Thầy đưa kim đây Ta xâu cho
Luật đại phẩm tập 2, chương Y Phục có chép: Vào lúc bấy giờ, có vị Tỳ khưu nọ bị bệnh kiết lỵ. Vị ấy đã bị té vào đống phân và nước tiểu của chính mình. Khi ấy, trong lúc đang đi dạo quanh các trú xá cùng với Đại đức Ānanda là Sa-môn hầu cận, đức Thế Tôn đã đi đến trú xá của vị Tỳ khưu ấy. Đức Thế Tôn đã nhìn thấy vị Tỳ khưu ấy té và đang nằm trên đống phân và nước tiểu của chính mình, sau khi nhìn thấy đã đi đến gần vị Tỳ khưu ấy, sau khi đến đã nói với vị Tỳ khưu ấy điều này:
- Này Tỳ khưu, ngươi bị bệnh gì?
- Bạch Thế Tôn, con bị bệnh kiết lỵ.
- Này Tỳ khưu, ngươi không có người phục vụ?
- Bạch Thế Tôn, không có.
- Vì sao các vị Tỳ khưu lại không phục vụ ngươi?
- Bạch Ngài, con là người không có làm gì cho các vị Tỳ khưu, do đó các vị Tỳ khưu không phục vụ con.
Khi ấy, đức Thế Tôn đã bảo Đại đức Ānanda rằng:
- Này Ānanda, hãy đi và mang nước lại. Chúng ta sẽ tắm cho vị Tỳ khưu này.
- Bạch Ngài, xin vâng.
Rồi Đại đức Ānanda nghe theo đức Thế Tôn đã mang nước lại. Đức Thế Tôn đã xối nước và Đại đức Ānanda đã rửa ráy toàn bộ. Rồi đức Thế Tôn đã đỡ phần đầu, còn Đại đức Ānanda nâng lên ở phần chân và đặt ở trên giường. Sau đó, đức Thế Tôn nhân lý do ấy, nhân sự kiện ấy đã triệu tập hội chúng Tỳ khưu lại rồi hỏi các Tỳ khưu rằng:
- Này các Tỳ khưu, có phải có vị Tỳ khưu trong trú xá ở đàng kia bị bệnh?
- Bạch Thế Tôn, thưa có.
- Này các Tỳ khưu, vị ấy bị bệnh gì?
- Bạch Ngài, Đại đức ấy bị bệnh kiết lỵ.
- Này các Tỳ khưu, vị Tỳ khưu ấy có người phục vụ không?
- Bạch Thế Tôn, không có.
- Vì sao các Tỳ khưu lại không phục vụ vị ấy?
- Bạch Ngài, vị Tỳ khưu ấy là người không có làm gì cho các Tỳ khưu, do đó các Tỳ khưu không phục vụ vị ấy.
- Này các Tỳ khưu, các thầy không có mẹ, không có cha là những người có thể phục vụ các thầy. Này các Tỳ khưu, nếu các thầy không phục vụ lẫn nhau thì khi ấy lấy ai sẽ phục vụ đây? Này các Tỳ khưu, vị nào có thể phục vụ ta, vị ấy nên phục vụ những người bệnh. Nếu có thầy tế độ, thầy tế độ nên phục vụ đến hết đời hoặc nên chờ đợi vị ấy được hồi phục. Nếu có thầy dạy học, thầy dạy học nên phục vụ đến hết đời hoặc nên chờ đợi vị ấy được hồi phục. Nếu có đệ tử, người đệ tử nên phục vụ đến hết đời hoặc nên chờ đợi vị ấy được hồi phục. Nếu có học trò, người học trò nên phục vụ đến hết đời hoặc nên chờ đợi vị ấy được hồi phục. Nếu có vị đồng thầy tế độ, vị đồng thầy tế độ nên phục vụ đến hết đời hoặc nên chờ đợi vị ấy được hồi phục. Nếu có vị đồng thầy dạy học, vị đồng thầy dạy học nên phục vụ đến hết đời hoặc nên chờ đợi vị ấy được hồi phục. Nếu không có thầy tế độ, hoặc thầy dạy học, hoặc người đệ tử, hoặc người học trò, hoặc vị đồng thầy tế độ, hoặc vị đồng thầy dạy học, hội chúng nên phục vụ; nếu không phục vụ thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).
