Bài viết

Thư Gửi Anh

Cập nhật: 15/03/2018
Sống ở đời, ta thử xem mình chỉ là một người khách lạ thì vui lắm. Thế gian sẽ tiếp đón ta như khách, vui thì ở, buồn thì đi. Ba cõi dục giới, sắc giới và vô sắc giới cũng như quán trọ bên đường, cứ dạo bước rong chơi mà ngắm nhìn muôn trùng sanh diệt để hiểu hơn về bản chất khổ, vô thường, vô ngã của nó. Dù đang ở chốn nào, phương trời nào, cõi giới nào, mang hình hài sắc tướng gì, thì hãy nhớ là giữ cho ta một đức Phật trong tâm, khi ấy chỉ cần một sát-na chánh niệm tỉnh thức là mình đã trở về với bến bờ giác ngộ.
 

Tôi đang loay hoay dưới bếp để phụ giúp công việc cho ngày tu Thiếu Nhi, chợt một Sư anh nói:

- Haiz, “lại một người nữa nay đã quay lưng ra đi!”. Thấy buồn ghê vậy...

Tôi giật mình:

- Ủa, ai vậy thầy, đầu năm đầu tháng nghe vậy là thấy không vui rồi? Hèn chi, từ chiều đến giờ em thấy Sư Phụ không được vui.

Sư anh trả lời:

- TK đó, sáng nay thấy anh ta đắp y qua thưa với Sư Phụ chuyện gì đó. Từ trưa đến chiều không thấy đâu, hỏi ra mới biết là anh ấy đã xin về nhà rồi.

Trong huynh đệ có người quay sang hỏi:

- Anh biết lý do vì sao không? Bị bóng hồng sa mạc nào đó “hốt hồn”, hay gia đình gặp chuyện gì?

Sư anh trả lời:

- Đây cũng không rõ lắm, anh chàng này ít khi tâm sự với mọi người, hỏi cái gì cũng cười cười rồi thôi. Hôm trước Tết, mẹ anh phải nhập viện vì đột quỵ. Anh xin về nhà vài ngày rồi lên lại. Nghe nói hoàn cảnh gia đình anh cũng khó khăn lắm, phải đi ở nhà thuê. Không biết ba mẹ anh có bao nhiêu người con, nhưng có đến hai anh em xuất gia, TK và một thầy nữa đang tu học dưới thiền viện Thường Chiếu.

Câu chuyện dừng lại dang dở như thế, nhưng tôi bỗng cảm giác có một cái gì đó đè nặng trong tâm mình. Dẫu biết mọi việc phải tùy duyên, mọi sự trên đời đều vô thường thay đổi, nhưng tôi hay đùa là: “Vô thường thì cũng vô thường vừa vừa thôi, vô thường quá, ai mà chịu cho nổi!”. Gương mặt anh em nào cũng thoáng chút buồn. Không buồn sao được, chúng tôi cùng sống chung dưới một mái chùa, ăn cơm cùng mâm, đi học cùng xe, hằng ngày được thầy dạy dỗ, chăm lo. Tình cảm đó, anh em ruột thịt nhiều khi cũng không sánh bằng. Một người phải ra đi là một lần đại chúng lại xót xa.

Tôi nghe một thầy lớn kể lại: “Có những khi đi ngang qua phòng Sư Phụ, thấy thầy ngồi một mình đăm chiêu lắm, nhất là khi có huynh đệ nào gặp cảnh nghịch duyên”.

Không buồn sao được! Chư Tăng chùa chúng tôi thường trụ gần một trăm vị, nhưng từ trước đến giờ Sư Phụ xuất gia cho không dưới ba trăm người. Từ lúc vào chùa đến bây giờ, không có năm nào tôi không thấy một vài vị cất bước ra đi. Người đến chùa khác, kẻ hoàn tục ra đời, cũng có một số người đi chán rồi về lại chùa, nhưng số đó không bao nhiêu. Đã dừng lại cuộc tu thì có vô vàn nguyên nhân và nghiệp chướng khác nhau: bản thân đau ốm nên không tu nổi, vướng chuyện tình cảm nam nữ nên tạm gác đường đạo lại, phạm giới bị tẩn xuất, gia đình khó khăn,... Cũng có khi, vì một lý do rất đơn giản là người ta không còn tìm thấy niềm an lạc trong chiếc áo nâu sòng. Những thú vui thế cuộc có vẻ hấp dẫn hơn nhiều so với chuyện đọc sách, ngồi thiền, tụng kinh, niệm Phật. Bản thân tôi cũng đã từng một lần dang dở, nên có lẽ hiểu được phần nào tâm tư của những người lữ khách lỡ đường.

