Thích Nhất Hạnh: Hãy sống đẹp, hãy là chính bạn
Sau khóa tu 2011 Vancouver của thiền sư Thích Nhất Hạnh, hai sư cô dẫn tôi vào phòng bếp / phòng sinh hoạt khu cư trú sinh viên của Đại học British Columbia. Bên trong, trừ chậu lan trên bàn, tất cả đều là một màu nâu đất: Ngài Thích Nhất Hạnh, trong bộ áo nâu sồng, nhấp từng ngụm trà vàng sậm, trong khi chư tăng cũng trong bộ áo nâu sồng ngồi trên bộ sofa nâu và dưới sàn nhà. Chị Chan Khong giới thiệu tôi với Thầy, rồi mỉm cười nói rằng sự xuất hiện của tôi khiến họ ngạc nhiên. Khi tôi gửi email xin được phỏng vấn, họ không nghĩ rằng "Andrea Miller" là tên của một người phụ nữ mà là của một vị nam giới đứng tuổi. Nhưng cuối cùng, thật buồn cười, sau nhiều luận điểm trong suốt buổi phỏng vấn, chính tôi mới là người ngạc nhiên. Về cuộc sống sau cái chết, về sự an lạc khi ngồi thiền, khi “sống” như thế nào mới là quan trọng chứ không phải là hành động- Ngài Thích Nhất Hạnh đã cho những câu trả lời khiến tôi bất ngờ. Luôn luôn tươi mới, luôn luôn sáng suốt, và đây là những gì Ngài đã nói:
PV: Thật là đau lòng khi người mà ta yêu mến gặp khó khăn nghiêm trọng, chẳng hạn như bệnh tâm thần, rối loạn stress sau chấn thương, hoặc nghiện. Đôi khi ta có cảm tưởng như vấn đề của họ quá lớn đến nỗi chúng ta không thể giúp gì được và vì thế ta muốn rút lui. Vào những lúc khác, chúng ta cố gắng giúp đỡ người khác và bị cuốn vào cuộc chiến giữa họ. Làm thế nào để ta có thể giúp đỡ người khác trong những tình huống khó khăn mà không bị vùi lấp trong đó?
Đáp: Khi bạn cảm thấy quá tải, đó là bạn đang cố gắng quá sức. Loại năng lượng đó không giúp ích được cho ai. Bạn không nên quá hăng hái giúp đỡ người khác ngay lập tức. Có hai điều: Sống và hành động. Đừng suy nghĩ quá nhiều về phần hành động. Hãy sống trước đã. Sống hòa bình. Sống vui vẻ. Sống hạnh phúc. Rồi mới đến làm vui vẻ và làm việc hạnh phúc – trên cơ sở của việc bạn đã sống vui, sống hạnh phúc như thế nào.
Vì vậy, đầu tiên bạn phải tập trung vào việc thực hành sống. Sống tươi mới, sống hòa bình, sống chu đáo, sống đại lượng, sống từ bi. Đây là bước thực hành cơ bản. Giống như khi người ta ngồi dưới gốc cây. Cây xanh chẳng làm bất cứ điều gì, nhưng đầy sức sống và tươi mới. Khi bạn giống như cây xanh, truyền đi làn sóng của sự tươi mát, bạn sẽ giúp làm dịu những khổ đau của người khác.
Bạn nên xuất hiện với sự dễ thương, an nhiên, và xuất hiện như vậy là vì anh ấy, cô ấy. Như vậy đã là nhiều rồi. Khi trẻ con thích đến và ngồi gần bạn, không phải vì bạn có nhiều bánh kẹo để cho chúng, nhưng là vì khi ngồi gần bạn chúng cảm thấy dễ chịu, thoải mái. Vì vậy, hãy đến và ngồi xuống bên cạnh người đang đau khổ và hãy là chính bạn -dễ thương, ân cần và tươi mới.
PV: khi tôi đang trong trạng thái không tốt, ví dụ như tức giận, hay rất buồn bã, tôi có thể cố gắng tập trung vào hơi thở để tránh những cảm xúc tiêu cực không?
