Chuyên mục tư vấn

Tín – Hạnh – Nguyện

Cập nhật: 16/09/2015
Hỏi: Người niệm Phật từ trước đến nay đã hiểu về những điều kiện cần có của pháp tu Tịnh độ là Tín – Hạnh – Nguyện, nhưng tại sao khi hành trì mà tâm cứ chạy loạn khắp nơi?
 

Tín – Hạnh – Nguyện

 

Đáp:

Ba điều kiện thiết yếu của người tu Tịnh độ cần có là:

- Tín: là lòng tin chân thật vào nơi lời thệ nguyện và sự cứu độ của đức Phật A Di Đà. Đồng thời cũng tin vào bản thân của mình chắc chắn tu hành thành tựu nhất tâm bất loạn để vãng sinh Cực Lạc.

- Hạnh: là sự thực hành chuyên tâm nhất ý một câu danh hiệu để đạt được sự thanh tịnh an lạc, mà không có xen tạp bất cứ việc nào khác.

- Nguyện: là sự mong muốn tha thiết được sinh về Cực Lạc sống với đức Phật A Di Đà cùng chư vị Thượng thiện nhân ở cõi nước đó, không còn phải bị tái sinh luân hồi.  

Tuy nhiên, trên thực tế công phu, có rất nhiều người Phật tử gặp những khó khăn là dù đã nỗ lực rất nhiều để niệm Phật, nhưng tâm ý vẫn bị tán loạn và phóng chạy khắp đông tây, không thể kiểm soát hoặc dù có người tu khá hơn, có thể tỉnh giác thấy rõ tâm phóng chạy và tìm cách kéo nó trở về với thực tại, nhưng chỉ được một chút là nó vẫn tiếp tục đi nữa.

Vậy để khắc phục và vượt qua sự trở ngại này để niệm Phật được nhất tâm thì người tu cần phải có bí quyết. Bí quyết đó là gì?

Như ở trên đã nói, nhìn xét lại thấy tấm thân của mình đã vào độ ‘xế chiều’ và nó đang trên đà xuống dốc của già và bệnh. Hơn nữa, mọi thứ, buồn, vui, vinh nhục, thành bại, được mất… mình đã từng nếm trải quá nhiều trong suốt cuộc đời rồi. Giờ đây ngồi yên nhìn lại những việc đã xảy ra trong mấy chục năm ấy thì chẳng khác gì một giấc chiêm bao.

Vậy giờ đây mình còn muốn tính toán hay lo lắng việc gì nữa trước khi chịu xuôi tay nằm im dưới mồ? Còn phiền muộn hay thương ghét, luyến tiếc người nào, vật nào nữa khi mai mốt mình cũng chỉ còn lại một nắm xương tàn hay một hủ tro cốt?

Đã thấu rõ ‘cuộc đời như giấc mộng dài’ thì bây giờ chỉ còn nhớ một danh hiệu Phật theo từng hơi thở: “Hít vào A Di; thở ra Đà Phật”. Thấy rõ mạng sống này chỉ tồn tại trong từng hơi thở, tấm thân này là cái mà mình giữ gìn bảo vệ bấy lâu còn không thể giữ được thì có cái gì ở bên ngoài thân có thể nắm giữ? Xét nghĩ được như thế thì mình sẽ buông bỏ mọi việc tham chấp, giận hờn một cách nhẹ nhàng và có thể dễ dàng trở về với bản tâm thanh tịnh sáng suốt.

Ngược lại, người không nắm được bí quyết này mà vận dụng tu hành thì tuy niệm Phật rất nhiều năm, nhưng trong tâm vẫn cứ mãi cho mình là còn trẻ khỏe, còn lâu mới chết, mọi vật đều là bền chắc, tốt đẹp và tâm còn tham đắm hay giận hờn đối với nhiều thứ vật chất cũng như con người thì tâm sẽ còn chạy đuổi theo ngũ dục lục trần mãi mãi mà chẳng thể dừng. Dù có cố gắng kiềm chế, đè nén, nhưng vì vẫn thấy mọi thứ là thật có thì chỉ cần sơ hở trong tích tắc là tâm vẫn ‘ngựa quen đường cũ’.

Một hôm, trên đường đi giáo hóa cùng với Tăng đoàn, nhìn thấy phía xa một đàn bò bị một người chủ cầm cây gậy đánh và lùa chúng đi ra ngoài đồng cỏ mà ở nơi đó chúng vô tư thỏa thích gặm cỏ và nô đùa, đức Phật đã nói lên một bài kệ để cảnh tỉnh đại chúng:

Ví như người cầm gậy

Chăn dắt đàn bò si

Già chết cũng như vậy

Đang lùa mạng sống đi.

Nghe bài kệ ấy rồi, nhưng ngài A-nan không hiểu hết ý nghĩa sâu xa, cho nên khi đã trở về Tịnh xá, ngài mới xin với đức Phật giảng nghĩa về bài kệ ấy. Đức Phật đã nói rằng:

- Đàn bò ấy vốn có hơn một trăm con. Mỗi buổi sáng, người chủ lại cầm gậy lùa đàn bò ấy đi ra ngoài cánh đồng cho chúng ăn cỏ và uống nước. Khi chiều về, người chủ ấy lại cầm gậy lùa chúng về chuồng. Trên đường đi về, ông ta ghé vào một lò mổ và để lại đó bốn hoặc năm con bò để cho người ta giết thịt. Từ đàn bò với trên một trăm con, mà giờ đây chỉ còn lại khoảng vài chục con, nhưng đàn bò cứ vô tư chạy nhảy, đùa giỡn, xô lấn tranh giành lẫn nhau mà không hề biết gì tai họa sẽ xảy ra với chúng.

Con người cũng mê lầm giống như vậy, mỗi ngày họ đi dần đến chỗ già, bệnh và chết mà không hề hay biết để tự cảnh tỉnh bản thân.

Như vậy, nếu biết quán xét về sự vô thường đang kề cận từng phút từng giây để đưa mọi người đến chỗ chết thì chúng ta sẽ không còn lo mải mê tranh giành mấy thứ vật chất tạm bợ kia nữa mà tự mình tìm ra cách thức tu hành và không ngừng nỗ lực niệm Phật để tự mình thoát ra khỏi chỗ sinh tử. Đó là bí quyết để vận dụng tu hành.

Thích Minh Thành

Tin tức liên quan

Quy Kính Tăng Bảo
02/06/2017
Nương Tựa Chánh Pháp
07/03/2017
Hồi hướng công đức cho người thân khác đạo
13/07/2016
Một tâm thanh tịnh
18/06/2016
Nhất tâm niệm Phật
01/06/2016