Tháp Tổ Nhị Nghiêm
Ngôi chùa Hoằng Pháp uy linh
Mái cong ngói đỏ đậm tình quê hương
…
Mái chùa che chở hồn dân tộc
Nếp sống muôn đời của Tổ Tông
Nhắc đến chùa Hoằng Pháp, Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh, không thể không nhắc đến vị Sư Tổ cũng như Tháp Nhị Nghiêm.
Vị Thầy có nhiều tâm huyết cho sự nghiệp Hoằng pháp lợi sinh, hy sinh cả cuộc đời mình để cống hiến cho Đạo pháp, Người đã dày công khai đường mở lối, thắp sáng ngọn đuốc trí tuệ, soi lối cho hàng hậu thế tìm về bến giải thoát, đó là cố Hòa thượng Thượng Chân Hạ Tử.
Ai người đánh thức đêm trường mộng
Ai soi đường lồng lộng ánh từ quang
Ai thắp lửa Bồ Đề tỏa sáng
Đạo vô vi sưởi ấm cả trần gian.
Hòa thượng Ngộ Chân Tử thế danh là Trần Rinh, sinh ngày mùng 3 tháng 3 năm Tân Sửu (1901), tại tỉnh Thái Bình trong một gia đình Nho học, thân phụ là cụ Trần Quán, thân mẫu là cụ Trần Thị Phược. Ngài là anh cả trong số 5 anh em (3 trai, 2 gái).
Vào ngày mùng tám tháng hai năm Kỷ Mùi, Ngài được Tôn sư Hư Không Tử trao truyền quy giới với pháp danh Ngộ Chân Tử.
Năm 1927, Ngài xin phép thầy trở về trùng tu chùa làng tại Cao Mại, Kiến Xương, Thái Bình và thỉnh Tôn sư đến giảng kinh.
Cao đức của Tôn sư và nhiệt tâm của Ngài đã chuyển hóa gia đình quy hướng Phật đạo, đồng tâm xả tục, phát nguyện trai giới tu hành, đem hết tài sản ruộng vườn hiến cúng Tam bảo để mở mang Phật sự.
Ôi! Điều này thật hiếm có người nào làm được như Ngài.
Từ 1929-1932, Ngài đến trùng tu các ngôi chùa Quan Âm, chùa Kiều Bái, chùa Khánh Vân…
Năm1935, Ngài sáng lập chùa Hoằng Pháp ở Kiến An.
Năm 1945 (Ất Dậu), nạn đói tràn lan miền Bắc, Ngài giúp đỡ cơm áo thuốc men cho những người đói, bệnh. Hàng ngày, Ngài cùng với bổn đạo kéo xe đi nhặt các tử thi xấu số không người thừa nhận về mai táng.
Năm 1953, Ngài mở Tùng Lâm Tu Viện và lập Viện Dưỡng Lão ở Hải Phòng.
Năm 1957, Hòa thượng sáng lập ra chùa Hoằng Pháp tại Tân Hiệp, Hóc Môn, làm nơi tu hành và hoằng dương Phật pháp.
Năm 1965, chiến tranh tại Đồng Xoài, Hòa thượng đón nhận 60 gia đình gồm 365 nhân khẩu về chùa nuôi dưỡng 8 tháng và xây cất 55 căn nhà vách tường mái tôn cấp cho đồng bào với đầy đủ các đồ dùng cần thiết trong gia đình.
Năm 1968, Hòa thượng thành lập Giáo Hội Đạo Tràng Thiền Học. Thành lập viện Dục Anh tại Tân Hiệp, Hóc Môn, tiếp nhận cô nhi và bần nhi từ 6-8 tuổi, khoảng 355 em, nuôi dạy miễn phí, rèn luyện đức trí, thể dục để trở thành người hữu dụng cho đất nước.
Năm 1975, Ngài đã mua và hiến 45 mẫu đất tại Tân Tạo, Bình Chánh cho nông trường Lê Minh Xuân.
Từ sau 1975, Hòa thượng vẫn tiếp tục những công tác từ thiện xã hội cho đất nước.
Năm 1988, tuổi đã quá cao, Hòa thượng lâm bệnh, nhưng không chịu tiếp thuốc men và bảo:
“Hãy để tôi về, đừng tiếc nuối gì nữa”.
