn ngủi
Nhưng hoa đã tỏa hương và làm đẹp cho cuộc đời này”.
Tâm Trịnh