Đến cửa chùa rũ bỏ trần duyên tính xấu
Vào điện Phật giữ gìn mối đạo tâm lành.
Suy Ngẫm
Tiểu Bồ Tát
Cập nhật: 25/05/2007
Các phương tiện thông tin đại chúng Việt Nam đồng loạt đưa tin em Trần Văn Truyền, 14 tuổi ở Đà Nẵng đã dũng cảm lao mình xuống vực biển sâu dưới chân đèo Hải Vân, cứu sống 11 mạng người sắp chết đuối, vào sáng chủ nhật, 29/4/2007.
Hành động phi thường từ tâm không suy tính
Theo các tin đã đưa, hôm ấy, em Truyền cùng cha là ông Trần Văn Mến đi làm rẫy ở chân đèo Hải Vân. Sau khi kéo ống nước tưới cây xong, em xuống ghềnh đá ven biển câu cá như thường ngày.
Khoảng 10 giờ, em thấy có một chiếc tàu nhỏ chở đầy người chạy nhanh từ hướng Nam Ô về Hoà Vân, cách bờ khoảng 150 mét thì tròng trành, tròng trành rồi lật úp. Hàng chục nạn nhân hoảng loạn kêu la, vẫy vùng tuyệt vọng.
Em Truyền thấy vậy bèn vứt cần câu, lao lên núi tìm cha. Nghe con hớt hải báo có đoàn người sắp chết đuối, ông Mến vội dứt đoạn ống dẫn nước bằng nhựa mềm dài khoảng 50 mét lao nhanh xuống mép biển. Vừa chạy, Truyền vừa la to: có người chết đuối!!!.
Nghe tiếng kêu cứu, hai anh em ông Nguyễn Văn Trung và Nguyễn Văn Hoạch cũng chạy tới. Cả bốn người cùng ào xuống biển, lao ra mỏm đá xa nhất, tiếp cận gần nhất với đám người bị nạn. Lúc này, gió rất mạnh, sóng rất to, dây cứu hộ cứ ném ra thì bị quặt trở lại, không làm sao tới được đám người đang chới với, sắp no nước.
Không chần chừ suy tính, Truyền bảo cha: “cột dây vào người con, con bơi ra đưa cho họ bám, cha và hai chú kéo vào!!!”. Rồi nhanh thoăn thoắt, em buộc dây vào mình, lao ùm xuống biển, bơi nhanh về phía đám người sắp chết đuối.
Nơi xảy ra vụ tai nạn là bãi Hẳm, rất nguy hiểm. Sát mép nước là đáy vực, sâu thẳm, sóng xoáy thất thường, không ai dám bơi ở đó, ngay cả những người dân chài lớn tuổi.
Sóng to, gió lớn, nước lạnh, mặc!!! Truyền ra sức bơi. Chuyến đầu có 6 người bám vào được. Mọi người trên bờ ra sức kéo. Dìu họ vào đến mỏm đá, Truyền lại lao ra.
Chuyến thứ hai có 4 người nữa bám được. Đưa họ vào đến bờ, Truyền đã gần như kiệt sức, người bợt bạt, răng đã lập cập rét run. Nhưng ngoài xa vẫn còn hai người đang chới với, sắp chìm nghỉm, trong đó có một em nhỏ. Truyền lại lao ra, đưa 2 người vào bờ, nhưng em nhỏ thì đã chết do uống quá nhiều nước!
Lên tới bờ, mặc dù mệt lả, sắp quỵ xuống, nhưng Truyền lại cố gắng lên chòi rẫy, mang quần áo của hai cha con xuống để ủ ấm cho những người bị nạn. Vừa lúc đó thì bộ đội biên phòng chạy đến.
Buổi chiều, khi những người vừa thoát khỏi lưỡi hái của tử thần đã ra về, 7/8 thi hài người chết đã được trục vớt và đưa đi, hai cha con em Truyền lại cặm cụi tiếp tục công việc đang còn dang dở trên rẫy. Nhưng em vẫn còn vướng bận trong lòng, về việc thi hài anh Đoàn Thanh Hùng vẫn chưa tìm thấy, mặc dù đã được bộ đội đặc công nước lặn hụp tìm kiếm trong mấy giờ.