Ngài đã an nhiên thị tịch lúc 13h30 ngày 16 tháng 10 năm Mậu Thìn, tức ngày 24-11-1988 tại chùa Hoằng Pháp.
Nhìn lại cuộc đời tu học và hành đạo của Ngài, 88 năm trụ thế, 65 tuổi đạo, để lại cho đời một tấm gương vô cùng cao quý của bậc xuất trần thượng sĩ. Một cuộc đời dâng trọn cho Đạo pháp và Dân tộc. Tâm niệm “Hoằng pháp vi gia vụ, lợi sinh vị bổn hoài”, khiến cho Ngài không quản gian lao, không từ khó nhọc trong việc truyền bá Phật pháp, dẫn dắt chúng sinh.
Giới hạnh trang nghiêm, đức độ tác phong mẫu mực, Ngài đã xuất sắc hoàn thành tất cả các công tác Phật sự.
Trong mọi công tác dù việc đạo hay việc đời, bất cứ ở đâu với cương vị nào, Sư Tổ cũng coi đó là phương tiện để hoằng dương Phật pháp, lợi lạc quần sinh.
Ngài đặc biệt quan tâm đến việc làm sao cho tất cả mọi người đều biết đến Phật pháp.
Mặc dù bận rộn rất nhiều công tác Phật sự và từ thiện xã hội, Hòa thượng cũng vẫn không quên việc truyền bá chánh pháp, Ngài đã biên soạn một số kinh sách để ấn tống như: Kinh Nhật Tụng, Quy Giới Hành Trì, Trên Đường Hành Đạo...tất cả đều bằng tiếng Việt để mọi người dễ hiểu và tiếp thu nhanh. Ngài luôn ban vui cho mọi người với nụ cười từ Thiền trên môi và ban trải tình thương đến những người kém phước duyên, thiếu thốn.
Dẫu hôm nay Người đã về cõi Niết bàn nhưng công trạng và tâm nguyện vẫn còn sáng mãi nơi đây. Suốt cuộc đời hành đạo từ Bắc chí Nam, Hòa thượng đã cống hiến trọn đời mình cho Đạo pháp và Dân tộc.
Thật đúng với câu: “xả phú cầu bần, xả thân cầu đạo” vì Hòa thượng ăn thì ăn cơm hẩm, mặc thì mặc áo bô. Dẫu đến lúc gần lìa cõi tạm, vẫn còn chưa thỏa nguyện bình sinh. Mỗi khi các đệ tử gần xa về thăm là người cứ nhắc nhở:
“Hãy tinh tấn tu hành, chuyên cần niệm Phật đừng để vọng niệm theo trần cảnh. Vẫn biết nhị đế phải dung thông, nhưng trong cái tùy duyên với muôn nghìn phương tiện thiện xảo ấy, các con đừng để bị nhận chìm trong tục đế mà phải như đóa sen thanh khiết nơi vùng bùn lầy nước đục. Tuy bất cứ hoàn cảnh hay trạng huống nào vẫn xứng đáng với con dòng họ Thích, đừng phản bội lại lý tưởng của chính mình”.
Ôi! Chính lời dạy sâu sắc và tấm lòng vị tha của Thầy đã tích lũy và trở thành kho tàng công đức vô lượng, một đời trao hết cho chúng con. Có lẽ không bút mực nào viết lên được hết, hàng hậu học chúng con chỉ biết cúi đầu niệm ân. Dẫu thời gian có qua đi nhưng công hạnh của Thầy vẫn còn tỏa ngát mãi cho đời.
Sau khi Sư Tổ viên tịch được một năm thì thầy Thích Chân Tính - người kế vị trụ trì cùng chư Tăng bổn tự xây tháp tổ Nhị Nghiêm để ghi lại đức hạnh của Ngài. Nhị Nghiêm là Phước đức và Trí tuệ trang nghiêm.
Hàng ngày chúng con hay ra Tháp tổ cùng nhổ cỏ, tưới nước, quét tháp, kinh hành niệm Phật, tịnh tọa niệm Phật, để thúc liễm thân tâm trau dồi giới đức, học theo hạnh nguyện của Ngài.
