Thiền sư Hổ Phách lưu lại nhục thân xá lợi trong tư thế chắp tay niệm Phật .
Tiểu sử của Thiền sư Hổ Phách, được ghi bằng Hán văn, dựng ngay trong Tổ đường, nơi thờ nhục thân của ngài tại thất Khánh Thọ. “Thiền sư Hổ Phách tên là Trần Xuân Dụ, phụ thân tên Trần Chiếm và mẫu thân tên Lâm Đức Ma. Ngài là huynh trưởng trong gia đình có ba anh em trai. Ngài sinh tại tỉnh Kanchanaburi vào năm Phật lịch 2447 tức năm Giáp Thìn (1904). Năm 11 tuổi, xuất gia tại chùa Khánh Thọ2 , thờ Hòa thượng Bạch Ngọc3 làm bổn sư. Thiền sư Hổ Phách một đời từ bi thương người, chuyên tâm tu học, chăm chỉ hành thiền, không giữ tài vật, xả bỏ tất cả, trường trai thanh tịnh, chuyên cần tụng niệm, luôn nhập thiền định, cầu sớm ngộ đạo, liễu thoát sinh tử, quyết tâm trừ bỏ tất cả dục tình; do đó đạt được trí tuệ, đạo đức, Phật tử xa gần tôn sùng quy ngưỡng. Vào ngày 1 tháng 2 năm Phật lịch 2493 tức ngày 15 tháng 12 năm Kỷ Sửu (1949), tại thất Khánh Thọ này, Thiền sư Hổ Phách viên tịch một cách nhẹ nhàng như người đang ngủ, hưởng dương 46 tuổi, xuất gia hành đạo được 35 năm. Sau khi ngài viên tịch được 7 ngày, môn đồ đặt kim quan của ngài tại thất Khánh Thọ này, định ba năm sau tổ chức lễ hỏa táng. Nhưng ba năm sau, khi mở nắp kim quan, thân của Thiền sư không bị hủy hoại, da thịt khô sáng, mắt hơi mở, tượng giống như hồi còn sinh tiền không khác. Thiện tín xa gần đều đến tham quan và tất cả đều công nhận rằng Thiền sư Hổ Phách tu hành đắc đạo, đạt được diệu quả. Ban quản lý thất Khánh Thọ cùng nhau bàn bạc, cuối cùng quyết định phủ vàng lên nhục thân của ngài và thờ nhục thân của ngài tại Tổ đường này”.
Trên đây là tiểu sử của Thiền sư Hổ Phách tại thất Khánh Thọ. Tiểu sử này quá sơ sài, không cho chúng ta biết nhiều về hành trạng cũng như lý do tại sao ngài lại viên tịch tại thất chứ không phải là chùa Khánh Thọ, nơi ngài xuất gia và sự khác nhau thế nào giữa chùa Khánh Thọ và thất Khánh Thọ. Rất may, vì Thiền sư mới viên tịch cách nay khoảng 60 năm nên chắc chắn còn có nhiều người đang sống biết về hành trạng của ngài. Chúng tôi tìm gặp và được nghe Hòa thượng trụ trì chùa Sắc tứ Cảnh Phước ở Bangkok, Thái Lan, là đệ tử út của Thiền sư Hổ Phách kể về cuộc đời bổn sư của mình.
Theo hai nguồn tư liệu trên, chúng ta biết được Thiền sư Hổ Phách tuy sanh ở Thái Lan nhưng nói thông thạo tiếng Việt. Chỉ muốn chuyên tâm hành đạo nên tuy được cử làm trụ trì nhiều ngôi chùa nhưng ngài đều từ chối, cuối cùng chọn thất Khánh Thọ làm nơi hành đạo và viên tịch tại đây. Nhục thân của ngài ngày nay được phủ một lớp vàng bên ngoài7 có lẽ do phần bụng bị hư hoại. Nhưng điều đặc biệt, tư thế ngồi của ngài hoàn toàn khác tư thế ngồi của các nhục thân mà chúng ta biết được. Nhục thân của các vị cao tăng đắc đạo chúng ta biết được từ trước đến nay ngồi theo tư thế thiền định kiết già hoặc bán già, còn tư thế ngồi của Thiền sư Hổ Phách là chắp tay niệm Phật. Như vậy, ngài viên tịch trong khi đang niệm Phật và vãng sanh.
1. Tên chữ Hán của thất Khánh Thọ là Khánh Thọ đường. Tuy nhiên, ngày nay cũng trở thành chùa. Nhưng để phân biệt với chùa Khánh Thọ nơi ngài Hổ Phách xuất gia, chúng tôi gọi nơi tôn thờ nhục thân của ngài là thất Khánh Thọ.
2. Chùa Khánh Thọ nếu nói đủ là Sắc tứ Khánh Thọ tự, thuộc tỉnh Kanchanaburi, cách thất Khánh Thọ (nơi thờ nhục thân của ngài Hổ Phách) khoảng 30km.
3. Hòa thượng Bạch Ngọc có hình thờ tại chùa Khánh Thọ và theo bài vị ghi tại Tổ đường thì Hòa thượng Bạch Ngọc thuộc đời thứ 43 tông Tào Động. Do vậy, ngài Hổ Phách thuộc đời 44 tông Tào Động.
4. Chỉ cho các ngôi chùa Việt Nam (Bắc tông) tại Thái Lan. Ngày nay thống kê có 17 ngôi chùa nhưng không còn vị trụ trì nào là người Việt.
5. Chùa Hội Khánh trước kia gần con sông Chaophraya của Bangkok. Theo lời của Hòa thượng trụ trì chùa Cảnh Phước thì đa số các ngôi chùa Việt Nam ở Thái Lan đều nằm gần những con sông (chùa Khánh Thọ cũng nằm gần sông) để tiện liên lạc với Việt Nam.
6. Chính vì điều này mà sau này phần bụng của ngài bị hư hoại, không còn nguyên vẹn. Nhìn vào tấm hình chụp nhục thân của ngài ba năm sau khi viên tịch sẽ thấy phần bụng của ngài không còn nguyên vẹn.
7. Trong khi nhục thân của Thiền sư Phổ Sái tại chùa Khánh Vân thì còn được giữ nguyên theo trạng thái nguyên thủy tức không phủ vàng như nhục thân Thiền sư Hổ Phách, không phủ lớp sơn như nhục thân của hai ngài Vũ Khắc Minh và Vũ Khắc Trường ở Việt Nam.
THÍCH GIÁC DŨNG