Em lại xuống mép biển khi sáng, vừa câu cá, vừa ngóng đợi xác chết mà em hy vọng sẽ dạt vào. Đúng như dự đoán của em, 18 giờ 30 phút, khi màn đêm đã buông xuống, biển dưới chân đèo Hải Vân đã tím ngắt, bóng núi đã đè trên mặt nước đầy sóng dữ, thì xác chết nổi lập lờ, cách bờ chừng 5 mét. Em kêu cha, rồi tìm dây cột xác chết đưa vào bờ, gọi cho người nhà nạn nhân xấu số đến mang về.
Viết đến đây, tôi rợn cả người. Đã vài lần qua lại khu vực này và nhiều lần tiếp xúc với xác chết các loại mà tôi chưa thể bình thản được, vẫn rất sợ hãi. Thế mà một em bé 14 tuổi, trong cảnh như vậy, cư xử như vậy, cứ như “người cõi khác” vậy, đáng phục thay!
Được biết, dịp 30/4 và 1/5 năm nay, người ăn lương nhà nước được nghỉ tới 5 ngày, nên những người khá giả có điều kiện đi du lịch, thư giãn nơi xa. Đoàn gặp tai nạn này gồm 24 người, phần lớn là cư dân quận Hải Châu - Đà Nẵng, đã cùng nhau thuê một chiếc tàu cá công xuất nhỏ, không biển kiểm soát, đi du lịch ra làng Vân và đảo Ngọc. Tàu gặp sóng to, gió lớn, va vào đá ngầm đã bị chìm làm 8 người thiệt mạng, 16 người thoát chết nhưng bị thương nặng.
Được biết thêm, năm 2005, trên đường đi rẫy, cha con em Truyền đã phát hiện có một nạn nhân bị tàu cán chết. Em đã đi nhặt hết từng phần thi thể của nạn nhân, để rồi hai cha con, liên lạc theo giấy tờ còn lại, gói ghém đưa ra tận Phú Bài (Thừa Thiên – Huế) cho gia đình họ. Năm 2006, cũng trên đường ra rẫy, cha con em đã phát hiện thấy có hai mẹ con, người làng Vân gần đó cũng bị tàu cán, văng vào bìa rừng. Người mẹ đã chết, cháu bé bị thương nguy kịch, bê bết máu. Truyền đã ôm em, chạy bộ chui qua hầm số 1, dài mấy cây số, ngược về trạm y tế. Cháu bé đã được cấp cứu kịp thời.
Khi được hỏi: Em nghĩ thế nào mà lại có những hành động dũng cảm như thế? – Cậu bé 14 tuổi, đen nhẻm, nhỏ thó và nhanh nhẹn như một con sóc, ngây thơ trả lời: “Cháu thấy người sắp chết nhiều quá nên lao ra cứu họ thôi, chứ có nghĩ chi mô!”.
Thiệt đúng là những hành động phi thường này được khởi phát từ cái tâm con trẻ (xích tử chi tâm), trong sáng, ngây thơ, hiếu sinh, không suy tính gì cả. Tâm ấy có lẽ rất gần với Tâm Bồ tát? Cái “Tâm không suy tính” ấy, chẳng đáng để chúng ta suy ngẫm và hổ thẹn hay sao?
Hoàn cảnh éo le mà thân tâm vô nhiễm
Trần Văn Truyền, năm nay 14 tuổi, là con út trong một gia đình có hai chị em. Vì gia cảnh quá khó khăn nên chị gái của Truyền học hết lớp 9 thì phải nghỉ học, ở nhà đỡ đần cha mẹ. Còn Truyền được cả nhà cố sức cho đi học. Năm nay em học lớp 7/5 trường THCS Nguyễn Thái Bình, quận Liên Chiểu - Đà Nẵng. Ngoài thời gian đến lớp, em phải cùng cha mẹ và chị gái làm lụng mưu sinh.
