Bài viết

Thất niệm đưa đến khổ đau

Cập nhật: 02/02/2020
Đã bao giờ bạn cầm trên tay chiếc chìa khóa nhà mà bạn cứ đi tìm nó chưa? Hay vì suy nghĩ cái gì đó mà bạn cứ đi tìm cái mũ bảo hiểm, mặc dù bạn đang đội nó trên đầu? Thậm chí, có khi bạn để một vật gì đó ở một nơi nào rồi bạn lục tung cả căn phòng để tìm?… Những biểu hiện này cho biết rằng bạn đang thiếu sự chú tâm, bạn quên lãng, mơ tưởng đến tương lai, bạn không thật sự có mặt trong giây phút hiện tại. Đó là thất niệm. Hệ quả của sự thất niệm có thể đem đến cho bạn nhiều phiền phức: bạn bực tức, nóng nảy, và như thế là đồng nghĩa rằng bạn đang khổ đau. Trong nhiều trường hợp, nếu bạn thiếu sự chú tâm, bạn quên lãng thì cũng có thể đem lại khổ đau cho cả những người xung quanh.
 

Thất niệm đưa đến khổ đau

 

Câu chuyện thứ nhất:

Trong ngày tu niệm Phật một ngày, có cô Phật tử kia đi xe máy đến chùa. Sau khi đưa xe vào khu vực bãi xe nghĩa trang, cô nhanh chân bước vào giảng đường vì đã sắp đến giờ thuyết pháp. Vội quá, cô quên rút chìa khóa xe. Các cô chú công quả phụ giữ xe, đi kiểm tra thấy chìa khóa, có trách nhiệm rút ra giữ, tránh tạo cơ hội cho kẻ gian lấy cắp.

Buổi chiều, khi ngày tu niệm Phật kết thúc, Phật tử lấy xe ra về. Ngồi trên máy quẹt thẻ, tôi thấy có cô Phật tử đẩy chiếc xe máy với vẻ mặt mệt mỏi kèm theo những lo lắng. Nhìn cô, chúng tôi hỏi:

- Xe bị hư hả cô?

Cô đáp:

- Dạ không ạ! Con bị mất chìa khóa xe, không biết nó rơi ở đâu. Con đi kiếm mấy vòng trong chùa, lên tận khu giảng đường, những chỗ đã đi, vào cả văn phòng cũng không có. Sư có biết gần đây có chỗ nào sửa xe không?

Tôi nói:

- Gần đây thôi, phía sau cô đó.

Cô đáp:

- Sư cứ nói vui.

- Sư nói thiệt chứ vui gì. Cô nhìn lại sau lưng, phía cái cột xem có chìa khóa xe không?

Để xe một góc, tiến lại gần, cô nhìn thấy chìa khóa xe.

- A…  đây rồi sư ơi! Con mừng quá! Vậy mà con đi kiếm mấy vòng trong chùa. Con nghĩ chắc là phải ra tiệm sửa xe cắt khóa quá à.

- Xin lỗi cô. Cô thông cảm. Để an toàn cho bãi xe, các cô chú phụ giữ xe thường đi kiểm tra. Nếu khách quên chìa khóa thì rút ra và đem lại đây, ai mất thì tới nhận. Tránh trường hợp nhiều vị gởi xe mà bỏ cả thẻ xe, giấy tờ xe vào cốp xe thì nguy hiểm lắm, việc này sẽ tạo cơ hội cho kẻ gian lấy cắp xe, nhất là khi đông xe rất khó kiểm soát.

- Dạ lỗi ở con, con thiếu chánh niệm. Khi sáng vào gởi xe, con chỉ nghĩ đến việc nhanh chân vào nghe pháp mà không chú tâm vào việc phải rút chìa khóa xe. Con nghĩ nghe pháp quan trọng hơn những việc khác, nên con quên, kết quả làm con đi kiếm muốn chết.

- Nghe pháp cũng quan trọng, gởi xe cũng quan trọng không kém. Khi mình làm bất kỳ việc gì thì cũng phải chú tâm trọn vẹn, chú ý vào việc mình đang làm. Đừng coi thường những việc nhỏ, nó có thể đem lại khổ đau cho mình và khổ đau cho người đấy. Cô thấy chưa, nếu mình không chú tâm, không để ý vào công việc mình đang làm thì mình gặp phiền phức liền.

Câu chuyện thứ hai:

Có cô kia cũng lớn tuổi, cứ đi qua đi lại mấy vòng, hình như cô đang tìm cái gì đó. Thấy lạ, chúng tôi hỏi:

- Cô tìm gì? Xe máy hay mất thẻ?

Cô đáp:

- Dạ! Tìm xe mà không thấy.

- Vậy khi vào gởi xe, cô để xe ở đâu?

- Dạ! Con nhớ là con để gần cái rào chắn của sư, mà bây giờ tìm hoài không thấy.

- Vậy khi sáng cô vào gởi xe lúc mấy giờ.

- Khoảng hơn 7 giờ sáng á sư.

- Ối giời ơi! Thế thì cô đi xuống gần cái máy quẹt thẻ kia là thấy à. Cái rào chắn này con di chuyển mấy lần rồi, đâu còn là cái chỗ khi sáng mà cô tìm, cô có tìm đến mai cũng không thấy. Cô phải nhớ số thứ tự được ghi trên bức tường kia kìa. Ai lại đi nhớ cái xe gần hàng rào chắn, thế có chết không.

