Nước Ngoài

Tin tức Phật giáo thế giới (tuần thứ 3 tháng 4, 2015)

Cập nhật: 02/05/2015
Những tin tức Phật giáo nổi bật mới cập nhật từ khắp nơi trên thế giới.
 

Tin tức Phật giáo thế giới (tuần thứ 3 tháng 4, 2015)

 
THỤY ĐIỂN: Tượng Phật từ tay người Viking

Tháng trước, ngành Bưu điện Thụy Điển đã phát hành một con tem miêu tả Đức Phật ngồi trên tòa sen như một phần của loạt kỷ niệm Kỷ nguyên của người Viking. Đây là hình minh họa của một tượng Phật nhỏ bằng đồng, được các nhà khảo cổ học tìm thấy tại một thị trấn nhỏ của Thụy Điển vào năm 1954. Họ đã xác định tượng này có niên đại thế kỷ thứ 5, nhiều khả năng đến từ Kashmir, bắc Ấn Độ.

Các dây da trên tượng chứng tỏ tượng được đeo như một bùa hộ thân bởi các thương nhân. Các sử gia đưa ra giả thuyết rằng tượng Phật này được mang theo qua hàng nghìn dặm, ngược xuôi các dòng sông và các thảo nguyên Âu Á, trước khi đến một ngôi nhà người Viking ở Thụy Điển, có lẽ là sau hai hoặc ba trăm năm du hành.

Ngày nay, tượng này, được trưng bày tại Viện Bảo tàng Lịch sử Thụy Điển, được xem là phát hiện nổi tiếng và đáng chú ý nhất của viện, do đó đã nhận được sự tôn vinh đặc biệt qua việc xuất hiện trên một con tem.

(Lion’s Roar – April 18, 2015)

Tem của Thụy Điển minh họa tượng Phật bằng đồng từng thuộc về người Viking
Photo: Viện Bảo tàng Lịch sử Thụy Điển

ẤN ĐỘ: Khôi phục Đại Bảo tháp tại huyện Khammam, Andhra Pradesh

Đại Bảo tháp Phật giáo cổ xưa Nelakondapalli ở huyện Khammam đang ở giai đoạn cuối của việc tu sửa.

Với kinh phí khoảng 6 triệu Rupee, Cục Khảo cổ học và Bảo tàng đã thực hiện công việc để Đại Bảo tháp khôi phục lại vinh quang ban đầu và để bảo tồn kiến trúc cổ xưa này cho hậu thế.

Di tích Phật giáo này, tọa lạc cách thị trấn Khammam khoảng 22 km, là một trong những điểm đến du lịch nổi tiếng nhất của bang Andhra Pradesh.

Đại Bảo tháp đồ sộ, vốn đã tồn tại qua nhiều thế kỷ của sự hao mòn, đang được tu sửa sau khi cư dân và các sử gia địa phương nhiều lần cầu xin để bảo tồn di tích lịch sử có tầm quan trọng lớn lao về khảo cổ học này.

Cục khảo cổ học cho biết loại gạch đặc biệt được đặt làm cũng như các vật chất kết nối tự nhiên đã được sử dụng để tăng cường cho cấu trúc của Đại Bảo tháp.

(bignewsnetwork – April 18, 2015)

Các quan chức Cục Khảo cổ tại Đại Bảo tháp đang được tu sửa
Photo: G.N. Rao

HOA KỲ: Chư Ni xây dựng tu viện làm bằng rơm

Escondido, California – Một nhóm nữ tu sĩ Phật giáo của Ni viện Lộc Uyển đang xây dựng tu viện độc đáo của mình. Đó là những ngôi nhà làm bằng rơm vốn thực sự tạo được sự bảo vệ chống cháy tốt hơn.

Ni viện Lộc Uyển được biết đến như là “đại ẩn sơn” – là một khu bảo tồn rộng 400 mẫu Anh, thu hút hàng nghìn người từ khắp thế giới đến thực hành lối sống chánh niệm.

Tu viện đã mua lại một khu giải trí bỏ hoang vào năm 2000, và chư Ni hiện đang sống trong những cái lều đổ nát còn sót lại tại đây.

Tất cả những ngôi nhà mới đang xây dựng đều làm bằng những kiện rơm – là phế phẩm nông nghiệp dồi dào từ việc sản xuất thóc lúa. Và thay cho bê tông, họ sử dụng đất sét và bùn để trát vữa tường.