Cha em là ông Trần Văn Mến cho biết: Bốn năm trước còn có mấy sào đất để làm. Từ năm 2005 đến nay, đất bị thu hồi để mở đường hầm Hải Vân, nên phải ra tít chân núi xa, vỡ đất hoang làm rẫy trồng chuối và hoa màu mưu sinh.
Hai năm qua, đám rẫy đó đã nuôi cả gia đình sống tần tảo qua ngày. Vợ chồng ông phải nhẫn nại lật từng hốc đá để lấy đất trồng cây. Cần cù nhặt nhạnh từng buồng chuối, mớ rau, “ nhờ thế mà thằng Truyền mới có cái áo trắng để đến lớp với bạn bè” - ông nói.
Vậy mà cơn bão Xang-san khủng khiếp năm ngoái ập vào Đà Nẵng, đã đốn ngã sạch không còn một cây chuối nào. Cái đói đã lởn vởn trước mắt gia đình ông. Cả nhà ông lại lăn lưng ra trồng chuối, trồng mì, trồng rau, gắng gây dựng lại.
“Khi không phải đi học là thằng Truyền lại ra rẫy, phụ giúp ba trồng cây, tưới nước, làm cỏ hay câu cá làm thức ăn cho cả nhà. Cháu luôn vui vẻ và hồn nhiên chịu đựng, không bao giờ ca thán gì cả. Cứ nhìn thấy cảnh hai mẹ con hắn è lưng gánh chuối, cắt rừng về làng đổi gạo mà tôi ứa nước mắt. Tui sợ vì nghèo mà đường học của cháu cũng dang dở như chị của nó.” - Ông tâm sự.
Khi được thưởng chiếc xe đạp mới, Truyền đạp bon bon ra đường, gương mặt rạng ngời, hồn nhiên như chính tuổi thơ của em. 14 tuổi nhưng vì nhà nghèo, thiếu thốn đủ thứ nên em nhỏ thó, bé choắt, đen nhẻm, trông như đứa trẻ 11-12 tuổi. Chỉ có đôi mắt là trong veo trên khuôn mặt thanh tú, thông minh với đôi tai to, dày, nhân hậu lạ thường. Em nói: “ Cháu mơ ước có chiếc xe đạp này từ lâu để không phải đón xe lam đi học, mỗi ngày cha mẹ đỡ tốn 4 ngàn đồng.”.
Trần Văn Truyền thiệt xứng danh “Hiệp sĩ của xóm”, và hơn thế nữa - bà con tổ dân phố số 9, phường Hoà Hiệp Bắc đã đặt cho em biệt danh như thế!
Ông Dương Thành Thị, chủ tịch UBND quận Liên Chiểu, khi đến tận nhà em đã không cầm được nước mắt. Ông nói: “ở tuổi 14, phần đông các em được cha mẹ chăm bẵm, chỉ biết ăn học thôi. Riêng em Truyền đã phải thường xuyên theo cha ra rẫy làm việc vất vả. Ngày lễ, người ta nghỉ ngơi, đi du lịch, mà Truyền vẫn vui vẻ đi làm rẫy cùng cha. Chúng tôi không chỉ cảm kích vì hành động dũng cảm, mà còn rất cảm động về gia cảnh bần hàn của em”.
Sách nhà Nho có câu “ nhà nghèo mới biết con có hiếu”. Đức hiếu và rộng hơn nữa là hiếu sinh ở Truyền có tính tự nhiên, do vậy mà trong sáng và vô nhiễm.
Xét về thẳm sâu thì hành động dũng cảm của em đâu phải là bột phát và ngẫu nhiên. Có người cho rằng, vài món tiền và đôi sự ưu ái nhỏ nhoi mà người ta mang đến cho em sau nghĩa cử vừa rồi có thế làm em hư mà thoái chí. Tôi thì không nghĩ như vậy. Với em, tôi tin chắc rằng, “mài cũng không mòn, nhuộm cũng không đen”, bởi cái tâm Bồ tát ấy ở em là tự nhiên, vô cầu, cho nên không hề vướng bận.