Kinh Tăng Nhất A Hàm tập 2 có chép: Tôn giả A-na-luật vá y phục cũ. Khi ấy mắt đã bị hư và đắc thiên nhãn không có tì vết. A-na-luật dùng pháp thường mà vá y áo, không thể xâu chỉ qua lỗ kim được. Khi ấy A-na-luật liền nghĩ: Chư A-la-hán đắc đạo trong thế gian hãy xâu kim giúp tôi.
Bấy giờ Thế Tôn dùng thiên nhĩ thanh tịnh nghe được âm thanh này: Chư A-la-hán đắc đạo trong thế gian hãy xâu kim giúp tôi. Thế Tôn bèn đến chỗ A-na-luật mà bảo:
- Thầy đưa kim đây Ta xâu cho.
A-na-luật bạch Phật:
- Vừa rồi con gọi các vị muốn cầu phước ở thế gian xâu kim cho con.
Thế Tôn bảo:
- Người cầu phước ở thế gian không ai hơn Ta. Như Lai đối với sáu pháp không chán bỏ. Những gì là sáu? Thí; dạy dỗ; nhẫn; nói pháp, nói nghĩa; bảo hộ chúng sanh và cầu đạo vô thượng chánh chân. Này A-na-luật! Ðó là sáu điều Như Lai không hề chán bỏ.
A-na-luật thưa:
- Thân Như Lai là thân của Chân pháp, lại còn muốn cầu pháp nào nữa? Như Lai đã qua khỏi biển sanh tử, lại thoát khỏi ái trước, và nay cố cầu làm phước.
Thế Tôn bảo:
- Ðúng thế, A-na-luật. Ðúng như lời thầy nói. Như Lai cũng biết sáu pháp này không chán đủ. Nếu chúng sanh biết nguồn cội của tội ác do thân, miệng, ý tạo, thì hoàn toàn không đọa trong ba đường ác. Vì chúng sanh chẳng biết nguồn gốc tội phước nên đọa trong ba đường ác.
Kinh Ca-Hi-Na (kinh Trung A Hàm) tập 2 có chép:
Một thời Đức Phật trú tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng Lâm, vườn Cấp Cô Độc. Bấy giờ, A-na-luật-đà cũng ở tại nước Xá-vệ, trong núi Sa-la-la nham. Lúc ấy đêm đã qua, trời sáng, Tôn giả A-na-luật-đà mang y, cầm bát vào thành Xá-vệ khất thực. Tôn giả A-nan cũng vào buổi sáng đắp y mang bát vào thành Xá-vệ khất thực. Tôn giả A-na-luật-đà gặp Tôn giả A-nan cùng đi khất thực. Sau khi gặp, Tôn giả A-na-luật-đà hỏi:
“Này Hiền giả A-nan, nên biết, ba y của tôi đã rách nát hết. Này Hiền giả, nay đây có thể nhờ các Tỳ-kheo may y hộ cho tôi không?”
Tôn giả A-nan im lặng nhận lời Tôn giả A-na-luật-đà, hứa sẽ nhờ.
Bấy giờ, Tôn giả A-nan khất thực, sau khi vào Xá-vệ, ăn xong, sau buổi trưa, rửa tay chân, lấy Ni-sư-đàn vắt lên vai, tay cầm chìa khóa cửa, đến khắp các phòng gặp các Tỳ-kheo, liền nói rằng:
“Thưa các thầy, hôm nay qua núi Sa-la-la nham may y cho Tôn giả A-na-luật-đà.” Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe lời Tôn giả A-nan, thảy đều đến Sa-la-la nham để may y cho Tôn giả A-na-luật-đà. Lúc ấy, Đức Thế Tôn gặp Tôn giả A-nan tay cầm chìa khóa cửa, đến khắp các phòng. Sau khi gặp, Ngài hỏi:
“A-nan, thầy vì việc gì tay cầm chìa khóa cửa, đến khắp các phòng?”
Tôn giả A-nan bạch rằng:
“Bạch Thế Tôn, con nay nhờ các Tỳ-kheo may y cho Tôn giả A-na-luật-đà”.