Tôi từng nghe một ví dụ rất ví von: Người xuất gia như hoa xoài hoa bưởi, nở thì nhiều nhưng đậu chẳng bao nhiêu. Dù đã đậu rồi, nhưng những trái non cứ rụng dần theo năm tháng, khi trái lớn cũng có muôn trùng hiểm nguy từ sâu, bướm, ong, rầy. Đến ngày thu hoạch, trên cây chẳng còn được bao nhiêu trái. Đến khi hái vào nhà và cắt gọt, người ta lại phát hiện ra những trái bị thối ở bên trong, dù vỏ ngoài vẫn còn rất đẹp. Ví dụ này sao mà hay đến thế, đáng làm một công án để những hành giả chiêm nghiệm những khi ngồi trầm tư mặc tưởng.

Tôi lại nhớ đến một câu chuyện mà mình đã nghe đâu đó: Vào một ngày cuối thu năm 2012, bốn vị sư đĩnh đạc, trang nghiêm, thanh tịnh, điềm nhiên bước xuống chiếc xe Mercides Benz với một mệnh phụ phu nhân. Một trong số đó là ngài Matsuo Gavesato, dù là người Nhật nhưng ông lại có tầm ảnh hưởng lớn trong giới Phật tử Thái Lan, một danh Tăng lừng lẫy được nhiều người biết đến. Năm người cùng bước vào một khu Resoft. Người tín nữ thuần thành ấy đã thỉnh bốn vị sư khả kính từ một chi nhánh của hệ thống Thiền viện trong dòng thiền của ngài Ajahn Chah để cúng dường trai Tăng tại tư gia, chính là khu Resoft cao cấp này. Thế rồi, sau bữa ăn thịnh soạn ấy, ba sư đệ vào phòng nghỉ ngơi, để lại vị Thiền sư thuyết pháp cho gia đình bà tín chủ. Một lúc sau, ba người khá bất ngờ khi nhìn thấy vị sư huynh lớn nhất của mình vận bộ đồ trắng của người cư sĩ Thái, tay cầm chiếc y vàng rồi quỳ xuống thưa:

- Sau chuyến đi này, chắc tôi không về được nữa, nhờ các sư về thưa chuyện với Sư phụ và đại chúng giùm. Chuyện đã lâu, nhưng sợ mọi người trong thiền viện lao xao nên tôi không dám tỏ bày, nhân dịp này mà ra đi không nói lời từ biệt, xin đành lỡ hẹn cuộc tu cùng các vị vậy. Mọi người ráng bảo trọng, cố gắng tiến bước trên hành trình tâm linh của mình.

Từ ngày hôm đó, người ta không còn nhìn thấy bóng dáng của một vị thiền sư khả kính, tuổi ngoài sáu mươi, chậm rải thiền hành xung quanh khu thiền viện. Thay vào đó là hình ảnh các chuyến vân du của đôi vợ chồng già đến những thắng cảnh lừng danh trên thế giới. Một số người thắc mắc về sự việc của ông, một sư bạn đã trả lời:

- Người ta không còn tiếp tục ngồi tàu hay đi xe nữa vì nhiều lý do khác nhau, nhưng điều quan trọng là lòng có còn muốn tiếp tục cuộc hành trình nữa hay không? Lòng còn muốn đi về đích, thì phương tiện nào cũng vậy. Vạn sự tùy duyên, có nhiều việc không phải muốn mà thành, càng mong cầu thì càng thêm đau khổ.

Kể đến đây, tôi lại nhớ về một câu hát rất hay trong bộ phim Cuộc Đời Hòa Thượng Hư Vân, nhiều năm trước, ngày nào tôi cũng nghe hai lần trong những chuyến xe đi học cùng huynh đệ từ Hóc Môn lên quận 9: “Trong tâm có Phật, tôi không sợ sương sa lớp lớp, tôi không sợ cát đá trùng trùng, tim mạch tôi và bạn cùng nhảy, tâm linh tôi và bạn tương dung”. Phải rồi, khi trong tâm có Phật thì ta sẽ không còn sợ sóng đời vùi dập, vì trái tim ta đã có từ, bi, hỷ, xả, trí... Dưới nhãn quan của một người con Phật, ta nhìn tự tại hơn kẻ thế rất nhiều. Trước những giông tố của thế gian, ta còn có một điểm tựa là Tam Bảo để nương nhờ khi vấp ngã.