Câu chuyện thứ ba:

Từ khu Tăng xá, tôi đi ra bãi xe. Bước đến văn phòng, tôi gặp thầy Tâm Sỹ. Thầy vừa cười vừa nói:

- Đau hết cả ruột! Buồn cười chết thôi, mà không dám cười lớn. Có cô kia khi ra lấy xe, cô không thấy chiếc vespa của mình và cô nói trong vẻ lo lắng: “Mất xe rồi quý Thầy ơi!”.

Thầy Tâm Sỹ nghe vậy, lo quá:

- Ấy chết! Chiếc vespa đắt tiền lắm, lỡ mất thật thì chết. Không lẽ mới ra phụ trách bãi xe mà đã mất xe rồi.

- Quý chú ngoài cổng đóng cửa bãi xe lại nhanh! – Thầy nói lớn.

- Thế xe cô biển số bao nhiêu, màu gì?

Cô đáp:

- Dạ màu trắng.

Nhìn quanh một lượt, Thầy nói:

- Thế cái xe phía sau cô kìa, có phải xe cô không?

Cô nói:

- Đúng rồi! Vậy mà con tưởng mất xe. Xin lỗi quý Thầy. Con sơ ý quá!

- Ối giời ơi! Ai đời đứng ngay chiếc xe mà kêu mất xe có chết không!

Mấy Thầy đứng gần đó ai cũng lấy tay che miệng, buồn cười mà không dám cười lớn. Đúng là vừa mừng vừa sợ, một phen hú vía. Lần sau cẩn thận nhìn cho kỹ nghe cô.

Câu chuyện thứ tư:

Một bữa kia, khi bước vào nhà tắm, nhìn lên tường, tôi thấy đầy những đốm đen bám trên tường. Không phải do anh em tôi ở dơ, không vệ sinh nhà tắm. Thật tình mà nói là ngày xưa nó được dùng để chứa xà bông, bàn chải, kem đánh răng… Thời gian gần đây, các sư anh dọn dẹp lại nên mới dùng để tắm giặt. Lâu quá không sử dụng nên hơi dơ. Tôi suy nghĩ nay mình làm siêng bữa coi.

Cầm cái bàn chải, tôi làm rất mạnh tay, đưa qua đưa lại, đưa lên đưa xuống. Á! Đau! Hình như mình vừa quẹt qua vật gì thì phải? Tôi buông bàn chải, nhìn xuống cổ tay thì ôi thôi máu đang chảy. Quan sát kỹ, tôi thấy mình vừa quẹt qua cái vòi inox. Cái tay gạt nhọn và sắc quá, vết thương dài khoảng 2cm. Nó bay mất lớp da luôn và bắt đầu chảy máu.

Thật xấu hổ! Tôi tự trách mình thiếu chánh niệm. Chỉ biết vội vàng nhanh chóng làm cho sạch, cho xong mà không quan tâm, để ý đến cái tay gạt nước. Phải chăng, tôi chỉ quan tâm đến kết quả là làm sạch bức tường mà xem thường công việc đang làm. Thế nên, tôi đã phạm sai lầm đáng tiếc. Đúng là làm việc mà thất niệm thì nguy hiểm thật, không khéo có khi mất mạng như chơi.

Một lần, tôi có duyên đọc được cuốn kinh Chuyển Pháp Luân do sư Hộ Pháp soạn, trang 97 có viết: “Khi hành giả thực hành đúng theo pháp hành trung đạo, đó là thực hành pháp hành Tứ niệm xứ, hoặc thực hành pháp hành thiền tuệ với đại thiện tâm trong sạch trung dung trong mỗi đối tượng hiện tại, tuyệt đối không nên thiên về đối tượng nào cả, nghĩa là không nên coi trọng đối tượng này, coi nhẹ đối tượng kia; bởi vì mỗi đối tượng sắc pháp hiện tại, mỗi đối tượng danh pháp hiện tại thuộc về chân, nghĩa, pháp, có thật tánh rõ ràng, đều có sự sinh, sự diệt; đều có ba trạng thái chung: trạng thái vô thường, trạng thái khổ và trạng thái vô ngã như nhau cả thảy; đều có khả năng dẫn đến chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế, chứng đắc Thánh đạo, Thánh quả và Niết-bàn”.

Đoạn kinh này hay quá. Tất cả những hiện tượng, sự vật, con người luôn là những đề mục cho ta quán chiếu. Do mình có tâm phân biệt nên mình không thấy được bản chất như thật của các pháp. Sắc pháp hiện tại, danh pháp hiện tại đều là những đối tượng quán chiếu để đưa đến tuệ giác.

Tâm Triệu

Tin tức liên quan

THEO BỤT TA ĐƯỢC GÌ?
18/10/2024
NGUYỆN THOÁT KHỎI TAI ƯƠNG
16/09/2024
NGƯỜI TU THẬT – TUYỆT ĐẸP
10/09/2024
CHÙA TO – PHẬT LỚN
03/09/2024
Trên ngực con đượm buồn màu bông trắng…
13/08/2024