Đức Thế Tôn bảo rằng:
“A-nan, sao thầy không thỉnh Như Lai may y cho A-na-luật-đà?”
Khi ấy Tôn giả A-nan liền chắp tay hướng về Đức Thế Tôn bạch rằng:
“Cúi mong Thế Tôn qua núi Sa-la-la nham may y cho Tôn giả A-na-luật-đà”.
Đức Thế Tôn im lặng nhận lời.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn dẫn Tôn giả A-nan qua núi Sa-la-la nham, ngồi trước mặt chúng Tỳ-kheo. Lúc ấy, trong núi Sa-la-la nham có tám trăm Tỳ-kheo và Đức Thế Tôn cũng ngồi chung may y cho Tôn giả A-na-luật-đà. Lúc đó, Tôn giả Đại Mục-kiền-liên cũng có trong chúng. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo: “Đại Mục-kiền-liên, Ta có thể vì A-na-luật-đà trải rộng khuôn khổ tấm y, cắt rọc rồi khâu may lại thành y”. Lúc đó, Tôn giả Đại Mục-kiền-liên từ chỗ ngồi đứng dậy, trịch vai hữu, chắp tay hướng về Đức Thế Tôn mà bạch rằng: “Cúi mong Đức Thế Tôn trải rộng khuôn khổ tấm y, các vị Tỳ-kheo sẽ cùng nhau cắt rọc, khâu vá, may chung lại thành y”. Bấy giờ Đức Thế Tôn liền vì Tôn giả A-na-luật-đà trải rộng khuôn khổ tấm y, các vị Tỳ-kheo cùng nhau cắt rọc, khâu vá, may chung lại. Ngay trong ngày hôm ấy may xong ba y cho Tôn giả A-na-luật-đà.
Hình ảnh của Đức Phật thật đẹp, thật bình dị, Thế Tôn như người cha trong gia đình tự tay chăm sóc, vệ sinh, tắm rửa cho người con bị bệnh kiết lỵ. Chẳng có bút mực nào có thể diễn tả được tình thương của Thế Tôn dành cho người đệ tử. Một bài pháp không lời lại chứa đựng tất cả những điều muốn nói. Vị thầy bị bệnh đó chẳng thể ngờ được một con người cao quý như Đức Phật. Một bậc thầy được trời người tôn kính lại quan tâm, chăm sóc cho người đệ tử mà chẳng ngại hôi thối, dơ bẩn. Thầy cảm thấy thật xấu hổ với huynh đệ và nhất là với Phật. Thầy tự hứa với lòng sẽ thay đổi bản thân, tập yêu thương, tinh tấn tu tập để thành tựu cứu cánh phạm hạnh.
Hình ảnh Đức Phật đi đến nơi vị đệ tử xâu dùm cây kim thật đẹp biết bao. Phật dạy đệ tử làm phước từ việc làm nhỏ nhất. Phước và tuệ chính là tài sản cần có cho người tu học Phật pháp. Lần khác, trong một hang núi hình ảnh Đức Phật cùng với tám trăm vị khất sĩ ngồi may y thật đẹp. Thế Tôn cùng các đệ tử ngồi bên nhau trong tinh thần hòa hợp, thương yêu; cùng nhau may ba y cho tôn giả A-na-luật.
Dù trên phương diện nào khẩu giáo hay thân giáo, mỗi lời nói, mỗi việc làm của Đức Phật đều là những bài học quý. Tự thân mỗi người hãy tư duy, quán chiếu lại chính mình. Bước đầu hãy chăm sóc, yêu thương những người thân của ta trong gia đình. Khi tâm mình đầy đủ sức mạnh hãy lan tỏa yêu thương tới mọi người, mọi loài. Một hành động nhỏ như xâu dùm cây kim, may giúp tấm y… cũng đủ thể hiện sự quan tâm, chăm sóc, thương yêu. Tình thương sẽ đưa con người đến gần nhau hơn. Trong một gia đình nếu mọi người biết yêu thương giúp đỡ lẫn nhau thì gia đình sẽ có an lạc, hạnh phúc. Một dân tộc, một đất nước mà mọi người biết đoàn kết, yêu thương lẫn nhau thì đất nước trở lên giàu mạnh, chẳng phải là mong muốn lắm sao.
Tâm Triệu