Thông thường, người ta đánh mất chính mình trong các trạng thái cảm xúc mạnh và bị vùi lấp trong đó. Đó không phải là cách để xử lý cảm xúc, bởi vì khi đó bạn đang là nạn nhân của cảm xúc. Để không trở thành nạn nhân, hãy hít thở sâu và giữ bình tĩnh. Bạn sẽ thấy rằng cảm xúc chỉ là cảm xúc, không hơn. Sự thấu hiểu này rất quan trọng, bởi vì nhờ đó bạn không còn sợ hãi. Bạn đang bình tĩnh, bạn không tìm cách chạy trốn, và bạn có thể xử lý cảm xúc của bạn tốt hơn. Hơi thở của bạn là chính bạn. Bạn cần phải liên kết với hơi thở của mình để có thể là chính mình hơn, mạnh mẽ hơn. Sau đó, bạn có thể điều khiển cảm xúc của mình tốt hơn. Bạn không nên cố gắng quên đi cảm xúc của mình; thay vào đó bạn chỉ cần cố gắng để là chính mình, đủ mạnh mẽ để điều khiển cảm xúc của chính mình.
PV: Thật là ấm lòng khi thấy có rất nhiều trẻ em tham dự các khóa tu.
Tôi cảm thấy thoải mái với trẻ em. Tôi chưa bao giờ xa cách với các thế hệ trẻ. Cho dù họ là tu sĩ hay cư sĩ, tôi luôn kết nối, đối thoại với giới trẻ. Đó là một trong những yếu tố làm nên hạnh phúc của tôi.
Đôi khi các bà mẹ trẻ mang cả con mình vào thiền đường, vì họ không muốn bỏ lỡ buổi giảng pháp. Điều này tốt cho tất cả mọi người. Những đứa bé không biết những gì đang xảy ra, nhưng chúng cảm nhận được bầu không khí an bình. Loại năng lượng này rất hiếm trong xã hội ngày nay. Rất khó để có được một ngàn năm trăm người ngồi tạo ra năng lượng chánh niệm và an bình. Nếu bạn cho trẻ em cảm nhận, dù chỉ là một thoáng qua, về hòa bình và tình yêu, dù các bé còn rất nhỏ và chưa biết nói, không có nghĩa rằng các em không cảm nhận được. Hãy thử tưởng tượng một bà mẹ trẻ cho con bú trong khóa tu. Cô được nghe và hấp thụ giáo pháp, và các em bé được hấp thụ cả sữa và phật pháp cùng một lúc. Điều đó thật tuyệt vời.
Sau đó, khi các em gặp phải sự tàn ác trên thế giới, chúng sẽ luôn nhớ rằng chúng đã được tiếp nhận năng lượng hòa bình. Khi một Tăng đoàn, một cộng đồng Phật giáo, đến với nhau và tu học thiền định, họ luôn tạo ra năng lượng hòa bình. Những người trẻ có thể trải nghiệm điều đó và bắt đầu trồng những hạt giống cho tương lai. Một Phật giáo vì cộng đồng luôn cố gắng mang loại năng lượng hòa bình này đến mọi nơi. Ở trường học, bệnh viện, tại tòa thị chính, trong đại hội…, việc thực hành chánh niệm qua từng hơi thở rất khả thi với những nơi như vậy.
PV: Việc sống trong từng giây phút hiện tại có mâu thuẫn với việc thưởng thức các chương trình giải trí truyền thông? Chúng ta có thể giữ chánh niệm mà vẫn có thể lên mạng, xem truyền hình, phim ảnh và đọc sách?
Có những loại phim ảnh và sách lành mạnh để bạn thưởng thức. Điều đó là tốt. Nhưng đôi khi có những bộ phim hoặc quyển sách không lành mạnh, bạn lại không thể tắt đi vì nếu làm thế, bạn sẽ phải quay trở lại và đối diện với đau khổ trong nội tâm. Đó là thực tế của nhiều người trong xã hội chúng ta. Nhiều người không thể đối diện với chính mình. Họ có nỗi đau, nỗi buồn, hay lo lắng trong lòng, và họ đọc hoặc xem hoặc nghe một cái gì đó để che lấp, để chạy trốn chính mình.
Sử dụng phương tiện truyền thông như là một cách chạy trốn không có tác dụng lâu dài. Bạn có thể quên đi sự đau khổ của bạn trong chốc lát, nhưng cuối cùng bạn phải quay trở lại với chính mình. Đức Phật khuyên chúng ta không nên cố gắng chạy trốn khỏi chính mình, thay vào đó, hãy học cách chăm sóc tốt cho bản thân và chuyển hóa niềm đau của chính mình.
PV: Ngài muốn nói gì với những người cảm thấy đau, mỏi, gặp khó khăn khi ngồi thiền và họ phải nỗ lực rất nhiều?