Chí thiện và Hảo Tâm
Từ sự kiện em Trần Văn Truyền ở Đà Nẵng vừa qua, theo quan điểm nhà Phật, chúng ta có thể thấy:
1. “Trái với ác là thiện, không làm các điều ác đã là thiện rồi. Nếu lại làm thêm những điều có lợi cho các loài hữu tình thì lại càng thiện hơn nữa. Trái với mười điều ác, có mười điều thiện. Trong đó không sát hại mà lại còn cứu mạng trong lúc hoạn nạn là đứng đầu các điều thiện.
Ngoài bất động nghiệp ra còn có những nghiệp đặc biệt, có thể lấn át phần nào ảnh hưởng của các nghiệp khác, trong đó có cực trọng nghiệp, là những nghiệp lành, nghiệp dữ rất to lớn, ảnh hưởng rất mạnh đến nghiệp báo chung, như cứu mạng nhiều người hoặc tàn sát nhiều người, v.v, nó quyết định phần lớn sự lên xuống trong đường luân hồi.
Vì thế, đi đôi với những công hạnh tự giác, các vị Bồ tát còn tu tập những công hạnh giác tha, nghĩa là hiện ra nhiều thân trong các loài để hoá độ chúng sinh đồng thành Phật đạo.
Cả trong lúc mới phát tâm tu học Bồ tát thừa, các vị Bồ tát cũng đã phát những đại nguyện phả độ chúng sinh, vì chỉ khi nào công hạnh giác tha được viên mãn thì công hạnh tự giác mới thật là viên mãn, nghĩa là chứng được toàn thể toàn dụng của pháp giới tính.
Bố-thí là đem những cái mình có mà giúp cho người. Khi đem tiền của mà giúp cho người thì gọi là tài thí, khi đem chính pháp mà chỉ dạy cho người thì gọi là pháp thí, khi đem sức mình cứu giúp che đỡ cho người thì gọi là vô uý thí (nghĩa là bố thí cái không sợ khi người khác đương sợ hãi).
Các vị Bồ tát thuận theo bản tính không có xan tham mà tu hạnh bố thí. Trong lúc bố thí các vị không rời bản tính chân như nên không thấy thật có mình bố thí, thật có vật bố thí, thật có người chịu bố thí, thật có sự bố thí ; không thấy thật có quả báo bố thí và không mong cầu quả báo ấy nên gọi là bố thí Ba la mật; khác với lối bố thí thông thường, còn phân biệt có mình, có người, có sự, có vật.
Do các vị Bồ tát thuận theo tâm tính vô biên mà bố thí nên phúc đức cũng vô lượng vô biên”.
2. “Bồ tát Văn Thù hỏi Phật: Sao gọi là Hảo Tâm?
Đức Phật dạy: Hai chữ Hảo Tâm ít người làm được. Nếu có người có lòng Hảo Tâm, làm lợi ích cho người chẳng cần trả ơn. Làm việc giúp đỡ người chẳng cần Quả báo. Cúng dàng cho người chẳng cần Phúc báo. Làm lợi cho người chẳng cần Ân báo.
Những điều hạ Tâm mình xuống, làm cho lòng muốn của người được đầy đủ, khó bỏ xả mà bỏ xả được. Khó nhịn mà nhịn được, khó làm mà làm được. Chẳng luận bà con hay người dưng, lấy Tâm Bình đẳng mà cứu giúp, làm đúng sự thực.
Người Hiền, Tâm thường làm những việc tốt mà miệng chẳng khoe khoang. Ý nghĩ giúp ích cho người mà thôi, chẳng cầu danh vọng cho mình. Như vậy mới gọi là Hảo Tâm”.
Tâm của tiểu Bồ tát Trần Văn Truyền trong bài viết này thiệt xứng với chữ Hảo Tâm mà Đức Phật đã dạy như trên.
(Bài viết có sử dụng và trích dẫn từ Vnn.vn, Vnexpress.net,..., “Phật học thường thức” và “Phật thuyết Đại thừa Kim cương kinh luận”)