Đến cửa chùa rũ bỏ trần duyên tính xấu
Vào điện Phật giữ gìn mối đạo tâm lành.
Bài viết
Tiếng khóc
Cập nhật: 17/11/2022
Oe oe…. oe…. Tiếng khóc thét của đứa bé làm cả khoang máy bay chú ý. Có người vò đầu, bịt tai tỏ vẻ khó chịu khi ngồi gần đứa bé. Có kẻ xầm xì “đẻ con mà không biết giữ, khóc nhức cả đầu”. Bên cạnh đó, vẫn có người tốt bụng pha trò, múa hát cho đứa bé bớt khóc. Và có cả chị tiếp viên xinh đẹp, với kinh nghiệm chuyên môn của mình đến hướng dẫn người mẹ dỗ dành đứa bé. Tôi ngồi không quá xa đứa bé, nên có thế quan sát tất cả hành động, cử chỉ, biểu cảm của mọi người khi nghe tiếng khóc. Mỗi người một trạng thái khác nhau, nhưng có mấy người cảm thông và hiểu sự khó chịu, đau khổ mà đứa bé kia đang đối diện.
Thấy phản ứng của mọi người đang hiện hữu ngay trước mắt, làm tôi nhớ từng xem một đoạn clip do nước ngoài thực hiện để khảo sát cảm xúc của hành khách khi có một diễn viên ẵm đứa bé ngồi kế cạnh họ. Đa phần trong số họ đều không mấy vui vẻ. Họ không nói hay phản đối đứa bé vào ngồi cận, nhưng chỉ cần thấy cái lắc đầu, bĩu môi, nhíu mày, nhún vai đã nói lên tất cả - họ đang lo lắng, bất an và khó chịu.
Bạn có bao giờ rơi vào hoàn cảnh đấy chưa? Tôi đi nhiều nên có duyên gặp gỡ cũng nhiều. Ban đầu, thú thật tôi cũng cảm thấy rất phiền và khó chịu. Có lần trên chuyến bay đi vào khu có thời tiết xấu, máy bay chao lượn, áp suất trong khoang thay đổi đột ngột làm ai cũng ù tai, nôn mửa. Tôi cảm thấy khó chịu, màng tai như muốn nổ tung. Tôi đã cố chịu đựng và những người xung quanh ai cũng thế. Khác với người lớn có khả năng chịu đựng tốt, trẻ con một khi đau đớn là biểu hiện ngay bằng tiếng khóc thét. Ngoài khả năng chịu đựng tốt, người lớn khi khó chịu có thể thực hiện một vài cách nhằm xoa dịu cơn đau, hay đơn giản là có thể tâm sự với người khác cầu sự giúp đỡ. Trẻ con thì không làm được những gì người lớn thực hiện để xoa dịu nỗi đau, nên phương cách duy nhất là tiếng khóc. Qua đây, tôi càng thương các bé nhiều hơn, vì tiếng khóc là ngôn ngữ giao tiếp giữa bé và mọi người để cần sự chăm sóc.