Giáo Dục

Tiền không có lỗi, lỗi tại ai

Cập nhật: 24/05/2018
Tôi sinh ra trên đất miền Trung đầy mưa và nắng, thiên tai xảy ra thường xuyên. Mảnh đất đã sinh ra người anh hùng áo vải Quang Trung – Nguyễn Huệ, đó là quê hương Bình Định thân thương. Người dân nơi đây bao đời lam lũ, bán mặt cho đất bán lưng cho trời.
 

Tiền không có lỗi, lỗi tại ai

 

Tôi là người con út trong một gia đình có sáu anh chị em. Tuy còn khó khăn nhưng vẫn còn hạnh phúc và may mắn hơn những gia đình khác. Từ năm mười hai tuổi, tôi đã bắt đầu cuộc sống tự lập. Hằng ngày phải phụ cha mẹ việc nhà, lo việc đồng áng. Tuy vất vả nhưng nhờ đó mà tôi trưởng thành hơn.

Nội tôi có bốn người con và ba tôi là người con trai duy nhất. Dù còn nghèo khó nhưng mọi người luôn yêu thương nhau. Nhưng từ khi đồng tiền xuất hiện nhiều hơn thì cuộc sống bắt đầu thay đổi. Cô hai thường gửi tiền từ Mỹ về cho anh em và con cháu ở quê nhà với mong muốn giúp mọi người có cuộc sống sung túc hơn, nhưng không ngờ đó lại là điều kiện để lòng tham và sự đố kỵ bắt đầu nảy sinh. Gia đình tôi cũng không ngoại lệ, cũng bị cuốn vào vòng xoáy danh lợi. Lúc đầu, không ai muốn nhận nuôi nội tôi. Đến khi cô hai gửi tiền trợ cấp nuôi nội, ban đầu chỉ là 100 đô/1 tháng, rồi sau đó tăng lên 200 đô. Từ đó, nội tôi trở thành miếng mồi ngon “hấp dẫn” mà ai cũng muốn giành được. Và trong lúc người lớn cãi vã nhau, tôi vô tình nghe được một sự thật mà bấy lâu tôi không hề hay biết. Cô tôi nói với ba tôi rằng: “Mày chỉ là thằng con nuôi, không có quyền nuôi mẹ.” Sự thật ấy quá phũ phàng khiến tim tôi thắt lại. Thì ra, tôi chỉ là đứa cháu nuôi trong gia đình. Tiếng”Nội” mà hằng ngày tôi vẫn gọi đầy thân thương giờ đây sao xa lạ quá. Tôi không thể hiểu được! Tại sao chỉ vì đồng tiền mà con người ta có thể làm tất cả, cho dù là những hành động làm tổn thương đến những người thân thương nhất bên cạnh mình? Từ đó, khoảng cách và sự rạn nứt bắt đầu len lỏi và ngày càng mở rộng trong mối quan hệ giữa mọi người trong gia đình tôi.

Khi tôi đang tuyệt vọng thì hay tin mấy người chị ruột của ba tôi đã tìm được ba tôi – người em thất lạc bấy lâu, để nhận lại máu mủ tình thân. Niềm vui đoàn tụ, nhận lại tổ tiên chưa bao lâu thì một lần nữa vết thương lòng trong tôi lại chảy máu. Tôi nghe thấy người ta nói rằng: “Cứ ngỡ nhận lại đứa em để được nhờ vả. Ai ngờ nó cũng chẳng khá giả gì. Thôi thì từ bỏ gia đình nó luôn!” Lúc đó tôi liền nghĩ rằng: “Sanh ra trong một gia đình nghèo là có tội hay sao?” Ông bà ta có câu:

Thà nghèo ăn bát cơm rau

Hơn ăn cá thịt nói nhau nặng lời.

Và ba mẹ cũng thường dạy tôi:

Nghèo tiền, nghèo bạc thì nghèo

Nghèo nhân, nghèo nghĩa chớ nghèo nha con.

Sau khi trải qua nhiều biến cố cuộc đời, năm hai mươi tuổi, khi vừa hoàn thành nghĩa vụ quân sự về đoàn tụ với gia đình, tôi cũng như bao chàng trai trẻ khác, bắt đầu bước chân vào đời với nhiều ước mơ hoài bão. Lần đầu đến thành phố phồn hoa, tráng lệ, tôi vừa học vừa làm tại một cửa hàng điện tử. Tôi còn nhiều bỡ ngỡ khi cố gắng bắt nhịp với cuộc sống nơi đây. Nhận được những đồng lương đầu đời, tôi hạnh phúc làm sao. Những người khác khi có tiền thì chỉ nghĩ đến ăn chơi, hưởng thụ, mà không biết rằng ngoài xã hội vẫn còn rất nhiều người khốn khổ. Những đứa trẻ mồ côi không nơi nương tựa, phải lang thang khắp đường, đêm về ngủ dưới gầm cầu. Còn những cụ già lớn tuổi hằng ngày phải mưu sinh bằng nghề bán vé số hay lượm ve chai từ các thùng rác. Khi ấy tôi thầm nghĩ, cuộc đời sao còn nhiều bất công quá! Tôi tự nhủ với mình rằng khi có tiền, tôi sẽ dùng những đồng tiền của mình để giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh.

