Đến cửa chùa rũ bỏ trần duyên tính xấu
Vào điện Phật giữ gìn mối đạo tâm lành.
Bài viết
Thiện bạn hữu
Cập nhật: 15/11/2018
Ngạn ngữ Anh có câu: “Hãy cho tôi biết bạn của bạn là ai, tôi sẽ cho bạn biết bạn là người như thế nào”.
Một người sống trong cuộc đời, không thể tồn tại một cách riêng lẽ mà cần có sự liên kết chặt chẽ với nhiều người khác. Nhưng cũng chính từ các mối quan hệ đó đã tác động đến đời sống của chúng ta. Thông qua việc chọn bạn tốt hay xấu, người khác có thể biết được tính cách con người mình như thế nào. Tục ngữ Việt Nam có câu: “Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã”. Người thiện sẽ đi cùng với người thiện, người ác sẽ sánh vai cùng người ác. Thiện như ánh sáng, ác như bóng tối, cả hai không thể cùng nhau tồn tại được.
Dù ngoài đời hay trong đạo, việc chọn bạn điều rất quan trọng. “Bạn” ở đây cần được hiểu theo nghĩa rộng là môi trường sống, tất cả những người xung quanh mình, những điều mình tiếp thu và tiếp xúc như sách báo, phim ảnh… cho đến cả những điều mà ta suy tư. Ví dụ, có những người sống trong môi trường đạo đức tốt, được thân cận với người lành, nhưng người đó thường xuyên xem bộ phim bạo lực, hành động; nghe những bài hát trữ tình lâm ly hay đọc những tiểu thuyết ngôn tình thì đời sống tinh thần sẽ khó có thể nào thăng hoa được. Xã hội ngày càng phát triển, khoa học công nghệ tiên tiến giúp chúng ta tiếp cận thông tin nhanh hơn, nhưng cũng chính vì thế mà mỗi người cần phải tỉnh táo và sáng suốt để lựa chọn cho mình những người bạn thích hợp.
Ngoài đời, nếu chúng ta kết giao với bạn ác sẽ dẫn ta vào con đường sa đọa ngay trong kiếp hiện tại và vô số kiếp vị lai. Bạn ác là người ngu si tà kiến, không tin nhân quả, không tin Tam Bảo, không tin trên đời này có bậc tự mình chứng ngộ và chỉ ra con đường dẫn đến chứng ngộ, nguy hiểm hơn là tác động cho mình làm những điều sai trái dẫn đến hậu quả khó lường. Trong truyện tiền thân của các vị đại đệ tử Phật có kể về một kiếp quá khứ của ngài Mục Kiền Liên, ban đầu ngài là một người con có hiếu với cha mẹ, khi song thân lớn tuổi, ngài quyết định lấy một người vợ để có người chăm sóc cha mẹ già và ngài an tâm ra ngoài làm ăn. Chẳng may, người vợ là một người phụ nữ xảo quyệt. Hằng ngày, cô rỉ tai chồng nói rằng cha mẹ ngài không biết điều và lú lẫn. Mật ngọt từ đôi môi của người vợ trẻ làm cho lòng hiếu thảo của chàng trai ngày càng phai nhạt. Cuối cùng, ngài đóng một chiếc cha mẹ vào rừng với ý định để họ chết trong đó, trước khi về ngài còn dàn cảnh có cướp để đánh đạp cha mẹ mình. Quả ác nghiệp này theo chân ngài suốt một thời gian dài trong vòng sanh tử, sau khi đoạ địa ngục trong nhiều kiếp, được sanh làm người thì bị mồ côi, bỏ rơi hay không nhà không cửa. Thậm chí đến kiếp cuối cùng, dù đã chứng đắc thánh quả A La Hán nhưng khi trước khi viên tịch ngài cũng bị bọn cướp phanh thây.
Tích truyện này để lại cho hậu thế nhiều bài học giá trị. Đó không phải là điều hiếm hoi trong kinh sách mà là một thực trạng diễn ra trong mọi thời đại. Ngày nay, các bậc làm cha mẹ lo lắng nhất về vấn đề bạn bè của con cái. Một lời nói thách của đám bạn xấu có thể làm cho một đứa trẻ trở nên hư hỏng. Một chút bốc đồng hay bồng bột cộng với vài lời rủ rê hay khích báng có thể khiến cho một đứa trẻ vị thành niên cướp của, giết người rồi lâm vào tù tội. Trong một cuộc vui, chỉ vì phút giây yếu lòng, đánh mất tự chủ, một cô gái trẻ có thể sẵn sàng thử ma tuý hay đánh mất đời con gái. Vợ vì chồng mà cả đời sát sanh hại vật để chồng mình có được món ngon trên bàn nhậu. Chồng vì vợ mà tham ô hối lộ, lừa lọc dân tình để đem tiền về chu cấp cho vợ mình nướng vào thời trang và mỹ viện. Một người chỉ cần chọn sai một nửa còn lại, lấy nhầm người thiếu đức thiếu trí thì xem như cuộc đời đi vào bế tắc.
Trong chuyện tu hành, một người xuất gia lân la với người thế gian quá nhiều, không chịu đầu tư vào pháp học, pháp hành chính là nguyên nhân xa gần dẫn đến việc phạm giới hay hoàn tục. Người có chí nguyện tu hành, hướng đến giác ngộ, giải thoát nếu thân cận với bạn ác thì chúng sẽ dẫn ta đến những con đường sai lầm, rơi vào tà kiến làm cho thiện pháp tổn giảm, ác pháp tăng trưởng, đánh mất sự nghiệp tu hành và chí nguyện giải thoát. Trong Kinh Pháp Cú bài kệ số 61 và 330 Đức Phật dạy rằng:
Tìm không được bạn đường
Hơn mình hay bằng mình
Thà quyết sống một mình
Không làm bạn kẻ ngu
Và
Tốt hơn sống một mình
Không người ngu kết bạn
Độc thân không ác hạnh
Sống vô tư vô lự
Như voi sống rừng voi.
Qua 2 bài kệ trên Đức Phật nhấn mạnh rằng: nếu không tìm được người bạn hơn mình về mặt thiện pháp, về giới, định, tuệ về pháp học lẫn pháp hành, để hỗ trợ và giúp sức trên con đường tu hướng đến giác ngộ giải thoát thì thà sống một mình quyết không làm bạn kẻ ngu.
Hành trình của chúng ta trên con đường sanh tử luân hồi vô cùng gian truân và nghiệt ngã, không biết khi nào kết thúc. Bởi chúng ta chưa thực sự hiểu được các pháp về Tứ Đế với sự hiểu biết đúng đắn về Tam Tướng. Nên rất cần có những người bạn lành hướng dẫn chúng ta đi đúng con đường Bát Chánh Đạo. Vì xung quanh ta “Thạch Sanh thì ít, Lý Thông thì nhiều”, nên cách tốt nhất là chúng ta cần phải nương tựa vào chánh pháp, giáo lý mà đức Phật đã khai sáng và tự nỗ lực, làm hải đảo cho tự thân.
Kể từ khi Đức Phật Niết Bàn, thì Tam tạng kinh điển trở thành người bạn chính của chúng ta cũng như người đồng hành đáng tin cậy. Ngoài ra, chúng ta cũng cần phải có thầy hiền, bạn tốt để cùng nhau dìu dắt, nâng đỡ và dìu dắt nhau qua những cam go thử thách trên hành trình hướng đến giác ngộ, giải thoát.