Đừng ngồi thiền nữa.
PV: Có thật không?
Vâng, thật đấy. Nếu bạn không cảm thấy dễ chịu khi ngồi thiền, đừng ngồi nữa. Bạn phải hiểu đúng tinh thần của việc ngồi thiền. Nếu bạn phải cố gắng rất nhiều khi ngồi, bạn trở nên căng thẳng và điều đó khiến bạn nhức mỏi khắp cơ thể. Việc ngồi thiền đáng ra phải làm cho bạn cảm thấy dễ chịu, thoải mái. Khi bạn bật tivi trong phòng khách lên, bạn có thể ngồi hàng giờ mà chẳng thấy đau mỏi gì. Tuy nhiên, khi bạn ngồi thiền, bạn lại thấy mệt. Vì sao? Bởi vì bạn đang đánh vật với nó. Bạn muốn thiền định thành công, và do đó bạn chiến đấu với nó. Khi xem truyền hình, bạn không chiến đấu. Bạn phải học cách làm thế nào để ngồi thiền mà không cần gồng mình lên với việc này. Nếu biết cách, bạn sẽ thấy ngồi thiền rất dễ chịu.
Lần đó, khi Nelson Mandela viếng thăm Pháp, một phóng viên hỏi ông thích làm gì nhất. Ông nói rằng vì ông quá bận rộn, nên ông thích nhất là ngồi đó, không làm gì cả. Bởi vì ngồi, không làm gì cả là một niềm vui, bạn có thể hồi phục sức khỏe. Đó là lý do tại sao Đức Phật mô tả việc ngồi thiền giống như đang ngồi trên hoa sen. Khi ngồi thiền, bạn cảm thấy ánh sáng, bạn cảm thấy tươi mới, bạn cảm thấy tự do. Nếu bạn không cảm thấy như thế thì việc ngồi thiền sẽ trở thành một công việc cực nhọc.
Đôi khi nếu bạn không ngủ đủ giấc hoặc bị cảm lạnh hoặc bị bệnh gì đó, có thể ngồi thiền sẽ không dễ chịu như bạn mong muốn. Còn bình thường, bạn luôn có thể cảm thấy vui vẻ khi ngồi thiền. Vấn đề không phải là ngồi hay không ngồi, mà là ngồi như thế nào để có thể tận hưởng niềm vui và tinh tấn – còn không, bạn chỉ lãng phí thời gian.
PV: Ngài đặt trọng tâm vào việc tận hưởng từng hơi thở, ngồi, đi bộ, tận hưởng cuộc sống nhiều hơn tất cả những thiền sư Phật giáo khác.
Theo lời dạy của Đức Phật, sự thoải mái và niềm vui là những yếu tố của sự giác ngộ. Trong cuộc sống, có rất nhiều đau khổ. Tại sao bạn lại phải gánh chịu thêm đau khổ khi tu học Phật giáo? Bạn thực hành Phật giáo để vơi bớt khổ đau, phải không nào? Đức Phật là một người hạnh phúc. Khi Đức Phật ngồi, Người ngồi một cách vui vẻ, và khi đi, Người đi một cách vui vẻ. Tại sao ta lại muốn làm khác với Đức Phật? Có lẽ người ta sợ bị nói rằng "Bạn tu học không nghiêm túc. Bạn cười mỉm, bạn cười to, bạn đang vui vẻ. Để tu học nghiêm túc bạn phải trông rất dữ dội, rất nghiêm trọng." Có lẽ những người muốn quyên góp được nhiều sẽ làm như thế để gây ấn tượng rằng họ tu hành nghiêm túc hơn những người khác. Ngồi thiền cả đêm không ngơi nghỉ và cho đó là tu hành chuyên sâu, nhưng bạn phải đau khổ cả đêm và uống cà phê để tỉnh táo. Điều đó là vô nghĩa. Chất lượng của việc ngồi thiền đúng cách giúp bạn tinh tấn, chứ không phải ngồi nhiều và đau khổ khi ngồi.
Ngồi thiền và thiền hành là để vui vẻ, và cũng để có cái nhìn sâu sắc và phát triển trí huệ. Sự thông tuệ đó có thể giải thoát chúng ta khỏi sự sợ hãi, tức giận và tuyệt vọng.
PV: Tôi thật sự rất thích việc thiền hành ngoài trời trong khóa tu này.
