Đến cửa chùa rũ bỏ trần duyên tính xấu
Vào điện Phật giữ gìn mối đạo tâm lành.
Bài viết
Thương mình, thương người - Thương người, thương mình
Cập nhật: 02/03/2023
Trong Tương ưng bộ kinh tập V - thiên Đại Phẩm, chương III - Tương Ưng Niệm Xứ, phẩm 2 - Nalanda, bài kinh số IX, có một câu chuyện rất hay về sự hộ trì cho nhau:
1) Một thời Thế Tôn trú ở giữa dân chúng Sumbha, tại Desakā, một thị trấn của dân chúng Sumbhā.
2) Tại đấy, Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo và bảo:
- Thuở trước, này các Tỷ-kheo, một người nhào lộn với cây tre, sau khi dựng lên một cây tre, liền bảo người đệ tử tên là Medakathālikā: "Này Medakathālikā, hãy đến, leo lên cây tre và đứng trên vai ta" -- "Thưa thầy, vâng". Này các Tỷ-kheo, đệ tử Medakathālikā vâng đáp người nhào lộn trên cây tre, leo lên cây tre và đứng trên vai của thầy.
3) Rồi này các Tỷ-kheo, người nhào lộn trên cây tre nói với đệ tử Medakathālikā: "Này Medakathālikā, Ông hộ trì cho ta và ta sẽ hộ trì cho Ông. Như vậy, chúng ta nhờ che chở cho nhau, nhờ hộ trì cho nhau, trình bày các tiết mục, thâu hoạch được lợi tức và leo xuống cây tre một cách an toàn".
4) Khi được nghe nói vậy, này các Tỷ-kheo, đệ tử Medakathālikā nói với người nhào lộn trên cây tre: "Thưa thầy, không nên như vậy. Thưa thầy, nên như vầy: Thầy nên hộ trì tự ngã thầy và con sẽ hộ trì tự ngã con. Như vậy, chúng ta tự che chở cho mình, tự hộ trì cho mình, trình bày các tiết mục, thâu hoạch được lợi ích, và leo xuống cây tre một cách an toàn. Ðây là chánh lý (nāyo) cần phải làm".
5) Thế Tôn nói:
- Này các Tỷ-kheo, như đệ tử Medakathālikā đã nói với thầy của ông ấy: "Tôi sẽ hộ trì cho mình", tức là niệm xứ cần phải thực hành. Này các Tỷ-kheo, "Chúng ta sẽ hộ trì người khác", tức là niệm xứ cần phải thực hành. Trong khi hộ trì cho mình, này các Tỷ-kheo, là hộ trì người khác. Trong khi hộ trì người khác, là hộ trì cho mình.
6) Và này các Tỷ-kheo, thế nào trong khi hộ trì cho mình, là hộ trì người khác? Chính do sự thực hành (āsevanāya), do sự tu tập (bhāvanāya), do sự làm cho sung mãn. Như vậy, này các Tỷ-kheo, trong khi hộ trì cho mình, là hộ trì người khác.
7) Và này các Tỷ-kheo, thế nào trong khi hộ trì người khác, là hộ trì cho mình? Chính do sự kham nhẫn, do sự vô hại, do lòng từ, do lòng ai mẫn. Như vậy, này các Tỷ-kheo, trong khi hộ trì người khác, là hộ trì cho mình.
8) Này các Tỷ-kheo, "Tôi sẽ hộ trì cho mình", tức là niệm xứ cần phải thực hành. Này các Tỷ-kheo, "Tôi sẽ hộ trì người khác", tức là niệm xứ cần phải thực hành. Trong khi hộ trì cho mình, này các Tỷ-kheo, là hộ trì người khác. Trong khi hộ trì người khác, là hộ trì cho mình.
Qua bài kinh, tóm lại chỉ có 2 ý chính, "hộ trì cho mình là hộ trì người khác" và "hộ trì cho người khác là hộ trì cho mình". Tức là thực hành niệm xứ (satipaṭṭhāna) dưới hai dạng:
a. Do sự thực hành (āsevanāya), do sự tu tập (bhāvanāya), do sự làm cho sung mãn.
b. Do sự kham nhẫn (khanti), do sự vô hại, do lòng từ (metta), do lòng ai mẫn.
Hiểu rằng mình tu tập, thực hành pháp để chánh niệm, tỉnh giác phát triển nơi thân, từ đó sẽ tạo ra từ trường an toàn cho mình và cho người.
Mình kham nhẫn, hướng đến lòng từ vô hại, phát khởi ai mẫn sẽ tạo ra vùng trời bình yên cho người và cho mình.
Thường xuyên thực tập hai khía cạnh như vậy thì đời sống sẽ ít mệt nhoài, ít phiền muộn, ít đau khổ từ các mối quan hệ dù người ta có tôn vinh hay huỷ nhục mình. Dù rất khó, nhưng cũng phải thực tập. Vì tương lai do mình quyết định!