Tôi không quá giỏi giang nhưng được cái tính chăm chỉ, không ngại học hỏi nên cũng được ông chủ thương yêu, tín nhiệm giao cho công việc gặp gỡ khách hàng nhiều hơn. Cũng vì thế mà có nhiều người nảy sinh lòng đố kỵ, lập đủ mưu kế để làm mất niềm tin của ông chủ đối với tôi. Sóng gió lại nổi lên. Đúng là cuộc đời này chẳng có con đường nào trải đầy hoa hồng. Tôi định bỏ công việc ở đây và tìm một việc khác ổn định hơn. Nhưng lúc ấy tôi bất ngờ nhận được một cuộc điện thoại của ông chủ, nói rằng chỉ cần thấy tôi đặt chân xuống bến xe Vũng Tàu thì sẽ cho xã hội đen giết tôi. Từ lúc nghe cuộc điện thoại đó, tôi mất hết lòng tin vào cuộc đời, chẳng còn muốn bon chen giữa dòng đời nghiệt ngã. Tôi cảm thấy như mọi cánh cửa đã khép lại với tôi, cứ ngỡ cuộc đời thế là chấm hết…

Cuộc đời chật hẹp lắm người chen

Đường đạo thênh thang hiếm kẻ tìm.

Nhưng đúng là “ông trời chẳng tuyệt đường sống của ai bao giờ”, một cánh cửa khác bất ngờ mở ra với tôi. Tôi bắt đầu nhận ra chân lý sống của đời mình: Chỉ có con đường tu học mới giúp tôi thoát khỏi bể khổ cuộc đời, và hướng đến hạnh phúc thật sự mà tiền bạc, sắc đẹp, danh vọng, ăn ngon ngủ kĩ không bao giờ mang lại được. Cuộc đời tôi chính thức sang trang mới. Tôi từng bước thong dong, tự tại giữa thân và tâm, sống một cuộc sống thanh cao.

Nhận đời manh áo bát cơm

Tặng đời tất cả tâm hồn thanh cao.

Người ta sống trên cuộc đời này, phần lớn ai cũng chạy theo tiền tài, danh vọng, đôi khi đánh mất cả lương tâm và tình người không hay; mà đâu biết cuối cùng có giữ lại được gì đâu? Ai đến với cõi đời này cũng hai bàn tay trắng, khi chết đi cũng lại trắng tay. Vậy tại sao lại không dành cho nhau những tình thương, sự bao dung, vị tha mà lại dành cho nhau sự đố kỵ, ích kỉ, tham lam, nhỏ nhen như vậy?

Phật dạy rằng: Tiền rồi cũng sẽ rơi vào năm nhà. Một là lửa thiêu, hai là nước trôi, ba là vợ con phá tán, bốn là nhà nước tịch thu, cuối cùng là trộm cắp. Vậy mà ai cũng bị đồng tiền sai khiến, mê hoặc, rồi trở thành nô lệ cho đồng tiền trọn cuộc đời. Cũng vì đồng tiền mà chồng giết vợ, cha giết con, anh em thì tương tàn.

Khi mê thấy tiền vẫn là tiền

Tỉnh rồi mới thấy trong tiền có tâm.

Thế nhưng nếu ta biết làm chủ đồng tiền và sử dụng đúng mục đích thì đồng tiền chính là người bạn tốt, đem lại lợi ích cho rất nhiều người. Còn nếu ta không biết cách sử dụng thì đồng tiền chính là con dao hai lưỡi hại người và hại chính mình. Ông bà ta từng nói:

Nguời trồng cây hạnh người chơi

Ta trồng cây đức để đời về sau.

Hay trong kinh Pháp cú có dạy:

Lấy vật chất làm của, của sẽ rời xa ta

Lấy phước đức làm của, của sẽ theo ta vạn đời.

Còn từ khi xuất gia đến giờ, tôi luôn giữ trong tâm một câu nói của Sư Phụ:

Cho là còn có mất đâu

Gieo nhân hái quả cũng thâu về mình.

Đối với tôi, bài viết chân thật nhất, sâu sắc nhất chính là bài viết về cuộc đời mình, và cũng là tiếng chuông thức tỉnh tôi không bao giờ được đánh mất nhân phẩm và giá trị đạo đức của bản thân. Trải qua nhiều nghịch cảnh, nhưng đến bây giờ nhìn lại tôi không hề cảm thấy hận ai. Thậm chí tôi còn cảm thấy biết ơn tất cả những người đã xuất hiện trong cuộc đời tôi, dù họ yêu thương hay ruồng bỏ tôi; vì nhờ có họ thì mới có tôi của ngày hôm nay.

Đây là những dòng chia sẻ từ chính cuộc đời của tôi, nên tôi hy vọng bất kỳ ai đọc lên cũng hiểu được phần nào thông điệp mà tôi muốn truyền tải: Đồng tiền bản chất vốn vô hại, nếu nằm trong tay người tốt thì sẽ thành những đồng tiền có ích, giúp đỡ được cho nhiều mảnh đời bất hạnh; nhưng nếu rơi vào tay những người mang trong mình lòng tham và sự ích kỷ thì sẽ trở thành những đồng tiền tội lỗi, chia rẽ người với người. Tiền không có lỗi, lỗi ở tại chính cách chúng ta sử dụng chúng mà thôi! Mong rằng

“Những ai lạc bước mau dừng lại

Tỉnh giấc hôn mê thấy nẻo về”.

Cuối cùng, tôi xin tặng tất cả mọi người một bài thơ của bà Tôn Nữ Hỷ Khương:

Còn gặp nhau thì hãy cứ vui

Cuộc đời như nước chảy hoa trôi

Lợi danh như bóng mây chìm nổi

Chỉ có tình thương để lại đời.

Nam Mô A Di Đà Phật.

Tâm Trịnh

Tin tức liên quan

Giới thiệu ấn phẩm mới: Tặng Phẩm Xuân 2021
14/01/2021
Giới thiệu ấn phẩm mới: Bài học thanh thiếu niên
13/11/2020
Tu tập trong cách xá chào
17/05/2020
Giới thiệu ấn phẩm mới: Bài Học Em Đến Chùa
27/02/2020
Giới thiệu ấn phẩm mới: Bài Học Nhân Quả
24/02/2020