Trường đời cũng là một đạo tràng. Với những thử thách chông gai, và khó khăn cơm áo gạo tiền, với những mối quan hệ phức tạp mà chúng ta phải xây dựng và gìn giữ, sẽ là môi trường tốt để kiểm tra xem độ kham nhẫn và chịu đựng của ta ra sao. Trước những cám dỗ ngọt ngon của ngũ dục, ta có giữ được 5 giới của người cư sĩ? Khi phải làm lụng vất vả, ta có giữ được sự chân thật? Khi cần giải quyết khó khăn, ta có vận dụng được trí tuệ và từ bi hay không? Ở chùa, ta là thầy tu nên được nhiều Phật tử kính yêu, quý mến, khi ra đời và lăn lóc ngoài xã hội, liệu ta có buồn phiền khi người ta xúc phạm, nhục mạ, chửi mắng, phỉ báng,... Ôi, dường như trường đời là môi trường tuyệt vời để con người rèn luyện mười pháp Ba-la-mật, nhưng với điều kiện là anh có đủ gan, dư can đảm, và điều quan trọng nhất là “trong tim có Phật” hay không? Hay khi xuống núi, ta đem Phật cất vào một nơi nào đó thật kỹ đến nỗi mình quên mất Ngài ở đâu?

Khi ta thương một người, ánh mắt, nụ cười và những điều tốt đẹp của người đó khiến ta chùn chân không muốn bước: “Vũ vô thiết tỏa năng lưu khách, sắc bất ba đào dị nịch nhân”. Mưa không xiềng xích nhưng có khả năng giữ chân người lữ khách dưới mái hiên, sắc đẹp không có sóng to gió lớn nhưng dễ đánh chìm người quân tử anh hào. Chúng ta thử ngẫm mà xem, “khi hai ta về một nhà, khép đôi mi cùng một giường, đôi khi mơ cùng một giấc, thức giấc chung một giờ...”, thấy thì vui đó, nhưng giữa bộn bề cuộc sống, đời có còn đẹp như mơ và vui như câu hát kia không? Những điều tốt đẹp có còn lưu lại trong mắt đối phương chăng? Hay những cái xấu che giấu bấy lâu cứ ùa về và người ta nhận ra hai chữ “hiểu lầm”. Thà cứ giữ một khoảng cách nhất định, dư hương thoang thoảng có khi lại thú vị hơn nhiều.

Khi chọn cho mình con đường giải thoát, bước đầu sơ tâm của ai cũng mãnh liệt. Nhưng khổ nỗi, phàm tâm của ta còn dẫy đầy vì cái xấu lúc nào cũng nhiều hơn cái tốt. Ta chấp nhận lên đường là bỏ lại sau lưng bao nhiêu gánh nặng. Ngày xưa, tôi rất thích hai câu thơ này dù không biết tác giả là ai:

“Người ra đi đầu không ngoảnh lại

Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy”.

Bối cảnh bài thơ viết về những người lính phải ra trận viễn chinh, nhưng tôi thấy hoàn toàn phù hợp với tâm tình của người con Phật khi không còn thích mặc những bộ cánh đắt tiền mà khoác lên mình tấm y giải thoát. Người tu cũng đi đấu tranh, nhưng cuộc chiến ấy là với chính mình, làm sao để thắng được phàm tính, phàm tình, tham, sân, si, mạn. Cuộc chiến bên ngoài có vũ khí là gươm, đao, súng, ống; còn cuộc chiếc bên trong cần những món vũ khí là bảy tài sản của bậc Thánh (thất thánh tài): niềm tin (tín), biết hổ thẹn trước cái xấu (tàm), biết ghê sợ tội lỗi (quý), giữ gìn đạo đức, giới luật cũng như oai nghi tế hạnh (giới), học rộng nghe nhiều (văn), biết san sẻ và cho đi với lòng từ ái, bao dung, độ lượng và hào sảng (thí), có sự sáng suốt và phân định đúng sai phải trái (tuệ). Câu thơ này đẹp ở chỗ là “không ngoảnh lại (dù lòng rất muốn...). Ngày tôi đi và ngày anh đi, mẹ của chúng ta chắc hẳn đều rơi nước mắt, thương con lắm nhưng vẫn phải để nó đi vì chí nguyện cao vời. Và trong những đêm mưa, trong những buổi chiều cuối thu, mẹ sẽ nhớ ta nhiều và chạnh lòng khi nghĩ đến người con xa xứ. Nhưng mẹ vẫn chấp nhận cho ta đi, vì tình thương, vì hiểu đạo, và vì cả một ngàn lý do khác, nhưng cũng chỉ gói gọn trong hai chữ “vì con”.

“Đưa người ta không đưa qua sông

Sao nghe tiếng sóng ở trong lòng

Bóng chiều không thẫm không vàng vọt

Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong.”