Đi từ cổng chùa vào bên tay phải là tượng đài Bồ Tát Quán Thế Âm, bên tay trái là bảo tháp Nhị Nghiêm, hình ảnh của một bảo tháp uy nghiêm, sừng sững giữa cuộc đời:
“Bóng tháp uy linh giữa cuộc đời
Rêu phong cổ kính nét thiền na
Người đi đức hạnh còn in dấu
Một đóa hoa tâm chợt nở bừng”.
Hy hữu thay, tôn kính thay! Chúng con thật sự rung cảm cúi đầu trước uy đức của Giác linh Sư Tổ cố Hòa thương Ngộ Chân Tử- một bậc chân tu khả kính.
Đứng trước bảo tháp trang nghiêm, mỗi chúng con kính cẩn dâng lên Người nén tâm hương với lòng tôn kính vô biên và niềm tri ân sâu sắc.
Chúng con chỉ được biết tấm gương ngời sáng của Sư tổ qua những dòng sử vàng và qua lời kể của Sư phụ trụ trì chùa Hoằng Pháp. Hình ảnh nhỏ nhắn, dáng người thanh tao, nhưng lúc nào cũng thể hiện một phong thái ung dung, tự tại điềm tĩnh; một tấm lòng bao dung độ lượng; một Tăng cách của bậc xuất trần.
Con người của Sư tổ chân chất như thế đó. Vậy mà có ai biết được dáng người nhỏ bé đó đã làm nên biết bao Phật sự…, cống hiến biết bao công sức, hết lòng phụng sự Phật pháp, lợi Đạo ích đời? Cả cuộc đời Người gắn liền với sự nghiệp Hoằng pháp lợi sinh cho Đạo pháp, cho Dân tộc. Người đặt hết tâm tư, bàn tay, con tim, khối óc, bầu nhiệt huyết và cả tấm lòng bi mẫn vô bờ bến trong công cuộc xây dựng nền móng vững chắc cho ngôi chùa Hoằng Pháp, TP Hồ Chí Minh ngày một huy hoàng rực rỡ.
Ân đức ấy cao vời tựa núi non, sâu thẳm như biển cả, thật không có một thứ ngôn từ nào có thể diễn tả được hết công đức của Người.
Chúng con thật may mắn khi được khoác trên mình chiếc áo của người Phật tử và thật diễm phúc hơn khi được nuôi dưỡng thân tâm bằng những dòng sữa pháp trong môi trường giáo dục ấm tình đạo vị của ngôi chùa Hoằng Pháp này. Chúng con đã thọ nhận nơi đây nhiều ân tình sâu nặng.
Để tưởng nhớ và đền đáp ân đức cao dày của Người và các bậc tiền bối, chúng con chỉ biết cùng nhau cúi đầu, nghiêng mình đảnh lễ và nguyện mãi mãi là người chân tu, thực học, hoàn thành trách nhiệm và bổn phận của người tu học Phật pháp.
“Quét Tháp nhớ Người xưa
Đã dãi nắng dầm mưa
Hy sinh thân vì Đạo
Tỏa rạng hạnh thanh cao”.
Mai này, chúng con mỗi người một phương trời, mỗi người một tâm hạnh nhưng ngọn lửa phụng sự Đạo pháp - Dân tộc của cố Hòa thượng thượng Chân hạ Tử sẽ mãi rực sáng trong từng trái tim bé nhỏ của chúng con và chúng con nguyện sẽ mãi thắp sáng đèn tâm đến mọi người, mọi loài dẫu trải qua bao chông gai, thử thách để gìn giữ mối đạo mầu. Chúng con xin một lòng tri ân Người và các bậc Tôn đức tiền bối.
Dẫu có đi đâu về đâu, mái chùa Hoằng Pháp vẫn là một mái chùa mang nhiều kỷ niệm khó phai mờ trong cuộc đời của chúng con. Nơi đó có tháp Nhị Nghiêm có sư Tổ kính yêu của chúng con:
“Tám mươi tám tuổi đời trọn kiếp người vì chúng sinh lợi lạc
Sáu mươi lăm tuổi đạo trọn đường tu vì Phật pháp trường tồn”.
Hoa Đạo