Thông thường theo truyền thống Phật giáo, bạn ngồi thiền, và sau đó bạn đứng lên và đi bộ chậm trong thiền đường, sau đó bạn ngồi lại. Chúng tôi không làm điều đó ở đây, thay vào đó, chúng tôi đi bộ ngoài trời. Việc đó rất hữu ích bởi vì bạn có thể áp dụng trong cuộc sống hàng ngày. Bạn đi lại bình thường, không quá chậm, do đó trông không giống như bạn đang tập luyện thiền định mà mọi người nhìn thấy bạn đang đi bộ bình thường. Khi về nhà, hoặc khi bạn đang đi từ bãi đậu xe đến văn phòng, bạn có thể thưởng thức việc đi bộ (thiền định). Căn bản của việc tu tập thiền định là làm cho bạn cảm thấy vui vẻ, thoải mái – khi đi bộ, khi ngồi, khi ăn uống và khi tắm vòi sen. Thật ra bạn luôn có thể vui vẻ và tận hưởng cuộc sống trong từng giây phút, thế nhưng xã hội của chúng ta lại làm theo cách khiến mọi người không còn thời gian để tận hưởng. Chúng ta phải làm tất cả mọi thứ quá nhanh, quá vội vàng.
PV: Ngài nghĩ gì khi giúp một người nào đó trở thành Phật tử?
Một người có thể không được gọi là Phật tử, nhưng anh ta có thể có nhiều chất Phật giáo hơn một người chỉ có danh xưng Phật tử. Chất Phật giáo căn cứ vào sự chánh niệm, sự tập trung tinh thần, và trí huệ. Nếu có những tố chất này, bạn là Phật tử. Nếu không, bạn không phải là Phật tử. Khi bạn nhìn vào một người và bạn thấy cô ấy có chánh niệm, cô ấy từ bi, hiểu biết, và cô ấy có trí huệ, thì bạn biết rằng cô ấy là một Phật tử. Nhưng nếu cô ấy mang danh hiệu là một ni cô mà không có những tố chất ấy, thì cô chỉ có danh xưng chứ không phải là một Phật tử thật sự.
PV: Nghi lễ có thể làm cho người ta trở thành Phật tử?
Không, không phải nghi lễ có thể khiến bạn trở thành một Phật tử mà chính là việc tu học tận tâm. Các Phật tử đôi khi quá bận rộn với rất nhiều nghi thức và lễ bái, nhưng Đức Phật không thích điều đó. Trong kinh điển, đặc biệt là trong lời giảng dạy của Ðức Phật ngay sau khi giác ngộ, Người nói rằng chúng ta nên được giải phóng khỏi các nghi lễ. Bạn không thể đạt được giác ngộ hay giải thoát chỉ vì bạn thực hiện các nghi lễ. Thế nhưng người ta tạo ra quá nhiều nghi lễ Phật giáo. Chúng ta đã không tử tế với Đức Phật.
PV: Chúng ta có phải tin vào thuyết luân hồi để trở thành một Phật tử?
Đầu thai có nghĩa là có một linh hồn đi ra khỏi cơ thể này và đi vào cơ thể khác. Đó là một quan niệm rất sai lầm rất phổ biến về tính tương tục trong Phật giáo. Nếu bạn nghĩ rằng có một linh hồn, một cái ngã, một cái tôi sống trong thân này, và đi ra khi cơ thể tan rã rồi tồn tại dưới một hình thức khác, đó không phải là Phật giáo.
Khi nhìn vào một người, bạn thấy năm uẩn, hay các yếu tố: sinh vật lý (sắc), cảm thọ (thọ), tư duy (tưởng), hành nghiệp (hành) và nhận thức (thức). Ngoài năm thứ nêu trên, không có linh hồn, không có ngã, vì vậy khi năm yếu tố đó tan rã thì nghiệp, các hành động bạn đã tạo tác trong cuộc đời của bạn là những thứ còn lại, là sự tiếp nối, tồn tại của bạn. Những gì bạn đã làm và những suy nghĩ của bạn vẫn tồn tại dưới dạng năng lượng. Bạn không cần một linh hồn, hay một cái ngã, cái tôi để tiếp tục tồn tại.