Theo phân tích kỹ thuật, những nhà rơm này ấm vào mùa đông và mát vào mùa hè; nhà rơm sẽ cháy trong 3 giờ so với nhà khung gỗ là một giờ, do kiện rơm được nén chặt nên không bốc cháy vì không có nguồn không khí.

Những người dân đến đây hành thiền đã cúng dường tiền và dành thời gian để giúp xây Ni viện mới này. Trong nhiều kỳ cuối tuần, họ đã khuân và xén hàng trăm kiện rơm trước khi sắp xếp chúng vào đúng vị trí.

Dự án nhà rơm này cũng dành một ngôi nhà cho Thiền sư của tu viện, Thầy Thích Nhất Hạnh, là người trước đây đã từng đến thăm tu viện Lộc Uyển của Escondido này.

(NewsNow – April 18, 2015)

Chư Ni xây nhà làm bằng rơm
Photo: Robert Santos

TÍCH LAN: Hội nghị tôn giáo quốc tế được tổ chức tại trường Đại học Phật giáo và Pali của Tích Lan

Trường Đại học Phật giáo và Pali của Tích Lan sẽ tổ chức Hội nghị Quốc tế về “Lòng Khoan dung và Sự Hòa hợp Tôn giáo”, diễn ra trong 2 ngày (22 và 23-4-2015) tại khán phòng chính của trường đại học này ở Homagama.

Đại hội được tổ chức bởi Khoa Nghiên cứu Tôn giáo và Triết học So sánh, Công đoàn và Hội Sinh viên của trường Đại học Phật giáo và Pali, với sự tài trợ của Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Tích Lan. 

Nhiều vị chức sắc tôn giáo và chính khách từ các nước sẽ là khách mời đặc biệt và khách mời danh dự của sự kiện này.

Chủ tịch danh dự của Liên minh Tôn giáo là Mục sư - Tiến sĩ Welton Gaddy của Hoa Kỳ sẽ trình bày bài thuyết trình chính trong hội nghị.  

(Colombo Page – April 20, 2015)

Biểu trưng của Hội nghị Quốc tế về Lòng Khoan dung và sự Hòa hợp Tôn giáo 2015
Photo: Colombo Page

MÃ LAI: Trường Phật giáo chuyển sang thời đại kỹ thuật số

Kuala Lumpur – Trường Đạo pháp Chủ nhật của Phật viện Đại tịnh xá tại Brickfields mỗi tuần có 500 học viên theo học giáo lý nhà Phật.

Thượng tọa K.Siri Dhamma, hiệu trưởng của trường, là người đứng đầu 120 giáo viên tình nguyện, nói rằng trường sẽ trải qua nhiều thay đổi hơn trong thời đại kỹ thuật số này.

Thượng tọa tự hào về một trong những sản phẩm của viện, có tên gọi là Sư Trụ trì và Trẻ Mồ côi, một loạt phim hoạt hình 3D được sử dụng để dạy trẻ em đang theo học tại trường.

Ông Vijaya Samarawickrama, người hướng dẫn giáo trình đổi mới này, cho biết giáo trình đã được dịch sang tiếng Anh đơn giản hơn. Nhưng nó vẫn sẽ giữ 3 yếu tố quan trọng – những câu chuyện thú vị, các kỹ năng sống và những ví dụ về cách thực hành giáo lý trong cuộc sống hàng ngày, ông nói. Được trìu mến gọi là Bác Vijaya, ông nói nhóm của mình đang trong giai đoạn hiện thực hóa các sách giáo khoa thông qua các nền tảng kỹ thuật số. Ông nói, “Chúng tôi đang xem những sách giáo khoa mà có thể hướng dẫn trẻ em đến với các nguồn về Phật giáo trên Internet”.

(tipitaka.net – April 21, 2015)

Thượng tọa K.Siri Dhamma (bên phải) và ông Vijaya Samarawickrama
Photo: Adrian Chan


Diệu Âm lược dịch

Theo vnbc.org

BBT Website

Tin tức liên quan

Ân tình
12/04/2024
COVID-19, một lời khuyên về “Trách nhiệm Toàn cầu” được phát biểu trong Ngày Trái đất của đức Dalai Lama
03/05/2020
Thiền sư Hàn Quốc Pomnyun Sunim đưa ra hướng dẫn Phật giáo để đối phó với Đại dịch
05/04/2020
Một triệu lượt tín đồ tham dự lễ hội Phật giáo Samyak Mahadan ở Patan, Nepal
03/03/2020
Triển vọng của nền kinh tế theo tinh thần Phật giáo
29/11/2018