Buồn. Chắc sự tu của tôi chưa đến đâu nên thi thoảng lại chạnh lòng vì những cuộc chia tay. Cũng chẳng biết nói gì đây, khi mọi điều đang dang dở. Anh là người bạn đạo tôi rất quý, tu học nghiêm chỉnh, không làm phiền đến anh em nào, cũng không để thầy nhắc nhở hay bận tâm. Anh lại là người thông minh đĩnh ngộ, có thể học chú Lăng Nghiêm trong vòng một tuần (tôi thì mất hết sáu tháng), kinh Pháp Cú anh học cũng chỉ trong mười ngày là thuộc. (Tôi thích kinh Pháp Cú vô cùng nhưng hình như đến giờ chỉ nhớ mỗi câu: “Không làm các điều ác, siêng làm các điều thiện, giữ tâm ý trong sạch, chính là lời Phật dạy”). Anh từng đứng đầu trong lớp Phật học Sơ Cấp và tương lai có thể cũng trở thành một MC dẫn các chương trình Phật giáo vì giọng nói của anh trầm ấm dễ nghe. Ấy vậy mà,... Hình như nghịch duyên trên đường luôn thường chờ sẵn cho những người tài giỏi, thông mình, và... “xinh đẹp”.

Tôi chỉ thầm mong, vào một ngày nào đó, ta lại ngồi với nhau bên chén trà nóng và kinh thư để cùng trò chuyện. Chuyện đạo chuyện đời, chuyện con nước lớn nước ròng, hay chuyện bà Tư ông Tám gì cũng được. Miễn là, trong tất thảy những câu chuyện ấy, chúng ta rút ra cho mình bài học về sự giác ngộ, dùng pháp thế gian để làm sáng tỏ hơn những điều trong kinh điển. Pháp mà Phật dạy là để tu, để sống, để giác ngộ ngay nơi cõi đời ô trược này. Trong kinh điển, ta hay gặp những thuật ngữ nghe rất từ chương như: uẩn, xứ, giới, đế, lậu, bộc, phối, thủ, triền, cái, phiền não, tiềm thùy,... Nhưng tất cả chỉ để diễn bày những điều vô cùng đơn giản: xấu, tốt, buồn, vui của thân, tâm con người và thế giới xung quanh.

Mong một ngày nào đó, những anh em xưa sẽ trở về và ngồi lại bên nhau. Thôi thì anh cũng đã đi rồi! Nhắc làm chi lại đau lòng người viễn xứ. Tôi xin tặng anh câu thơ này như một món quà lúc chia xa:

“Khách trần dạo bước chơi ba cõi

Viễn xứ tìm về một sát-na

Mong làm lãng tử trong tam giới
Dứt hết vui buồn thoát cuộc chơi”.

Sống ở đời, ta thử xem mình chỉ là một người khách lạ thì vui lắm. Thế gian sẽ tiếp đón ta như khách, vui thì ở, buồn thì đi. Ba cõi dục giới, sắc giới và vô sắc giới cũng như quán trọ bên đường, cứ dạo bước rong chơi mà ngắm nhìn muôn trùng sanh diệt để hiểu hơn về bản chất khổ, vô thường, vô ngã của nó. Dù đang ở chốn nào, phương trời nào, cõi giới nào, mang hình hài sắc tướng gì, thì hãy nhớ là giữ cho ta một đức Phật trong tâm, khi ấy chỉ cần một sát-na chánh niệm tỉnh thức là mình đã trở về với bến bờ giác ngộ. Nghe có vẻ cao siêu, tôi vẫn chưa làm được. Nhưng tôi biết một điều: Giữa mê và giác chỉ cách nhau bởi ranh giới nhận thức. Khi anh đã có một nhận thức tốt thì mọi việc đều xong. Với vốn liếng Phật pháp từ những năm tu học, anh hãy thử dạo cõi nhân gian để “thử lửa” xem mình đủ già và chắc hay chưa. Mệt rồi thì hãy về nhé! Khi dứt hết vui buồn thì anh dứt áo ra đi, nói lời từ giã với cuộc chơi nơi trần thế. Thầy và đại chúng luôn luôn mở rộng vòng tay để đón anh về...

Tái bút: Anh có muốn về lại mái chùa xưa được dễ dàng và mau lẹ, thì nhớ lấy lời tôi: Đừng đi gieo “chủng tử Bồ Đề” nhé! Vợ con đầy nhà thì khó lòng mà đi đâu được. Mình có “yêu đời yêu người”, nhưng chớ có dại gì mà “vác đời lên vai và dắt người theo sau”. Hãy thong dong làm một người “Khách Trần Viễn Xứ”.

Kính Đức

Tin tức liên quan

CHỊ - NGƯỜI BẠN LÀNH
06/12/2024
Ban Từ Thiện: Lễ Tưởng niệm Tổ Sư khai sáng chùa Quang Đức - Cần Thơ lần thứ 34
29/11/2024
GÁNH MẸ
29/11/2024
EM CÒN NỢ EM
26/11/2024
Lễ huý kỵ nhớ về Sư Tổ
19/11/2024