Giống như một đám mây, ngay cả khi các đám mây không xuất hiện, nó luôn luôn tiếp tục tồn tại dưới dạng mưa hoặc tuyết. Các đám mây không cần phải có linh hồn để tiếp tục tồn tại. Không có bắt đầu và không có kết thúc. Bạn không cần phải chờ đợi cho đến khi thân này hoàn toàn tan rã để tiếp tục tồn tại. Bạn tiếp tục tồn tại trong từng khoảnh khắc. Giả sử tôi truyền năng lượng của tôi cho hàng trăm người; tôi tiếp tục tồn tại thông qua họ. Nếu bạn nhìn vào họ và bạn nhìn thấy tôi, tốt, bạn đã nhìn thấy tôi! Nếu bạn nghĩ rằng tôi chỉ là cái thân đang ngồi nói chuyện với bạn, nghĩa là bạn chưa thật sự nhìn thấy tôi. Nhưng khi bạn nhìn thấy tôi trong bài phát biểu của tôi và hành động của tôi, bạn sẽ thấy rằng tôi tiếp tục sống, tiếp tục tồn tại. Khi bạn nhìn vào các đệ tử của tôi, sinh viên của tôi, cuốn sách của tôi, và bạn bè của tôi, bạn sẽ thấy tôi tiếp tục sống và tồn tại thông qua họ. Tôi sẽ không bao giờ chết. Khi thân này tan rã không có nghĩa là tôi chết. Tôi tiếp tục sống, luôn luôn.
Đó là sự thật cho tất cả chúng ta. Bạn không chỉ có thân thể này mà nhiều hơn thế vì năm uẩn luôn luôn sản xuất năng lượng. Điều đó được gọi là nghiệp hay hành động. Nhưng không có diễn viên-bạn không cần phải là một diễn viên. Hành động là đủ tốt rồi. Điều này có thể được hiểu theo nghĩa của vật lý lượng tử. Lượng và năng lượng, lực và vật chất. Đó không phải là hai thứ riêng biệt. Chúng là một.
PV: Chúng ta có thể làm gì cho nền văn hóa đề cao vật chất của chúng ta?
Bạn có thể thiết lập một môi trường nơi mọi người sống đơn giản và hạnh phúc, mời những người khác đến và quan sát. Đó là điều duy nhất có thể thuyết phục họ từ bỏ ý tưởng rằng vật chất mang lại hạnh phúc. Họ nghĩ rằng chỉ khi tiêu thụ nhiều thì bạn mới hạnh phúc, nhưng có nhiều người rất giàu có mà không hạnh phúc chút nào. Trong khi đó, có những người tiêu dùng ít hơn nhiều, nhưng lại hạnh phúc hơn.
Chúng ta cần phải chứng minh rằng chỉ cần cuộc sống đơn giản và tu học cũng đủ làm con người hạnh phúc. Chỉ khi mọi người đến và cảm nhận thì họ mới tin. Ở Làng Mai, chúng tôi vui vẻ, cười suốt ngày, nhưng không ai trong chúng tôi có tài khoản cá nhân ở ngân hàng. Không ai trong chúng tôi có xe hơi riêng hoặc điện thoại riêng. Chúng tôi chỉ ăn chay. Nhưng chính vì thế, chúng tôi không đau khổ vì chúng tôi không ăn trứng hoặc thịt. Trong thực tế, chúng tôi hạnh phúc hơn bởi vì chúng tôi biết rằng chúng tôi không ăn thịt chúng sinh và chúng tôi đang bảo vệ hành tinh. Điều đó mang lại rất nhiều niềm vui. Chúng tôi rất may mắn khi sống như thế, ăn như thế.
Người ta tin rằng nếu bạn không có nhiều tiền, nếu bạn không có vị trí cao trong xã hội, bạn không thể có hạnh phúc thực sự. Rất khó để xóa đi niềm tin đó cho đến khi bạn nhìn thấy sự thật rằng hạnh phúc không phải như vậy. Việc nhận ra sự thật đó sẽ tạo nên tương lai tốt đẹp cho con em chúng ta.
Vì vậy, tôi nghĩ rằng giới Phật giáo chúng ta phải tổ chức lại để cho mọi người thấy sống hạnh phúc là dựa trên sự hiểu biết lẫn nhau, không phải dựa vào vật chất. Chỉ giảng pháp thôi chưa đủ, bởi vì một cuộc nói chuyện Phật pháp chỉ là một cuộc nói chuyện. Chỉ khi mọi người nhìn thấy một cộng đồng sống không đặt nặng vấn đề vật chất như vậy, họ sẽ được thuyết phục.
Theo LION"S ROAR
Việt dịch: Diệu Liên Hoa
Andrea Miller